>> Thủ tướng: Xử lý nghiêm sai phạm tại bệnh viện Phú Lương
Trong những ngày sát Tết Nguyên đán, các năm trước, anh Vũ Quốc Tú thường cùng bố mẹ hối hả sắm sửa, trang hoàng lại nhà cửa để đón Tết vui vẻ. Bây giờ thì nơi mà Tú để tâm nhất là ngôi bàn thờ của vợ và con anh.
Hai nấm mồ xấu số
Trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu, nhóm phóng viên VietNamNet có dịp đi công tác qua huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên). Thị trấn Đu những ngày này nhộn nhịp hơn hẳn, người người đi chợ sắm Tết, những sắc màu của ngày xuân cũng rộn ràng khắp phố.
Thế nhưng, ở đâu đó, trong những căn nhà có người từng “gặp nạn” tại Bệnh viện Đa khoa (BV) Phú Lương, nỗi đau vẫn còn đó. Đặc biệt là gia đình ông bà Vũ Quốc Thung và Nguyễn Thị Tâm (tiểu khu Thái An) - bố mẹ chồng của người sản phụ xấu số Quách Thị Tư (một trong những nạn nhân tố cáo BV Phú Lương mà VietNamNet thời gian qua đã phản ánh). Năm nay, Tết đối với gia đình Tú và người thân không còn nhiều ý nghĩa.
Nhìn người thanh niên trắng trẻo, khôi ngô Vũ Quốc Tú không ai nghĩ rằng Tú đã từng có vợ và con gái. Tuy vậy, số phận không may đã không cho vợ con Tú được ở lâu trên trần thế. Nỗi ám ảnh về cái ngày định mệnh đó dường như vẫn còn in trên khuôn mặt người chồng, người cha trẻ tuổi này.
Chỉ trong một ngày, vợ và con Tú đã vĩnh viễn ra đi về thế giới khác.
Sự việc đã xảy ra hơn 9 tháng nhưng có lẽ nỗi đau đó sẽ còn ám ảnh Tú mãi. Nghĩ tới đứa con mặt tím bầm, nước dãi cứ chảy liên tục sau khi sinh rồi mất trong ngày hôm sau, rồi hình ảnh tấm vải trắng muốt đắp lên người vợ trên chiếc giường bệnh ngày đó, Tú lại sụt sùi.
Tú tĩnh tâm lại rồi dẫn chúng tôi lên thăm mộ vợ và con anh. Mộ vợ và con Tú nằm khuất sâu ở một góc nghĩa địa trên đồi cao phía đông thị trấn. Thấy mộ hai mẹ con không được chôn cạnh nhau, hỏi thì mới biết là phong tục vùng này không cho phép chôn mẹ trẻ và con thơ cạnh nhau. Tú bảo, phải chờ đủ 6 năm khi cất lên thì mới đưa hai mẹ con nằm cạnh nhau được.
Không gian nghĩa địa tĩnh lặng đến đáng sợ. Từng cơn gió cuốn theo đám lá khô xào xạc, Tú vội lấy bó hương rồi thắp lên 2 nấm mồ người thân. Nhìn dòng chữ “phần mộ Quách Thị Tư, thụ hưởng 21 tuổi” rồi “cháu Vũ Thị Bé, sinh 24/4/2009, tạ thế 25/4/2009”, tôi và Tú chỉ biết im lặng.
Mỗi lần trong thị trấn có đám tang hoặc nghĩa trang này thêm người nằm xuống thì Tú và bố phải tức tốc lên đứng cạnh mộ vợ và con anh để thắp hương. Tú nói rằng làm như thế thì vợ và con anh đỡ phải “giật mình” khi tiếng trống, tiếng kèn vang lên ở nghĩa trang khi “đón người mới”.
“Có anh và bố ở đây, em và con đừng sợ…”, Tú ngậm ngùi kể.
