- 4 năm trời vạ vật vác đơn đi khiếu nại, tố cáo các ông quan từ xã đến quận, 271 hộ dân Do Lộ (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) thà ăn cơm nắm muối vừng vẫn nhất quyết một lòng không nhận tiền đền bù hỗ trợ. Mặc dù trong số họ, rất nhiều người nếu nhận tiền sẽ trở thành tỷ phú.
“Mấy năm nay chúng tôi không có Tết, vì không còn ruộng là không có gạo để dành, không còn hoa màu để bán. Nhưng nếu mình lên xã lấy tiền, là vô tình chấp nhận cho việc làm sai trái của họ các anh ạ” - cụ ông 82 tuổi thở dài ngao ngán.
Tết “xưa”…
Trong căn nhà nhỏ trống hoác “che nắng không ngăn được mưa” nhưng có đến 8 con người của 3 thế hệ sinh sống, bà Nguyễn Thị Diệp (75 tuổi) bồi hồi kể:
“Hồi xưa cứ mỗi lần đến Tết, tầm giờ này cả nhà chúng tôi đang ở ngoài đồng, chuẩn bị cấy cho vụ mới. Tuy vất vả nhưng thu hoạch khá khẩm lắm, lứa hoa màu con trai và con dâu tôi mang ra chợ cũng thu được một vài triệu, đủ tiền sắm sửa bộ lễ, mua thêm được vài bộ quần áo mới cho các cháu khoe với xóm giềng…”
Ngồi trong căn nhà nhỏ cũ kĩ và dột nát, bà Diệp vẫn kể cho chúng tôi và các cháu về những cái Tết của "ngày xưa", khi gia đình còn đầy đủ ruộng vườn và có thu nhập. |
“Hồi xưa” của bà Diệp chỉ mới diễn ra cách đây 4 năm, khi chính quyền thành phố Hà Đông (cũ) có quyết định thu hồi đất ruộng để làm dự án Cụm công nghiệp. Mà không chỉ riêng nhà bà, ruộng của cả thôn Do Lộ đều nằm trong diện phải giải tỏa, bà là một trong những hộ gia đình bị mất trắng toàn bộ ruộng của mình.
Ruộng của nhà bà Diệp có tất cả 5 sào, chỉ tính mỗi năm có hai vụ lúa và một vụ màu, vào những ngày cận Tết, lúa đã thu hoạch và chất đầy bồ, còn hoa màu bà kêu các con cùng nhau gánh ra chợ.
Giữa tháng chạp, bà chẳng phải lo toan gì cả, thỏa sức nô đùa với 3 đứa cháu nội. Cúng ông Táo về trời xong là bà chuẩn bị lá dong và nếp để nấu bánh chưng đón Tết.
Cũng như bà, cụ Kết ở cùng thôn có đến 10 nhân khẩu, 8 sào ruộng cha ông để lại được cụ chia đều cho con cháu thay phiên nhau cày cấy. Cụ nhớ lại: “Tầm này là chúng tôi rảnh rang lắm rồi, tôi dắt các cháu đi cùng làng ngõ xóm, đưa đi chợ Tết để may cho chúng nó cái áo cái quần. Nhớ những ngày cận kề đêm 30, con cháu xúm xít quanh nồi bánh chưng chuyện trò ríu rít, bàn thờ tổ tiên của nhà tôi cũng được bày biện xum xuê lắm”.
Những người dân thôn Do Lộ 4 năm về trước đều đón Tết như thế.
Tết nay…
Vậy mà năm nay thì khác. Xuân đã dần gõ cửa từng nhà nhưng ở thôn đã chẳng còn khí thế ấy nữa. Giữa cái rét tê tái của những chiều cuối năm, gia đình cụ Kết, bà Diệp và những người dân thôn này lại không còn gì để mà đón Tết.
“Từ khi ruộng bị thu hồi để làm dự án, gọi là Cụm công nghiệp và làng nghề nhưng nào đã thấy nghề, đã thấy xây dựng gì đâu. Ruộng của các hộ trong làng đều mất dần từ những quyết định này đến quyết định khác, họ khoanh vùng rồi để hoang hóa không cho bà con cấy cày. Thế nên đến bây giờ không thể có thóc gạo dự trữ trong sập, trong bồ nữa đâu các anh ạ”. Ông Đặng Như Thuần than thở.
Rồi giọng ông như nghẹn lại: “Đã 3 cái Tết rồi chúng tôi nào có được vui. Năm này cả thôn rồi cũng sẽ như vậy”.
Xuân đã về, nhưng bàn thờ nhà ông Đặng Như Thuần vẫn trống trơn chưa sắm sửa gì. |
5 người con của ông Thuần, lớn nhất đã ngoài 30 và người bé nhất cũng đã 21 tuổi, tất cả đều không có việc làm ổn định. Trước đây nhà ông có tất cả 8 sào ruộng thì cả nhà đều trông chờ và đó, không giàu có nhưng đủ ăn và cho các cháu đi học đàng hoàng.
Với ông, quan trọng nhất là được con cháu sum vầy bên cạnh, ngày cấy cùng nhau đi cấy, ngày gặt chung tay cùng làm, lễ Tết được gần gũi quây quần trong căn nhà tuy nhỏ nhưng ấm cúng.
