Bàn tròn trực tuyến: Giữ lửa cho muôn đời sau
(VietNamNet) - Hơn 30 năm trước, có một chàng trai nói: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù". Lớp trẻ bây giờ nghĩ gì về điều này? 14h chiều nay, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (BTLSQSVN) Lê Mã Lương và Trung tá CN Trần Thanh Hằng, tác giả của bộ sưu tập hiện vật về ''tướng lĩnh QĐND VN" đã có mặt tại toà soạn VietNamNet để tham gia bàn tròn trực tuyến ''Giữ lửa cho muôn đời sau''. Mời quý vị và các bạn (Nghe) (Xem).
Trong những ngày này, cả đất nước ngập tràn không khí kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 29 năm toàn thắng 30/4, thống nhất đất nước. Nếu như chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược đem lại thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thì chiến dịch Hồ Chí Minh là đỉnh cao, là trận đánh cuối cùng giành thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cứ đến những ngày này, ký ức của một thời lại dội về với mỗi gia đình, mỗi con người Việt Nam. Những cảm xúc đến từ nhiều chiều, nhiều sắc độ. Ai cũng thấy "thời" của mình trong đó.
Vào thời đó, hầu như mỗi thanh niên Việt Nam đều biết đến câu nói nổi tiếng: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù" của anh hùng Lê Mã Lương. Bây giờ có người cho rằng, đó là một câu khẩu hiệu đại ngôn, chỉ thích hợp cho thời chiến tranh. Thế nhưng, ngay từ khi bước vào quân ngũ, chàng trai tuổi hai mươi ấy đã ý thức thật rõ rằng, nếu muốn đạt được một điều gì đó thật sự có ý nghĩa trong đời, cách duy nhất là phải "chiến đấu". Anh coi mỗi công việc là một trận tuyến, tại đó anh phải "chiến đấu" với những kẻ thù, chiến đấu với những khó khăn thử thách, và phải vượt lên chính bản thân mình.
Sau cuộc kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh Biên giới, anh chuyển qua công tác quản lý khoa học trong quân đội, rồi trở thành Giám đốc Bảo tàng Quân đội, nay là BTLSQSVN. Công việc Bảo tàng nghe có vẻ thầm lặng và êm ả, nhưng đối với Lê Mã Lương, đó cũng là một trận tuyến, muốn làm tốt, rất cần phải có dũng khí, rất cần có tri thức. Và anh đã dấn thân vào một cuộc "chiến đấu" mới để "giữ lửa cho đời sau", như cách những người làm công tác Bảo tàng trong Quân đội thường nói về nghề nghiệp của mình. Vâng, họ chính là những người làm công việc "giữ lửa", nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
Hiện nay có người nói rằng, hình như lớp trẻ bây giờ sống thực dụng hơn, không quan tâm nhiều đến bảo vệ và phát huy truyền thống mà cha anh đã phải đổ bao xương máu, mồ hôi để xây dựng lên. Với họ, cuộc đời đẹp nhất bây giờ đã không phải là "trên trận tuyến " nữa mà là ở chỗ khác, việc khác. Nhưng cũng có nhiều người cho rằng, nhiều người trẻ tuổi bây giờ vẫn quan tâm tới lịch sử dân tộc, tới cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc, vẫn đang phát huy và tiếp bước cha anh gắng sức làm rạng danh Tổ quốc. Đây là một vấn đề rất đáng đưa ra để trao đổi.
Nhân dịp kỷ niệm ngày toàn thắng 30/4, thống nhất đất nước, mời các bạn tham gia cuộc bàn tròn trực tuyến với Đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, Giám đốc BTLSQSVN về lớp trẻ với việc phát huy truyền thống, về công việc "giữ lửa cho muôn đời sau" của các cán bộ Bảo tàng.
Cùng tham gia chương trình còn có Trung tá CN, Thạc sĩ Trần Thanh Hằng, chuyên gia lịch sử quân sự. Chị là nhà khoa học đã có 28 năm trong nghề, gần đây đã tham gia xây dựng nhiều sưu tập hiện vật có giá trị của BTLSQSVN như "Sưu tập hiện vật về máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc từ 1964-1973", "Sưu tập tranh cổ động tại Bảo tàng Quân đội", "Sưu tập về các loại bom mìn Mỹ sử dụng ở VN"... và đặc biệt là "Sưu tập hiện vật về tướng lĩnh QĐND VN" - một ''bách khoa thư'' về các vị tướng của QĐND VN trong đó có những người hùng thầm lặng ít được biết đến. Nhà báo Lê Thọ Bình sẽ là người dẫn chương trình.
Dưới đây là nội dung cuộc bàn tròn:
Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa toàn thể bạn đọc VietNamNet, 29 năm trước, vào những ngày này cả dân tộc ta đã làm nên một chuyện long trời lở đất, đó là sự kiện thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, hoà bình và dân chủ, xây dựng đất nước giàu mạnh. Những khoảng khắc đó đã đi vào lịch sử. Càng lùi sâu vào lịch sử bao nhiêu, chúng ta càng thấy ý nghĩa to lớn của thời khắc lịch sử ấy. Thời khắc lịch sử ấy đã làm nên những chiến công vĩ đại, qua đó chúng ta càng nhớ ơn những thế hệ cha anh chúng ta đã ra đi, và rất nhiều người đã góp phần làm nên chiến thắng 30/4. Trong số họ, nhiều người vẫn đang tiếp tục đi tiếp con đường của riêng mình, nhưng nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Nhiều người lính, khoác ba lô trên vai lên đường ra mặt trận, xuất thân từ các gia đình, thành phần khác nhau đều không mong ước được phong anh hùng và có hoa thơm dâng trước mộ. Họ ra đi vì một lý do duy nhất, đó là khát vọng sống, cuộc sống độc lập của chúng ta hôm nay.
