– Sự việc của Anh hùng lao động, Giáo sư (GS) Phạm Gia Khải (phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được các cấp xử lý nhiều năm nhưng vẫn chưa đâu vào đâu. Hàng chục lá đơn của vị trí thức khả kính này lại được gửi đi nhưng dường như chưa có hồi âm.
Ngoài việc quyền lợi diện tích chung “nằm trên giấy” thì điều khiến ông không thể ở tại ngôi nhà mình được là ngôi bếp không được phép khôi phục.
Theo tài liệu mà VietNamNet có được, vào thời điểm tháng 7, tháng 8 vừa rồi (năm 2009) đã có 2 cuộc họp quan trọng của cơ quan quản lý địa phương bàn về nguyện vọng được sửa chữa bếp của gia đình GS Khải để ông được trở về ở, chấm dứt thời gian “sơ tán” khá mệt mỏi.
Tuy vậy, không hiểu sao sự việc khi trình lên cấp quận thì lại bế tắc?
Tại biên bản cuộc họp “Thống nhất giải quyết việc cải tạo, sửa chữa lại diện tích phụ của ông Phạm Gia Khải” vào ngày 20/8/2009, tất cả các thành phần tham gia từ các phòng ban chức năng cấp quận đến UBND phường Phan Chu Trinh và các tổ trưởng dân phố đều đưa ra ý kiến rằng nhu cầu sửa chữa lại bếp ăn của GS Khải là rất thiết thực và chính đáng để đảm bảo sinh hoạt.
Không ai nghĩ hình ảnh này lại là cái bếp của ngôi nhà ông Khải, một Anh hùng lao động. Căn bếp chỉ còn trơ khung sắt, tan hoang. GS Khải xin được khôi phục lại đúng nguyên trạng để có thể sinh hoạt nhưng đã 2 năm nay không thể giải quyết. Ảnh: Duy Tuấn |
Ông Hoàng Dương Lai, Chánh Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm nêu ý kiến: “Phần diện tích bếp là nhu cầu tối thiểu, rất cần thiết đối với mọi gia đình. Vì vậy, nguyện vọng khôi phục lại bếp của ông Minh (TS Phạm Gia Minh - NV) là chính đáng”.
Các phòng ban có chức năng và chính quyền cơ sở đều thống nhất về nguyện vọng khôi phục lại bếp của GS Khải và đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm cho phép. Tuy vậy, mọi thông tin mà cơ quan quản lý cấp cơ sở và các hộ dân nắm được chỉ mới đến đó bởi sau các cuộc họp này họ không nhận được phản hồi. GS Khải lại phải tiếp tục làm đơn xin… khôi phục bếp nhà mình.
“Tôi thấy không công bằng cho GS Khải!”
Nỗi bức xúc về vấn đề trên không chỉ ở trong gia đình GS Khải mà mọi người dân ở khu phố 27, 28, phường Phan Chu Trinh cũng đều có sự bức xúc đó. Họ khó hiểu vì sao một người như GS. Phạm Gia Khải lại bị đối xử như vậy khiến ông lâm vào tình cảnh trớ trêu hiện nay là có nhà mà không ở được, phải sơ tán ở với con cái.
Bà Quý, tổ trưởng dân phố số 28, phường Phan Chu Trinh. Ảnh: Duy Tuấn |
Bà Quý là người am hiểu mọi vấn đề ở số nhà 7A, ngõ Phan Chu Trinh nên từ khi xảy ra việc của GS. Khải, hầu hết các cuộc họp của các cơ quan quản lý, bà đều được mời và đóng góp ý kiến.
“Tôi chưa đọc bài báo trên VietNamNet. Tôi nêu ý kiến về trường hợp giáo sư Khải trong buổi tiếp xúc cử tri ở phường Phan Chu Trinh. Tôi nói cái công lý, sự thực, đúng cuộc sống hiện tại của bác Khải.
