- Hơn 1 năm sau cái ngày 30 Tết định mệnh làm 42 người dân xã Quảng Hải (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị thiệt mạng, chúng tôi mới có dịp trở lại nơi đây.
Vẫn còn đó bến đò lặng lẽ như nhân chứng cho những thương đau, vẫn còn những ánh mắt thảng thốt của người dân, những bước chân của trẻ thơ ngày ngày ra bến chờ mẹ đi chợ về, dù chúng biết mẹ đã mãi mãi nằm xuống nơi dòng sông lạnh giá, chẳng bao giờ về nữa.
Rồi thời gian sẽ làm xóa nhòa những vết thuơng trong tâm hồn người dân nơi đây. Đớn đau rồi sẽ qua, những vết thương rồi sẽ liền sẹo. Thế nhưng, ám ảnh về một chiều 30 tê tái, về một buổi chiều 30 Tết đầy những tiếc nấc nghẹn ngào và khói hương nghi ngút, về những cánh tay chới với, tuyệt vọng giữa dòng sông lạnh giá có lẽ người dân nơi đây chẳng bao giờ quên được.
Hình ảnh trên triền đê sông Gianh ngày 30 Tết xuân Kỷ Sửu chắc sẽ khó phai mờ đối với mỗi người dân Quảng Hải. Ảnh: Duy Tuấn |
Còn nhớ, chiều 30 Tết năm 2009, chúng tôi ngược nguồn sông Gianh, về với Quảng Hải - về với miền quê tang thương ven con sông Gianh hiền hòa.
Những tiếng nấc nghẹn ngào, những vành khăn tang trắng trên khuôn mặt trẻ thơ, những ánh mắt thảng thốt, dáo dác tìm người thân, tiếng những đứa trẻ con khản cổ gọi mẹ sẽ là ám ảnh đối với những ai có mặt vào thời điểm đau thương ấy.
Lần đến Quảng Hải này chúng tôi gặp lại 2 người vợ của những người đã điều khiển con đò định mệnh đó. Hơn một năm qua, hai người vợ trẻ cùng những đứa con thơ đã phải chịu bao “lời ra tiếng vào” của gia đình những người bị nạn. Nhất là trong hôm diễn ra phiên xét xử, chỉ có số ít người cảm thông và viết đơn xin giảm án cho 2 người lái đò.
Các chị vẫn chưa thể quên được những ánh mắt lạnh lùng của hàng xóm. Chồng phải trả giá do tội lỗi đã gây ra các chị phải một thân một mình lo cho con dại. Tết đến cận kề nhưng trên bàn thờ gia tiên, các chị vẫn chưa thể mua nổi một nén nhang…
Chồng ở tù, mẹ con biết nương tựa vào đâu?
Đã là những ngày cuối năm, thế nhưng, trong căn nhà rách nát ven sông Gianh, chị Cao Thị Lan vẫn ngồi bó gối đan nốt những chiếc nón lá để kịp đem bán vào phiên chợ ngày mai. Mọi năm, vào thời điểm này, chị đã cùng các con đi chợ sắm Tết, để mua thêm cho các con một bộ quần áo mới cho bằng bạn, bằng bè.
Thế nhưng, năm nay, chị chẳng muốn nghĩ đến Tết nữa. Càng nghĩ, những ám ảnh một năm về trước càng hiện về. Càng nghĩ, chị càng thương cho thân phận hẩm hiu của mình và những đứa con thơ.