Nhân ngày thống nhất đất nước 30/4, chúng tôi mời anh hùng Lê Mã Lương - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Trung tá, thạc sĩ Trần Thanh Hằng. Anh Lê Mã Lương là người từng được báo chí ca ngợi rất nhiều với câu nói hay nhất, lãng mạn nhất trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước đó là "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Chị Trần Thanh Hằng, chưa được nhiều người biết đến, nhưng trong suốt 28 năm qua chị đã âm thầm sưu tầm những hiện vật liên quan đến cuộc chiến của quân và dân ta. Một người luôn gắn kết quá khứ, lịch sử hào hùng của dân tộc ta, đã để lại cho chúng ta những bộ sưu tập rất quý. Nhờ những bộ sưu tập này, chúng ta và thế hệ con cháu mai sau có thể hình dung ra được những cuộc chiến khốc liệt, nhưng vô cùng anh hùng của dân tộc ta.
Xin được đặt một câu hỏi với anh hùng Lê Mã Lương. Thưa anh Lương, trong bộ phim nổi tiếng của Điện ảnh Việt Nam ''Tiền tuyến gọi'' có một chi tiết chàng thanh niên từ chối giấy gọi nhập học ở nước ngoài để lên đường ra mặt trận, đó có phải là hình ảnh của anh không? Anh có thể kể cho chúng tôi nghe đôi chút về thời thơ ấu của anh?
Anh hùng Lê Mã Lương: Chào các bạn, tôi rất vui được giao lưu với các bạn. Tôi có biết đến bộ phim Tiền tuyến gọi, nhưng chỉ biết tên chứ chưa được xem phim. Năm 1971, từ chiến trường tôi ra Bắc một thời gian rất ngắn, Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (TTVHTW) có cuộc tiếp xúc với tôi, cùng với nhà văn Hồ Phương, nay ông là Thiếu tướng, nhà văn quân đội. Sau đó tôi được biết Ban TTVHTW có làm bộ phim Bài ca ra trận, bộ phim này lấy đúng hình ảnh của tôi. Đạo diễn NSND Trần Đắc đã đi tìm một số diễn viên nam có ngoại hình giống tôi, và cuối cùng tôi duyệt diễn viên Dũng Nhi, nay là đạo diễn Hãng phim truyện Việt Nam. Bộ phim được duyệt tại Cục Điện ảnh Việt Nam (Hoàng Hoa Thám). Tôi có được xem bộ phim được duyệt này cùng với ông Tố Hữu. Có thể nói là tôi rất thích thú với bộ phim này, nhất là cảnh quân ta truy đuổi quân Mỹ và tạo ra lớp sóng truy đuổi ấy. Tôi có cảm nhận ngay lúc bấy giờ rất giống với tư tưởng Hồ Chí Minh "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào".
Nói về cuộc đời tôi, thuở thơ ấu của tôi vất vả lắm. Năm 4 tuổi, trên chặng đường hành quân lên Điện Biên Phủ, cha tôi ghé qua nhà thăm mọi người. Lúc bấy giờ tôi bé, nhưng vẫn còn nhớ, cha tôi ở với chúng tôi chừng 2, 3 tiếng gì đó. Cha tôi bế tôi lên chiếc võng gai truyền thống của miền Trung. Mọi người nói chuyện với cha tôi, còn tôi nằm trong lòng ông ngủ thiếp lúc nào không hay, đến khi tỉnh dậy chỉ có mình tôi trên cánh võng, còn mọi người đã lên đường vào trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ. Cho đến năm 1957, tôi mới được nghe thông báo cha tôi hy sinh. Sau đó lãnh đạo, chính quyền xã tổ chức lễ truy điệu cho ông.
