221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1218362
Tự sự của một nội tướng về hàng... Trung Quốc
0
Article
null
Tự sự của một nội tướng về hàng... Trung Quốc
,

 - Không phải kỳ thị hàng Trung Quốc nhưng tôi thấy rõ ràng là tính về kinh tế, sử dụng các sản phẩm của Việt Nam hơn đứt sản phẩm của nước bạn. Hơn nữa, có một điều tôi phải đắn đo khi mua hàng Trung Quốc, chính là lòng tự tôn dân tộc.

 

Là nội tướng trong gia đình, tôi thường xuyên phải mua sắm tất tần tật mọi thứ từ cái kim sợi chỉ, quần áo, giày dép cho đến cái phích nước, cái quạt điện... để sử dụng trong nhà. Tuy nhiên, tôi không biết các bà nội trợ khác nghĩ gì, riêng bản thân tôi thường tâm niệm một điều là “bất đắc dĩ lắm mới phải mua hàng Trung Quốc”.

 

Không phải là tôi có tâm lý kì thị gì hàng hoá của Trung Quốc, nhưng có 3 lý do khiến tôi có suy nghĩ như vậy.

 

Thứ nhất là trước đây đã không ít lần tôi mua phải hàng Trung Quốc chất lượng kém, nhanh hỏng hóc, tiền mất mà của cũng sớm ra đi.

 

Thứ hai là thời gian gần đây tôi đã đọc được nhiều thông tin về tình trạng kém chất lượng, thậm chí độc hại của một số sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc như tình trạng sữa bột nhiễm melamine, quần áo, đồ dùng trẻ em Quảng Đông chứa hoá chất độc, hoa quả Trung Quốc có chứa chất bảo quản…

 

Và một điều nữa khiến tôi phải đắn đo khi rút ví tiền mua hàng Trung Quốc đó chính là vì lòng tự tôn dân tộc. Dường như tận trong đáy lòng tôi vẫn cảm thấy áy náy khi mua hàng ngoại mà thờ ơ với hàng sản xuất trong nước. 

 

Rủi ro vì hàng không nguồn gốc

 

Thỉnh thoảng tôi có đọc một số bài báo hoặc thông tin ca ngợi chất lượng hàng Trung Quốc và than phiền về chất lượng hàng Việt Nam. Bài báo “Tìm mua hàng Việt Nam sao khó quá” của tác giả Lê Đức Tấn đăng trên VietNamNet ngày 27/06/2009 là một ví dụ.

 

Trong bài báo này tác giả viết: “Nhìn sản phẩm của họ, tôi phải thán phục, mẫu mã đa dạng và rất đẹp, giá rẻ, rất phù hợp với túi tiền của người dân. Nhìn sang bát sứ Hải Dương, tôi thấy chán vô cùng, mẫu mã thì ít, hình thức thì thô và khô khan không muốn nhìn”.  

 

Tôi thấy những điều mà tác giả Lê Đức Tấn cũng như các tác giả khác đề cập có phần đúng nhưng chưa đủ, chưa hoàn toàn chính xác và có cả phần “oan uổng”. Bởi lẽ hàng Việt Nam cũng có những sản phẩm đáng để người tiêu dùng để mắt đến lắm chứ thay vì cứ nhăm nhăm vào hàng hoá Trung Quốc.

 

Quạt Trung Quốc lấn át quạt Việt Nam trên thị trường. (Ảnh: giadinh.net)

Chẳng hạn khi đi mua phích đựng nước nóng, bà bán hàng giới thiệu cho tôi phích nước của Trung Quốc với giá khoảng 50 nghìn đồng một chiếc, trong khi đó phích nước Rạng Đông của Việt Nam là 60 nghìn đồng.

 

Hai sản phẩm giá cả chênh lệch nhau chút ít, mẫu mã cũng tương đương nhau, đương nhiên là tôi chọn sản phẩm của Rạng Đông vì dù sao nó cũng là sản phẩm uy tín lâu năm ở trong nước, còn hơn là mua sản phẩm ở tận đâu mà mình không hay biết gì về nguồn gốc.

 

Hoặc khi đến cửa hàng quần áo để mua quần áo cho con, tôi luôn luôn cảm thấy hài lòng với những sản phẩm của Dệt kim Đông Xuân, Hanosimex và các nhà sản xuất khác trong nước, chất lượng, mẫu mã của những sản phẩm này cũng khá tốt mà giá cả cũng rất hợp lý.

