Vẫn còn đó những ngôi nhà suốt một năm ròng không hề có người ở, vẫn còn đó những gian bếp suốt một năm không được thắp lửa… Còn đó những em bé ngày ngày trông về phía bờ sông chờ mẹ.
Trước lúc nhóm phóng viên chúng tôi đến không lâu, vào những ngày cuối tháng 11 âm lịch, người dân Quảng Hải đã có một buổi lễ đặc biệt - tổ chức ngày giỗ đầu cho 42 nạn nhân chìm đò.
Ông Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải nói rằng, do năm nay là năm nhuận (13 tháng
Con đường đi vào xã Quảng Hải nay đã khang trang hơn trước. Một năm sau thảm hoạ chìm đò, làng quê ven sông này đã có nhiều thay đổi. Nhưng, lẩn khuất sau những rặng tre, con ngõ vẫn còn đó những tình cảnh đáng thương. Những đứa trẻ nhớ mẹ cứ thẫn thờ đứng nhìn ra phía bờ sông... Ảnh: Hoàng Sang
Ngày đó, cả làng chìm trong khói hương nghi ngút. Tiếng khóc xé lòng của những gia đình mất người thân cứ rả ríc đầu làng cuối xóm. Nhìn cảnh tượng đó, không ai có thể kìm lòng.
Về thăm lại xã Quảng Hải sau một năm mọi thứ hầu như đã thay đổi. Mặc dù đã có rất nhiều tấm lòng giúp đỡ người dân nơi đây vượt qua nỗi đau nhưng còn đó, lẩn khuất sau những rặng tre có những gia đình, vẫn còn những giọt nước mắt hằng đêm khóc cho số phận của những đứa trẻ mồ côi, cho những người ở lại.
Tết đến xuân về. Cả nước đang rạo rực bên nồi bánh chưng và chuẩn bị mâm ngũ quả ngày Tết, quây quần ấm áp bên gia đình. Quảng Hải không như thế, những em bé mồ côi mong lắm một tấm bánh, cần lắm một gia đình ấm áp vốn dĩ trước đây đã từng có. Nay thì…!
Một gia đình hai gà trống nuôi con
Chúng tôi vào thăm nhà ông Cao Xuân Thịnh, một người đã từng mất vợ và con gái trong thảm hoạ chìm đò. Hình ảnh lần cuối cùng thấy vợ con chới với ông còn ám ảnh. Lúc nằm xuống dòng nước giá buốt, người con gái duy nhất của ông đang mang bầu tháng cuối.
Ông Thịnh có 3 người con, con gái đầu là Cao Thị Phượng, ngày xảy ra tai nạn Phượng mới tròn 23 tuổi, lấy chồng và đã có 1 mụn con. Ngày ấy, khi đứa con chị vừa được 12 tháng tuổi thì vợ chồng vui vẻ chuẩn bị đón cháu thứ hai chào đời.
Hai người đàn ông, một bố vợ một con rể, cùng một lúc mất vợ và con. Họ chỉ còn biết nương tựa vào nhau để nuôi những đứa trẻ khôn lớn. Những lúc con khóc đòi mẹ, họ không biết làm sao để dỗ dành, rồi giọt nước mắt lại lăn trên má họ. Ảnh: Vũ Hoàng
Vậy mà ông trời dường như trêu ngươi số phận, ông Thịnh mất một lúc cả vợ, cả con và cả đứa cháu đang chuẩn bị chào đời. Nay, ông cố nén giọt nước mặt trực trào để nuôi dạy nốt 2 đứa con còn lại, con trai út của ông năm này vừa mới lên lớp 3.
Con rể ông là Phạm Đình Lương nhà ở ngay bên cạnh, bỗng chốc mất vợ, mất con, anh cùng đứa con 2 tuổi chuyển sang ở cùng ông Thịnh để tiện việc đỡ đần bố vợ, cũng là để tự an ủi mình. Bố vợ, con rể cùng nhau gắng gượng nuôi dạy con cái cho qua ngày đoạn tháng.
Một thảm hoạ, gia đình ông Thịnh đã không còn người phụ nữ nào nữa. Hai người đàn ông, một già một trẻ cùng chăm bẵm cho con mình trong một mái nhà.