Năm tôi lên 10 tuổi, tôi được nhà nước đưa đi khỏi quê và được học hành. Các cô chú nuôi tôi đến năm 17 tuổi học hết PTTH và ra nhập quân đội. Cho đến bây giờ tôi luôn nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc lúc đó. Có lẽ thuở thơ ấu của tôi là thời gian không được vui nhiều hơn. Năm 18 tuổi, khi bước vào một trận chiến đánh vào khu vực Mường Sang, Tà Mây, Lao Bảo - nơi mà ông Tố Hữu cùng những người bạn tù đã sống nhiều năm ở nhà tù này, chúng tôi đã xem lại những bút tích của ông ghi lại trên tường. Cái mà tôi cố tìm xem là ở đâu đã thể hiện con cá chột nưa ông viết tại nhà tù Lao Bảo ở tuổi 17, 18 của ông, cũng bằng tuổi của tôi lúc bấy giờ. Rồi tôi cũng tìm ra được một vài câu thơ đứt đoạn trên bức tường ở Lao Bảo. Sau đó tôi tham gia trận đánh Làng Vay, trận đánh đầu tiên của QĐND Việt Nam hiệp đồng quân chủng, binh chủng, đó là binh chủng xe tăng của quân đội ta lần đầu xuất trận và binh chủng pháo hạng nặng cũng lần đầu xuất trận tại đây. Chúng tôi xông lên trong không khí hào hùng của chiến dịch xuân 1968. Sau trận đánh đó tôi bị thương. Đó là lần bị thương nặng nhất. Sau này tôi còn 2 lần bị thương nữa, năm 1971 ở đường 9 Nam Lào, và gần bước vào cửa ngõ của Sài Gòn thì tôi bị thương lần thứ 3, ngay khu vực căn cứ Nước Trong.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Thời bấy giờ thế hệ các anh đi ra mặt trận hừng hực khí thế như câu nói: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai. Các anh đi ra mặt trận như thế có biết trước được cuộc chiến sẽ hết sức khốc liệt, hay các anh hình dung lãng mạn mà ra đi?
Anh hùng Lê Mã Lương: Giữa năm 67, khi Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc lên tới đỉnh cao, trên đồng ruộng hay các nhà máy, công xưởng, cơ quan, thế hệ chúng tôi chỉ thấy ở đồng ruộng có các ông, bà già cả, hoạ hoằn mới có thanh niên, mà thanh niên ở nông thôn, tham gia nông nghiệp là những trường hợp hy hữu, còn hầu hết thanh niên trai tráng tuổi tôi và trên tuổi tôi đều xung phong lên đường ra trận. Họ là những chiến sĩ quân giải phóng, hoặc thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, và làm những nhiệm vụ cho chiến tranh. Không khí lúc đó rất sôi động, luôn luôn cuốn hút và trở thành cái gì đó choán hết tâm trí thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ. Nguyện vọng lên đường ra mặt trận, tham gia chiến đấu, mặc dù chúng tôi biết trước con đường trước mắt mình đầy chông gai, thử thách và cả sự hy sinh, nhưng không một ai nghĩ mình sẽ vĩnh viễn nằm xuống ở đây. Không ai nghĩ mình sẽ bị thương, không có ngày về. Không một ai nghĩ như vậy, chúng tôi không nghĩ như thế.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa chị Hằng, chúng tôi được biết chị tốt nghiệp khoa Sử - trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia). Vậy tại sao chị lại trở thành người lính. Đây là một sự lựa chọn ngẫu nhiên, hay có sự sắp đặt trước?
Trung tá CN Trần Thanh Hằng: Tôi tốt nghiệp phổ thông trường cấp 3 Nông Sách. Khi thi đại học, tôi đỗ vào khoa sử trường Đại học Tổng hợp. Lúc tôi vào đại học, có rất nhiều người bạn của tôi đã ra mặt trận, đó cũng là lúc cuộc chiến rất ác liệt. Khi tôi học đại học năm thứ nhất (năm 1972), các bạn bè học đại học cùng tôi cũng ra trận. Đấy là lúc mà tất cả các sinh viên đại học trên toàn miền Bắc đều ra trận. Trong số những người bạn của tôi, có người bạn đời của tôi sau này, cũng ra trận thời đó. Chúng tôi viết thư cho nhau, và những bức thư của chúng tôi được chuyển đến đảo xa, những người lính hải quân. Họ chia nhau đọc những lá thư ở hậu phương gửi ra, và anh ấy viết thư về nói là "bức thư thấm mồ hôi của lính". Chính vì thế, tôi đã học khoa sử, và tôi học chuyên ngành về bảo tàng. Có rất nhiều bạn bè có nguyện vọng về bảo tàng Cách mạng, bảo tàng Hồ Chí Minh, lúc ấy tôi nghĩ rằng bạn tôi ở trong quân đội, nên tôi có nguyện vọng vào quân đội. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, và quyết định xin vào trong quân đội, vì có một suy nghĩ rất riêng, đó là khi nghỉ hè chờ công tác, tôi đã làm một bài thơ:
Ngước nhìn hoa khế rơi
Bay tím trên vai áo
Đêm nằm mơ sao đậu
Trên mũ anh mũ em
Đó là lý do tôi xin vào quân đội và công tác cho đến bây giờ.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Sưu tập, theo chúng tôi, nôm na là tìm kiếm. Thưa chị, công cuộc tìm kiếm của chị có chủ định làm theo một chủ đề nhất định, hay chị thấy cái gì làm cái đó?
Trung tá Trần Thanh Hằng: Chúng tôi là những người làm công tác sưu tầm, thu thập những tài liệu, hiện vật liên quan tới nội dung trưng bày của Bảo tàng Quân đội trước kia, và Bảo tàng Lịch sử quân sự VN hiện nay. Trong nhiệm vụ chung, chúng tôi thấy có hiện vật gì phù hợp với loại hình của bảo tàng, thì sưu tầm. Trong nền chung đó, chúng tôi có định hướng theo nhiệm vụ công tác hàng năm của bảo tàng tập trung sưu tầm vấn đề gì, ví như năm nay, chuyên về Điện Biên Phủ.
