- Xăng dầu, giáo dục là những vấn đề thu hút được nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong tuần qua. Các vấn đề như hàng Việt Nam, nghỉ làm thứ 7, phim truyền hình... cũng nhận được nhiều trao đổi của bạn đọc.
Các doanh nghiệp xăng dầu cần công khai tài chính
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng khác. Việc các công ty kinh doanh xăng dầu than lỗ và đề nghị tăng giá là vấn đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc trong tuần qua.
Giá xăng dầu Việt Nam cao hay thấp so với giá mặt bằng thế giới là câu hỏi mà bạn Vo Van Dung, Daklak, vandung_thienan@... muốn gửi các nhà quản lý: "Có thể nói đây là một câu hỏi mà các nhà quản lý phải chịu trách nhiệm trả lời trước người tiêu dùng. Chính phủ đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nhà máy lọc dầu khu công nghiệp Dung Quất, mục đích chính là để có thể lọc dầu thô khai thác trong nước, tránh hiện tượng phải bán dầu thô ra nước ngoài, rồi nhập lại xăng dầu đã lọc từ nước ngoài về, dẫn đến người tiêu dùng phải dùng giá xăng dầu cao do chi phí vận chuyển và các chi phí khác đi kèm…
Qua gần 10 năm đầu tư, đến khi nhà máy lọc dầu khu công nghiệp Dung Quất chính thức đi vào hoạt động thì người tiêu dùng được nghe các nhà quản lý trả lời giá xăng dầu trong nước có thấp hơn giá xăng dầu đã nhập trước đây, nhưng khoản chênh lệch trên sẽ nộp vào quỹ dự phòng, phòng khi giá xăng dầu thế giới cao sẽ trích quỹ dự phòng để bù lỗ cho các doanh nghiệp xăng dầu.
Đến nay, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cứ rục rịch tăng giá, thử hỏi tại sao các nhà quản lý không trích quỹ dự phòng để bù lỗ cho các doanh nghiệp mà lại cho phép tăng giá xăng dầu, không lẽ cứ bắt người tiêu dùng gánh chịu mãi như thế này sao?".
Người dân nghi ngờ thông báo lỗ của DN kinh doanh xăng dầu. (Ảnh VNN) |
Bạn Trần Bá Cương, Trần Duy Hưng, Hà Nội, cuonghabubank@... nêu ý kiến: "Hiện nay, chúng ta chưa minh bạch hoá trong việc kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp này cần phải được kiểm toán độc lập như những doanh nghiệp khác. Cần công bố công khai cho nhân dân biết báo cáo tài chính và các khoản chi phí của doanh nghiệp. Hằng ngày, cả nước ta tiêu thụ bao nhiêu nghìn lít xăng dầu, ngân sách Nhà nước ở đâu ra để bù lỗ nhiều thế?".
"Mọi sự giải thích, biện minh đều được lấy các số liệu, căn cứ nửa vời, lơ lửng mà không dựa trên các căn cứ gốc. Tại sao không đưa ra một bản tính đầy đủ từ giá nhập, các loại thuế, các loại phí, cả mức lợi nhuận... để chứng minh điều cần giải thích. Có như vậy mới đạt sự minh bạch, có sức thuyết phục và còn giúp các cơ quan chức năng tìm được giải pháp thích hợp trong quản lý và điều hành. Thật tiếc là tiêu chí "thị trường" chưa đúng với bản chất của nó", trao đổi của bạn Lion127, Nam Định, Lion@...
Tôi cho rằng việc điều hành quản lý của ta hiện nay vẫn theo kiểu "xin-cho", ý kiến của bạn Phạm Luân, Hải Dương, luanpham67@...: "Doanh nghiệp kêu lỗ-lãi, chúng ta không kiểm soát được. Tại sao không thể công khai cấu thành giá để dân biết và thông cảm, chia sẻ. Từ trước tới nay, việc phân tích giá chỉ do một số cá nhân mà chưa bao giờ có thông tin chính thức từ doanh nghiệp hay các cơ quan quản lý".