"Một năm qua, chúng tôi bỏ dở công việc đồng áng, ruộng vườn các anh ạ. Cứ cầm cây cuốc, cây xẻng lại trào nước mắt vì nhớ vợ con. Nhưng tôi vẫn phải nén lại, vì con út tôi mới học lớp 3, phải cứng rắn cho nó đỡ tủi. Vậy mà, có nhiều đêm nó nhớ mẹ, nhớ chị nên ôm tôi thảng thốt, thế là 2 cha con cùng khóc". Ông Thịnh rưng rưng khi kể về tình cảnh hiện tại của gia đình.
Rồi ông tiếp: "Khi ấy, cha con thằng Lương (con rể ông) đang nằm ở gian ngoài, thấy chúng tôi rấm rức thì nó cũng sụt sùi, đứa bé thiếu sữa nhớ mẹ khóc toáng lên, thế là cả nhà lại càng thêm tủi”.
Con trai út của ông, cháu Cao Đức Thắng đang nuốt vội miếng cơm để kịp giờ đi học. Thấy khách lạ vào thăm và hỏi chuyện gia đình, miếng cơm như nghẹn lại trong cổ, cháu sụt sùi buông đũa vì nhớ mẹ, nhớ bà.
Cám cảnh 2 thân già với 2 đứa cháu dại
Đứa con gái của ông bà Châu đã vĩnh viễn nằm lại dưới sông, người con rể cũng bỏ đi, để lại cho hai thân già các cháu dại. Họ chỉ sợ khi họ không còn trên thế gian này nữa, không biết các cháu sẽ ra sao? Ảnh: Duy Tuấn |
Chúng tôi vào thăm lại nhà vợ chồng già ông Khấu bà Châu. Đã ngoài 70, không một đồng phụ cấp mà ông bà còn phải chăm bẵm, lo cho hai đứa cháu ngoại trong nhà.
Ngày xảy ra thảm hoạ, con gái ông không thể về nữa để lại bé Cao Lục Quân mới 12 tháng tuổi và Cao Thanh Hải 5 tuổi, mỗi lần nhìn các cháu là ông bà lại ôm nhau khóc vì thương con và buồn cho số phận hẩm hiu của mình. Người con rể của ông bà, cha của 2 đứa bé cũng bỏ đi để lại gánh nặng cho bố mẹ vợ.
Căn nhà của con gái cũng bỏ không từ đó, đưa 2 cháu về ở hẳn với mình, hằng ngày cả ông cả bà thay nhau đi khắp các xóm để xin sữa về cho cháu. Làng không ai còn sữa, ông bà phải dỗ dành đút cho cháu những thìa sữa hộp có được do các tổ chức từ thiện phân phát cho. Bởi vậy, đến bây giờ cháu Quân đã lên 2 nhưng người còi cọc và đau ốm liên miên.
Nói chuyện trong nước mắt, ông Khấu ngậm ngùi: "Con gái tôi số nó khổ, lấy chồng mà cũng như không, có được 2 mặt con thì thằng chồng chê nhà vợ nghèo nên bỏ đi mất biệt từ hai năm nay. Rồi bây chừ nó chết để lại vợ chồng già chúng tôi và 2 đứa cháu dại tự xoay xở với nhau như thế này đây”.
Mỗi lần nhớ mẹ Hải thường chạy vào căn bếp của nhà mình, tìm xem có gì ăn không rồi chạy ra bờ sông đứng lặng nhìn. Nó không biết rằng mẹ nó không còn nữa, cái bếp gia đình nó một năm nay cũng không đỏ lửa. Ảnh: Duy Tuấn “Giờ tôi chỉ còn lo mỗi một điều, các cháu tôi còn thơ dại quá các anh ạ, thằng Quân đau ốm liên miên, hôm qua vợ chồng tôi vừa đưa đi điều trị ở Đồng Hới về, thằng lớn cũng đã đi học lớp một rồi. Chúng tôi còn sống ngày nào thì nhất quyết không để cho các cháu phải nhịn đói, nhất quyết không để chúng nó phải bỏ học bữa nào. Chỉ sợ, đến khi vợ chồng tôi nằm xuống thì 2 cháu không biết bấu víu vào đâu...", giọt nước mắt lăn dài trên má khi ông nghĩ tới tương lai 2 cháu.
Cạnh đó là gia đình anh Cao Xuân Tạo cũng chịu cảnh gà trống nuôi con. Sáng 30 Tết năm ngoái, anh một lúc mất đi người vợ hiền cùng với hai đứa con. Trên bàn thờ là di ảnh hai cháu bé một trai một gái xinh xắn, đứa lớn lên 10 và đứa bé mới tròn 7 tuổi.
