221
3702
Điều tra theo thư bạn đọc
theodauthu
/bandocviet/theodauthu/
981746
Vườn thú Quốc gia ở đâu? Sau 15 năm tìm không thấy
1
Article
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
Vườn thú Quốc gia ở đâu? Sau 15 năm tìm không thấy
,

(VietNamNet) - Dư luận rất bức xúc trước hàng loạt sai phạm trong nhiều năm qua tại Vườn thú Hà Nội. Có phải những sai phạm này chỉ xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Vườn thú? VietNamNet xin đăng tải bức thư của PGS Hà Đình Đức, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề này.

 

KS 5 sao Daewoo được xây dựng trên đất của Vườn thú HN.
Công viên Thủ Lệ là nơi lưu giữ đàn chim thú chuyển từ Công viên Bách Thảo khi xây dựng lăng Bác, nay còn được gọi là Vườn thú Hà Nội.

 

Đầu năm 1993, UBND TP. Hà Nội dự định cắt đất Vườn thú Hà Nội cấp cho Công ty Điện tử HANEL liên doanh với Tập đoàn DAEWOO của Hàn Quốc để xây dựng khách sạn 5 sao và văn phòng giao dịch thương mại.

 

Lãnh đạo Vườn thú Hà Nội chạy đi gõ cửa các nơi kêu cứu. Địa điểm đến là Tổng hội Sinh học Việt Nam và các GS đầu ngành sinh học. Tháng 6/1993, GS. Đào Văn Tiến - ĐH Tổng hợp Hà Nội, GS. Võ Quý – Giám đốc TT Tài nguyên & Môi trường, GS. Đặng Huy Huỳnh – Giám đốc và GS. Cao Văn Sung – Phó Giám đốc Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật, GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng - Chủ tịch Tổng hội Sinh học Việt Nam viết thư lên Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị xem xét lại quyết định này vì xây dựng khách sạn ở đây không phù hợp với cảnh quan vườn thú và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của đàn chim thú ở đây.

 

Ngày 26/6/1993, UBND TP. Hà Nội có Công văn số 1129/CV-UB gửi Thủ tướng Chính phủ và Tổng hội Sinh học Việt Nam. Trong mục 1 ghi rõ: “Theo quy hoạch tổng thể Thủ đô, trong tương lai không bố trí Vườn thú quốc gia ở Công viên Thủ Lệ, vì đây là một vị trí tiếp giáp vào nội đô qua ngõ phía Tây, dân cư đông, phạm vi đất đai hẹp và còn phải bố trí một số công trình giao dịch dân dụng. Hiện nay, Công viên Thủ Lệ chỉ bố trí tạm để duy trì số thú được di chuyển từ Công viên Bách Thảo ra. Trong tương lai, số thú này sẽ được di chuyển tới Vườn thú quốc gia và Công viên Thủ Lệ sẽ chỉ là công viên hoa, cây xanh, hồ nước và chỉ có thể có một số chuồng chim để làm vui thêm một công viên vui chơi dạo mát của cư dân cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Vì thế sẽ không có vấn đề khi các công trình giao dịch dân dụng ảnh hưởng đến vườn thú”. Phải chăng đây là định hướng của UBND TP. Hà Nội về Công viên Thủ Lệ?

 

Ngày 10/7/1993, UBND TP. Hà Nội có công văn số 1210/CV-UB trình Thủ tướng Chính phủ cắt 29.500m2 đất của Vườn thú Hà Nội giao cho liên doanh DAEHA xây dựng khách sạn 5 sao và văn phòng giao dịch thương mại.

 

Khách sạn nhanh chóng được xây dựng và mang tên Khách sạn DAEWOO, sừng sững chắn phía Nam vườn thú và được coi là công trình lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ, chính thức đi vào hoạt động.

 

Đến nay, gần 15 năm trôi qua, Vườn thú quốc gia nêu trong công văn số 1129/CV-UB 26/6/1993 của UBND TP. Hà Nội cũng còn mờ mịt, thậm chí không một lần được nhắc lại. Phải chăng khi ấy UBND TP. Hà Nội chỉ trả lời Thủ tướng Chính phủ và Tổng hội Sinh học Việt Nam để trấn an cho việc cắt đất vườn thú được êm thấm?

 

Trong Quyết định số 105/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung cho Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, chúng tôi cũng không tìm thấy tên vườn thú quốc gia ở đâu.

 

Trong thư ngày 01/8/1998 tôi gửi tới Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu và Bí thư Thành uỷ Hà Nội Lê Xuân Tùng nhân đọc Chỉ thị 32 CT/TW và Chỉ thị số 30/KH-TU về Kỷ niệm 990 và 1000 năm Thăng Long Hà Nội về Vườn thú Hà Nội (Công viên Thủ Lệ) có đoạn: “Bất cứ Thủ đô nào trên thế giới đều có vườn thú là nơi trưng bày các loài động vật quý hiếm của quốc gia và thế giới, là nơi nghiên cứu bảo tồn tính đa dạng sinh học, nơi giáo dục lòng yêu thiên nhiên, môi trường, là nơi tham quan giải trí đối với nhân dân Thủ đô, đồng bào cả nước và khách quốc tế. Chẳng lẽ Thủ đô Hà Nội chúng ta lại không có vườn thú? Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị xem xét lại vấn đề vườn thú quốc gia hay Vườn thú Hà Nội trong quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 để đưa vào chương trình kỷ niệm 990 và 1000 năm Thăng Long Hà Nội”.

 

Đã 15 năm trôi qua, công viên Thủ Lệ vẫn nghèo nàn với những chuồng thú hôi thối, chật chội.

Sự việc xảy ra ở Vườn thú Hà Nội rõ ràng cho thấy sự thiếu nhất quán của UBND TP Hà Nội về việc định hướng phát triển vườn thú. Tuy trong Công văn số 1129/CV-UB ngày 26/6/1993 UBND TP. Hà Nội đã nêu rằng trong tương lai, số thú này sẽ được di chuyển tới vườn thú quốc gia và Công viên Thủ Lệ sẽ chỉ là công viên hoa, cây xanh, hồ nước và chỉ có thể có một số chuồng chim để làm vui thêm một công viên vui chơi dạo mát của cư dân cửa ngõ phía Tây Thủ đô. Vậy mà trong những năm qua, thành phố vẫn không đầu tư, nâng cấp công viên này và dần dần lãng quên vườn thú quốc gia!

 

Lãnh đạo Vườn thú Hà Nội trước đây đã phản ứng quyết liệt trong việc cắt đất xây dựng khách sạn, nhưng rồi sau đó lại tự động cho thuê hàng ngàn mét vuông đất xung quanh vườn thú kể cả bên trong để làm dịch vụ không liên quan đến mục tiêu hoạt động của vườn thú cũng không đoái hoài đến cuộc sống chật chội, bức bách của đàn chim thú!

 

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong vụ việc này không chỉ của lãnh đạo Vườn thú Hà Nội mà cả những người có trách nhiệm cao hơn trong quá trình định hướng phát triển Vườn thú Hà Nội thì mới đảm bảo sự bình đẳng và công bằng trước luật pháp.

 

Số phận đàn chim thú ở Vườn thú Hà Nội chắc chắn sẽ vẫn chịu cảnh tù túng, chật chội tại Công viên Thủ Lệ lâu dài trước khi được chuyển đến vườn thú quốc gia mà đến bây giờ vẫn chưa có trong quy hoạch Thủ đô.

 

  • PGS. Hà Đình Đức, Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường VN

 

Ý kiến của bạn?     

                                                                

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,