Hàng đêm, Tú cứ thẫn thờ lặng im ngồi nhìn màn đêm buông xuống. Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, Tú chẳng thiết gì trang hoàng nhà cửa, nơi mà anh để tâm nhất là bàn thờ vợ và con gái. Đêm nào anh cũng ngủ dưới bàn thờ vợ, anh nói "như thế gia đình bé nhỏ của anh sẽ được sum vầy hàng đêm". Ảnh: Vũ Hoàng |
Đã mấy tháng nay, đêm nào cũng vậy, kể từ khi mất vợ cùng đứa con gái chỉ mới một ngày tuổi, Tú không còn muốn ngủ trong căn phòng hạnh phúc vẫn còn nguyên chữ song hỉ nữa. Để đỡ nhớ vợ, thương con, Tú chỉ biết trải tấm chiếu trước bàn thờ vợ, con ở tầng 2 ngôi nhà. Tú nói, như thế sẽ cảm thấy ấm lòng hơn, nhất là trong những đêm đông lạnh lẽo.
“Chắc vợ và con em cũng sẽ cảm nhận được tình cảm của em mà yên giấc dưới suối vàng”, Tú tự an ủi.
Ông Thung - bố Tú - trầm ngâm kể: "Từ ngày đó đến nay, thằng Tú lo lắng cho cái bàn thờ vợ con nó lắm. Khi nào trên bàn thờ cũng có hoa tươi. Nó bảo, ngày trước vợ nó thích hoa tươi lắm. Khi nào mà không ở nhà thì nó luôn dặn dò bố mẹ thay hoa cho vợ nó. Nghĩ mà tội, mới 24 tuổi đầu đã mất vợ, mất con".
Hình ảnh người dân Phú Lương đang phản ánh, tố cáo với VietNamNet về những cái chết bất thường đã từng xảy ra với gia đình họ tại BV Phú Lương. Ảnh: Vũ Hoàng
Còn bà Tâm, mẹ Tú, vẫn gầy gò và ốm yếu với căn bệnh bẩm sinh từ năm lên 13 tuổi. Cuộc đời người đàn bà bất hạnh này là chuỗi dài của những nỗi đau. Ngày chúng tôi lên đây khi mới xảy ra sự việc, bà đã khóc cạn nước mắt. Rồi nhắc tới đứa con dâu và cháu đầu bạc mệnh, bà lại khóc.
Trong những ngày xảy ra sự việc, gia đình phải đưa bà sang ở nhà người mợ gần đó. Vì người nhà sợ bà không thể chịu nổi khi nghe tin đứa con dâu ngoan hiền và đứa cháu mới ra đời của bà đã mất. Lo đám tang xong, cả nhà mới nói với bà.
“Đáng lẽ Tết này sẽ đầm ấm và hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Nếu không có đêm định mệnh đó, nếu y bác sỹ Bệnh viện Phú Lương làm hết trách nhiệm thì Tết này cả 4 thế hệ cùng sum vầy đón Tết. Gia đình có thêm con dâu, thêm cháu, cụ ngoại thêm đứa chắt gái. Vậy mà…”, giọng bà Tâm lại tắc nghẹn.
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu trong đời bà phải khóc. Bà từng đã cạn khô nước mắt trong những tháng năm đi tìm người anh trai của Tú. Nhưng đã 20 năm trôi qua, bà Tâm vẫn bặt tin con…
20 năm đợi chờ trong vô vọng…
Đến giờ, bà Tâm vẫn còn ám ảnh bởi khung cảnh tối đen như mực của ngày cuối tháng 8 năm 1989. “Đó là một buổi tối định mệnh”. Rồi bà kể, khoảng 9h tối, anh trai Tú là Vũ Quốc Tuấn sang nhà háng xóm xem ti vi. Trên đường trở về thì bị hai người thanh niên lạ mặt bắt cóc mang đi.
