(VietNamNet) - Bạn Nguyên Thế Hòa (Vĩnh Phúc), Trương Văn Nam (Hải Dương), Lê Tiến Đạt (Hà Nam) cùng nhiều bạn đọc khác gửi thư về toà soạn hỏi: Nghe nói lao động làm việc ở Australia có thể kiếm được mức lương trên 500 triệu đồng/năm. Vậy đối tượng nào được Australia tiếp nhận và điều kiện tiếp nhận như thế nào? Mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề này.
Australia, một thị trường tiềm năng
Thị trường Australia luôn là điểm hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Tính cho đến thời điểm này đã có sáu doanh nghiệp được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép tuyển chọn, đào tạo, đưa lao động đi làm việc tại Australia.
Người lao động sang Australia có thể đạt mức lương 500 triệu/năm.
Hiện Australia rất thiếu lao động trong nhiều ngành nghề, hàng năm tiếp nhận hàng chục vạn lao động nước ngoài tới làm việc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Australia, năm 2006 đã có 460 lao động Việt Nam được tiếp nhận làm việc tại đây. Đa phần đều là lao động có tay nghề và có ngoại ngữ tốt. Thu nhập trung bình vào khoảng 41.000 AUD (đô la Úc)/năm, sau khi nộp thuế (khoản này được nhận lại khi về nước), chi phí ăn, ở, tiêu vặt... bình quân mỗi tháng người lao động có thể dành dụm được khoảng 1.000 AUD.
Ngoài ra, chủ thuê có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động khoảng 3.700 AUD/năm làm việc, những người hết hạn hợp đồng, khi về nước sẽ được Chính phủ Australia cho phép nhận lại khoản tiền bảo hiểm xã hội này, coi như trợ cấp tiền hưu trí.
Đối tượng nào được Australia tiếp nhận?
Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động, lao động nước ngoài vào Australia làm việc gồm 2 đối tượng chính. Thứ nhất, chuyên gia và kỹ thuật viên có trình độ cao từ đại học trở lên thuộc các lĩnh vực tin học, điện dân dụng, điện tự động hóa, cơ khí, xây dựng, giám sát thi công, bác sĩ... Đây là loại lao động được làm việc theo chế độ di cư lao động kỹ thuật cao, mức lương được trả khoảng 66.000 AUD/năm. Những người này được cấp visa dài hạn, được mang theo gia đình để làm việc lâu dài và có thể được xét định cư tại Australia.
Thứ hai là người lao động đã được đào tạo nghề, có chứng chỉ, được đến làm việc theo chế độ di cư có thời hạn, được cấp visa ngắn hạn 2 năm và được gia hạn 2 năm. Mức lương được trả không dưới 41.500 AUD/năm, chưa kể tiền làm thêm giờ. Lĩnh vực mà Australia cần nhiều lao động là xây dựng, thợ điện, chế biến thực phẩm, lái xe, y tá, đầu bếp, giết mổ gia súc, thợ uốn tóc, làm móng tay...
Điều kiện được tiếp nhận sang Australia làm việc
Theo Cục Di trú Australia, người lao động muốn đến Australia làm việc phải đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, phải có văn bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, nghề nghiệp đã được đào tạo phù hợp với yêu cầu công việc của chủ thuê, đồng thời, người lao động phải có kinh nghiệm làm việc được xác nhận bằng văn bản của cơ quan mà người lao động đã làm việc trong nước.
Thứ hai, người lao động phải có trình độ tiếng Anh đạt tiêu chuẩn do Australia quy định. Cụ thể: chuyên gia, kỹ thuật viên phải có chứng chỉ tiếng Anh IELTS1; lao động các nghề phải có chứng chỉ IELTS2 (chứng chỉ được quốc tế công nhận).
Thứ ba, mọi người đều phải qua cơ quan chuyên môn của Australia kiểm tra, khi cơ quan này xác nhận có văn bằng, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc, người lao động mới được xét cấp visa vào Australia để làm việc. Cụ thể, Học viện Kỹ thuật Liên bang thực hiện kiểm tra trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đối với các chuyên gia và kỹ thuật; Hội đồng công nhận tay nghề Liên bang kiểm tra trình độ đối với lao động khác.
Ở Australia không có khái niệm về môi giới lao động nên không có các công ty môi giới việc làm. Chủ sử dụng lao động cần thuê nhân công phải đăng thông tin tuyển dụng lao động trên báo, nêu rõ việc làm, mức lương, các điều kiện tiếp nhận... sau 8 tuần, nếu không có lao động trong nước đăng ký nhận việc, chủ thuê làm đơn gửi chính quyền bang hoặc Cục Di trú thuộc Bộ Lao động xin xác nhận để được thuê lao động nước ngoài.
Với điều kiện và các thủ tục tiếp nhận lao động rất chặt chẽ và khắt khe của thị trường Australia, Hiệp hội Xuất khẩu lao động khuyến cáo, để đáp ứng yêu cầu của chủ sử dụng, người lao động phải có nghề, có trình độ tiếng Anh tốt. Còn về phía doanh nghiệp, cần liên kết với các trường dạy nghề, cao đẳng và đại học kỹ thuật với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước trong việc đào tạo, mới có thể tạo được đội ngũ xuất khẩu lao động có trình độ và chất lượng để cung ứng cho thị trường này.
(Nguồn: VnEconomy)