221
450
Bạn đọc
bandocviet
/bandocviet/
1306212
Câu chuyện ’gối chăn’ và sự hồi xuân từ phòng hạnh phúc
1
Article
null
Câu chuyện ’gối chăn’ và sự hồi xuân từ phòng hạnh phúc
,

- Nhiều phạm nhân trong trại giam Quyết Tiến (Huyện Sơn Dương – Tuyên Quang) vẫn nói về phòng hạnh phúc như là một sự ân xá mà họ may mắn được hưởng.

Phần lớn các cặp vợ chồng của các phạm nhân ở trại đều hài lòng với điều kiện đơn sơ, một cái giường, một cái chiếu, hai cái gối nhỏ, một cái chăn mỏng và một ngăn tủ đựng đồ. Nhưng cũng có anh phạm nhân tên N.T.M, quê ở Na Hang, Tuyên Quang (mới ra tù được gần 1 năm nay) thì mỗi lần “hẹn hò” với vợ ở phòng hạnh phúc, anh đều dặn vợ mang theo đôi gối và cái chăn mỏng mà lúc ở nhà, hai vợ chồng anh vẫn dùng.

Mô tả ảnh.
"Chăn và gối này đều do tay em thêu, hai vợ chồng mình cùng đắp chung bao nhiêu năm nay". Ảnh minh họa.

"Gối chăn" - sự tha thứ thắm tình chồng vợ

Mọi người thắc mắc thì N.T.M bảo: “Không phải chê giường chiếu ở trong đó. Tại ở nhà, mỗi khi ngủ với vợ đã quen đắp cái chăn đó. Giờ không có thấy thiếu thiếu, vắng vắng, lạ lạ, không sao yên tâm được”.

N.T.M vào trại giam vì tội cưỡng dâm phụ nữ, án 13 năm tù. Ở được 8 năm thì N.T.M được đặc xá tha tù. Nghe cán bộ trại kể lại thì trong một lần say rượu, đi ngang qua nhà một người phụ nữ hàng xóm, sẵn có hơi men, thú tính lại nổi lên, thế là N.T.M giở trò đồi bại và bị bắt ngay sau đó. Những tưởng với cái tội động trời đó, vợ anh sẽ chẳng bao giờ tha thứ.

Ấy vậy mà ở trong phân trại giam giữ tù nhân nam, chả mấy ai được vợ chiều như N.T.M. Mỗi lần anh em bạn tù thắc mắc, N.T.M vẫn cười hề hề, truyền lại “ngón” của mình: “Thời gian đầu tớ bị bắt, vợ tớ giận lắm, căm lắm. Cô ấy viết thư vào sỉ vả tớ, bảo tớ bôi gio trát trấu vào mặt gia đình, khiến cô ấy và các con chẳng dám ngẩng mặt bước ra ngoài đường. Thú thật là tớ cũng xấu hổ, nhục nhã chẳng kém.

Bình thường ở nhà, tớ cũng là người chồng tốt, người bố mẫu mực, chỉ biết tu chí làm ăn, lo cho vợ con. Nhưng cứ có rượu vào là tớ “nát”, hết gây chuyện với vợ con lại đập phá đồ đạc. Đến lúc tỉnh rượu dậy thì chẳng hề nhớ gì. Vụ cưỡng dâm này là vụ lớn nhất. Vợ tớ giận là phải. Ở trong tù, tớ nghĩ chán nghĩ chê, lòng tự nhủ nếu không được vợ tha thứ thì đời mình chẳng có lúc nào ngóc đầu lên được.

Thế là tớ ngẫm nghĩ hàng tuần liền, viết một bài thơ gửi cho vợ, đại ý là tự kiểm điểm lại những lỗi lầm của tớ và hứa với vợ là sẽ không bao giờ động đến một giọt rượu nào nữa. Vợ tớ cũng là người dễ mềm lòng. Nhận được thư xong thì cô ấy tha cho tớ thật, và lại đi thăm nuôi tớ đều đặn”.

