- Hàng nghìn ý kiến bạn đọc gửi về VietNamNet bức xúc trước thông tin tăng giá xăng 1.000 đồng/lít. Khi giá dầu thế giới tăng, các doanh nghiệp liên tục kêu lỗ, đòi tăng giá nhưng khi giá dầu thế giới giảm thì doanh nghiệp lại giảm giá rất chậm và nhỏ giọt. Đề nghị Bộ Tài chính tính toán, công khai giá thành xăng dầu để người dân biết doanh nghiệp đã “lỗ” như thế nào.
Người dân nghi ngờ thông báo lỗ của DN kinh doanh xăng dầu. (Ảnh VNN)
Người tiêu dùng chồng chất khó khăn
Có lẽ chỉ có ở VN, người tiêu dùng mới phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công đến thế. Thu nhập bình quân của người dân vào loại thấp nhất thế giới mà phải chịu giá sữa cao gấp 3 lần giá sữa trung bình của thế giới. Giá xăng thì hễ cứ doanh nghiệp kêu là nhanh được giải quyết, trong khi bản thân người tiêu dùng không biết được cái gọi là "lỗ" ấy là như thế nào.
Tại sao giá dầu thế giới khi ở mức dưới 40 USD/thùng thì các doanh nghiệp không bán với giá 7.000 – 8.000 đồng/lít? Kinh tế suy thoái mà giá cả cái gì cũng tăng, ở thành thị còn khó sống thế này thì ở các vùng nông thôn còn cơ cực thế nào nữa? Nguyễn Trang, Hà Nội, loan_tn2008@...
Không biết các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phải bù lỗ thực sự không? Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi thấy giá xăng dầu thế giới tăng thì cho tăng giá trong nước rất nhanh nhưng khi giá dầu thế giới giảm thì cho giảm quá chậm và lắt nhắt.
Lần trước, tăng giá xăng đã kéo theo hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Tuy giá xăng sau đó hạ xuống nhưng các mặt hàng tiêu dùng thì không hề hạ. Nay lại tăng giá xăng thì hiển nhiên các doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh, các nhà buôn bán sẽ theo đà đó mà tăng giá hàng tiêu dùng. denymackd@...
Kìm hãm gói kích cầu của Chính phủ
Theo tôi, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ giỏi biện hộ để thu thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp mình. Họ không đặt lợi ích của cộng đồng lên hàng đầu. Biện pháp tăng giá xăng dầu trong thời điểm "nóng bỏng" hiện nay là không tối ưu. Hãy đệ trình Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền giảm thuế nhập khẩu, cắt giảm các chi phí trung gian không cần thiết...
Chính phủ đang thực hiện chính sách kích cầu để ổn định nền kinh tế. Khi giá xăng dầu tăng kéo theo sản phẩm tiêu dùng trên thị trường tăng theo do các doanh nghiệp phải bỏ thêm 1 khoản tiền trong việc phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tất cả người tiêu dùng phải gánh chịu trước việc tăng giá này.
Đã khó khăn càng trở nên khó khăn, việc tăng giá xăng cũng là cản trở không nhỏ đến chính sách kích cầu của Chính phủ. Có lẽ Nhà nước phải xem xét đến việc này, bình ổn giá xăng dầu hiện tại là điều cần thiết và là biện pháp hữu hiệu đưa nước ta thoát nhanh khỏi khủng hoảng kinh tế. Đường Hải Thụ, Hà Nội, duonghaithu@...
Lí do tăng 1.000 đồng/lít xăng là không thuyết phục. Bộ Công thương nên xem xét lại chi phí cho 1 lít xăng khi về tới VN là bao nhiêu, kiểm soát hao hụt, chi phí lương và các loại chi khác. Vì độc quyền nên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không phải vội giảm giá khi giá thế giới giảm mà vội tăng khi nhìn thấy giá xăng dầu thế giới tăng. Cuối cùng, mọi nỗ lực của Chính phủ trong kích cầu đều như muối bỏ biển. Khi giá đầu vào tăng, cầu sẽ giảm và chúng ta lại đứng trước nguy cơ mới trong kích cầu để tăng trưởng. Bá Tuấn, Hà Nội, Leduan118@...
