221
3702
Điều tra theo thư bạn đọc
theodauthu
/bandocviet/theodauthu/
1238433
Bài 3: “Án tử hình” ung thư ở ngoại thành Hà Nội?
1
Article
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
Bài 3: “Án tử hình” ung thư ở ngoại thành Hà Nội?
,

 – Ngày chúng tôi đến tìm hiểu về ô nhiễm ở thôn Ấp Tre (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội) thì cũng là ngày ông Nguyễn Văn Kho, 62 tuổi bị chết vì ung thư. Ít ngày sau, người dân ở đây lại phải tiếp tục đưa tiễn anh Nguyễn Văn Thanh, mới 42 tuổi về nơi chín suối cũng vì bệnh ung thư, để lại người vợ với 2 con còn nhỏ.

 

Một không khí hoang mang lo lắng bao trùm lên cả ngôi làng này vì họ đang phải đối mặt với một hiện tượng: hàng loạt người chết vì ung thư chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây. Mà phần lớn là đang trong độ tuổi rất trẻ. 

 

Họ không biết vì lý do gì, chỉ biết “án tử hình” xuất hiện từ khi KCN Quang Minh đi vào hoạt động, từ khi môi trường sống của họ bị ô nhiễm, nhất là nguồn nước, không khí.  

 

Hàng loạt người chết vì ung thư? 

Mô tả ảnh.

Goá phụ Nguyễn Thị Thắm ở tổ dân phố số 9. Chồng chị, anh Thanh, vừa qua đời vì căn bệnh ung thư khi mới 42 tuổi. Ảnh: Thu Hương

Trong mỗi câu chuyện phản ánh về môi trường ô nhiễm, đang bị đầu độc với phóng viên VietNamNet là những cái lắc đầu ngao ngán vì cả thôn Ấp Tre (bao gồm cả 2 tổ dân phố số 9 và số 10) trong 4 năm trở lại đây đã có rất nhiều người chết vì ung thư, tập trung chủ yếu ở tổ dân phố số 9. 

Theo thống kê của họ, con số lên tới hơn chục người, chủ yếu là đang trong độ tuổi còn trẻ. Đây là một hiện tượng lạ, chưa từng có ở làng quê này.
 

Ngày chúng tôi có mặt thì người dân ở đây đang chuẩn bị đưa tiễn ông Nguyễn Văn Kho, 62 tuổi về với đất. Ông Kho chết vì căn bệnh ung thư thực quản.
 
Anh Nguyễn Văn Bảo, con trai ông Kho vừa chỉ tay về phía dòng nước vàng khè vừa nói rằng, bố của anh bị ung thư là do môi trường ô nhiễm, chứ trước đây ông rất khoẻ. Nói rồi anh đưa cho chúng tôi xem hàng loạt những giấy tờ khi ông đang điều trị.

 

Các kết quả xét nghiệm đều nói ông Kho bị “K thực quản”. Người bà con của ông là ông Nguyễn Hữu Có, 63 tuổi cũng chết vì căn bệnh u não vào năm 2009.

 

Cách nhà ông Kho không xa là trường hợp của anh Nguyễn Văn Mạnh, ở tổ dân phố số 10. Người làng biết đến anh với hình ảnh một nguời đàn ông rất khoẻ mạnh, thậm chí để giữ sức khoẻ của mình, anh Mạnh không bao giờ dùng đến thuốc lá hay rượu bia. 

Thế nhưng căn bệnh ung thư dạ dày đến bất ngờ rồi quật ngã anh khi anh chỉ mới 39 tuổi.

 

Chị Nguyễn Thị Loan, vợ anh Mạnh, cho biết, anh Mạnh không bao giờ có bệnh tật. Từ khi biết chồng bị ung thư, gia đình đã chạy chữa hết 200 triệu đồng nhưng rồi cũng không thể thắng được căn bệnh quái ác này. Đến tháng 11/2008 thì chồng chị mất.

 

Chết vì ung thư ở trong độ tuổi còn trẻ còn có thêm trường hợp anh Nguyễn Văn Cúc, chết vì ung thư gan vào năm 2008 khi chỉ mới 39 tuổi; anh Nguyễn Văn Chúc, 43 tuổi, chết năm 2008 vì ung thư gan. 

 

Mô tả ảnh.

Vợ của anh Nguyễn Văn Mạnh (chết vì ung thư dạ dày) đang ngồi kể với PV về cái chết của chồng mình. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Lưu Văn Luyện, có bố là Lưu Văn Tiêm bị chết vì ung thư dạ dày vào năm 2007 đã dẫn chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Đường, chủ tịch hội nông dân thôn, người có lẽ chịu cảnh mất mát đau thương nhất trong những người dân nơi đây. 
Đau đớn hơn nữa là những người này “ra đi” trong độ tuổi còn rất trẻ, để lại những người vợ, người con rất đáng thương, người nhiều nhất mới 52 tuổi và người trẻ nhất mới 28 tuổi.
 