 

Trước đây có nhiều lần cũng chỉ vì hoa mắt trước mẫu mã và ham giá rẻ hàng Trung Quốc mà tôi đã “dính” phải hàng rởm kém chất lượng. Tôi nhớ mãi cái lần mình đi mua quạt điện. Lúc ở nhà ra đi tôi đã dự định mua chiếc quạt Điện cơ Thống Nhất. Nhưng khi đến cửa hàng bán quạt, thấy người bán hàng cứ giới thiệu những chiếc quạt của Trung Quốc đủ kiểu dáng rất bắt mắt, giá cả lại rất mềm, thế là tôi xiêu lòng và ẵm ngay một chiếc quạt cây hàng Trung Quốc về nhà.

 

Dùng chiếc quạt được vài hôm thì bỗng nhiên thấy nó cứ kêu long sòng sọc rồi ngừng quay. Vậy là tôi đành phải đi tìm thợ sửa quạt. Sửa được vài hôm quạt lại hỏng. Tôi đành bấm bụng vứt xó chiếc quạt, vậy là mất cả chì lẫn chài vì tham đẹp, tham rẻ. Từ đó nếu định mua quạt điện tôi cứ nhắm sản phẩm “cây nhà lá vườn” Điện cơ Thống Nhất Vinawind mà dùng, nhất quyết không ngó ngàng đến mấy cái quạt không rõ nguồn gốc xuất xứ kia nữa.

 

Hay đơn giản như khi đi mua chiếc màn chụp cho bé, tôi cũng được bà bán hàng quen biết giới thiệu, có hai loại màn chụp của Trung Quốc và của Việt Nam. Mẫu mã, chất lượng hai loại này thì tương đương nhau nhưng sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn gần 10 nghìn (khoảng 30 nghìn), tôi bèn chọn sản phẩm của Trung Quốc.

 

Chiếc màn chụp đó khi mang về nhà tôi sử dụng rất cẩn thận cũng chỉ được 2 tháng là hỏng gọng, rách vải. Vậy là tôi lại phải đi ra cửa hàng mua một chiếc màn chụp khác của Việt Nam, chiếc màn này giá đắt hơn chiếc màn hàng Trung Quốc một chút (khoảng gần 40 nghìn) nhưng tôi đã sử dụng nó được tròn năm mà vẫn còn tốt nguyên, chưa phải mất tiền lo thay cái khác.

 

Từ những kinh nghiệm nhớ đời trên, tự nhiên tôi cảm thấy cần phải thận trọng với hàng hoá có chữ Made in China. Ngay cả sản phẩm bát đũa Trung Quốc được tác giả Lê Đức Tấn ngợi khen tôi cũng cảm thấy có vấn đề. Có lẽ sản phẩm tác giả đề cập đến ở đây là hàng bát đũa Trung Quốc cao cấp có chất lượng tốt.

 

Tôi được biết bát đĩa hàng Trung Quốc loại bình dân thường chỉ dùng được một thời gian ngắn, ban đầu màu sắc còn bắt mắt, về sau các sản phẩm này phai hết màu và trầy xước, hình thức xuống cấp rất nhanh. Ngoài ra, bát đĩa hàng Trung Quốc loại này có vẻ khá giòn nên chỉ cần va đập nhẹ là bị mẻ, bị vỡ.

 

Dùng sản phẩm chén bát của Bát Tràng hay Hải Dương tuy mẫu mã không phong phú bắt mắt bằng hàng Trung Quốc, giá cả lại có phần cao hơn chút ít nhưng lại rất bền. Nếu tính về kinh tế thì rõ ràng là sử dụng các sản phẩm trong nước hơn đứt sản phẩm của Trung Quốc. Hơn nữa, với tôi, khi cầm chiếc bát đôi đũa được nặn nên từ hòn đất, cái cây của quê nhà, bữa cơm gia đình dường như ấm cúng, ngon lành hơn.

 

Hàng Việt Nam, hàng Trung Quốc hay hàng bất cứ quốc gia nào cũng có cái hay, cái dở riêng của nó. Tuy nhiên, là người Việt Nam sống trên đất Việt Nam, tôi vẫn muốn dùng hàng nội, do chính người lao động Việt Nam sản xuất ngay trên đất nước mình.

 

Và tôi luôn luôn mong muốn là hàng Việt Nam sẽ cải tiến chất lượng để “người Việt dùng hàng Việt”, như báo chí vẫn kêu gọi hằng ngày.

  • Thanh Mai

---------------

 

Ý kiến bạn đọc:

 

Nguyễn Vũ Phong, TP Vinh, Nghệ An, vuphongdh.nguyen@...: Hãy tự hào với hàng Việt Nam. Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của chị Thanh Mai. Tôi rất buồn là dân ta thiếu tính cộng đồng và nhiều người thiếu tính tự tôn dân tộc. Riêng tôi tôi vẫn thích hàng nội.