Năm 2002, khi có quyết định chuyển đổi thành Bảo tàng Lịch sử quân sự, thì nhiệm vụ của chúng tôi là sưu tập những hiện vật trước năm 1930 - tính từ thời đại Hùng Vương trở lại, nên chúng tôi định hướng sưu tập tất cả hiện vật về quân sự liên quan lịch sử quân sự từ thời Hùng Vương đến nay. Trong đó có điểm nhấn về những chiến dịch lớn, những trận quyết chiến trong lịch sử. Trong quá trình nghiên cứu tại bảo tàng, những phần nào còn thiếu, chưa có hiện vật thì chúng tôi phải đi sưu tầm bổ sung.
Nguyễn Thành Vinh - Nam 22 tuổi - Sydney, Aus: Xin hỏi anh hùng Lê Mã Lương, vì thành tích nào mà ông đã được quân đội ta phong anh hùng, hay chỉ vì câu nói nổi tiếng của ông? Rất mong câu hỏi sẽ có lời giải đáp. Chúc ông sức khoẻ.
Anh hùng Lê Mã Lương: Thành tích được nhà nước phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, ngoài những tiêu chuẩn khác, thì phải là một thành tích cực kỳ xuất sắc. Với tôi, là cả một quãng thời gian không phải ngắn để được đồng đội, cấp trên suy tôn. Đó là những trận đánh liên tục khi tôi bước vào tuổi 18 ở vùng Quảng Trị - Khe Sanh (vùng đất nổi tiếng trên thế giới). Nói nôm na, đây như một "cái cối xay thịt", một vùng ác liệt vô cùng. Tất cả những gì là sức mạnh của Mỹ, nguỵ, của chúng ta, đều đưa vào và thử thách ở đây. Chúng tôi đã vượt lên thông qua những trận thử lửa ấy, suốt từ năm 1968 đến đầu năm 1973, khi tôi đánh trận đánh cuối cùng ở Cửa Việt (trước khi Hiệp định Pari có hiệu lực). Đó là trận đánh thứ 73 của tôi, và tôi đã diệt hàng trăm tên địch, nhiều lính Mỹ đã gục ngã trước mũi súng của tôi. Đó cũng là chuỗi thành tích 4, 5 năm liên tục để tôi trở thành anh hùng ở tuổi 21, vì những thành tích chiến đấu đặc biệt ở Quảng Trị.
- nguyen..hoai ..nam - Nam 42 tuổi - augusten56..germany...munchen: Chao anh Le Ma Luong, em cung la nguoi linh. 5 nam la linh cua Bo Tu lenh Phong khong Khong quan anh a. Nghe ten anh tu hoi lau nhung chua gap anh bao gio. Anh hay ke vai tran danh ac liet cho em va nhung nguoi linh nghe duoc khong? Cam on anh.
Anh hùng Lê Mã Lương: Nếu kể về các trận oanh liệt có lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian, nhưng nếu có thể kể theo yêu cầu của bạn là đã từng trải qua cuộc chiến ở Việt Nam, tôi muốn nói vắn tắt một kỷ niệm mà mỗi lần nghĩ đến tôi cảm thấy vui và thậm chí có lúc rất tự hào.
Với hàng trăm trận đánh mà chúng tôi trực tiếp chiến đấu, đó là trận đã trở thành ký ức, mỗi lần có thể ngồi kể với bạn bè. Đó là ngày 28/8/1969. Sau Mậu Thân năm 1968, chúng ta bước vào giai đoạn rất khó khăn, vì 1968 bộc lộ hết lực lượng. Bước vào chiến dịch, trên giao cho chúng tôi nhiệm vụ bảo toàn lực lượng và xuống được vùng giáp ranh càng sâu càng tốt, và liên tục chiến đấu để tiêu hao lực lượng địch, tạo ra trận đánh liên tục để cơ sở, bà con ta biết rằng bộ đội ta vẫn đang rất mạnh, đang phát triển và đang ở cơ sở bên cạnh nhân dân.
