- Không biết con số báo cáo trong 8 năm tại BV Phú Lương chỉ có duy nhất trường hợp sản phụ Tư chết của UBND tỉnh Thái Nguyên lấy từ đâu ra khi VietNamNet lại tiếp tục nhận được thông tin có thêm nhiều trường hợp trẻ sơ sinh chết tại bệnh viện này.
Các sản phụ đều cho biết, khi đến khám thì bác sỹ chẩn đoán khoẻ mạnh, sinh thường nhưng khi đẻ ra thì cháu bé bị ngạt rồi chết.
Không hiểu con chết vì bệnh gì?
Việc mất đứa con đầu lòng tại BV Phú Lương khiến anh Sơn "khiếp sợ", trong lần sinh thứ 2, anh đã đưa vợ xuống thẳng BV ở Thành phố Thái Nguyên. Hiện đứa con thứ 2 của anh chị rất khoẻ mạnh và đã đi học. Ảnh: Duy Tuấn
Nhắc đến Bệnh viện Phú Lương, chị Mai Thị Hoa, 30 tuổi, trú ở thị trấn Giang Tiên (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) lại buồn tủi. Chị khó mà quên được lần sinh đứa con đầu lòng tại đây, cháu bé chỉ sống trên trần gian vỏn vẹn được mấy chục phút rồi ra đi.
Chị nhớ lại, tháng 3/2002, vợ chồng chị dắt nhau đến bệnh viện Phú Lương để sinh con. Do lúc đến đã gần tối nên bác sỹ ở khoa sản của bệnh viện về gần hết, chỉ còn lại người trực.
Sau khi làm xong các thủ tục nhập viện, chồng chị, anh Sơn, đưa vợ đi lại trong khuôn viên bệnh viện cho dễ đẻ. Người trực hôm đấy cũng chẳng hỏi han gì về tình trạng của sản phụ Hoa.
Hai vợ chồng yên tâm, lại dắt nhau đi ra chờ sinh.
Một tiếng đồng hồ sau khi khám, chị Hoa bắt đầu trở dạ. Đưa vợ vào đẻ, anh Sơn đứng ngoài cửa cứ cầu mong sao cho mẹ tròn con vuông và thấy vui khi nghĩ tới cảm giác được người hộ sinh trao cho anh đứa con đầu lòng bụ bẫm.
Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như nguyện cầu của anh. Đứa bé khi sinh ra thì người đã tím bầm. Vị bác sỹ lúc trước khám cho vợ anh nói là: cháu bé bị ngạt.
“Bác sỹ liên tục dùng tay để hô hấp cho con tôi nhưng rồi không cứu được. Tim cháu bé đã ngừng đập ngay trong phòng sinh. Lúc đấy tôi tưởng chừng như mình sẽ ra đi với đứa con vì không thể chịu nổi” - chị Hoa nhớ lại cảm giác lúc đó.
Hai vợ chồng kể tiếp, đứa bé sơ sinh bị chết nhưng bác sỹ cũng không nói là vì sao và mắc bệnh gì. Họ chỉ dặn người chồng thông báo cho gia đình đến để đưa cháu về, còn người mẹ phải nằm lại vì hơi yếu.
Thế là anh Sơn cùng gia đình đưa cháu bé về để an táng mà không hiểu vì sao con chết. Chị Hoa sau khi được hồi sức cũng trở về nhà vào sáng hôm sau.
Mất đi đứa con đầu tại bệnh viện, 2 vợ chồng chị Hoa không biết kêu ai. Điều khiến anh chị khó hiểu là quá trình mang thai đều thăm khám định kỳ đầy đủ. Ngày chuyển dạ, lúc đầu lên trạm xá khám thì bác sỹ bảo bình thường, khi lên Bệnh viện Phú Lương, bác sỹ cũng bảo bình thường.
Nhưng rồi khi sinh con ra thì cháu bé đã bị ngạt. Bệnh viện cũng không một lời giải thích?.
Cũng như nhiều gia đình ở huyện Phú Lương khác, việc mất con một lần ở bệnh viện này đã khiến cho anh chị Sơn - Hoa bị ám ảnh mãi trong lòng.
Trong lần mang thai thứ 2, anh Sơn đã đưa chị Hoa đi thẳng xuống bệnh viện thành phố và sinh con khoẻ mạnh. Đứa con này đã được 6 tuổi.
Lái xe cấp cứu đi vắng, chuyển viện muộn và... trẻ chết (?)
Băng qua quãng đường ngoằn ngoèo trên những đồi chè, chúng tôi có mặt ở nhà anh Đồng Xuân Trương và chị Dương Thị Lợi ở thôn Tân Thái (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương). Hai anh chị lấy nhau được 1 năm thì chị có thai, cả gia đình vui mừng.