Khi đấy Tuấn mới tròn 7 tuổi, Tú thì cũng mới lên 4. Ông bà Thung - Tâm chỉ kịp nghe thấy tiếng kêu thất thanh của con rồi mất hút ở cuối con đường. Cố chạy theo nhưng không còn kịp.
Bức ảnh cuối cùng của 2 anh em Tú và anh trai Vũ Quốc Tuấn (bên phải). Đến nay đã 20 năm, gia đình Tú bặt tin của anh trai.
Ròng rã 3 năm trời, bà Tâm cùng chồng đã bán tất cả những gì lúc đó gia đình có để đi tìm con. Không có cửa khẩu nào ở phía Bắc bà không đặt chân tới. Hễ nghe ai mách bảo gì thì bà lập tức đi.
Tiếng kêu tuyệt vọng của người mẹ tìm con giữa mịt mùng biên giới chỉ nhận được tiếng đáp trả của núi rừng vọng lại.
Đôi chân ông bà lê bước hết các tỉnh biên giới từ Cao Bằng đến Bắc Cạn, Hà Giang…, ở đâu ông bà cũng hỏi thăm tung tích con trai mình nhưng đều nhận được những cái lắc đầu. Có lúc, bệnh tim của bà lại hành hạ tưởng như không chịu nổi, nhưng được chồng động viên, và ý nghĩ sẽ tìm được con khiến bà có thêm sức mạnh để tiếp nối cuộc hành trình.
Tiền bạc vợ chồng gom góp được bởi những năm ông là lái xe cho quân đội, rồi chút tiền trợ cấp thương binh của ông đều trút hết vào những cuộc tìm kiếm mong manh.
Rồi bệnh tim của bà ngày một nặng, bà không đủ sức đi tìm con nữa. Nhưng cứ mỗi lúc nhà dành dụm được ít tiền, bà lại giục ông đi lên biên giới, chưa bao giờ trong đầu bà nguôi hi vọng tìm lại được con mình. Bà trở nên im lặng, ít nói và rất sợ những đêm tối. Vì cứ nhìn thấy khung cảnh tối thui là hình ảnh người con bị hai kẻ lạ mặt bắt đi lại ám ảnh bà.
Cho đến nay, mỗi khi ra đường, gặp bất kỳ ai trạc tuổi con mình là bà vội chạy lại, nhìn vào bàn chân phải với hi vọng được nhìn thấy cái nốt ruồi quen thuộc của chính con trai mình. Nhờ công an, báo đài đăng tin nhưng cuộc tìm kiếm của bà vẫn chìm trong vô vọng.
Thỉnh thoảng bà Tâm nhớ con lại tìm lại bức ảnh cuối cùng của đứa con đầu lòng đã mất tích 20 năm trước. Bà đã khóc cạn nước mắt trong những lúc tìm con. Tưởng chừng niềm vui sẽ trở lại khi Tú lấy vợ, sinh con. Nhưng rồi...! Ảnh: Duy Tuấn |
Khi tóc đã rụng hết, căn bệnh tim lại hành hạ, bà mới trở về nằm ở nhà. Đau buồn, đêm nào bà cũng khấn nguyện, đưa từng chiếc quần lót của đứa con ra rang trên bếp lửa. Bà vẫn nghĩ là con mình còn sống và đang ở đâu đó.
Nhưng rồi năm tháng qua đi, bặt tin tức của con cũng là lúc sức cùng lực tận, bà không thể đủ sức để đi tìm nữa. Nghe chồng và người thân khuyên nhủ, bà dành tất cả yêu thương để chăm sóc cho đứa con thứ hai là Tú được nên người.
Tưởng cuối đời, bà được vui vầy bên con cháu khi Tú lấy vợ. Bởi bác sỹ nói rằng với bệnh thấp tim của bà thì sẽ không biết trước thế nào. Vậy mà…!
- Duy Tuấn – Vũ Hoàng
(Còn nữa)