Chồng ở tù, một nách hai đứa con, chị Cao Thị Lan gặp rất nhiều khó khăn. Thu nhập chính để nuôi con chỉ trông vào việc đan nón, mỗi ngày cũng được khoảng 15 nghìn đồng. Đã cận kề cái Tết nhưng người mẹ này không thể mua cho đứa con bộ quần áo mới. Ảnh: Hoàng Sang
25 tuổi, làm mẹ của 2 đứa con, chị chưa bao giờ nghĩ tới một ngày, chị phải sống trong tình trạng như thế này. Chồng chị - anh Nguyễn Minh Mậu, người từng bị kết án mười mấy năm tù vì đã gây ra thảm họa chìm đò trên sông Gianh giờ thì đang chấp nhận hình phạt của pháp luật. Một mình chị vò võ trong căn nhà trống huơ trống hoác. Một mình chị phải sống trong sự ghẻ lạnh của hàng xóm. Chị thở dài: Biết làm sao được khi chính chồng mình là người đã chở chuyến đò định mệnh ấy - chuyến đò đầy nước mắt và tang thương. Giờ chỉ mong hàng xóm hiểu và tha thứ cho vợ chồng chị, để chị thanh thản sống với cuộc đời này.
Trong tâm trí của mình, chị vẫn không thể quên được cái ngày định mệnh làm 42 người dân Quảng Hải bị thiệt mạng. Đang đi làm đồng, nghe người dân báo tin con đò mà chồng chị lái bị chìm, chị chạy thục mạng ra bến sông. Bàn chân tóe máu, ngã dúi dụi xuống vệ đường nhưng chị vẫn cố gắng lao ra sông.
Cả bến sông đặc quánh người. Dòng sông lạnh ngắt. Những cánh tay chới với tuyệt vọng giữa dòng sông lạnh giá. Tiếng trẻ khóc. Tiếng vợ gọi chồng lẫn theo khói hương nghi ngút... Rồi chị chết đứng bên những thi thể nguội ngắt.
Kể về tình cảnh hiện tại của 3 mẹ con, chị Lan chỉ biết khóc. Chị đã khóc nhiều rồi, nhưng sợ nhất vẫn là ánh mắt chứa đựng nỗi ai oán mà nhiều người dành cho chị và con. Ảnh: Duy Tuấn |
Chị biết, chồng mình đã gây nên tội lớn.
Ngày tòa xét xử chồng - anh Nguyễn Minh Mậu, chị chỉ biết bồng con đứng trong một góc khuất. Khi chiếc xe bịt bùng chở anh Mậu đi, chị cố nhoài theo để nắm lấy tay chồng. Bóng chiếc xe bịt bùng khuất dần.
Chị Lan bảo rằng, thời anh Mậu ở nhà, cuộc sống gia đình không phải là giàu sang nhưng cũng no đủ. Hằng ngày, anh Mậu đi chở cát thuê, rồi chở đò, tiết kiệm mỗi ngày cũng kiếm được 50 ngàn, chị thì lo cày cấy trên 2 sào ruộng, đêm về đan nón để sáng sáng ra chợ phiên.
Cuộc sống dẫu có khó khăn nhưng vẫn đầy ắp tiếng cười, con cái thi thoảng còn được mua thêm bộ quần áo mới trong những dịp Tết.
Còn giờ... Chị thở dài. Một mình chị phải nuôi 2 đứa con. Đứa lớn đang học lớp 1, cháu bé đang học mẫu giáo. Cuộc sống chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và nghề đan nón của chị.
Nhiều hôm nghe đứa con út hỏi về cha mà chị không sao cầm được nước mắt. Chị chỉ biết nói dối con là: bố đang đi Nam làm việc, Tết bố sẽ về với con.
Tết không chồng!
Từ ngày chồng bị đi tù, cứ mỗi tháng, chị Cao Thị Lý (chồng là lái đò Nguyễn Xuân Quý) lại mua sắm ít đồ ăn rồi đạp xe vào thăm anh. Nhìn anh gầy rộc, tàn tạ, chị không sao cầm được nước mắt. Chị chỉ biết động viên anh cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với con, với mái ấm gia đình.
