- Dòng sông đục ngầu, nước đen kịt, hai bên bờ là “điểm tập kết” rác thải của người dân, mùi xú uế lan tỏa đến từng nhà, phòng làm việc của các công sở. Trong chiếc ao của làng, xác cá nổi lềnh bềnh; ngay bên cạnh, một số phụ nữ thản nhiên dùng thứ nước đó rửa rau và mang... ra chợ.
Cả xã sử dụng một nguồn nước “đen”
Xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì (Hà Nội) chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 10km đường bộ, là một xã có làng cổ, có làng nghề truyền thống nhưng những gì người dân ở đây phải gánh chịu thì ngoài sức tưởng tượng.
Xã có hơn 30 hộ làm nghề miến dong, bánh đa... với số lượng lớn. Toàn bộ nước thải từ ngâm, tẩy trắng bột, cùng với nước thải trong chăn nuôi và sinh hoạt hằng ngày đều chảy trực tiếp vào hệ thống cống rãnh của địa phương, rồi đổ xuống dòng sông Nhuệ.
"Công nghệ" rửa rau "số lượng lớn" như thế này được người dân ở đây xem là chuyện bình thường... Ảnh: Vũ Hoàng |
Nguồn nước đó lại được người dân sử dụng để tưới tiêu cho ruộng vườn và hoa màu, nước ô nhiễm ngấm trong đất cộng với rác thải bốc mùi tanh tưởi. Những ai đã từng đến vùng đất này đều phải đưa tay bịt mũi cho dù đang ở trong nhà, ngoài đường hay ngồi trong văn phòng công sở.
Dường như người dân ở đây đã quá quen thuộc với cảnh này, toàn xã có hơn 8.000 nhân khẩu thì hầu hết đều sử dụng chung một “hố rác” là lòng sông Nhuệ. Vì lẽ đó, hiện nước sông Nhuệ đoạn qua xã Hữu Hòa đã không còn dòng chảy vì rác thải tù đọng, nước đặc quánh một màu đen kịt.
Ô nhiễm nghiêm trọng nhất là thôn Phú Diễn, tại đây tập trung những hộ dân chế biến bánh đa, làm miến và họ vô tư xả rác thải xuống thẳng dòng sông. Rác thải loại này có mùi hôi thối đặc trưng, lẫn vào trong không khí suốt ngày đêm và lan tỏa ra một vùng rộng lớn.
Tại đây, phóng viên VietNamNet đã tận mắt chứng kiến một số phụ nữ dựng lều lán sát bờ ao làng và thản nhiên dùng thứ nước đó rửa rau mang ra chợ bán. Dù rằng, chiếc ao đó chứa đầy rác thải và thậm chí, cá chết nổi lềnh bềnh ngay bên cạnh.
Khi thấy chúng tôi kinh ngạc trước cảnh đó, một trong số những người phụ nữ này lên tiếng: “Là nhà báo hả? Cứ chụp ảnh đưa lên báo vô tư đi, chúng tôi quen thế này rồi, với lại không dùng nước này rửa rau thì biết dùng nước nào bây giờ? Đã có ai chết vì bẩn đâu mà lo”.
Kiểm chứng lời nói đó, chúng tôi dạo một vòng quanh xã và bàng hoàng khi thấy những gì gọi là “nước” đều được phủ một màu đen kịt, từ nước sông Nhuệ đến nước các ao hồ trong xã đều tràn ngập rác thải và bốc mùi tanh thối. Thứ nước sạch còn lại duy nhất người dân sử dụng là nguồn nước máy cho sinh hoạt trong từng gia đình.
Liên thông giữa các thôn với nhau chỉ có một con đường duy nhất rộng khoảng 3m đang đối mặt với tình trạng quá tải khiến giao thông của người dân luôn luôn bị ùn tắc. Vì thế việc lưu chuyển rác thải ra ngoài rất khó được thực hiện.
Mặt khác, các hộ dân làng nghề thường xuyên đưa các khay bánh, miến ra phơi ngay bên lề đường và thậm chí, phơi trên các luống rau trên lòng sông Nhuệ đủ thấy sự an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường ở đây như thế nào.
"Chúng tôi đang tìm giải pháp"
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Tuyến: "Hôm nay còn đỡ, chứ như mấy hôm trước thì không chịu được mùi như thế này đâu". Ảnh: Vũ Thành |
Trụ sở UBND xã Hữu Hòa nằm gần bờ sông, quanh năm cũng phải sống chung với ô nhiễm. Ông Nguyễn Quang Tuyến (Chủ tịch xã) thừa nhận: “Hôm nay là còn đỡ đấy, chứ như mọi hôm thì không chịu được mùi như thế này đâu. Làm việc trong công sở mà mùi hôi thối còn bốc vào tận từng phòng, chúng tôi đã triển khai dọn dẹp dọc bờ sông 4 - 5 lần rồi mà tình hình vẫn thế”.
“Mặt khác, sự ô nhiễm ở đây một phần là do người dân hai bên bờ sông xử lý rác “tại chỗ”, họ xả hẳn xuống lòng sông và dùng thứ nước này để tưới tiêu cho hoa màu nên ô nhiễm lan tỏa ra cả vùng. Khúc sông này là chỗ lắng đọng, các vật phế thải không thoát được”, ông Tuyến cho biết thêm.
Các khay chứa bánh đa được người dân phơi luôn trên bờ sông Nhuệ, đây là nơi phát sinh của mùi hôi thối nồng nặc lan toả khắp toàn xã. Ảnh: Vũ Thành
Việc ô nhiễm ở khu vực này đã kéo dài nhiều năm, nguy cơ tiềm ẩn là việc người dân tiếp xúc với tình trạng như thế này sẽ dẫn đến hậu quả bệnh tật, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Tuy nhiên, dường như cả người dân lẫn chính quyền sở tại chưa tính đến việc này.
Bởi vấn đề tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm còn chưa được tính toán một cách kỹ lưỡng, và chưa có sự quan tâm đầu tư triệt để. Như lời ông chủ tịch thì “chúng tôi vẫn đang kiến nghị tìm giải pháp”.
“Trước đây, sông Nhuệ trong xanh lắm, người dân còn tắm được và mò cua bắt cá nhưng đến giờ đã không còn cảnh đó nữa. Đến một con cá cũng không sống nổi trong lòng sông này thì chưa biết con người sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào đây?”, chị Thu Trang (thôn Phú Diễn, xã Hữu Hòa) bày tỏ.
Khúc sông phía đầu xã được chặn lại và có một máy bơm nước vận hành suốt ngày đêm. Tình trạng ô nhiễm ở Hữu Hòa đã đến mức báo động nhưng người dân vẫn chưa lường hết được những hiểm họa và bệnh tật có thể ập đến bất cứ lúc nào. Ảnh: Vũ Hoàng |
Theo quan sát, ngay đầu khúc sông chảy vào xã Hữu Hòa hiện đang có một máy bơm hoạt động để lọc nước cho sông Nhuệ. Với những giải pháp để khắc phục như thế này liệu tình trạng ô nhiễm tại Hữu Hòa có tiến triển được hay không, và đến bao giờ người dân nơi này mới thực sự được sống trong không khí trong lành như ngày xưa từng có.
-
Vũ Hoàng – Vũ Thành