Chỉ trong 2 năm, ông Đường đã 3 lần chịu cảnh mất người thân vì căn bệnh ung thư. Năm 2008, người em vợ của ông là Nguyễn Văn Hoàn 28 tuổi, đã chết vì ung thư gan. Đến tháng 5/2009, ông mất thêm người anh trai là Nguyễn Văn Chanh, 52 tuổi nhập Bệnh viện K (Hà Nội) vì nghi ung thư phổi, sau đấy bác sỹ kết luận là mắc bệnh Ap-xe phổi.

 

Rồi mới đây nhất là người em trai của ông là Nguyễn Văn Thanh, cũng chết khi mới có 42 tuổi vì bệnh ung thư vòm họng. 

 

Mô tả ảnh.

Máy lọc nước chỉ có mặt ở một số gia đình có điều kiện. Ảnh: Duy Tuấn

Với phong tục không muốn lưu giữ những thứ liên quan đến người đã mất nên những giấy tờ trong thời gian điều trị ở các bệnh viện đã bị người nhà đốt đi. Có nhiều gia đình có người thân mất vì ung thư nhưng sợ chúng tôi không tin, họ đã viết giấy cam kết với chúng tôi, còn giấy tờ thì còn lưu ở các bệnh viện.  

Rồi những cái tên cả những người chết vì ung thư trong mấy năm trở lại đây lại xuất hiện nhiều thêm: ông Nguyễn Văn An, 70 tuổi, bị ung thư phổi; ông Ngô Văn An, 71 tuổi, bị ung thư dạ dày; anh Chu Văn Kích, 49 tuổi, ung thư gan; anh Lưu Văn Luật, 47 tuổi, bị ung thư dạ dày.

 

Hiện tại ở tổ dân phố số 9 còn có bà Nguyễn Thị Cót, 70 tuổi đã phát bệnh ung thư dạ dày đã 4 năm nay và đang đối diện với cái chết trong nay mai.

 

“Án tử hình ai mà không sợ”

 

Người bị chết vì ung thư ở cả 2 tổ dân phố thường phát bệnh rồi mất khá nhanh. Đa phần các bệnh có liên quan đến dạ dày, gan và phổi. Trong số 13 người mà người dân cung cấp cho chúng tôi thì có gần 10 người đang trong độ tuổi còn rất trẻ.

 

Không chỉ người dân bình thường mà cả tập thể cán bộ của 2 tổ dân phố số 9 và số 10 cũng khiếp sợ khi nhắc đến căn bệnh ung thư đang bao trùm ở làng quê này.  

 

Mô tả ảnh.

Những cán bộ tổ dân phố số 9 đang phản ánh với chúng tôi về môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Vấn đề họ quan tâm, lo lắng nhất vẫn là việc hàng loạt người trong làng chết vì bệnh ung thư. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Ngô Văn Minh, Tổ trưởng tổ dân phố số 10 cho biết tổ của ông có ba ca ở độ tuổi chết trẻ do căn bệnh ung thư, còn phấn lớn tập trung ở tổ 9. Ông cho rằng từ khi có KCN Quang Minh thì mới nảy sinh ra bệnh ung thư, trước kia 5 - 7 năm mới có một người bị ung thư, hiện nay trong số người chết thì có tới 70-80% chết vì bệnh này (?). 

Còn ông Nguyễn Văn Quất - Bí thư chi bộ tổ dân phố số 9, nơi có nhiều người chết vì ung thư cũng có ý kiến như vậy. “Thời gian gần đây số người chết vì ung thư rất nhiều, không biết do đâu? Chúng tôi cho rằng do từ nguồn nước và môi truờng mà ra đấy. Dân thì không biết thế nào, thường là chết rất trẻ, toàn ung thư mà còn mấy ông đang ọp ẹp nữa”. 

Mô tả ảnh.

Ông Nguyễn Văn Quất, Bí thư chi bộ tổ 9: "Án tử hình ai mà không sợ... Chúng tôi cho là do nguồn nước và môi trường mà ra cả". Ảnh: Thu Hương

Khi chúng tôi hỏi người dân có sợ không khi đối mặt với hiện tượng như vậy, ông Quất nói rằng: “Chúng tôi sợ chứ, nó là án tử hình, ai mà chẳng sợ. Gay thế chứ lại! Chúng tôi lo lắng cho cộng đồng không khéo thành làng ung thư như ở Phú Thọ thì bỏ bố… 

Bệnh tình thì phải chữa thôi, các anh chỉ có đề nghị với các anh ở trên để xử lý KCN về khí thải, nước thải để khỏi ảnh hưởng tới cộng đồng. Các anh chỉ biết thế thôi. Rác thải thì xử lý được chứ còn nước thải và khí thải thì chịu”.