Kể từ khi trại có phòng hạnh phúc, lần nào lên thăm, N.T.M cũng bắt vợ mang vỏ chăn và gối ở nhà đi. Vợ thắc mắc thì anh nói: “Chăn và gối này đều do tay em thêu, hai vợ chồng mình cùng đắp chung bao nhiêu năm nay. Em mang lên cho anh đắp cùng một tối để anh vơi đi cảm giác nhớ em. Cũng là để những lúc ở nhà, em đắp chăn này, sẽ thấy như có anh ở bên cạnh”. Chị vợ quá cảm động nên cũng chẳng nỡ từ chối lời “đề nghị” dễ thương của chồng.

Ai hỏi thì chị chỉ tặc lưỡi bảo: “Đằng nào ông ấy cũng chỉ còn ở đây một vài năm. Chiều một chút, để khi ra ngoài, “ổng” ấy thấy thương mình mà tu tỉnh làm người tử tế”. Các phạm nhân nam trong trại chỉ còn cúi đầu ngả mũ bái phục cách nịnh vợ rất khéo của N.T.M.

Hồi xuân nhờ phòng hạnh phúc

Phạm nhân Nguyễn Văn Thân quê ở Lào Cai, thụ án được 13 năm, là một trong những phạm nhân có hoàn cảnh khá đặc biệt trong trại. Nguyễn Văn Thân bị bắt về tội buôn bán ma túy, án 20 năm. Vợ anh cũng bị bắt cùng đợt, án 18 năm và phải về cải tạo tại trại giam Hồng Ca.

Hai vợ chồng đều đi tù, 3 đứa con ở nhà đều phải nhờ gia đình hai bên nội ngoại, Bi quan ở tương lai,nên Nguyễn Văn Thân thường xuyên vi phạm nội quy của trại trong những năm đầu tiên.

Ở hai trại giam khác nhau, nhưng hai vợ chồng Nguyễn Văn Thân vẫn viết thư cho nhau, lá thư nào cũng là những ân hận, day dứt về sai lầm của mình. Qua các cán bộ quản giáo, chị Mai Thị M., vợ Nguyễn Văn Thân biết tình trạng bất an của chồng trong thời gian cải tạo đã viết thư động viên chồng cùng cố gắng. Nhờ có sự động viên của vợ, Nguyễn Văn Thân cải tạo ngày một tích cực và không bao giờ vi phạm nội quy của trại. Nhưng vẻ buồn bã, ủ rũ thì không hề mất đi. Anh tâm sự: “Ở trong tù, nhớ vợ thương con lắm cán bộ ạ. Thèm cái không khí gia đình, thèm được ăn bữa cơm với vợ con”.

Chính vì thế, Nguyễn Văn Thân đã xúc động đến bật khóc khi cách đây mấy tháng, anh được vợ và con lên thăm nuôi. Vợ anh, trong đợt đặc xá năm 2009 đã được trả tự do, nhưng cố tình giấu anh để tạo sự bất ngờ.

Việc đầu tiên chị làm sau khi ra tù là chuẩn bị quà cáp rồi cùng các con lên thăm nuôi chồng. 13 năm không gặp lại, hai vợ chồng Nguyễn Văn Thân đều đã gần 50, gặp nhau cứ mừng mừng tủi tủi, chẳng nói được câu nào. 3 người con “tâm lý”, thấy bố mẹ quá thiệt thòi sau mười mấy năm trời chia cách, đã “xui” bố mẹ xin phép cán bộ trại để được gặp nhau, nói những tâm sự riêng tư ở phòng hạnh phúc.