Chị dâu cùng hai cháu mất đi, người anh của Cao Minh Tư là Cao Xuân Tạo đắm chìm trong men rượu. Hằng ngày người chú này phải sang chăm sóc cho đứa cháu còn lại. Anh cũng không biết cách nào để khuyên anh trai mình bởi anh biết khó mà vượt qua nỗi đau khi vợ và 2 con gái mất đi... Ảnh: Vũ Hoàng
Ngôi nhà trống tuềnh toàng chỉ có người em trai anh Tạo là Cao Minh Tư ở nhà. Những người hàng xóm xung quanh cho hay, từ khi thảm hoạ xảy ra, Tạo như người mất hồn, một người khoẻ mạnh chất phác bỗng dưng bị suy sụp, phút chốc xung quanh không còn gì.
Ban ngày Tạo đi lang thang đây đó cho giải khuây, quên sầu bằng chén rượu, để rồi tối về nhà lại lủi thủi một mình ôm gối khóc rưng rức.
12 tháng chưa đủ để làm Tạo vơi đi nỗi nhớ vợ con, mà cũng có thể cả cuộc đời không bao giờ anh quên được. Hằng ngày, anh Tư phải sang nhà dọn dẹp, nấu cơm cho Tạo, rồi đến ruộng vườn, chợ búa cũng một mình người em trai này đỡ đần.
Bao giờ mới đến ngày vui?
Anh Tạo, anh Thắm, ông Thịnh hay anh Trương chỉ là số ít trong rất nhiều những gia đình đang chịu cảnh “gà trống nuôi con”. Bởi trong chuyến đò mắc nạn cuối năm ngoái chủ yếu là những phụ nữ có gia đình đi chợ để sắm Tết. Có khoảng 35 phụ nữ và trẻ em gái tử nạn.
Bến sông Gianh nơi xảy ra vụ chìm đò năm ngoái nay không còn hoạt động nữa. Người dân Quảng Hải nay đã có cầu để đi, có chợ để mua bán. Họ cũng đang cố nén đau thương để lo cho những người ở lại. Ảnh: Duy Tuấn
Theo chân chị Hoàng Thị Nga (Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã) đến thăm lại từng nhà, mỗi gia đình bây giờ một hoàn cảnh, nhưng giống nhau ở một điểm chung là đều phải gánh chịu những nỗi đau mà đến giờ phút này mỗi khi nhắc đến, tất thảy mọi người đều chưa hết bàng hoàng và không khỏi xót xa.
Chị Nga cho hay, từ khi tai nạn xảy ra, toàn xã đã đình hết tất cả những hoạt động hội hè lễ lạt. Cả ngày lễ Trung thu cho các cháu cũng không ai còn tâm trí đứng ra tổ chức như các năm trước nữa.
Hôm nay dòng sông Gianh lại hiền hòa chảy, không còn những chuyến đò ngang với sức chứa hàng trăm người bởi đã có cây cầu mới nối liền hai bờ sông. Chợ Quảng Hải cũng đã được đầu tư và họp chợ vào mỗi buổi sáng.
Sau một năm, nơi đây đã có nhiều đổi thay, những người “ở lại” cũng đang góp sức để xây dựng cuộc sống mới nhưng tự bản thân họ thì vẫn chưa thể làm được.
Màu xanh của đồng lúa ở xã ven sông đã trở lại, không khí trong làng không còn tang tóc u ám. Nhưng màu xanh cuộc sống nơi đây bao giờ mới trở lại, Quảng Hải bao giờ mới có ngày mới? Ảnh: Vũ Hoàng
Cuộc sống ở Quảng Hải vẫn lặng lẽ trôi. Dù rằng Tết đã cận kề, nhưng nhiều gia đình không có nổi một cành đào, không có không khí nấu bánh chưng và chờ đón đêm giao thừa rộn rã. Các em bé Quảng Hải cũng không còn háo hức được người thân đưa đi sắm đồ Tết. Bàn thờ của mỗi nhà cũng chẳng còn câu đối Tết, không còn mâm ngũ quả ấm cúng mà thay vào đó là những di ảnh thờ các mẹ, các chị, các em trong gia đình.
Còn nhiều, nhiều lắm những tình cảnh đáng thương ở xóm nghèo ven sông này.
-
Vũ Hoàng - Duy Tuấn - Hoàng Sang