Kinh doanh xăng dầu lỗ nhưng... vẫn hoạt động?
Khi các công ty xăng dầu luôn than lỗ và đề nghị xin tăng giá thì một số ý kiến đặt câu hỏi tại sao các công ty xăng dầu luôn báo lỗ. Nếu nói vậy thì từ khi bắt đầu kinh doanh đến thời điểm hiện nay thì các công ty xăng dầu đều lỗ và móc tiền túi ra trả cho dân hay sao? Bạn Ngô Thị Kim Ngân, Nguyễn Kiệm, P3, Phú Nhuận, TP.HCM, ngan8522@... viết: "Các công ty xăng dầu đều than lỗ, nhưng sao thấy các cây xăng không ngừng tăng? Kinh doanh mà nếu lỗ vậy thì sao lại kinh doanh, mở rộng hoạt động nhiều như vậy? Không thể chấp nhận sự lý giải như thế".
"Tính trên cả nước ta chắc có khoảng trên vài triệu cây xăng dầu đang hoạt động. Ngày nào đọc báo, tôi cũng thấy kinh doanh xăng dầu đều than lỗ, lỗ trung bình 1 lít xăng từ 1.500đ - 2.000đ. Như vậy, 1 ngày 1 cây xăng lỗ trung bình cũng khoảng từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Lỗ cao như vậy mà các cây xăng vẫn cứ hoạt động đều đều và ngày một mở rộng quy mô kinh doanh? Không biết các cơ quan chức năng nghĩ gì về đều bất hợp lý này?", ý kiến của bạn Võ Đình Quốc Đạt, Quảng Ngãi, vodinhquocdat@...
Giá xăng dầu trong nước tăng giảm không đồng nhất
Bạn Nguyễn Thái Bổn, Phan Thiết, nthaibon@... phản ánh: "Khi giá xăng dầu thế giới giảm, các doanh nghiệp đầu mối không khi nào giảm theo liền, mà để thời gian rất lâu nếu giá xăng dầu thế giới không tăng lại thì mới giảm cho người tiêu dùng. Lý do đưa ra là nhập với giá cao về nhiều, chờ bán hết với giá cao đã. Nhưng khi giá xăng dầu thế giới tăng thì khoảng vài ba ngày giá xăng dầu trong nước tăng lên ngay. Sao các doanh nghiệp đầu mối không bán giá nhập trước đó cho người tiêu dùng bớt khổ? Có công bằng và sòng phẳng không?".
"Xăng dầu chỉ có lên chứ không thấy xuống, mỗi khi giá dầu thế giới nhích lên là doanh nghiệp xăng dầu lại xin tăng giá, nhưng khi giá dầu giảm thì không thấy doanh nghiệp xin điều chỉnh giảm giá bán, như vậy sao gọi là hoạt động theo cơ chế thị trường. 500đ -1000đ/1lít cho mỗi lần tăng là không nhiều nhưng tăng liên tục, trong vòng 2 tháng đã tăng 4 lần như vậy có hợp lý không? Đã có cơ quan kiểm toán nào hay cơ quan có thẩm quyền nào kiểm tra báo cáo tài chính của các doanh nghiệp xăng dầu chưa để biết được là lỗ thật hay lỗ ảo?", ý kiến của bạn Thanh Tam, Cách Mạng Tháng 8, TP.HCM, hoanghaphongvan@...
Bạn Nguyễn Văn Hiếu, TP.HCM, nvhieu207@... đồng tình: "Doanh nghiệp khi nào cũng than lỗ, xin tăng giá, vậy khi giá xăng dầu thế giới xuống, doanh nghiệp có chủ động đề nghị giảm giá hay không, đợi đến lúc báo chí các cơ quan chức năng vào cuộc mới giảm giá. Tôi nghĩ, nên để giá xăng dầu theo cơ chế thị trường không có sự can thiệp của nhà nước vào quản lý giá như vậy tính cạnh tranh trên thị trường sẽ tốt hơn. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, theo quy luật kinh tế phải có sự quản lý của nhà nước về giá, do thị trường VN chúng ta hiện nay chủ yếu các DN kinh doanh xăng dầu đều là DNNN nên chưa phát huy được tính cạnh trạnh hoàn toàn của thị trường".