Mô tả ảnh.
“Bố mẹ cứ yên tâm “nói chuyện” trong đó. Bọn con ở ngoài sẽ làm công tác “an ninh”. Ảnh minh họa.
Chị Mai Thị M. lúc đầu nhất định không chịu, vì nghĩ mình ngần này tuổi đầu, tha lôi con cái lên thăm chồng, giờ lại cùng chồng vào “gặp riêng” trong phòng hạnh phúc thì còn thể diện đâu với các con. Nhưng cuối cùng chị cũng bị chồng và các con thuyết phục. Đôi vợ chồng gần 50 tuổi, đưa nhau vào phòng hạnh phúc, trong sự reo hò, cổ vũ của ba đứa con. Cậu con lớn nhất đã chuẩn bị lập gia đình còn trêu bố mẹ: “Bố mẹ cứ yên tâm “nói chuyện” trong đó. Bọn con ở ngoài sẽ làm công tác “an ninh”.

Nhưng buổi gặp nhau đầu tiên đó, do quá xúc động, chị Mai Thị M. chỉ có khóc, chồng dỗ mãi thế nào cũng không được. Chị cứ ôm chồng, nước mắt ngắn nước mắt dài, kể về những nỗi nhớ nhung, những đau đớn, những đơn độc tủi hờn mà chị phải trải qua trong mười mấy năm ở tù, xa chồng, xa con. Nhớ lại kỉ niệm đó, anh Nguyễn Văn Thân cười tủm tỉm: “Đợi bà vợ tôi giải tỏa xong hết những nỗi niềm, những tâm sự thì hết giờ thăm gặp.

Hai vợ chồng vừa bước ra ngoài đã bị ba đứa con “bao vây”, đua nhau tra khảo. Chúng cứ luôn miệng hỏi thế nào rồi hả bố, bố làm gì mà mẹ lại khóc thế kia, khiến vợ tôi mắt còn đỏ hoe nhưng mặt thì đỏ lựng lên. Tôi đành chữa ngượng cho cả hai vợ chồng bằng cách dí dỏm đùa lại các con: Chẳng có gì đâu mà tò mò. Mẹ mày cứ ngồi khóc sụt khóc sùi suốt, chứ còn thế nào nữa. Lúc đó nhìn mấy đứa con tôi tiu nghỉu như mèo cắt tai mà cả hai vợ chồng không nhịn được cười, đành phải nói với chúng là bố mẹ già rồi, giờ chỉ mong gia đình sum họp, các con ngoan ngoãn, tử tế, là người có ích”.

Nói là nói vậy, nhưng từ sau lần đó, tháng nào chị Mai Thị M. cũng “lén lút” trốn con lên thăm chồng. Lần nào lên chị cũng chuẩn bị sẵn các món ăn ngon mà ngày còn ở nhà chồng chị vẫn thích. Cứ mỗi lần như thế, hai vợ chồng lại làm một bữa “picnic” nhỏ trong phòng hạnh phúc, vừa ăn vừa cười tíu tít, trêu đùa nhau như thời còn son trẻ.

Sau mỗi lần vợ lên thăm như thế, anh Nguyễn Văn Thân đều bước ra khỏi phòng hạnh phúc và trở về buồng giam với tâm trạng phơi phới. Anh kể: “Có hôm gặp vợ về, tôi chả ngủ được. Phần vì vui, phần vì nhớ vợ. Tự nhiên có “hơi vợ” vào, giờ lại phải nằm chèo queo một mình, xung quanh toàn đàn ông, thấy buồn và cô đơn ghê lắm. Lại mong đến tháng sau để gặp được vợ.

Kể cũng buồn cười. Tôi nhớ hồi trẻ chúng tôi chẳng lãng mạn, hạnh phúc như thế này bao giờ. Thế mà giờ hai vợ chồng tuổi bắt đầu già, lại bỗng cảm thấy như vợ chồng son rỗi, lúc nào cũng muốn quấn quýt bên nhau. Phòng hạnh phúc khiến hai chúng tôi trẻ lại”.

  • Lan Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,