221
3881
Bạn đọc viết
bandoc
/bandocviet/bandoc/
1225654
Kỳ 2: Những cái chết "bất thường" của trẻ sơ sinh
1
Article
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
Kỳ 2: Những cái chết 'bất thường' của trẻ sơ sinh
,

 - “Biết con tôi vỡ ối sớm như thế mà mổ ngay hoặc cấp cứu để đẻ thì cháu tôi đã không mất. Họ quá thiếu trách nhiệm, cháu bị vỡ ối từ nhà, khi đến viện phải đợi đến giờ khám, mãi mới siêu âm được vì bác sỹ đi vắng, cháu được sinh quá muộn nên tử vong do sặc nước ối và bị ngạt” - bà Lưu Thị Lan kể về cái chết bất thường của đứa cháu mình.

 

Nếu bác sỹ có tý trách nhiệm, cháu tôi đã không mất!

 

Người dân ở cái huyện bé nhỏ này vẫn chưa hết kinh hãi về câu chuyện sản phụ Quách Thị Tư bị tử vong tại Bệnh viện (BV) Phú Lương thì nhận được thông tin đứa cháu của bà Lưu Thị Lan, ở Làng Bún, xã Phấn Mễ được sinh tại bệnh viện này đã tử vong khi chuyển lên tuyến trên. 

Mô tả ảnh.

Bà Lưu Thị Lan đang phản ánh về cái chết của cháu bà. Ảnh: NDT

Bà Lan kể, khoảng 6h30’ ngày 4/6/2009, bà đang ở nhà thì nhận được điện của người con gái Nguyễn Thị Lệ, 23 tuổi đang mang thai hỏi “vỡ ối là như thế nào hả mẹ?”. Bà biết là con mình sắp sinh nên lập tức cho nhập viện.

 

Đến BV Phú Lương thì bà Lan nghe một y tá nói rằng “ở đây phải 7h30’ mới khám”, bà đành cùng con ngồi đợi.

 

“Sau khi được khám thì tôi có nghe 1 bác sỹ nói rằng tim thai đập loạn xạ, sau đó cho con tôi làm xét nghiệm và siêu âm. Đến phòng siêu âm thì không có ai trực, ngồi đợi hơn 2 tiếng mới làm được” - bà Lan kể tiếp.

 

Đến khoảng quá trưa thì chị Lệ mới được vào sinh, đứa bé trai 3,1kg được sinh ra nhưng rất yếu, miệng cứ luôn kêu “è è”, thở mạnh, da trắng toát và không chịu bú.

 

Thấy cháu không bú được, cho sữa ngoài cũng không ăn nên bà Lan hốt hoảng xin bác sỹ cho chuyển lên tuyến trên để chữa trị nhưng bác sỹ không cho và bảo “không sao, đứa trẻ nào sinh ra mà chẳng thế”. Nghe vậy bà có phần yên tâm.

 

Người cháu lại tím đen hết cả, tôi đến để xin chuyển viện lần nữa thì được ông bác sỹ (bà không biết tên - NV) bảo rằng “trẻ con mới sinh ra, não của nó vẫn chưa hoàn thiện, chưa điều chỉnh được nên có thể nó ngừng thở một tý thôi. Không vấn đề gì”.

 

Đến khoảng 2h sáng ngày 5/6, cháu tôi liên tục thở mạnh, nước dãi trong miệng trào ra, lúc này thì bác sỹ mới cho chuyển viện. Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, bác sỹ cho biết là đưa xuống quá muộn, "cháu bị ngừng thở do sặc nước ối và ngạt quá nặng” - bà Lan nhớ lại.

 

Người dân tiểu khu Thái An, thị trấn Đu (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) tập trung tố khổ với phóng viên VietNamNet khi chúng tôi tìm về địa phương này để xác minh những thông tin tố cáo của người dân về bệnh viện huyện Phú Lương. Ảnh: Vũ Hoàng.

Nghe xong câu đó của bác sỹ, bà Lan biết là chuyện gì đến với cháu mình rồi nên tìm cách không cho con gái biết. Đến 9h sáng thì cháu bà mất.

 

BV huyện Phú Lương quá thiếu trách nhiệm, nếu họ có một tý trách nhiệm thì con cháu chúng tôi đã không như thế. Biết cháu vỡ ối sớm như thế mà mổ hoặc cấp cứu cho cháu đẻ thì cháu tôi đã không mất. Đằng này còn phải chờ khám, chờ siêu âm… cháu được sinh quá muộn nên sặc nước ối và bị ngạt” - bà Lan nói thêm.

 

Mất con vì bác sỹ… “không lường được”

 

Giữa cái rét tê tái của đợt rét đậm rét hại Tết năm 2007, gia đình cô giáo Hoàng Thị Lạng (giáo viên Trường THCS thị trấn Đu, Phú Lương) đưa cô con gái Hoàng Thị Diệu Huế đến Bệnh viện Phú Lương để sinh. Cả nhà mong đợi sự ra đời của cháu bé trong năm mới.

 

Mọi xét nghiệm đều cho kết quả: mẹ khoẻ, con khoẻ. Đến 8h tối, chị Huế đã bị vỡ ối, côn mở nhưng vẫn chưa sinh được. Thấy con liên tục đau đớn, cô Lạng gọi bác sỹ nhưng những người trực hôm đấy bảo là 30 phút nữa mới sang được. 

Mô tả ảnh.