Đồng cảm với tác giả Hiệu Minh
Từ quốc khánh Mỹ nghĩ về sức mạnh Việt Nam nhận được nhiều sự đồng cảm từ phía bạn đọc. Bạn Võ Ngọc Văn Quân, Cần Thơ, ngocquanvtv@... chia sẻ: "Khá lâu rồi mới đọc được một bài viết hay như thế về vận nước. Lấy một ví dụ của người để nhìn lại mình, để điều chỉnh và tiến lên. Rất cần có thêm nhiều bài viết như vậy cho dân tộc Việt Nam!".
Khơi nguồn sức mạnh tiềm ẩn từ trái tim của mỗi người dân Việt Nam (Ảnh: suctrevietnam.com.vn)
Bạn Nguyễn Dũng, Hà Nội, dungxhonda@... gửi lời cảm ơn tác giả dù đã xa quê hương nhưng vẫn nghĩ về Việt Nam với những lời tâm huyết: "Tôi sinh ra và lớn lên trong hoà bình, nên hầu như chỉ biết về lịch sử hào hùng qua sách vở và phim ảnh. Cứ nghĩ rằng nếu đất nước cứ bình yên như thế này, sẽ khó mà nhìn lại được hình ảnh đó.
Nhưng ngày mà đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch AFF Cup, cái ngày mà tôi - một fan hâm mộ và cả triệu con tim Việt Nam đổ ra đường ăn mừng với rực rỡ cờ hoa, hô vang đến khản cổ "Việt Nam, Việt Nam", thì tôi chợt hiểu đây chính là lòng tự hào dân tộc, đây chính là niềm tin, sức mạnh của Việt Nam vẫn nguyên vẹn trong mỗi con người Việt Nam.
Cuộc sống hàng ngày che lấp đi phần nào đó, nhưng đến khi Tổ quốc cần thì niềm tự tôn dân tộc, sức mạnh của Việt Nam sẽ bùng cháy dữ dội. Thời thế tạo anh hùng. Chúng tôi - thế hệ trẻ của đất nước - luôn tin vào sức mạnh của Việt Nam bằng cả trái tim".
"Trong bài phát biểu nhậm chức TT Mỹ, ông B.Obama có nói đại ý: Các vị được đánh giá trên cơ sở những gì các vị xây đắp, không phải những gì các vị hủy hoại. Người Việt ta đã, đang và sẽ xây đắp như thế nào. Chúng ta có truyền thống đó không? Hãy dùng trí não của mình để sống, để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc. Người Việt Nam hãy thể hiện sự quật cường trong nhân cách và trí tuệ! Nơi đó là sức mạnh Việt Nam", trao đổi của bạn Trần Hiếu, Hà Nội, tranhieuhanoi@...
Bài viết của tác giả tuy ngắn gọn nhưng rất giàu cảm xúc để lại cho bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ những suy nghĩ rất sâu sắc về tương lai, vận mệnh của đất nước, nhận xét của bạn Kiên Trung, Hà Nội, toancauhoakt@...: "Chúng ta luôn tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc, những truyền thống văn hoá tốt đẹp của hơn 4.000 năm văn hiến. Nhưng hôm nay, cả thế giới đã bước vào kỷ nguyên toàn cầu hoá với tốc độ chóng mặt buộc chúng ta, những thế hệ trẻ phải có một tư duy và tầm nhìn chiến lược để đưa đất nước bắt kịp với sự phát triển của nhân loại.
Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay cần phải học tập những gì mà những thanh niên Mỹ đã từng làm, đó là khi họ cùng nhau tiến sang miền Tây, một mảnh đất xa xôi diệu vợi, đầy gian truân và nguy hiểm mà chưa biết có gì bảo đảm thành đạt. Đó chính là sự dám thay đổi, là tinh thần tiên phong chấp nhận thách thức, mạo hiểm. Những phẩm chất đó và tinh thần đoàn kết dân tộc chính là cơ sở để làm nên sức mạnh Việt Nam".