12h trưa 28/8, trên một điểm cao ở khu vực rừng Pác Chang ở phía Tây Khe Sanh, chúng tôi đang ở trên dốc cao xuống thì đụng ngay một bộ phận quân Mỹ đi đầu. Tôi nghĩ đây là bộ phận trinh sát nắm tình hình của ta, vì nó biết chúng tôi đang quanh quẩn đâu đó. Tôi đang đi đầu, hai đồng chí hai bên (thành viên tổ ba người vì chúng tôi là lính trinh sát), tôi có cảm giác phía trước là bọn Mỹ, vì theo kinh nghiệm chiến đấu, chỉ cần qua gió thoảng cũng biết đâu là Mỹ, đâu là nguỵ. Chúng tôi đã có kinh nghiệm, và chưa bao giờ bị sai, phán đoán rất chính xác. Tôi vượt qua mô đá và đi xuống dưới thì bất chợt một tên Mỹ cao to lao ra, ôm chặt lấy người tôi. Tôi và nó vật lộn nhau trên đoạn dốc và đá đó. Sau chừng 1-2 phút gì đó, tôi và tên Mỹ thở dốc. Lợi dụng thằng Mỹ sơ hở khi ôm tôi, tôi dùng hết sức mình đập cánh tay cùng khẩu súng AK ở phía trước bật ra một bên của hòn đá nhỏ. Thằng Mỹ tiếp tục lao vào ôm tôi lần 2 và kéo tôi xuống chừng 5m nữa. Lúc này thấy không cách nào thoát khỏi, tôi nghĩ cách khác. Nhìn xuống bên hông phải của tôi có cây dao găm đang ở trong vỏ, và có đai bao rất chắc, nhưng vẫn có thể tuột ra được. Tôi nắm tay cầm của dao găm, và dùng hết sức trong vòng tay tên Mỹ, quay ngược cây dao găm bằng động tác rất thành thục của người lính trinh sát, và tôi ấn cả 2 tay rất mạnh vào bên sườn trái, nhưng chỉ nghe một tiếng roạt và tôi biết thằng Mỹ mặc áo chống đạn rất nhẹ. Sau khi bị trượt cây dao xuống phía dưới, và nghe tiếng roạt như thế, tôi bắt đầu lượn mũi dao ngược trở lên phía bên trái và ấn rất mạnh, thì mũi dao vào đúng sườn dưới của tên Mỹ, và tên này la lên tiếng rất to. Sau đó nó trùng tay và tiếp tục văng người về bên phải, văng cây dao ra. Tôi cầm chặt khẩu tiểu liên quật trở lại thì thấy tên Mỹ đã nằm vật xuống phía bên này. Sau đó nghe một loạt tiểu liên nổ, tôi biết đồng đội đang hỗ trợ. Sau trận đánh đó riêng tôi diệt 15 Mỹ, đồng đội tôi diệt 130 tên Mỹ, gần như tiêu diệt gọn đại đội kỵ binh của Mỹ. Kết thúc trận đánh là 4h chiều, về hầm trung đội trưởng nói với tôi, không tài nào bắn tên Mỹ vì anh và nó vật nhau loạn cả lên.
Nguyễn Việt Thắng, nam, 49 tuổi, HN: Bằng cách nào mà chị biết được ở đâu đó có một cái gì đó để sưu tập? Chị có thể kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện mà chị cho là rất li kỳ trong cuộc sưu tập của mình không?
Trung tá Trần Thanh Hằng: Các sự kiện lịch sử trải dài khắp miền Bắc, miền Nam. Để biết chỗ nào có hiện vật hay không thì cũng tuỳ. Có những trường hợp chúng tôi thiết lập được một hệ thống cộng tác viên trên khắp cả nước, thông qua Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội cựu chiến binh của các tỉnh, thành phố. Qua các hội cựu chiến binh đó, chúng tôi hướng dẫn cho họ cách khai thác để khi nào có những thông tin về hiện vật, họ sẽ thông báo cho chúng tôi, và chúng tôi đến nơi đó để tiếp nhận, đó là một cách.
Còn rất nhiều trường hợp chúng tôi đi mà như mò kim đáy biển, không biết là có hay không, nhưng vẫn phải đi. Ví dụ, khi Bảo tàng quyết định đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thì Giám đốc Lê Mã Lương giao cho chúng tôi làm sao phải tìm được cổ vật ở Thanh Hoá. Chúng tôi cứ đi, đi theo con đường chính thống là thông qua Sở Văn hoá, qua các bảo tàng, các huyện ở Thanh Hoá (Thọ Xuân, Nông Cống...), nhưng đi mấy ngày trời không tìm thấy được cổ vật, chúng tôi không biết làm cách nào, và đã nghĩ ra một cách là tìm thầy bói, vì khi người ta tìm cổ vật, người ta thường cúng bái, hỏi thầy. Chúng tôi không mặc quần áo bộ đội nữa, mà mặc quần áo dân thường, đi vào trong dân hỏi xem có những thầy bói nổi tiếng trong vùng. Và từ những thầy bói, chúng tôi đã tìm được những nhân vật có hiện vật đang được lưu giữ trong gia đình. Và đợt đó, chúng tôi đã sưu tập được mấy chục cổ vật như kiếm, giáo, súng thần công... ở Thanh Hoá.
Chị Quỳnh Chi GĐ Công ty TNHH Việt Hưng ở Hải Phòng: Chị Hằng ơi, chị có bao nhiêu bộ sưu tập và chị ưng ý với bộ nào nhất?
Trung tá Trần Thanh Hằng: Ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam có rất nhiều bộ sưu tập, tôi đã tham gia được 4 bộ, và đều được Hội đồng khoa học đánh giá chất lượng cao, như bộ đã được in do đại tá Lê Mã Lương chỉ đạo, tên gọi Sưu tập hiện vật máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc Việt Nam do tôi nghiên cứu từ năm 92-98. Công trình thứ 2 là Nghiên cứu xây dựng tranh cổ động ở bảo tàng quân đội in tất cả tranh cổ động đã dán lên tường, đưa gửi tới các chiến hào, khu phố, đơn vị bộ đội để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội trong 2 cuộc kháng chiến. Có bức tranh cổ động in bằng dù tại mặt trận Điện Biên Phủ của nhà báo Trần Cư do hoạ sĩ Nguyễn Bích vẽ. Trần Cư lúc đó là phóng viên báo QĐND tại mặt trận. Hết giấy in, đồng chí cắt dù trắng thu được của địch để in tranh và đưa đến chiến hào. Các chiến hào ngập nước, tranh bằng dù không phai nên sau này đồng chí tặng lại và tôi đã sưu tầm đưa vào bảo tàng. Tôi thấy tranh cổ động có nhiều bức tranh nổi tiếng vẽ đại tá Lê Mã Lương từ năm 1971 của hoạ sĩ Dương Ánh, bức vẽ Lê Thị Hồng Gấm cũng năm 71 do tôi sưu tầm và đưa vào bộ tranh.
