Trên mảnh đất đại ngàn tỉnh Gia Lai có một túp lều nhỏ thuộc làng Típ, xã Iakreng, huyện Chư Păh, nằm chơ vơ giữa ngọn đồi. Trong túp lều đó có một câu chuyện tình cảm động của hai vợ chồng ông Rơ Châm Vinh (88 tuổi) và bà Rơ Châm Lót (86 tuổi).
Bà Rơ Châm Lót là đời vợ thứ 5 của ông Vinh. Tuy nhiên thời gian ông sống với 4 người vợ đầu rất ngắn ngủi, thậm chí cộng tất cả lại cũng chưa bằng thời gian ông đang sống với người vợ út này.
Hạnh phúc cuối con đường của ông Vinh và bà Lót. |
Với ông Vinh, thời trẻ, hôn nhân là một chuỗi những bất hạnh. Những người bạn đời của ông đến và ở lại với ông như một làn hương bay thoảng qua, rồi trở về cùng với gió…
39 tuổi, ông mới bắt đầu xiêu lòng với người con gái đầu tiên. Rồi hai người trở thành vợ chồng. 3 tháng sau, người vợ trẻ của ông mắc phải căn bệnh sốt rét, không biết cách chữa trị, ông đã để mất người vợ thân yêu đầu tiên của mình.
Hai năm sau, ông lấy vợ hai, nhưng số phận người vợ này giống hệt người vợ cả. Chỉ sau vài tháng lấy nhau, bà lại bỏ ông vì căn bệnh sốt rét…
Một năm sau, ông “bắt” người con gái dân tộc Nùng ở tận Đăk Lăk. Hạnh phúc đã mỉm cười khi vợ ông sinh hạ được một bé trai. Nhưng cuộc tình này cũng chỉ kéo dài được 2 năm. Năm 1975, bà âm thầm bồng con về lại quê hương vì quá nhớ nhà.
Năm 1977, ông được một người con gái trong làng “bắt” về làm chồng. Hạnh phúc thứ 4 cũng chỉ kéo dài được 6 năm. Như hai vợ đầu, người phụ nữ này cũng ra đi vì bệnh tật, để lại ông một mình gà trống nuôi 4 con thơ. Để có cơm ăn, ngày ngày lưng ông gùi đứa nhỏ, tay ông dắt đứa lớn, 5 cha con lầm lũi đi lên rẫy gieo lúa, trồng mì từ sáng sớm cho đến khi mặt trời chuẩn bị khuất núi.
Hơn mười mùa rẫy trôi qua, những đứa con của ông đã tự thay cha lên rẫy kiếm cái ăn. Rồi mỗi năm, đứa thì đi về nhà vợ, đứa thì “bắt” chồng. Một mình ông chơ vơ giữa ngọn đồi, lúc lên rẫy trồng trọt, lúc xuống sông câu cá. Những lần đi rừng như thế, ông đều bắt gặp bóng dáng của một người phụ nữ, lưng đeo gùi, một mình lầm lũi lúc vào rừng rậm bẻ măng, lên rẫy thu hoạch lúa.
Người phụ nữ ấy cũng có chồng và 5 đứa con, nhưng chồng bà đã mất gần 20 năm nay, 5 đứa con đã lập gia đình. Hai phận người cô độc ấy ngày ngày gặp nhau, chào nhau rồi ai về nhà nấy.
Mấy năm trôi qua như thế, bỗng một ngày đầu mùa khô năm 2001, ông chợt thấy trong mình như có lửa đốt. Ông thấy nhớ ánh mắt người phụ nữ ông vẫn gặp trên rừng, trên rẫy. Chưa gặp ánh mắt ấy, đôi tay ông rã rời không muốn cầm cái rựa, hai bàn chân ông nặng trĩu không muốn bước…
Ông quyết định bước chân về phía làng và giật mình hay tin: “Bà Lót sắp về với Yàng rồi”. Bà bị sốt siêu vi, miên man cả ngày. Biết mình không thể để mất người phụ nữ này, ông lặn lội cuốc bộ gần 50km đường đồi núi ra tận huyện tìm bác sĩ, kể bệnh của bà Lót cho bác sĩ nghe… Bước chân ông như đi nhanh hơn, nó không thấy mệt, không thấy mỏi. Bởi nó đang mang theo một hy vọng mới cho tương lai chủ nhân mình.
Cứu được bà Lót, người trong làng ai cũng nghĩ, Yàng thương hai ông bà, muốn bà Lót sống để báo ơn ông Vinh. Và đám cưới của hai người diễn ra theo phong tục của người J’rai, họ hàng, làng xóm người góp rượu, người góp thịt kéo về nhà bà Lót ăn mừng. Với người dân trong làng, đây là đám cưới lạ của hai người già.
Từ đó, hai ông bà về sống với nhau trong túp lều nhỏ chưa đầy 5m2 nằm lẻ loi giữa ngọn đồi. Ngày ngày, bà lên rẫy, ông chăn đàn dê. Ông thương và chiều bà hơn cả những người chồng trẻ, mỗi tháng nhận được hơn 1,2 triệu tiền lương thương binh, ông đưa cho bà giữ gần hết, chỉ giữ lại một ít mua thuốc ho và mua cho bà thứ bà thích nhất là thuốc lá. Khi trái gió trở trời, bệnh ho của ông tái phát bà lại một mình đi bộ cả chục cây số mua thuốc về chăm sóc ông và ngược lại.
Cứ như vậy, cuộc sống hạnh phúc của đôi vợ chồng già kéo dài đã 9 năm nay. Tuy tuổi đã cao nhưng cả hai ông bà vẫn còn rất khỏe và trẻ. Nói về hạnh phúc của mình, bà chỉ cười bẽn lẽn, còn ông thì vui vẻ nói: “Hai người cô đơn thì phải lấy nhau về làm ăn, có vợ có chồng thì mới chăm sóc nhau được. Mình già rồi, không có con nữa thì chỉ xây dựng hạnh phúc với nhau thôi”.
(Theo Dân Trí)