221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1215950
Một lần tới Long Xuyên
1
Article
null
Một lần tới Long Xuyên
,

 - Ai đã từng một lần đến Long Xuyên - quê hương của người cộng sản kiên cường họ Tôn, có lẽ sẽ không bao giờ quên được mảnh đất miền Tây đầy nắng, nhưng cũng lôi kéo lòng người bởi sự pha trộn diệu kì của màu trắng Hậu Giang, màu xanh của những vườn cây ngút ngàn và con người nhiệt tình, thân thiện.

Quen với cảnh tấp nập của chốn Hà thành sôi động, khung cảnh đẹp như thơ và yên bình đến lạ của Long Xuyên đã níu lòng du khách ngay ở cái nhìn đầu tiên. Tôi say sưa ngắm nhìn không chán những con đường nhỏ với hai hàng cây rủ bóng, những quán “cà phê võng” vừa lạ vừa gợi vẻ êm đềm của vùng quê, những ngôi nhà dựng trên những trụ cột trên mặt đầm… Tất cả đều khiến tôi ngơ ngác và thích thú như đứa trẻ lần đầu được mẹ dẫn đi chơi.

Đó là những công viên ở ngay giữa hai lối quan lộ, là sự thoải mái tận hưởng cái mát mẻ và trong lành của thành phố về đêm.

Ở Long Xuyên có cái riêng mà chưa nơi nào tôi đi qua có được, đó là những chiếc ghế đá xinh xắn và mát rượi đặt ngay trước cửa mỗi gia đình. Người bộ hành có thể ngồi nghỉ thoải mái mà không phải nhận sự càu nhàu của gia chủ. Nhà nào ít thì cũng có một chiếc ở cửa, nếu không, thì có nguyên một bộ bàn ghế đều bằng đá đẹp tuyệt vời.

Một góc chợ nổi Long Xuyên (Ảnh: Hoàng Thùy)

 

Tôi nhớ những phiên chợ nổi trên sông kéo dài hàng cây số. Những chiếc ghe chở đầy các loại hoa quả nối tiếp nhau kéo dài, nhộn nhịp cả một khúc sông. Tôi thắc mắc về những loại quả được treo cao trên một cái que, cột chặt vào ghe, người lái ghe với giọng nói ngọt ngào vùng Nam Bộ cho biết, đó là dấu hiệu để biết được ghe đó bán loại quả gì.

Tôi nhớ khu nhà bác Tôn, nơi lưu lại dấu ấn một thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động cách mạng của bác. Từ bến phà Ô Môi, ngồi ghe lướt trên dòng sông Thoại Hà đỏ nặng phù sa chừng 10 phút, tôi đã có mặt trước khu nhà bác Tôn. Ở đây có khoảng mười hạng mục công trình như nhà tưởng niệm bác Tôn, khu lưu niệm, công viên, phòng trưng bày những kỉ vật của bác với hơn 100 bức ảnh và trên 30 hiện vật.

Tôi đặc biệt thích thú với chiếc xe đạp mà bác từng đi, chiếc xe ô tô và chiếc chuyên cơ đã từng chở bác Tôn cùng những nguyên thủ quốc gia từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh dự buổi lễ trọng đại giải phóng miền Nam. Khu nhà bác Tôn thực sự đi vào tâm trí tôi bởi nó như một bức tranh rất thật về cuộc đời bác, vừa như một bức tranh thuỷ mặc hút hồn du khách.

Tôi nhớ Long Xuyên bởi nhớ những con đường mang mùi hương riêng biệt. Nhớ con đường ra hồ Nguyễn Du - một hồ nước trong veo giữa lòng thành phố. Chân bước đi mà hồn thì níu lại bởi hương ngọc lan thoang thoảng và màu tím đợi chờ của những cánh bằng lăng.

Nhớ con đường ra quảng trường Hai Bà Trưng với hoa sứ tinh khôi, nồng nàn. Đứa bạn tôi tức cảnh mà cất lên câu hát “đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng”, nghe vừa xa, vừa gần, gợi cảm giác vu vơ khó tả.

Tôi nhớ con đường “mùa thu lá bay” mà một bạn sinh viên trường Đại học An Giang đã chỉ cho tôi và nói “chị phải đến đây mới thấy hết cái đẹp của Long Xuyên, hôm nào đi học về em cũng phải ghé qua đó”. Quả thật, con đường này rất đẹp bởi sự điểm tô của những hàng cây xanh biếc, tiếng chim hót líu lo và những thảm cỏ mượt mà. Ngay bên cạnh đó là công viên tình nhân thơ mộng, nơi hẹn hò của những bạn trẻ đang yêu.

Tôi nhớ nhà thờ Chánh toà Long Xuyên mang nét uy nghi và thánh thiện tọa lạc trên đường Nguyễn Huệ. Đây là một công trình nghệ thuật được thiết kế chỉ có tường bao quanh với mái nhà mà không cần một cây cột nào chống đỡ. Mỗi lần được đến nhà thờ, tôi lại thấy tâm mình tĩnh lại, lắng nghe đời và lắng nghe mình rõ hơn.

Ở Long Xuyên, tôi cảm nhận được sự thân thiện của cả đất và người. Đáng nhớ biết bao một nhà báo già chưa hề biết tôi - một sinh viên báo chí là ai, vẫn nhiệt tình dẫn tôi đi tác nghiệp. Tôi vô tình đụng đến nỗi đau của chú khi hỏi chuyện gia đình, hỏi cô và các em. Tôi đâu ngờ, chú đã gà trống nuôi con suốt 13 năm qua.

Tôi nhớ, có người đàn ông đã 31 năm trời bán kem 3 màu trên một góc phố. Giá một cốc kem cũng thật bất ngờ: nếu như ở trên phố, người ta phải trả 40.000đ thì ở cái quán nhỏ này, bạn chỉ phải trả 1/10 số tiền đó để có một ly kem ngon.

 

Trò chuyện với chú, tôi hiểu rằng đó là người am tường mọi chuyện, từ lịch sử đến cuộc sống. Chú là hội trưởng hội nhiếp ảnh An Giang, nhưng chỉ thích người ta biết đến mình với cái tên chú Năm bán cà rem. Tôi thích mỗi tối được ra bán kem cùng chú, nghe chú kể về những chuyến đi và ăn cốc kem 3 màu mát lạnh, thơm bùi của lạc rang.

Trở về Hà Nội, trở về với nhịp sống thường ngày ồn ào và náo nhiệt, tôi vẫn ao ước một lần được trở lại Long Xuyên, để được về với mảnh đất miền Nam ruột thịt, để tìm lại mảnh hồn còn vương vấn, để làm dịu nỗi nhớ thương. 

  • Hoàng Thùy


     
    Gửi bài cảm xúc quê hương tại đây!

     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,