Sưu tập 3 về bom Mỹ đánh phá khủng khiếp ở miền Bắc, miền Nam nhất là tuyến đường Trường Sơn và khu 4. Giữa bảo tàng chúng tôi trưng bày một bãi bom Mỹ đánh phá Việt Nam. Tôi nghĩ đây là đề tài rất hay đã được xây dựng hoàn chỉnh. Mới đây nhất là sưu tập tướng lĩnh quân đội Việt Nam. Tất cả sưu tập thu được là tài sản của bảo tàng, đánh giá sự giàu có của bảo tàng thông qua sưu tập. Vì thế, tôi muốn góp một phần công sức làm giàu kho lịch sử Việt Nam. Phần trình bày đã làm khách tham quan bảo tàng thích thú.
Nguyễn Xuân Dũng, Bí thư huyện uỷ huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá: Thưa anh hùng Lê Mã Lương, tôi nguyên là học sinh cấp 3 trường Triệu Sơn 2. Thời chúng tôi học, chúng tôi đã rất ngưỡng mộ câu nói nổi tiếng của anh, đó là "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Tôi có ý định nếu gặp anh sẽ hỏi cho ra nhẽ là câu nói đó ra đời trong hoàn cảnh nào, tiếc là chưa có dịp gặp anh. May mắn hôm nay đọc trên mạng biết anh đang giao lưu với bạn đọc, vậy tôi xin được đặt câu hỏi này?
Anh hùng Lê Mã Lương: Câu nói này ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt đối với tôi, đó là khi tôi nhận được quyết định chính thức lên đường ra mặt trận, vào miền Nam để chiến đấu. Ngày cuối cùng, khi tạm biệt bạn bè người thân, có một cô bạn thân đã tặng tôi một cuốn sổ tay nhỏ, xinh xinh (nhưng giấy thì không được đẹp như bây giờ, nhưng với tôi là một kỷ niệm rất đẹp). Tôi có thói quen ghi nhật ký ngay từ khi học lớp 5, bây giờ tôi đọc lại những trang mà tôi ghi ngày đó rất buồn cười, nhưng cũng hết sức thú vị.
Trên đường hành quân ra mặt trận ở miền Trung, dưới mái cọ, ngọn đèn dầu và một bàn gỗ mộc, những trang nhật ký tôi ghi dầy đặc, khoảng hai trang cuối cùng, tôi ghi lướt trên trang giấy rất đậm: "Chiến đấu là cao quý nhất, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". Tôi hài lòng với câu nói kết của cuốn nhật ký, tôi gấp sổ và chìm đắm vào trong giấc ngủ đến 5h sáng, một đồng đội đánh thức tôi dậy. Cuốn sổ ấy tôi cứ ghi hết trang nọ đến trang kia trên con đường hành quân ra mặt trận. Sau này tôi cũng không đọc lại những trang nhật ký trước nữa vì không có thời gian. Sau một trận đánh, các phóng viên hỏi chuyện tôi, hỏi tôi có gì mang theo. Tôi nói tôi có một vài cuốn sổ và đưa ra một trong những cuốn sổ ấy. Các phóng viên này dở sổ ra, và có lẽ họ rất tâm đắc với câu tôi ghi trong nhật ký, mà câu đó tôi ghi như là một tuyên ngôn, định hướng cho chính mình để tiếp bước các thế hệ cha anh bước vào cuộc chiến đấu sinh tử với kẻ thù. Sau này câu này được nhà báo Khánh Vân đưa lên trên báo, và khi đó tôi mới biết câu này đã được đưa lên báo.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Nhiều người đều cùng có câu hỏi như thế anh Lương ạ. Và câu hỏi thứ 2 này cũng rất thú vị, hơi riêng tư một chút. Tôi đọc nguyên văn thế này, bạn Hồ Quốc Thắng - Nam 49 tuổi - 58 nguyễn Du Hà Nội viết: Câu nói của anh ''cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến chống quân thù'' đã là câu nói được thế hệ tôi ghi vào sổ tay cuộc đời. Ngoài câu nói đó, tôi còn nhớ trong các báo thời đó còn trích một đoạn thư của bạn gái gửi cho anh "nơi em ở là một thành phố tráng lệ thủ đô của một nước bạn, chiều chiều trên những con đường qua công viên người ta đi với nhau đều có đôi, còn em, em chỉ một mình. Nếu như ngày ấy anh cùng đi với em thì hạnh phúc biết bao''. Anh đã từ chối việc đi học nước ngoaì để đi chiến trường. Xin hỏi anh: tình yêu của cô ban ấy với anh có đơm hoa kết trái không? Cô ấy bây giờ thế nào?
