- Chuyện thật tưởng như đùa khi bà Nguyễn Kim Chi (trú tại 59 phố Hàng Bún, phường Quán Thánh, Hà Nội) đã nhiều năm qua chỉ còn biết thẫn thờ nhìn căn hộ cách có vài bước chân bị “bỏ hoang” vì không có lối đi.
Năm 2006, thực hiện chủ trương của Nhà nước về xóa bỏ mái bằng vỉa gạch nguy hiểm trên địa bàn thành phố Hà Nội, địa điểm số nhà 59 Hàng Bún, phường Quán Thánh, quận Ba Đình được đưa vào danh mục phương án cải tạo sửa chữa nhà nguy hiểm bão lụt năm 2006.
Trong quá trình thi công Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn nên công trình khởi công từ năm 2006 cho đến nay việc sửa chữa, thi công vẫn dang dở gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân trong biển số nhà.
Sửa 3 năm vẫn chưa xong
Sự việc bắt nguồn từ phần diện tích 8,2m2 bà Nguyễn Thị Lễ sử dụng có chung mái bằng vỉa gạch dầm gỗ với khu vệ sinh chung có diện tích 15,74m2 thuộc diện nguy hiểm, mái có nguy cơ sập, cơ quan quản lý nhà đã phải dùng dầm, cột gỗ chống sập mái trong khi chờ phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán để tiến hành sửa chữa.
Trước khi khởi công công trình, ngày 06/07/2006, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số I, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cùng UBND phường Quán Thánh và các ban ngành chức năng của UBND quận Ba Đình đã mời tổ dân phố và các hộ dân tại 59 Hàng Bún họp để phổ biến chủ trương của Nhà nước về xóa bỏ nhà nguy hiểm, các quyết định của cơ quan có thẩm quyền và nội dung sửa chữa để các hộ dân có điều kiện kiểm tra giám sát công trình sửa chữa.
Tại cuộc họp đại diện các cấp chính quyền và các hộ dân đều nhất trí ủng hộ về nội dung sửa chữa và cam kết tự di chuyển đồ đạc, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Trong biên bản cuộc họp ngày hôm đó có đầy đủ chữ ký các thành phần tham dự, trong đó có cả bà Nguyễn Thị Lễ.
Nhưng không hiểu vì lí do gì từ sau khi công trình được phá dỡ vỉa gạch, ghép cốt pha đặt sắt để đổ bê tông mái, bà Lễ luôn gây khó khăn và cản trở thi công. Ngày 11/08/2006, hộ bà Lễ tự ý cho người phá dỡ cốt pha để chuẩn bị đổ bê tông phần diện tích nhà nguy hiểm.
Công trình thi công vẫn đang còn dang dở nằm ngổn ngang tại số nhà 59 Hàng Bún. |
Do chỉ có duy nhất một lối đi qua nhà bà Lễ nên mỗi khi có đoàn công tác xuống làm việc bà Lễ đều viện lý do đi vắng hoặc khóa trái cửa khiến đội thi công mỗi lần đến đều phải ngậm ngùi ra về.
Cũng kể từ đó cho tới nay, việc sửa chữa nhà vệ sinh công cộng tại 59 Hàng Bún nằm “đắp chiếu” đã gây không ít bất tiện cho những hộ sống tại đây. Nhất là hộ nhà bà Nguyễn Kim Chi.
Vệ sinh không mái, nhà mất lối đi
Chuyển về 59 Hàng Bún từ năm 1979, gia đình bà Nguyễn Kim Chi sở hữu căn hộ mà hiện tại người con trai cả của bà đang ở cũng sử dụng phần diện tích 8,2m2 chung mái với nhà vệ sinh làm lối đi.
Theo dự tính việc sửa chữa chỉ diễn ra trong khoảng 20 ngày nên tại thời điểm đó gia đình quyết định đóng cửa căn hộ tạm lánh đi một thời gian nhưng việc thi công bị đình trệ khiến bà Chi cùng các con đã hơn 3 năm nay không thể vào được nhà. Mọi vật dụng, đồ đạc vẫn còn nguyên trong đó. Bà Chi than thở: “Như thế này chả khác nào nhà bị niêm phong cả!”