"Hôm nào gặp nhau, anh ấy cũng bảo là có tội với mạ (mẹ - NV) con tui vì đã không chăm sóc được cho gia đình. Anh ấy bảo tui cố gắng ở nhà mà nuôi 2 con, đừng đi lấy người khác mà khổ cho 2 đứa con, vì chúng còn quá bé. Nghe anh nói, lòng tui quặn thắt. Tôi chỉ biết bảo với anh cố gắng cải tạo tốt, dù có cùng cực đến bao nhiêu thì mẹ con vẫn chờ anh ấy về", chị Lý tâm sự.
Hoàn cảnh của người chị lấy anh chồng của chị Lan cũng đang trong cơn bĩ cực. Chồng và em trai ở tù, chị em đành phải đùm bọc lấy nhau nuôi các cháu, chờ ngày chồng ra tù. Nhưng thời gian đang còn lâu lắm... Ảnh: Hoàng Sang |
Đã không biết bao đêm chị Lý vò võ một mình. Chiếc giường cưới mà 2 vợ chồng đầu ấp tay kề dường như vẫn còn hơi ấm của chồng. Chị bảo, sau cái hôm xảy ra đắm đò, chị không thể nào ngủ được. Cứ nhắm mắt là bao nhiêu hình ảnh trong buổi sáng định mệnh lại hiện về. Thương cho những người dân bị thiệt mạng trong chuyến đò định mệnh, thương cho chồng phải chịu cảnh tù tội.
Giáp Tết, khi những người dân nơi đây đi làm việc tứ xứ trở về quê hương ăn Tết, đứa con út lại hỏi chị Lý: "Sao bố các bạn về hết, mà bố mình chưa về hả mẹ". Những lúc ấy, chị chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Thương mình thì ít mà thương các con thì nhiều. Đã không biết bao hôm, chị thức trắng không ngủ. Cũng đã không biết bao đêm, nước mắt ướt đẫm chiếc gối kỷ niệm ngày cưới của 2 vợ chồng.
"Mỗi khi nghe con hỏi sao Tết rồi mà bố vẫn chưa về, sao bố không mua quần áo mới cho con, tôi như đau từng khúc ruột. Biết trả lời các con thế nào, biết giải thích thế nào để các con hiểu nỗi lòng rối như tơ vò của tui lúc này" - chị Lan thở dài.
Đây là cái Tết thứ hai, những người vợ của những người lái chuyến đò định mệnh đó phải chịu cảnh xa chồng. Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết nhưng trên bàn thờ gia tiên họ vẫn chưa có nổi một nén nhang mới để thắp cho tổ tiên. Ảnh: Duy Tuấn |
Căn nhà rộng rãi mà vợ chồng chị Lý vừa vay mượn tiền của ngân hàng và anh em hàng xóm giờ đây đối với 3 mẹ con chị thật quá rộng rãi. Chị bảo, các năm, vào thời điểm này, cả gia đình chị đã chuẩn bị sắm Tết đâu vào đấy cả rồi.
Còn năm nay, chị cũng chẳng buồn đi chợ sắm sửa Tết nữa. Có lẽ gần Tết, chị sẽ bán mấy đàn gà trong gia đình để mua mấy bộ áo cho 2 đứa con để chúng đỡ tủi. Nếu còn dư dả đồng nào thì mua một ít đồ, đến trại tạm giam Lộc Đại (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) để thăm chồng và động viên anh.
Chưa bao giờ, chị Lý và Lan phải đón Tết mà không có chồng bên cạnh. Có lẽ, với 2 người đàn bà nơi triền đê sông Gianh này, đây là cái Tết buồn nhất trong cuộc đời này khi không có hơi ấm của người chồng bên cạnh.
Thời khắc giao thừa - khi nhà nhà đang quây quần bên nồi bánh chưng thơm nghi ngút, cùng thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên để cầu chúc một năm mới an lành - thì 2 người phụ nữ mà chúng tôi gặp vẫn cô đơn trong nỗi đớn đau về tinh thần.
- Hoàng Sang - Duy Tuấn - Vũ Hoàng
(còn nữa)