Phải mua nước lọc để uống
Chúng tôi tìm đến thôn Ấp 1, xã Tiền Phong đang lúc giữa trưa. Thấy có người tìm hiểu về môi trường, anh Hoàng Công Dũng, chị Quang Lai đang làm đồng đã bỏ dở công việc để phản ánh với chúng tôi. Những người nông dân này cho biết, nguồn nước ở Đầm Và mấy năm trở lại đây đã bị đầu độc nghiêm trọng do nước từ KCN Quang Minh chảy ra.
Nguồn nước thải ở KCN Quang Minh chảy vào hệ thống mương của người dân đã khiến hàng ngàn người dân ở thôn Ấp Tre, thị trấn Quang Minh và các thôn ở xã Tiền Phong, nơi có Đầm Và chảy qua phải "kêu trời". Ảnh: Duy Tuấn |
“Cứ đến đợt mưa thì nước ô nhiễm lại được xả thải, có lúc đặc đen như dầu luyn hoặc dầu mỡ, có lúc lại màu vàng gỉ như sắt. Chúng tôi cũng chỉ biết kêu chán mỏi mồm, bây giờ đi làm đồng nước ngập đến đâu thì chân tay bị ngứa đến đấy” - chị Quang Lai cho hay.
Ông Vương Duy Đương (Phó Chủ nhiệm HTX thôn Ấp 1), người đã nhiều lần thay mặt nhân dân phản ánh tình trạng ô nhiễm của nguồn nước đã viết đơn kiến nghị gửi cho Báo VietNamNet, phản ánh tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
“Nguồn nước ô nhiễm nặng bám vào đã làm chết cây và hoa màu chậm phát triển đã mấy năm nay. Nguồn nước trên là do nước thải ở KCN Quang Minh thải trực tiếp xuống đầm. Chúng tôi đã viết đơn đề nghị UBND xã Tiền Phong xem xét nhưng đến nay không thấy có phản hồi. Hơn 800 người dân chúng tôi đang rất hoang mang không biết thế nào”, ông Đương phản ánh.
Đơn của ông Vương Duy Đương, Phó Chủ nhiệm HTX thôn Ấp 1, Tiền Phong gửi đến Báo VietNamNet về tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: Thu Hương. |
Ước tính, khoảng 90% dân trong thôn phải mua các bình nước để uống vì sợ nguồn nước ngầm đã bị nhiễm chất độc.
“Nhiều lúc nước được xả thải từ khu công nghiệp ra bất ngờ. Dân cũng không thể biết nó ảnh hưởng như thế nào nhưng chỉ cảm thấy sợ bởi nhiều lúc nước đen sì như nước phân trâu, giếng khoan giờ chỉ dùng để tắm giặt và rửa ráy”, ông Quảng nói thêm.
Ở tổ dân phố số 9 và số 10, thị trấn Quang Minh, tình trạng ô nhiễm, nhất là nguồn nước ngày càng trầm trọng hơn. Nước con mương tiêu chảy qua đây đã ngấm vào mạch nước ngầm nên nhân dân ở đây đang rất khốn khổ về nước sinh hoạt.
Có nhiều hộ đã phải bỏ ra 3-4 triệu đồng mua máy lọc nước để sinh hoạt. Tuy nhiên, số hộ có máy đắt tiền trên gần 400 hộ dân ở đây chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trước kia, chỉ cần khoan giếng khoảng hơn 10m là nước có thể dùng được, nay thì có khoan hàng chục mét người dân vẫn không an tâm.
Mùa màng thiệt hại, cá mương không dám ăn
Sau khi tiếp xúc với nhiều hộ dân ở 2 tổ dân phố của thôn Ấp Tre, chúng tôi có mặt tại hội trường của thôn này. Không chỉ người dân mà nhiều cán bộ thôn cũng đang “kêu trời” vì môi trường bị đầu độc, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, cây trồng bị thiệt hại.
Ngoài màu vàng của nguồn nước mương thì tại những bãi có nhiều cây cỏ, những loại váng của máy công nghiệp đọng lại trên mặt nước với rất nhiều màu sắc. Mới nhìn vào đã có cảm giác sợ hãi chưa nói đến việc những chất này ngấm vào nguồn nước sinh hoạt của dân hay bơm lên ruộng đồng. Ảnh: Duy Tuấn |
Đây là vùng trồng cung cấp hành tây khá lớn nhưng trước kia 1 sào hành tây mỗi vụ dân thu hoạch được trên 2 tấn giờ chỉ thu hoạch xấp xỉ được 1 tấn/1sào. Nguyên nhân là do khí thải tác động nên hành tây bị quắt lá rồi chết, thối rất nhiều. Hồ sen chưa đến mùa cũng bị chết hoặc không ra hoa được.
Khí thải từ các nhà máy ở KCN Quang Minh thải ra không khí. (Ảnh người dân Ấp Tre chụp năm 2008 cung cấp). |
Còn ông Nguyễn Văn Sỹ (Chủ nhiệm HTX thôn) thì nói rằng: “Do nước quá ô nhiễm nên nhiều người nông dân chúng tôi không dám lấy nước để tưới cây hành tây hoặc cây hoa màu, bí đao vì sợ lâu dài sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chúng tôi đang xây dựng 10ha rau an toàn và kiến nghị được dùng nước máy khoan để tưới cây rau sạch này”.
Cùng chung một nỗi niềm lo lắng cho người dân, ông Nguyễn Văn Quất, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 9 cũng cho biết: “Nhiều lần khi ngửi thấy mùi khét lẹt người dân tưởng cháy dây điện chạy ra cửa xem thì mới phát hiện ra là không phải mà là khói từ phía khu công nghiệp Quang Minh bay tới. Trong các năm trước thì nhiều lắm, khói các nhà máy thải ra đen kịt. Người dân bức xúc quá đã dùng máy ảnh chụp lại để phản ánh lên trên”.
Những người cán bộ thôn này không chỉ lo lắng cho dân mà còn lo lắng cho chính bản thân họ và người nhà nữa. Bởi môi trường trong lành bao năm của họ đang bị đầu độc.
“Tôi tuyên truyền với dân là không nên ăn cá ở trên mương tiêu này vì ô nhiễm nước trên mương ngấm vào con cá. Ăn vào không chết ngay mà nó ngấm dần gây bệnh. Cá đó có cho tôi cũng không dám ăn” – ông Quất tiếp tục bức xúc.
Ông Ngô Văn Minh, tổ trưởng dân phố số 10 và ông Nguyễn Văn Quất, bí thư tổ dân phố số 9 đang phản ánh tình trạng người dân đang sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Duy Tuấn |
Tuy nhiên, mối lo lắng về ô nhiễm nguồn nước, không khí, thiệt hại mùa màng chưa phải là lớn nhất. Gần 2000 người dân ở tổ dân phố số 9 và số 10 đang hoang mang, lo sợ hơn vì họ đang phải đối mặt với “án tử hình” mang tên… ung thư, khi chỉ trong 3 năm qua có hàng loạt người dân bị chết vì căn bệnh này, mà chủ yếu là những người còn trẻ.
-
Duy Tuấn – Thu Hương
(Còn nữa)