Anh hùng Lê Mã Lương: Cảm ơn bạn Thắng đã hỏi. Tôi thấy bạn cũng lưu ý vấn đề này và ghi rất chính xác. Thời đó tôi mới 17 tuổi, bạn bè cùng lứa chơi thân với nhau. Tôi có nhiều bạn nam và rất nhiều bạn nữ. Bạn mà anh nói là một trong những bạn gái thân nhất của tôi, cũng là con một liệt sĩ. Chúng tôi đã chơi thân với nhau nhiều năm. Nếu nói về tình yêu thì chưa hẳn, nhưng nếu nói về quý mến và thân nhất trong số bạn gái đó thì có thể như vậy, vì tuổi ấy tôi chưa nghĩ nhiều đến tình cảm của chàng trai đối với cô em gái, tôi đang nghĩ nhiều hơn về phía trước với ước muốn gia nhập quân đội, trở thành chiến sĩ, muốn tiếp tục sự nghiệp của cha tôi hy sinh ở Điện Biên.
Bạn đó là Thủy. Khi tôi vào Nam chiến đấu bạn ấy học ngành cơ điện ở Tiệp Khắc cũ. Sau một thời gian đứt đoạn (Nam - Bắc thư từ rất khó khăn), tôi gửi cho bạn 1-2 lá thư, chắc là bạn gửi cho tôi nhiều hơn. Tình cảm ấy cho đến bây giờ vẫn đọng lại như tình cảm thời học sinh, rất hay nhưng nó chỉ là thoảng qua. Bây giờ, bạn Thuỷ có gia đình rất hạnh phúc cùng người bạn học bên Tiệp. Đôi bạn này có hai cô con gái đã trưởng thành.
Hoàng Tuyết Mai, học sinh lớp 12A4, trường Lê Quý Đôn, Hà Tây: Thưa cô Hằng, trong lời giới thiệu được biết là cô có rất nhiều bộ sưu tập, trong đó có một bộ sưu tập về tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại sao cô chỉ sưu tập các vị tướng, và xin cô cho biết hiện nay ở nước ta có bao nhiêu vị tướng, và riêng đại tướng thì có bao nhiêu người?
Trung tá Trần Thanh Hằng: Trong lịch sử dân tộc có ghi nhận những công lao, đóng góp của các vị tướng. Các vị tướng giữ một vai trò quan trọng trong việc chỉ huy quân đội chiến đấu giành thắng lợi. Chính vì thế tôi thấy đấy là một vấn đề cần quan tâm, và những hiện vật về những tướng lĩnh ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam cũng có rất nhiều. Tôi thấy cần phải có sự tập hợp và xây dựng thành sưu tập để phục vụ công tác nghiên cứu và giáo dục. Đó là lý do tôi chọn sưu tập Tướng lĩnh quân đội nhân dân. Ở tướng lĩnh Quân đội nhân dân, tôi thấy rằng họ là những người được nhà nước phong quân hàm và phong cấp. Có những người được phong quân hàm, nhưng có những người được giữ cương vị cao trong quân đội, nhưng cũng không phong quân hàm, ví dụ như đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục cung cấp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, cố Bộ trưởng Phan Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên năm 1946, đồng chí Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ quốc phòng năm 1947 cũng không là tướng.
Có rất nhiều những vấn đề rất hay, do đó tôi đã chọn chủ đề này để cùng với đơn vị xây dựng sưu tập. Hiện nay chúng tôi cũng chưa xây dựng xong Sưu tập cấp tướng, mà mới chỉ dừng ở giai đoạn các vị tướng lĩnh từ năm 1946 đến năm 1980, còn sau này chúng tôi chưa có thời gian để làm tiếp, nên hiện tại ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chúng tôi thống kê bước đầu có 535 vị tướng và 10 vị đại tướng đó là: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng Đoàn Khuê, Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Phạm Văn Trà.
Lê Hoài Nam 24 tuổi ở đường Bạch Đằng, Hải Phòng: Cháu nghe nói Bác Hồ trực tiếp phong tướng cho bác Võ Nguyên Giáp mà không qua cấp nào nữa. Thưa cô, bác Giáp là trường hợp đặc biệt, hay còn có nhiều vị tướng khác?
Trung tá Trần Thanh Hằng: Có rất nhiều trường hợp như bác Giáp, vì cuộc kháng chiến cần lãnh đạo của các vị chỉ huy cao cấp. Bác Giáp là người được phong đại tướng đầu tiên năm 48. Có đồng chí khác như Trung tướng Nguyễn Bình không qua thiếu tướng mà phong luôn trung tướng. Sau này, năm 58-59 Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng được phong vượt cấp lên đại tướng. Đại tướng Văn Tiến Dũng bỏ qua trung tướng phong thẳng thượng tướng. Đại tướng Chu Huy Mân bỏ qua trung tướng lên thượng tướng. Có rất nhiều trường hợp như vậy, nhưng chỉ có từ cuộc kháng chiến chống Mỹ trở lại chống Pháp mới có phong hàm vượt bậc như vậy.
Lê Hoà, nam, 47 tuổi, Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu: Anh đánh giá như thế nào về công tác bảo tàng của chúng ta hiên nay, khi khách đến Bảo tàng quân sự Việt Nam thì họ có khai thác anh như một nhân chứng sống không?