Ruộng ông bị thu dần, lúc đầu chỉ 1/3, rồi bây giờ thì bị thu hết cả, con cái thành ra chẳng có việc gì làm, bản thân ông cũng thế. Rồi vì miếng cơm manh áo mà mỗi đứa tự kiếm cho mình một nghề, người con cả đi làm thợ hồ, đứa thứ hai đi làm sơn nước, cuối ngày tụ về góp tiền nuôi cả gia đình.
Nhà bà Lê Thị Hằng cũng thuộc hoàn cảnh bi đát nhất nhì thôn, một căn nhà cấp 4 rộng 24m2 nhưng có đến 11 người sinh sống. Chỉ mỗi cái bàn con đặt giữa nhà, phía trên là bàn thờ lạnh lẽo, còn 4 góc nhà đặt tạm 4 chiếc giường dành cho cả gia đình trú ngụ.
Bà chỉ cho chúng tôi xem rồi lẩm bẩm: “Chiếc giường này là dành cho vợ chồng thằng cả cùng 2 đứa con nhỏ, giường bên cạnh thì để thằng hai và vợ nó mới cưới hồi tháng 9 vừa rồi, tôi và đứa con gái ngủ giường này, 2 thằng con trai còn lại nằm cái giường bên ấy…”.
11 nhân khẩu sinh sống trong căn nhà 24m2 chật hẹp, bà Hằng lo lắng cho số phận của các con mình nếu mất ruộng rồi cũng phải bỏ quê hương mà đi làm ăn. Tết này với gia đình nhà bà càng thêm buồn. |
Hỏi về công việc của các con, giọng bà mếu máo: “Thương chúng nó lắm các chú ạ, Tết nhất đến nơi rồi nên đứa nào cũng muốn giúp mẹ kiếm thêm đồng tiền sắm sửa thêm vài thứ. Nhà tôi còn may mắn hơn những người trong thôn chỉ bị thu 1/3 ruộng, dù ít dù nhiều thì các con vẫn có chỗ mà lao động chân tay, chứ tôi sợ cảnh mất ruộng rồi các con tôi đến phải bỏ quê hương mà đi cầu thực mất”.
Và những tỷ phú cơm trắng muối vừng
Người dân Do Lộ không phải là không có tiền. Bởi lẽ khi có dự án xây dựng Cụm công nghiệp thì dẫu bị mất ruộng, họ lại được nhận tiền đền bù. Trong số họ, có những nhà nếu nhận tiền thì sẽ trở thành tỷ phú.
Nhưng tất cả 271 hộ dân ở đây đều không chịu lên xã để lĩnh tiền, họ còn tập trung nhau đi khiếu kiện. Họ đã gửi đơn lên các cấp ban ngành suốt 4 năm ròng, bất kể ngày mưa hay nắng.
“Mấy năm nay chúng tôi không có Tết, vì không còn ruộng là không có gạo để dành, không còn hoa màu để bán. Nhưng, nếu mình lên xã lấy tiền, là vô tình chấp nhận cho việc làm sai trái của họ các anh ạ”. Cụ Kết thở dài ngao ngán.
Chúng tôi vào thăm nhà cụ, đúng lúc gia đình đang dùng bữa trưa. Bữa cơm đạm bạc gồm 2 con cá đồng bé tý và một niêu cơm mà có đến 7 người đang quây quần.
Bữa cơm đạm bạc của gia đình "tỷ phú" thôn Do Lộ chỉ có 2 con cá đồng mà anh con trai cụ Kết đi tát ao bắt được. Nếu đồng ý nhận tiền đền bù mấy sào ruộng bị thu hồi, gia đình cụ sẽ thuộc vào hàng giàu có nhất nhì thôn. |
Cụ Kết ngại ngần: “Bữa cơm của người Hà Nội 2 chỉ vậy thôi. Trước còn ruộng làm nhiều thì mới ăn nhiều, bây giờ ruộng nương không có thì mình cũng phải dè sẻn từng bữa một để còn lo cái ăn cái học cho các cháu”.
Cụ Kết vẫn ăn nốt bát cơm trắng dù thức ăn đã không còn, rồi ngước lên nhìn chúng tôi: “8 sào ruộng cha ông để lại được họ quy thành tiền hơn 800 triệu đồng và bảo chúng tôi lên xã nhận. Nhưng tiền rồi cũng tiêu xài hết mà ruộng lại không còn, Nhà nước đã thấy cái sai của họ rồi (kết luận Thanh tra Chính phủ 6/2007-PV), UBND thành phố Hà Nội cũng đang chỉ đạo làm rõ việc này rồi, thì sao chúng tôi lại có thể đi nhận tiền được”.
Gia đình cụ Kết, bà Diệp, bà Hằng… cùng những người dân Do Lộ đều có diện tích ruộng bị thu hồi rất lớn nên dù giá thành đền bù là 200 ngàn/m2 nhưng cộng lại mỗi nhà cũng lên đến số tiền hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nhà lên đến hàng tỷ.
Vậy nhưng những gia đình đó, những con người đó hiện vẫn chấp nhận cảnh thiếu thốn trăm bề, chạy ăn từng bữa để chối từ một khoản tiền lớn lao dành cho mình, và hằng ngày, hằng giờ những người này đang chờ đợi một kết luận hợp lòng dân nhất từ phía UBND thành phố Hà Nội.
Một lần nữa, Do Lộ xuân đã về nhưng thêm một cái Tết không đến kịp...
-
Vũ Hoàng – Hoàng Sang(còn nữa)