- Kết thúc kỳ nghỉ hè, cũng như bao sinh viên khác Lan Hương lại khăn gói lên thành phố với ngôi trường đại học mà mình đang theo học. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, mẹ Hương dúi cho cô con gái thêm chút tiền để đề phòng giá phòng trọ tăng nhưng…
Người tính không bằng chủ nhà tính
Căn phòng của Hương cùng các bạn thuê trọ nằm sâu trong một con ngõ trên đường Nguyễn Khanh (Cầu Giấy, Hà Nội). Ngày Hương cùng các bạn trở lại phòng trọ cũng là ngày cả nhóm phải “đau đầu” trước quyết định đi hay ở bởi chủ nhà vừa thông báo tăng tiền nhà. Ngoài tiền thuê nhà tăng, các khoản khác như điện, nước, internet… cũng được tăng đều.
Tính sơ sơ số tiền tăng lên từ 200-300 nghìn đồng so với các tháng trước. Vẫn lấy những lý do muôn thủa như mọi năm nhưng năm nay, bà chủ nhà thậm chí còn nghĩ ra cách cho quét lại vôi ở tất cả các phòng để việc tăng giá thêm phần “thuyết phục”.
Xót xa và đã thấm cái cảnh phải chạy đôn đáo tìm phòng trước đây, Hương cùng các bạn đành bấm bụng chiều theo chủ nhà. Nhìn đám vôi ve được quét nguệch ngoạc trên tường, Hương không khỏi đắng họng khi nghĩ tới số tiền mẹ mới cho đã “không cánh mà bay”.
Khi nào giá nhà trọ mới thôi đè lên đôi vai của sinh viên và những lao động thu nhập thấp? (nguồn internet) |
Thế nhưng như vậy vẫn con là may bởi có không ít những trường hợp thậm chí khi còn bị chủ nhà “tống cổ” một cách không thương tiếc bởi thường xuyên chậm tiền nhà. Nhiều người mếu máo vì tình cảnh lên phòng thì thấy đã có chủ khác còn đồ đạc thì bị xếp xó ở chân cầu thang.
Không cứ gì là sinh viên mà ngay cả những người lao động có thu nhập thấp cũng phải “khóc dở mếu dở” vì giá nhà trọ tăng. Bởi cứ sau mỗi dịp nghỉ hè, số lượng sinh viên mới lên nhập học thường là “con mồi” béo bở để chủ nhà khai thác nên họ tìm mọi cách để đuổi những người thuê cũ đi.
Dũng, một sinh viên năm thứ 3 chia sẻ kinh nghiệm rằng cứ trước mỗi dịp nghỉ hè lại đề nghị với chủ nhà ký một hợp đồng mới hoặc chịu khó cắn răng thuê phòng từ sáu tháng tới một năm rồi đóng tiền luôn một cục cho chắc để tránh việc bị chủ nhà chặt chém.
Sẽ còn “loạn” trong vài năm tới?
Qua khảo sát quanh một số các quận có tập trung nhiều trường đại học như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân… vào thời điểm tháng 8, khi nhiều sinh viên lên nhập học giá phòng thường rậm rịch tăng lên từ 200-500 nghìn đồng. Với các căn hộ khép kín thậm chí còn tăng thêm cả triệu đồng. Từ một sinh viên mới lên nhập học cho tới những sinh viên năm cuối và thậm chí là những người đã đi làm khi được hỏi về giá nhà trọ đều tỏ ra ngán ngẩm.
Anh Tuân đang làm cho một công ty thiết kế xây dựng tại Thanh Xuân cho biết căn hộ anh đang thuê có giá là 2,5 triệu đồng/tháng và sắp hết hạn hợp đồng, nhiều ngày nay anh thường xuyên bị chủ nhà làm khó nhưng do nguồn cung khan hiếm nên đành phải chấp nhận những “yêu sách” mà chủ nhà đưa ra.
Theo ông Trịnh Minh Phú, Giám đốc công ty Văn phòng trọn gói, thì do nhiều năm trở lại đây tại Hà Nội giá đất liên tục sốt và những căn hộ cao cấp được chú ý nhiều hơn nên những căn hộ trung bình, giá rẻ mặc dù vẫn cho thuê được nhưng khả năng quay vòng vốn chậm nên không thể thu hút được tiềm lực cũng như năng lực của các công ty bất động sản. Chính vì siêu lợi nhuận nên các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ quan tâm tới việc xây căn hộ chung cư.
Hiện tại những dự án căn hộ giá rẻ mặc dù đã được “khởi động” nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phải từ 5-10 năm nữa phân khúc nhà giá rẻ mới có thể ổn định được khi phân khúc nhà siêu lợi nhuận bão hòa.
Bởi một lẽ nữa là giá đất ở Hà Nội đang ngày một cao, không phải ai cũng có đủ khả năng mua cho mình một căn nhà riêng. Do đó ắt dẫn tới việc phải đi thuê nhà mà nguồn cung lại đang thiếu, nên phân khúc nhà trọ ngày càng trở nên phúc tạp.
Và trong khi vẫn chưa thể giải nhiệt được cho phân khúc thị trường được đánh giá đầy tiềm năng này, nhiều lao động có thu nhập thấp cũng như sinh viên vẫn hằng ngày phải nơm nớp nỗi lo tăng giá mà có tăng giá rồi thì cũng đành phải cắn răng mà chịu.