- Lúc Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng trong vô vàn thương tiếc của dân tộc, ông là người hiếm hoi có mặt. Nước mắt giàn giụa, che mờ cả máy quay phim nhưng ông vẫn cố nén xúc động, nuốt nước mắt vào trong để ghi lại những khoảnh khắc cuối cùng về Người.
Ông chính là Trung tá Nguyễn Thanh Xuân (1931), trú tại xóm Liên Sơn 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An - một trong 2 người quay phim duy nhất ghi lại những thước phim sau khi Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng.
Những thước phim đầu tiên và cơ duyên với ngành điện ảnh
Mùa xuân năm 1952, theo tiếng gọi của non sông Tổ quốc, người lính trẻ Nguyễn Thanh Xuân lên đường nhập ngũ. Đơn vị Công binh 151 thuộc Sư đoàn pháo binh 351 là nơi anh làm nhiệm vụ mở đường cho những trận chiến quyết tử như: chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ ...
Năm 1959, Tổng cục Chính trị tiến hành triển khai quay thước phim đầu tiên mang tên "Giữ cờ quyết thắng" nhằm kỷ niệm 15 năm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam. Lúc này, Thượng sỹ Nguyễn Thanh Xuân là tiểu đội trưởng. Theo bố cục của phim, tiểu đội công binh của Xuân phải đóng một trường đoạn ngắn trong bộ phim này.
Thấy Xuân nhanh nhẹn, tỏ ra đam mê và "có duyên" với nghề điện ảnh, Cục Tuyên huấn và đoàn làm phim có nhã ý mời anh về công tác tại xưởng phim quân đội. Công việc của anh là phục vụ thuốc nổ, súng đạn và khói lửa cho những cảnh quay trong phim.
Trung tá Nguyễn Thanh Xuân bồi hồi nhớ lại cơ duyên ông đến với nghề quay phim cũng như những lần ông được gặp Bác Hồ. Ảnh: Hoàng Sang.
Thời gian này, bên phía xưởng phim chưa có nhà quay phim chính. Muốn hoàn thành một bộ phim đều phải đi thuê từ ngoài. Chẳng hiểu sao, những chiếc máy quay phim Convat cũ rích lại có sức mê hoặc Xuân đến thế. Nhiều lúc, tranh thủ nghỉ ngơi, Xuân lại lén đến bên người quay phim để xin quay thử.
Cứ như thế, qua những lần "học mót" lúc đoàn làm phim nghỉ ngơi, "tay nghề" của Xuân đã được nâng lên. Anh được cử đi đào tạo tại một lớp do Điện ảnh quân đội tổ chức.
Năm 1966, chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt. Lúc này, Xưởng phim quân đội giao cho Xuân một chiếc máy quay Convat của Nga số hiệu 67083.
Chiếc máy quay Convat của Nga số hiệu 67083 đã cùng ông ghi lại những giây phút thiêng liêng của lịch sử. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.
Sau khi được giao quay phim chính, Xuân đã hoàn thành bộ phim đầu tiên mang tên "Nhằm thẳng quân thù mà bắn", ca ngợi Tiểu đoàn anh hùng Nguyễn Viết Xuân.
Trung tá Xuân kể rằng, trong cuộc đời làm phim của mình, điều mà ông hãnh diện là được bấm những thước phim về Bác Hồ từ lúc Người còn sống đến lúc Người trút hơi thở cuối cùng. Những lúc Bác Hồ ra thăm trận địa pháo cao xạ tại cầu Long Biên, thăm các chiến sỹ hải quân hay những lúc Bác rút thuốc mời các anh em chiến sỹ đều được ông ghi lại trong những thước phim của mình.
"Lúc đấy, được gặp Bác Hồ là một mơ ước và vinh dự đối với tất cả người dân Việt Nam. Tôi có lẽ là người may mắn và hạnh phúc nhất trong hàng triệu triệu người dân Việt Nam bởi được gặp Người, được ghi lại những sinh hoạt thường nhật của vị cha già dân tộc" - Trung tá Xuân hãnh diện.
Những thước phim cuối cùng về Người
Ngày 25/8/1969, Nguyễn Thanh Xuân nhận được lệnh của Tổng cục Chính trị chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Chưa bao giờ, Xuân rơi vào tâm trạng hồi hộp như vậy. Những lần đi quay phim trước, Xuân đều biết trước mục đích của chuyến đi. Còn lần này thì không, lãnh đạo của Xưởng phim chỉ thông báo ngắn gọn là chuẩn bị máy móc sẵn sàng, khi nào có lệnh thì xuất phát để đi làm phim tư liệu.
Đêm 29/8, đoàn làm phim gồm Nguyễn Thanh Xuân, Trần Anh Trà và một lái xe đến và ngủ tại văn phòng của Tổng cục Chính trị để chuẩn bị chờ lệnh.