Ngạc nhiên với bài văn bị điểm 4
Rất nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến trao đổi trong tuần qua về bài văn bị điểm 4 vì coi mèo là bạn. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng cảm với bài văn và không đồng tình khi cô giáo chấm bài văn này 4 điểm.
Bài văn thực sự rất hay và có hồn là nhận xét của bạn Phạm Thị Kim Anh, Điện Biên, congchuayeukeo@...: "Tôi không nghĩ một bài văn như vậy lại chỉ có thể được 4 điểm. Thực chất, đây là một bài văn rất cảm động và chân thật. Bất kì cái gì, khi ta có tình cảm với nó thì chúng đều có thể là bạn. Hơn nữa, một bài văn giàu tính sáng tạo và biểu cảm như vậy cần đáng được tuyên dương, không nên quá ép buộc học sinh theo một khuôn mẫu nào đó".
Bạn Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Thái Bình, Tân Bình, TP.HCM, nam.ngvan@... bày tỏ: "Tôi thực sự ngạc nhiên về bài văn giàu cảm xúc và mạch lạc của cậu bé. Lời văn trau chuốt, mạch lạc, tự nhiên như được chép thẳng từ trong lòng ra vậy. Khoảng 15 năm trước, chưa có những cuộc hô hào cải cách giáo dục rầm rộ như bây giờ, tôi cũng thường viết những bài văn không giống ai như vậy, song, cô giáo của tôi luôn khuyến khích học sinh sáng tạo".
"Hồi còn đi học, một thầy giáo dạy văn của tôi đã sẵn sàng cộng thêm điểm vì bài văn có những chi tiết sáng tạo, dù xét theo ba-rem thì bài văn đó chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Tôi vẫn còn nhớ lời phê của thầy, đại ý nói "bài làm chưa đủ ý, 5 điểm, nhưng có nhiều chi tiết hay, cộng 3 điểm". Mặc dù không còn nhớ bài văn đó tôi đã viết như thế nào, nhưng cảm xúc về một bài văn điểm 8 thì còn lại mãi. Tôi nghĩ khi trưởng thành, học trò luôn biết ơn những thầy cô như thế", chia sẻ của bạn đọc ở địa chỉ hoapt_itpt@... .
Nghỉ làm thứ 7: Người dân chưa được cung cấp đầy đủ thông tin
Nhu cầu người dân giải quyết thủ tục hành chính là rất lớn. (Ảnh VNE)
Kiến nghị bỏ làm việc ngày thứ 7 của TP.HCM nhận được nhiều quan tâm, trao đổi của bạn đọc. Nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất này và cho rằng sở dĩ làm việc ngày thứ 7 chưa hiệu quả là do chưa công bố rộng rãi và sắp xếp có khoa học.
Bạn Duy Quang, TP.HCM, duy_quang@... nêu: "Tôi không nhất trí với việc bỏ làm việc ngày thứ 7. Tôi cho rằng, là cán bộ công chức thì hãy nên cố gắng phục vụ người dân, vốn đã không có điều kiện đến các cơ quan công quyền các ngày khác trong tuần nên mới phải đi đến cơ quan công quyền vào ngày thứ 7 để được phục vụ.
Tôi cũng cho rằng, sở dĩ dân chúng ít giao dịch ngày thứ 7 vì họ chưa quen và tác phong công chức chỉ miễn cưỡng phải phục vụ nhân dân ngày thứ 7. Cần tổ chức công việc cho khoa học vào ngày thứ 7 và công bố rộng rãi lịch làm việc thì không sợ người dân không tới".
"Tôi là công chức trong ngành tài nguyên môi trường, việc làm việc ngày thứ 7 ở địa phương tôi là rất hiệu quả, thậm chí tần suất tiếp dân hơn cả ngày bình thường. Điều đó dễ hiểu là do thông tin về lịch làm việc ngày thứ 7 được công bố rộng rãi, yêu cầu các UBND các xã, phường khuyến cáo người dân hoặc công chức, công nhân... đến quan hệ công việc vào ngày thứ 7. Theo tôi, nên làm việc ngày thứ 7. Buổi sáng không giải quyết hết, làm đến chiều. Nên bố trí họp giao ban vào chiều thứ 7 là hợp lý nhất", góp ý của bạn Võ Công Nhân, Chợ Lách, Bến Tre, nhan_lach@...