Đối với GS Khải, tôi không nói là GS hay Anh hùng lao động mà chỉ phản ánh với tư cách là một người dân bình thường thôi cũng không đến nỗi đối xử với nhà bác Khải như thế. Nhà báo nhìn ngôi nhà mà xem, tất cả mái che ngày xưa trên trần dột xuống, không ở được mới dọn đi để sửa chữa… Phải có bếp mới về ở được chứ”, bà Quý bức xúc.
Bà Quý cho biết, năm 2007, do mái tôn bếp đã bị gỉ, dột nên GS Khải đã tháo ra để thay lại nguyên trạng. Không ngờ vấp phải sự phản đổi của hộ bên dưới, rồi sau đó không được phép khôi phục bếp. Đến nay vẫn chỉ còn mấy khung sắt hoen gỉ, trông tan hoang như nhà hoang.
“Người ta hiểu là cái nhà trước đã tồn tại rồi, chỉ dỡ ra vì nó bị gỉ và dột. Người ta chỉ tháo ra làm lại cái tôn, giữ nguyên trạng chứ có xây cất gì đâu nhưng nhà dưới không cho làm thì tôi thấy vô lý. Người dân ở đây họ cũng rất là bức xúc. Chỉ có việc cái bếp đã phá rồi, xin làm lại như cũ mà không cho làm, cứ để tan hoang như thế”, bà Quý nói thêm.
Bà tổ trưởng dân phố thông tin thêm, cách đây 3, 4 tháng trên quận có quyết định lần cuối để giúp cho GS. Khải, được sự đồng ý dưới cơ sở vào văn bản, phường cũng ủng hộ để cho ông Khải được khôi phục cái bếp như cũ. Thế nhưng đã mấy tháng rồi mà chưa thấy hồi âm gì.
GS Khải đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng lao động từ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong năm 2008. Ảnh: TTXVN |
Bà Quý có kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện khá thú vị về sự so sánh giữa tâm huyết của một bác sỹ như GS. Khải và cách giải quyết của các cơ quan chức năng:
“Trong một cuộc họp của các cơ quan quản lý để giải quyết vấn đề nhà ở cho GS. Khải, tôi có nói rằng GS. Khải là vị bác sỹ cả thế giới đều biết, đã từng mổ xẻ, cứu cho biết bao con người thoát khỏi nguy nan bệnh tật.
Bác Khải còn làm được như thế huống gì sự việc bác Khải chỉ là nhỏ như cái kim. Chúng ta đông đủ, có pháp luật trong tay, hãy đặt mình là một người bác sỹ đi, chúng ta suy nghĩ cách như thế nào để “điều trị”, “chữa” cho bác Khải.
Tại sao nhiều người không làm được việc nhỏ bé đó là cho phép bác Khải khôi phục lại bếp để yên tâm công tác, trong lúc một mình bác đã cứu được cho rất nhiều người?”.
Dư luận đang trông chờ vào cách giải quyết từ chính quyền các cấp ở TP. Hà Nội.
Sau khi VietNamNet đăng tải bài báo về Anh hùng lao động, GS Phạm Gia Khải phải "sơ tán", hiện dư luận đang hết sức quan tâm câu trả lời của các cấp quản lý ở TP. Hà Nội. PV. VietNamNet đã đến UBND quận Hoàn Kiếm để tìm hiểu thông tin tiếp nhưng vẫn chưa thể được vì các lãnh đạo quận này đều bận họp và hẹn làm
Trong đơn thư của GS. Phạm Gia Khải và TS. Phạm Gia Minh có đề cập đến vấn đề: “Ngôi nhà số 7A, ngõ Phan Chu Trinh đã được đánh giá là nguy hiểm, cần được cải tạo sửa chữa trong cuộc họp ngày 15/1/2007 đã được lập thành biên bản. Thế nhưng không hiểu vì sao đến tháng 8/2007 thì hộ ông Lê Hoàng Thanh ở tầng 1 vẫn được các cơ quan quản lý bán nhà và cấp sổ đỏ”. |
- Duy Tuấn