"2 giờ sáng, đang miên man suy nghĩ về chuyến công tác thì có tiếng gõ cửa thông báo chuẩn bị tất cả đồ đạc lên xe đi công tác. Tôi hỏi đi đâu, làm nhiệm vụ gì thì chỉ được đáp lại ngắn gọn: "Các đồng chí đi thẳng đến cổng phía sau của Phủ Chủ tịch sẽ có người đón". Chẳng ai bảo ai, chúng tôi vội vàng lên xe. Linh tính báo cho tôi biết mình sắp làm một nhiệm vụ trọng đại, bởi đây là lần đầu, đoàn làm phim của chúng tôi được vào Phủ Chủ tịch" - Trung tá Xuân bồi hồi nhớ lại.
Trung tá Xuân nhớ như in giây phút cả dân tộc lặng câm khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời và ông là một trong 2 nhà quay phim ghi lại khoảnh khắc đau thương, mất mát của dân tộc. Ảnh: Hoàng Sang.
Xuống xe vừa vào đến nơi thì đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ, thông báo: “Bác hiện nay đang ốm nặng, cấp trên cho các đồng chí vào đây để làm nhiệm vụ. Các đồng chí về nằm nghỉ một lúc, khi nào cần sẽ có người gọi".
Tới lúc này, Xuân và anh em đoàn làm phim mới biết được nhiệm vụ của mình cho chuyến đi này là gì.
Rạng sáng 30/8, đồng chí Vũ Kỳ tiếp tục chạy ra báo cáo tình hình chăm sóc sức khoẻ của Bác, “Trung ương, các bác sỹ cố gắng chăm sóc sức khoẻ Bác để đến ngày 2/9, Bác ra đón tết Độc lập với đồng bào”.
Ngày 1/9, đồng chí Vũ Kỳ lại chạy ra thông báo về tình hình sức khỏe của Bác, rằng Bác đã đỡ hơn, đã ăn được thêm 2 thìa cơm do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đút.
Trong lúc ăn cơm, Bác luôn miệng hỏi xem tình hình miền Nam thế nào, tiêu diệt được bao nhiêu tên giặc Mỹ, miền Bắc bắn rơi bao nhiêu máy bay, nước Sông Hồng đã xuống chưa...?
Lúc này, đoàn làm phim xin phép được quay những thước phim này nhưng không được đồng ý bởi sợ tiếng ồn phát ra từ máy quay sẽ ảnh hưởng đến công việc chăm sóc Bác Hồ.
"Đến 9 giờ 47 phút ngày 2/9, lúc Bộ Chính trị đang họp thì có người chạy lên báo cáo với đồng chí Lê Duẩn rằng :"Bác đã trút hơi thở cuối cùng". Cả hội trường như chết lặng trước tin vị cha già kính yêu của dân tộc đã ra đi.
Lúc này, chúng tôi mới được tiếp cận dưới hầm để bấm thước phim cuối cùng về Bác. Bác nằm đó, bình yên và thanh thản trong tiếng nấc nghẹn ngào của những người có mặt. Chúng tôi cố nén đau thương để ghi lại những thước phim này, cố gắng không khóc mà nước mắt cứ giàn giụa, che mờ cả máy quay phim.
Ngày 2/9/1969, Bác Hồ kính yêu, vị cha già dân tộc đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của cả dân tộc. Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp.
Tôi sử dụng đến 2 chiếc máy quay liên tục. Cứ hết phim máy này lại chuyển sang máy kia. Lúc này, các vị lãnh đạo của nhà nước như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh... đều có mặt. Cả căn phòng ngập trong nỗi đau đớn tột cùng" - Trung tá Xuân nhớ lại giây phút đau thương lúc đó.
Gần 11 giờ trưa, sau khi quay xong, Bộ Chính trị họp tiếp công tác tổ chức. Lúc này, Nguyễn Thanh Xuân được đưa đến Viện 108 để quay cảnh các bác sỹ người Nga đang tìm cách bảo vệ thi thể Bác Hồ.
Sau khi quay xong những thước phim lịch sử đó, toàn bộ tư liệu về Người được giao cho xưởng phim để quản lý và bảo mật. Cả xưởng phim chỉ có duy nhất Trung tá Dương Minh Đậu - Giám đốc xưởng phim là được xem những thước phim tư liệu đó, tôi và các anh em trong đoàn quay phim không được quyền xem.
Những ngày bàn giao những thước phim cho xưởng phim quân đội, Nguyễn Thanh Xuân cứ trăn trở với nỗi lo: không biết trong xúc động quá và đau thương vì sự mất mát quá lớn của dân tộc, ông có quay được những thước phim chất lượng hay không?
Năm 1990, bất ngờ đạo diễn Phạm Quốc Vinh thông báo cho Nguyễn Thanh Xuân rằng: những thước phim tư liệu quay về giây phút Bác Hồ trút hơi thở cuối cùng sẽ được sử dụng trong bộ phim tư liệu có tên ”Những giờ phút cuối cùng ở bên Bác Hồ”.
Cũng vào năm đó, Trung tá Xuân được xem trực tiếp bộ phim này tại Xưởng phim quân đội.
- Hoàng Sang - Quốc Huy