Với quan điểm ngược lại, bạn Bùi Kiến Quốc, Bùi Ngọc Dương, Hà Nội, quocbk@... lại cho rằng nghỉ thứ 7 để kích cầu tiêu dùng: "Tôi không đồng ý với quan điểm nghỉ thứ 7 sẽ làm thiệt cho nhà nước và người dân vì những lý do sau đây. Thứ nhất, các giao dịch với cơ quan nhà nước vào thứ 7 chủ yếu là các giao dịch cá nhân và các giao dịch này thực tế không nhiều. Những người có nhu cầu hoàn toàn có thể thu xếp nghỉ phép để giải quyết những việc riêng này. Theo nhiều phân tích, chi phí vận hành của cơ quan nhà nước chỉ để phục vụ các giao dịch đơn lẻ này vào sáng thứ 7 là vô cùng tốn kém, dẫn đến lãng phí.
Thứ hai, nếu làm thêm sáng thứ 7, lĩnh vực kinh doanh và một số dịnh vụ sẽ bị ảnh hưởng do giảm lượng khách hàng tiêu dùng, đặc biệt là lĩnh vực du lịch và vui chơi giải trí. Thực tế, nếu được nghỉ cả ngày thứ 7, mọi người sẽ có nhu cầu đi chơi, di du lịch và mua sắm nhiều hơn.
Ở các nước châu Âu đã có nhiều đợt vận động mọi người nghỉ thêm để tạo công ăn việc làm cho người khác (thuộc lĩnh vực khác) và cụ thể ở Pháp hiện nay thì tuần làm 5 ngày và ngày làm có 7 tiếng (35 giờ một tuần). Thời gian làm việc như vậy đã giúp tăng doanh thu cho các lĩnh vực dịch vụ khác và giúp ổn định xã hội vì các bậc cha mẹ có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn, các cá nhân có thêm thời gian để nâng cao kiến thức và trình độ hơn. Vả lại, việc nghỉ ngơi để tái sản xuất sức lao động là vô cùng cần thiết và không ai phủ nhận điều này".
Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được phản ánh của bạn đọc về một số vấn đề khác:
Xây dựng cầu bộ hành: Tôi thấy không nên xây dựng cầu vượt cho người đi bộ đoạn đường Trần Duy Hưng, vừa lãng phí, mất cảnh quan đô thị... Nên chuyển cầu vượt dành cho người đi bộ này về đoạn đường Xuân Thuỷ chỗ trường ĐH Quốc gia Hà Nội, ở đây học sinh, sinh viên, người dân đi bộ khi sang đường gặp rất nhiều khó khăn, gây ùn tắc giao thông. (Trần Ngọc Duy, Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội, tranngocduy0903@...)
Hình ảnh không phù hợp trên kênh hoạt hình BiBi: Gần đây, trên kênh thiếu nhi BiBi tôi thấy có một chương trình quảng cáo có nội dung khuyến khích các cháu nhỏ tham gia làm thám tử, trong đó có hình ảnh của ông thầy thám tử ở bàn tay có khói thuốc bay lên.
Tôi nghĩ, trong khi cả thế giới đang mạnh mẽ bài trừ thuốc lá thì một chương trình dành cho các cháu lại có một hình ảnh hết sức phản cảm như vậy. Đề nghị chương trình phản ánh đến nhà đài để nhanh chóng xóa bỏ những hình ảnh có thể sẽ đầu độc rất nhiều các em nhỏ để các em được sống trong một thế giới trong sạch không khói thuốc. (Trương Thị Hải Yến, Tuệ Tĩnh, phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương, Hải Dương, yenV7@...)