Nguyễn Thuý Hằng, TP.HCM: Lúc này, người Việt hãy dùng hàng Việt. Không phải ai cũng ý thức được và hiểu được những điều Thanh Mai vừa nói, tôi cũng có chung một suy nghĩ như chị và mong rằng mọi người dân Việt Nam hãy ủng hộ cho các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách dùng hàng Việt. Và tôi cũng mong rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên năng động hơn và hướng nhiều hơn về lợi ích của người dân trong nước, tạo cho họ niềm tin vào chất lượng hàng Việt Nam. Đừng để tình trạng sản phẩm đầu tiên thì tốt, chất lượng thật sự, đến vài tháng, vài năm sau thì ôi thôi chán...

 

Hàng Việt Nam nên bình dân, chất lượng mà giá cả hợp lý thì không người dân nào có thể thờ ơ được. Bản thân tôi đây cũng rất ủng hộ hàng Việt Nam nhưng đôi khi cũng thật sự sốc vì giá cả hàng Việt Nam chất lượng cao. Hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam hãy liên minh cùng nhau trong cuộc chiến tranh giành thị trường Việt Nam, đừng để tình trạng người Việt chán hàng Việt.

Thu Trà, TP Hồ Chí Minh, bagiaquanchat@...:
Người Việt Nam sao không dùng hàng Việt Nam? Tôi là dân Bắc chính cống, nhưng vì điều kiện gia đình nên đã di chuyển vào TP.HCM sinh sống. Khi mới vào TP.HCM (năm 2005), tôi thấy người dân miền Nam khi đó còn hay sử dụng cam, quít Trung Quốc đóng thùng, thậm chí họ đi thăm người ốm cũng bằng cam quít Trung Quốc, vì loại này mẫu mã đẹp, vàng trông bắt mắt.

 

Tôi đã phải giải thích với nhiều người quen để họ hiểu về sự nguy hiểm của hàng Trung Quốc, thậm chí tôi đã để những loại hoa quả đó hàng tháng mà vẫn tươi nhưng bên trong đã bị hỏng để chứng minh về sự nguy hại của các loại hoa quả Trung Quốc này.

 

Còn với các hàng hoá gia dụng, thì nên dùng hàng Việt Nam chất lượng cao, chịu khó tìm hiểu về xuất xứ nơi sản xuất của các công ty đã đăng ký về hàng hoá trong nước. Những hàng gì cần mua mà Việt Nam chưa có thì cố gắng tiết kiệm để mua hàng của các nước khác như Nhật, Hà Lan... để sử dụng an toàn và thời gian bảo hành lâu hơn.

Trần Hoài Nguyên, Tam Quan, Bình Định, nguyentranhoai@...:
"Người Việt dùng hàng Việt " câu nói đơn giản, cách thực hiện cũng rất đơn giản. Nhưng trong thời gian qua, trên nhiều số báo, tôi chẳng thấy người ta đề cập đến vấn đề này. Có lẽ báo chí luôn bận bịu với những thông tin để làm hấp dẫn bạn đọc như ca nhạc, ca sĩ, hoa hậu, người mẫu... hơn là những thông tin đi vào bữa ăn và sự tiêu dùng hàng ngày của mọi người. Biết bao nhiêu thông tin được cổ động, quảng cáo nhưng những dòng chữ bình thường “người Việt dùng hàng Việt” thì tôi hầu như chưa thấy trên hệ thống thông tin đại chúng. Không hiểu ai là người có trách nhiệm?
 

Nguyễn Thu, Đống Đa, Hà Nội...: Cháu rất thích bài viết của bác, đúng như những suy nghĩ của cháu về hàng Việt Nam. Khi mua bất cứ đồ vật gì, từ cái khăn mặt đến đồ dùng gia đình, cháu luôn chọn những hàng hóa có tên tuổi trong nước còn hơn mua hàng Tàu. Cháu rất ác cảm với những thứ bắt chước, đồ nhái. Mình là người Việt Nam, nên ủng hộ hàng trong nước thì mới có khả năng thúc đẩy các công ty trong nước lớn mạnh được.

Ella, Hà Nội, rua1408@...: Riêng bát đĩa, nếu có tiền thì mua hẳn đồ của Mỹ hay Tiệp còn không thì sứ cao cấp Bát Tràng quá đẹp chứ không nên mua bát đĩa Trung Quốc vì là đồ để mình ăn hàng ngày. Mấy cái bát Made in China ở nhà mẹ chồng em nhìn cũng trắng muốt dày dặn nhưng hôm làm món hấp cho vào bát đem hấp đến lúc nấu xong lấy ra thì hoa văn viền quanh bát đổi màu hết chẳng hiểu là dùng chất hóa học gì?

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,