Nhắc đến cái chết của cháu mình, cô Lạng lại không kìm được nỗi xúc động.  Ảnh: V.H

Lúc đó, cô Lạng gọi cho ông Dương Văn Thanh (Giám đốc Bệnh viện Phú Lương) xuống. Sau một lúc khám thì ông Thanh bảo rằng: không nghe thấy tim thai nữa. Nghe xong câu đó thì chị Huế gào lên “cứu con cháu với, cứu con cháu với”.  

Lúc đó thì cháu bé đã bị chết ngạt trong bụng.

 

Gia đình bức xúc vì cái chết bất thường của cháu bé thì được ông Thanh trả lời là “do cuống rau ngắn, chằng rau quấn cổ… nên dẫn tới thiếu ô xy, chết ngạt”.

 

Ngay lúc đó, cô Lạng đã nói với ông Thanh: “Trước lúc đẻ thì mẹ khỏe, con khỏe, vỡ ối từ lúc 8h30’ tối, đến hơn 12h đêm vẫn chưa đẻ được, khám lại thì bảo thấy tim thai yếu, vậy mà không có biện pháp xử lý gì tích cực, đến nỗi chết. Cháu tôi bị như thế này chỉ có thể là vì hai nguyên nhân thôi: một là do thiếu trách nhiệm, hai là do chuyên môn kém thôi”.

 

Câu chuyện đau lòng của anh Nguyễn Cao Quyền ở xóm Đồng Rôm, xã Phủ Lý (Phú Lương) cũng rất thương tâm khi đứa con anh bị chết ngay tại BV Phú Lương trong lần sinh thứ 2 mà không được biết rõ nguyên nhân.

 

Anh cho biết, khoảng cuối năm 2001, anh đưa vợ đi sinh tại bệnh viện này. Do đã 10 năm rồi anh chị mới mang thai lại nên trong quá trình mang thai đứa con này anh chị rất chăm đi khám định kỳ, siêu âm. Trước lúc sinh thì kết quả các xét nghiệm cũng đều rất tốt.

 

Thấy vợ vào phòng đẻ lâu quá không ra, tôi mới chạy vào xem thì thấy đứa con mình đang được đắp một tấm khăn. Hốt hoảng tôi chạy lại mở ra thì thấy cổ con tôi bầm tím và đã tắt thở từ bao giờ” - anh Quyền nhớ lại.

 

Sau đó, bà Phượng (GĐ bệnh viện lúc đó) mới triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Mấy ngày sau thì bà Phượng đến nhà tôi thăm và nói rằng: “Chuyện này là do chuyên môn nên chúng tôi nhận. Năm nay chúng tôi cắt thi đua hoàn toàn, đối với ca đỡ đẻ của anh Nguyên (bác sỹ - NV) tôi hạ một bậc lương đối với tất cả mọi người”.  

Mô tả ảnh.

Phải mất 10 năm vợ chồng anh Quyền mới lại mang thai nhưng ngày anh chờ đợi nhất khi đứa con ra đời thì cũng là ngày giỗ đầu của đứa con. Ảnh: NDT

Sau này anh mới được biết do cháu bé khi sinh cổ to quá nhưng y, bác sỹ không rạch mà cứ dùng tay kéo ra, dẫn tới cháu bé bị chết, cổ bị bầm tím. Người trực tiếp đỡ đẻ là y tá Hằng và hộ sinh Lan.

 

Chúng tôi khiếp… bệnh viện này rồi!

 

Nghe xong câu chuyện của gia đình anh Quyền, một số người còn cho chúng tôi biết thêm câu chuyện đau lòng khác của sản phụ Mai Thị Thuý ở xóm Hồng Lê, xã Động Đạt.

 

Khoảng năm 2000, chị Thuý sinh con tại BV Phú Lương nhưng yếu, gia đình xin chuyển viện nhiều lần nhưng không được, đến khi chuyển được thì cả 2 mẹ con đã tử vong. 

 

Sau mỗi câu chuyện kể xong, những người dân Phú Lương đều nói thêm với chúng tôi rằng, họ đã khiếp cái bệnh viện “lò mổ” này rồi, bây giờ có chuyện gì thì họ chạy thẳng đến bệnh viện ở TP. Thái Nguyên chứ không điều trị ở đây nữa.

 

Anh Lại Văn Trọng, người bị tật nguyền cánh tay mà chúng tôi phản ánh trong bài trước nói rằng: “Vừa rồi con gái tôi bị sốt cũng không dám để con chữa trị ở đây mà đi xuống thành phố. Chúng tôi sợ lắm rồi”.

 

Còn cô giáo Hoàng Thị Lạng cho biết thêm, sau sự việc cháu cô chết ở Bệnh viện Phú Lương thì gia đình cô không còn tin nữa. Năm ngoái, trong lần mang thai thứ 2 của con gái cô, gia đình không dám đưa con vào bệnh viện huyện nữa mà đưa thẳng xuống bệnh viện thành phố.

 

Hiện chị Huế đã có được đứa con khoẻ mạnh trong lần sinh thứ 2.

 

  • Duy Tuấn - Vũ Hoàng 

Kỳ tới: Sau khói hương nghi ngút trên bàn thờ là di ảnh một cô gái trẻ cùng món đồ cúng có một không hai: Lá đơn “Tố cáo và đề nghị khởi tố vụ án”. Nguyên đơn là người chồng, người cha trẻ đã bị mất đi vợ con, bị đơn là ông giám đốc cùng một số y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Lương.

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,
rrer_", r));