Cần qui định mức lãi trần đối với hàng hóa thiết yếu: Tôi rất hoan nghênh cơ quan chức năng đã vào cuộc một cách mạnh mẽ, cho phép công bố kết quả kiểm tra và cả tên tuổi của những công ty đang "bào mòn" túi tiền của những bậc cha mẹ Việt Nam. Thực tế cho thấy, người Việt Nam mình chọn hàng giá cao vì tin "tiền nào của nấy", tin vào quảng cáo của các hãng sữa và 1 phần còn vì tâm lý "sính hàng ngoại". Do đó, cả hàng xách tay và hàng phân phối chính thức trong nước đua nhau lên giá.
Theo tôi, đối với hàng hóa thiết yếu như sữa cho trẻ em, ngoài việc qui định mức trần chi phí, Nhà nước phải qui định mức lãi trần (tỉ lệ % so với giá vốn) để đảm bảo công bằng cho người tiêu dùng. Cần phải đảm bảo cho người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng sản phẩm theo đúng giá trị thật của nó. Không thể để các tập đoàn quốc tế hưởng lợi một cách "quá đáng" từ lòng tin của người tiêu dùng. Thật bất công khi dân 1 nước có thu nhập thấp phải uống sữa với giá cao hơn ở những nước giàu. (Lam Đa, Tân Phú, TP.HCM, da_ad83@...)
Phim truyền hình là món ăn tinh thần: Xã hội càng phát triển thì truyền hình càng gắn bó với mọi người, mọi nhà. Phim truyền hình là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người sau một ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi. Không thể phủ nhận công lao đóng góp rất lớn của những người làm công tác truyền hình nhất là những nhà làm phim. Chúng ta đã có rất nhiều bộ phim hay, có chất lượng, mang tính giải trí, giáo dục cao như "Phía trước là bầu trời", "Chạy án"...
Tuy nhiên, với việc sản xuất ồ ạt như hiện nay, truyền hình Việt Nam đã và đang cho ra đời những món ăn tinh thần rất dở, khán giả càng xem càng bực mình và mất hết thiện cảm với phim Việt Nam. Đơn cử như những bộ phim đang được chiếu gần đây như "Có lẽ nào ta yêu nhau", "Mười ba nữ tử tù", "Những người độc thân vui vẻ"... Đặc biệt là bộ phim hài thuộc thể loại sit-com "Những người độc thân vui vẻ" - một bộ phim quy tụ nhiều danh hài của làng giải trí phía Bắc. Tưởng rằng với ý tưởng tốt đẹp của các nhà làm phim là đem đến cho khán giả Việt Nam một món ăn tinh thần mới và bổ ích nhưng thật sự bộ phim đã thật sự thất bại.
Ngay từ đầu, bộ phim đã không gây được sự chú ý đối với mọi tầng lớp khán giả bởi những tình huống phim nhạt nhẽo, tính giáo dục và triết lý không cao. Đây chỉ là một bộ phim giải trí đơn thuần nên chỉ thu hút được một bộ phận nhỏ tầng lớp khán giả bình dân mà thôi. Đã thế, các nhà làm phim còn lạc quan đến mức sẵn sàng làm đến 500 tập phim để chiếu trong "giờ vàng.
Dừng lại khi mới đi được một phần ba chặng đường là một sự thừa nhận thất bại của dự án phim hài sit-com "Những người độc thân vui vẻ". Đó là một quyết định đúng đắn dẫu có hơi muộn màng. Xin thành thật gửi tới các nhà làm phim một lời cảm thông chân thành. Cuộc sống không bao giờ ngừng lại, thẳng thắn thừa nhận sai lầm, thất bại sẽ giúp con người sống tốt hơn. Khán giả truyền hình Việt Nam vẫn tiếp tục ủng hộ và mong cho những bộ phim mới hay hơn, có chất lượng nhiều hơn nữa. (Bui Thi Vinh Hang, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, quanganhhl@...)
Báo VietNamNet xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, tin tưởng của bạn đọc và mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!
Đường dây nóng Báo VietNamNet:
Email: hotnews@vietnamnet.vn