Bà Khoàn ở xã Tức Tranh đang kể lại lần đưa chị Lợi (bên trái) đến BV Phú Lương sinh và đã mất đứa cháu sau khi chờ mãi lái xe BV mới đến để đưa cháu đi cấp cứu. Khi đến nơi thì đã quá muộn. Đứa bé chỉ sống được 6 tiếng trên "trần gian". Đứa con thứ 2 của anh Trương và chị Lợi được sinh ở BV Đa khoa TƯ Thái Nguyên. Ảnh: Duy Tuấn
Đặc biệt là bà Phan Thị Khoàn, mẹ của anh Trương thì trông đợi đứa cháu đầu từng ngày và luôn dặn dò vợ chồng đi khám thai đầy đủ.
Ngày 7/8/2003 (Âm lịch), chị Lợi có dấu hiệu chuyển dạ, gia đình vội đưa xuống nhập viện ở Phú Lương. Lúc vào viện thì còn sớm nên phải ngồi đợi đến giờ thăm khám.
Các bác sỹ khoa sản khám xong bảo rằng: "Thai thuận, đến chiều sẽ đẻ". Hai anh chị yên tâm ra ngồi ngoài hành lang đợi đến giờ sinh con.
Trong lúc chờ đợi, anh Trương dắt vợ đi lại khắp bệnh viện để khi sinh được dễ dàng hơn.
Đến gần trưa, thấy vợ cứ thỉnh thoảng lại kêu đau bụng, nghĩ rằng đứa con muốn ra nên anh Trương vội chạy đến gặp bác sỹ Nguyên (BS Trưởng khoa Sản – anh Trương cho biết) để hỏi. Vị bác sỹ này nói rằng: "Không vấn đề gì, đến chiều sẽ đẻ bình thường".
Anh Trương lúc đấy chỉ biết nghe theo lời bác sỹ.
Khoảng hơn 6h chiều thì chị Lợi sinh được bé gái bụ bẫm, nặng gần 4kg. Thế nhưng khi sinh ra thì cháu bé vẫn không khóc mặc dù chân tay vẫn cử động bình thường.
Khoảng 6h30’ chiều cùng ngày, y bác sỹ bảo rằng gia đình nên chuyển cháu lên tuyến trên vì tình trạng cháu bé không ổn.
Mọi người trong gia đình chạy đi lo các thủ tục để chuyển viện, nhưng chờ mãi không đi được vì lái xe cứu thương của bệnh viện đi vắng. Đến gần 9h tối, khi lái xe về, cháu bé mới được chuyển viện.
Bà Khoàn kể tiếp: Chính bác sỹ trong bệnh viện khuyên nên chuyển cháu lên tuyến trên nhưng do chờ lái xe nên mãi mới đi được. Đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương (ĐKTW) Thái Nguyên thì y tá đi theo chỉ nhập viện cho cháu bé rồi trở về. Nhưng tất cả đã muộn. Y bác sỹ ở đây đã nói rằng, nếu chuyển sớm thì còn hy vọng, chuyển muộn quá, cháu bé đã bị nước ối chảy lên não, không thể cứu được".
Người dân ở thị trấn Giang Tiên tiếp tục phản ánh với PV nỗi bức xúc của họ về y bác sỹ ở BV Phú Lương. Ảnh: Vũ Hoàng
Đến bây giờ anh chị vẫn chưa biết lý do con mình chết. Đến Bệnh viện Phú Lương hỏi thì không nhận được câu trả lời nào từ những người có trách nhiệm.
Năm 2005, trong lần sinh thứ 2, anh Trương đã đưa vợ đi thẳng xuống bệnh viện tuyến trên. Và hiện đứa con gái của anh chị đã được 5 tuổi.
Anh Trương nói rằng, sẽ không bao giờ quay lại BV Phú Lương nữa? Hình ảnh đứa con đầu lòng đã mất cứ ám ảnh mãi trong anh.
Sau khi tiếp tục nhận được những thông tin của người dân huyện Phú Luơng (tỉnh Thái Nguyên), đặc biệt những thông tin phản ánh về cái chết của trẻ sơ sinh và thái độ ứng xử, y đức của y bác sỹ tại bệnh viện huyện này, khi trở lại Phú Lương, chúng tôi đã liên lạc với ông Dương Văn Thanh (Giám đốc Bệnh viện Phú Lương) để xác minh lại thông tin từ phía bệnh viện. Tuy nhiên, ông Thanh đã từ chối làm việc trực tiếp với phóng viên: “Nếu chỗ nào các ông cần thông tin, thì có lẽ các ông gửi lại để chúng tôi xem xét, bởi sự việc từ rất là lâu rồi. Việc tra cứu hồ sơ bệnh án có phải dễ đâu. Đề ra từng trường hợp, chúng tôi sẽ có văn bản trả lời các anh”. “Các ông tìm hiểu thông tin từ người dân nó không chính xác đâu. Chúng tôi mong muốn các ông tìm hiểu nhiều chiều cho rõ ràng. Chứ đùng một cái các ông đưa lên mạng thế rất ảnh hưởng. Làm thế thì giết chúng tôi chứ còn gì nữa. Thực sự là rất ảnh hưởng. Chưa có ai làm những việc như các anh làm đâu” (?), ông Thanh than phiền.
- Duy Tuấn – Vũ Hoàng
(Còn nữa)