 

Những người cán bộ này cũng đều nói rằng họ không thể biết được trong các nguồn nước và không khí thải ra từ các nhà máy trong mấy năm qua có chất gì, chỉ thấy hiện tượng người chết vì ung thư hàng loạt, nhất là năm 2009.

 

Trong những thời điểm khí thải bị gió đẩy về có mùi rất khét, nước thì vàng, nhuộm cả cây. Không có ai dám khẳng định rằng trong khí thải, nước thải đấy trong những năm qua và giờ không có chất gây ung thư?

 

Còn ông Lưu Văn Luyện đã tính đến phương án cuối cũng là phải bỏ làng đến vùng đất khác để sinh sống vì không thể chịu nổi sự ô nhiễm. Ông nói rằng để đảm bảo cho thế hệ con cháu được sống trong môi trường sạch, ông sẽ mua đất ở Lục Ngạn (Bắc Giang) rồi chuyển đến đó ở.

 

Tạm biệt ngôi làng có hàng loạt người chết vì ung thư, ra về, chúng tôi cứ day dứt mãi những ánh mắt, câu nói chứa đựng sự hoang mang, lo lắng của người dân nơi đây. Họ vẫn chưa có nước sạch để dùng, cộng thêm sống chung với môi trường bị đầu độc. Họ đang ngày đêm lo sợ không biết ngày nào tử thần mang tên ung thư sẽ đến với gia đình mình? 

 

Đoàn kiểm tra Sở TN&MT Vĩnh Phúc năm 2008 đã phát hiện hàng loạt nhà máy đang hoạt động trên địa bàn huyện Mê Linh vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, khai thác khoan, xả nước thải. Ở xã Tiền Phong có 3 nhà máy thì đều chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước.

 

Đặc biệt ở KCN Quang Minh có tới 18 doanh nghiệp chưa được phép xả thải vào nguồn nước, ngay cả chủ đầu tư là Công ty TNHH ĐT & PT hạ tầng Nam Đức cũng vi phạm nhiều điều pháp luật bảo vê môi trường, chưa có giấy phép xả nước thải (báo cáo kết quả năm 2008 của Sở TN&MT Vĩnh Phúc).

 

Phòng TN&MT huyện Mê Linh cho biết, trong đợt kiểm tra của Sở TN&MT Hà Nội tháng 7/2009 tại KCN Quang Minh, mặc dù chủ đầu tư đã xây dựng hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải KCN Quang Minh nhưng vẫn chưa xin phép để xả nước thải ra môi trường.

 

Muốn xác minh phải có công văn và được sự đồng ý của... người chết (?!)

 

Chúng tôi đã đến Bệnh viện Bạch Mai để xác minh các thông tin về những trường hợp bệnh nhân nghi ung thư ở xã Tiền Phong, huyện Mê Linh từng điều trị tại đây. Tuy nhiên, sau 2 ngày đăng ký, được sự đồng ý của Giám đốc bệnh viện, chúng tôi mới được tiếp xúc với ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp để làm việc.

 

Phóng viên VietNamNet đã trình bày rõ, đây chủ yếu là những trường hợp đã chết, chỉ có một người còn sống và người nhà cho biết là bị bệnh ung thư. Cần xác minh những người đó đã từng điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai hay không, được chẩn đoán bệnh gì?

 

Ông Tuấn đã đồng ý với những yêu cầu của chúng tôi và hứa sẽ thông báo lại khi có kết quả vì phải mất rất nhiều thời gian tìm hồ sơ (trong khi ở Bệnh viện K chỉ cần một tiếng đồng hồ là xong).

 

Tuy nhiên khi thông báo lại cho phóng viên thì bà Nguyễn Hương Giang, Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai có ghi chú đằng sau giấy giới thiệu của PV: “Kính đề nghị báo VietNamNet có công văn gửi Bệnh viện Bạch Mai ghi rõ mục đích xác minh thông tin bệnh nhân và ý kiến đồng ý của bệnh nhân về việc tiết lộ thông tin cá nhân”.

 

Trong khi tại buổi trao đổi trước đó, chúng tôi đã cung cấp thông tin là các bệnh nhân này chủ yếu là đã chết hết. Còn về mục đích của việc xác minh thông tin, khi ông Tuấn yêu cầu cho biết, phóng viên cũng đã trình bày trước đó. 

  • Duy Tuấn – Thu Hương 

       (Còn nữa)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,