Tôi thực sự bức xúc khi các doanh nghiệp cứ liên tục đòi tăng giá khi giá xăng dầu thế giới tăng. Khi giá dầu thô giảm 40 USD/thùng thì có thấy doanh nghiệp nào đòi giảm giá xăng dầu vì lãi nhiều quá không? Lỗ ở đây là lỗ thật hay ảo? Cần phải xem xét lại vấn đề này, cứ tăng giá thế này thì bao giờ Việt Nam mới kìm chế được lạm phát? Trường Giang, Hải Dương, nguyentruonggiang91@...
Đề nghị doanh nghiệp công khai giá xăng dầu
Bộ Tài chính nên liệt kê đầy đủ các loại thuế xăng dầu, các khoản do công tác điều hành, vận chuyển xăng dầu phát sinh rồi tính toán, đưa ra giá thành xăng dầu cho người dân biết. Riêng cá nhân tôi không phản đối điều hành giá cho sát với thế giới nhưng chính sách này đã vận hành ra sao?
Người dân vẫn là người chịu trận, lúc giá xăng dầu thế giới lên thì giá trong nước tăng vù vù, còn khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh thì giá trong nước giảm nhỏ giọt. Nhà nước hãy là người điều hành giá theo cơ chế thị trường hoặc là không để độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Nguyen Tai Tien, Cầu Giấy, Hà Nội, taitien1@...
Người lao động, làm công ăn lương là khổ nhất khi nghe tăng giá (bất cứ tăng giá gì). Việc tăng, giảm cũng phải theo quy luật. Khi giá xăng dầu thế giới giảm thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu giậm chân tại chỗ, khi giá tăng thì các doanh nghiệp xúc tiến tăng thật nhanh và cũng rất nhanh được sự đồng thuận. Nếu cứ vin vào cớ lỗ thì các doanh nghiệp nên nhìn nhận lại cách quản lý như chi phí kho bãi, hao hụt, mất cắp, chi phí hoa hồng, đại lý, trung gian, môi giới... Đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hãy minh bạch mọi việc để người dân dễ “thông cảm”. Nguyễn Lan Hương, Hà Nội, nglanhuong123@...
Chỉ cần làm một phép tính nhỏ thôi, khi giá dầu thế giới là 147 USD/thùng thì giá xăng tăng lên mức 19.000 đồng/lít để hết lỗ. Vậy bây giờ, giá dầu thế giới đã giảm còn khoảng chưa tới 50% nhưng tại sao giá xăng trong nước vẫn ở mức cao 14.000 đồng/lít? Tại sao tôi chưa bao giờ thấy chuyện lời lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được công bố rõ ràng? Nguyễn Thị Huệ, TP.HCM, dvt_225_bn@...
Mong Chính phủ bình ổn giá cả thị trường
Tôi không hiểu vì sao các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều bị lỗ mà lương và thưởng của nhân viên cao hơn so với những doanh nghiệp khác. Điều này làm cho chúng tôi nghi ngờ về việc báo lỗ của các doanh nghiệp xăng dầu.
Xăng dầu tăng, giá cả những mặt hàng khác tăng theo, điều này thực sự gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Nhà nước nên có chính sách cụ thể để bình ổn giá cả, đặc biệt là giá xăng dầu vì đây là mặt hàng thiết yếu nhằm giúp cho đời sống của nhân dân đỡ khó khăn hơn. Lê Thị Thanh Thuỷ, Đà Nẵng, thuyledng2007@...
Tại sao Nhà nước không nghĩ đến lợi ích của người tiêu dùng? Giá xăng tăng sẽ kéo theo đồng loạt các mặt hàng khác tăng theo. Người kinh doanh luôn dựa vào lí do giá xăng tăng để tăng giá các mặt hàng khác. Và cuối cùng người chịu thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng. Chúng tôi tha thiết mong các cấp lãnh đạo hãy quan tâm hơn đến lợi ích của người dân mà bình ổn giá cả thị trường. Nguyen Thi Thu, Kiến An, Hải Phòng, thunguyen_vnn@...