Từ tháng 08/ 2006 tới nay gia đình bà Chi không thể vào được nhà do lối đi bị phá dỡ.
Không những thế do cùng chung mái với nhà vệ sinh nên cũng trong ngần ấy thời gian, các hộ dân sống trong số nhà phải chịu đựng cái cảnh nhà vệ sinh công cộng “mất” mái. Bà Chi cho biết: “Mùa lạnh còn đỡ chứ mùa nóng thì ô nhiễm không thể chịu được, mùi bốc lên nồng nặc, nước thải thì chảy lênh lánh ra ngoài. Người ở đây hạn chế sử dụng lắm, phần lớn toàn khách uống bia ở đầu ngõ vào.”
Nhà vệ sinh xuống cấp nằm sát nhà riêng và nguồn nước trong khu dân cư. |
Không những thế, theo quan sát của chúng tôi nhiều nguồn nước của các hộ gia đình còn nằm ngay phía trên sát với phần mái đã “biến mất” của nhà vệ sinh công cộng. Trước tình hình đó, các hộ dân tại số 59 Hàng Bún đành phải “chữa cháy” bằng cách phủ bạt lên trên nhà vệ sinh.
“Làm ngơ” trước chính quyền
Trong suốt thời gian qua, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số I phối hợp với UBND phường Quán Thánh đã nhiều lần vận động, thuyết phục gia đình bà Lễ để cho công nhân có thể tiếp tục tổ chức triển khai thi công nhưng gia đình bà Lễ đều ngăn cản, bất hợp tác.
Ngày 27/09/2006, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có công văn số 5457/2006/QLPTN-KH gửi UBND quận Ba Đình và UBND phường Quán Thánh đề nghị tổ chức thành lập hội đồng cưỡng chế, tạo điều kiện để Công ty Quản lý nhà Hà Nội tiếp tục thực hiện việc thi công cải tạo sửa chữa mái bằng sân thượng khu phụ tại 59 Hàng Bún.
Ngày 10/11/2006, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội lại tiếp tục có công văn số 6179/QLPTN-KH gửi UBND quận Ba Đình, Tòa án nhân dân quận Ba Đình, Viện Kiểm sát nhân dân quận Ba Đình đề nghị thành lập hội đồng cưỡng chế và văn bản số 6180/QLPTN-KH kế hoạch thực hiện cưỡng chế chuyển tài sản của bà Lễ để trong diện tích 8,2m2 để đơn vị vào thi công nhưng cũng không thực hiện được.
Tháng 10/2008, Công ty quản lý và phát triển nhà có đề xuất lên Sở Xây dựng Hà Nội thu hồi phần diện tích 8,2m2 trên để tiến hành sửa chữa. Khi nào xong lại tiếp tục kí hợp đồng cho bà Lễ thuê tiếp.
Bà Phan Thị Ngoan – Phó Chủ tịch phường Quán Thánh. |
Bà Phan Thị Ngoan – Phó Chủ tịch phường Quán Thánh cho biết: “Chúng tôi cũng đã phối hợp với Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội để xử lý nhưng cứ mỗi lần xuống nhà bà Lễ lại khóa cửa bỏ đi. Mọi giấy tờ thông báo bà ta đều khước từ.”
“Do nhà số 59 phố Hàng Bún thuộc sở hữu Nhà nước đã quản lý và ký hợp đồng cho 7 hộ dân thuê nên về phần pháp lý xí nghiệp quản lý nhà phải thực hiện, chúng tôi chỉ được UBND quận giao trách nhiệm đảm bảo cho đơn vị vào thi công”.
Trong hội nghị tiếp xúc cử tri quận Ba Đình ngày 21/12/2009, ông Nguyễn Văn Chanh – Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận vụ việc nhà bà Chi tại số 59 Hàng Bún là hoàn toàn chính xác nhưng cũng chỉ hứa hẹn rằng mọi việc sẽ sớm được giải quyết trong năm 2010.
-
Vũ Thành