Anh hùng Lê Mã Lương: Sau nhiều năm làm Giám đốc bảo tàng, làm công tác quản lý, tôi có thể nói từ năm 90 trở lại đây, văn hoá nói chung và văn hoá bảo tàng nói riêng đã được Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng, vì vậy trong cả nước hệ thống bảo tàng đã được chỉnh lý, phát triển, nhiều bảo tàng được xây mới và một số bảo tàng hoạt động rất có hiệu quả.
Tuy nhiên so với lịch sử nghìn năm của dân tộc ta thì nhu cầu về phát triển bảo tàng ở nước ta rất lớn (mặc dù gần đây đã có luật về xây dựng bảo tàng tư nhân, nhưng để có được những bảo tàng tư nhân thì cũng là điều rất là khó, không đơn giản chút nào). Hoạt động của hệ thống bảo tàng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là hệ thống đào tạo những người chuyên làm bảo tàng, kể cả những người làm quản lý, của chúng ta hiện nay đang đầu tư rất nhỏ giọt và hạn chế.
Thứ hai là đưa các công nghệ mới vào hoạt động của bảo tàng, chúng ta cũng đầu tư chưa được nhiều, nơi đầu tư thì không đồng bộ. Thứ ba là những người làm bảo tàng - một trong những tiêu chuẩn, tiêu chí mà chúng ta phải xác định - đó là khả năng về mặt nghiên cứu, vì một trong những chức năng cơ bản của bảo tàng là hoạt động nghiên cứu hoa học, và hiện nay nó đang là một khâu yếu nhất của hệ thống bảo tàng Việt Nam, không riêng gì các Bảo tàng quân đội hay Bảo tàng lịch sử Việt Nam, rất ít bảo tàng có đội ngũ làm nghiên cứu đồng đều. Thứ tư là đầu tư về mặt kinh phí, là đầu tư mà có thể nói là chưa đủ mức, hay nói cách khác, là chưa đạt được tầm nhằm đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của nó, để thể hiện xã hội hoá, thể hiện sức hút đối với các đối tượng công chúng, khách xem.
Còn với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, thế hệ những đồng chí trước đây làm giám đốc tôi không rõ lắm, nhưng khi tôi về phụ trách bảo tàng, thì anh em ở bảo tàng tự nhiên cảm thấy bận rộn hơn. Khi các cựu chiến binh, các cháu thiếu nhi, những người quan tâm, kể cả người nước ngoài (đặc biệt là người Mỹ), đến bảo tàng họ rất muốn tìm gặp tôi, hoặc không làm được thì người ta để lại thư. Mỗi tháng tôi nhận được ít nhất 10 lá thư, còn tháng nào nhiều là từ 27 - 30 lá thư. Có những thư tôi buộc phải trả lời, nhưng có những thư tôi nhờ anh em điện thoại nói giúp là tôi đã nhận được thư, và có dịp nào đó tôi sẽ trả lời kỹ hơn. Anh em ở trong bảo tàng thường hay đùa với tôi, coi tôi như là một hiện vật sống của bảo tàng. Vì vậy khi đến bảo tàng có rất nhiều người muốn gặp gỡ trao đổi, nói chuyện, thậm chí ngoài vấn đề chuyên môn. Tôi coi đó như là một nghĩa vụ, trách nhiệm của tôi đối với công chúng, những người quan tâm.
Việt Sơn, một Việt kiều ở Mỹ hỏi: Người Mỹ đến bảo tàng thích xem gì nhất. Thưa anh, sau chiến tranh khi nào anh gặp lại người Mỹ, cảm giác anh khi gặp lại người bên kia chiến tuyến?
Anh hùng Lê Mã Lương: Người Mỹ tới bảo tàng quan tâm nhiều thứ, đặc biệt giai đoạn khốc liệt nhất từ năm 1965-1968, rồi 1969 là thời gian cuộc đụng độ giữa ta và quân đội Mỹ trực tiếp trên chiến trường miền Nam. Người Mỹ thường quan tâm hiện vật liên quan bản thân mình, đến người thân. Người Mỹ về và ra khỏi bảo tàng, một thời gian ngắn sau chúng tôi thường nhận thư hoặc ý kiến trực tiếp của nhân viên bên Ban đối ngoại trung ương Đảng, các tổ chức có liên hệ với người Mỹ ở nước ngoài, ở đại sứ quán, người ta đề nghị chúng tôi tìm giúp hiện vật, có cái nằm ở bảo tàng lịch sử quân đội VN, cũng có khi ở nơi khác. Đây là một trong những nội dung chúng tôi rất quan tâm. Khi có thể xác minh được hiện vật đang trưng bày ở nơi này nơi kia thì chúng tôi thông tin cho họ tìm hiểu.
Người Mỹ tôi gặp đầu tiên ở bảo tàng khi tôi về đây làm Giám đốc là viên trung tướng, theo giới thiệu, ông là cố vấn cho Tổng thống Bush về vũ khí trang bị. Ông đang viết sách và rất cần tài liệu. Soi trên bản đồ cả 2 đều ngạc nhiên: ông là lữ đoàn trưởng đoàn dù, còn tôi với cương vị trung đội trưởng trung đội chiến đấu từng đụng độ nhau ở Khe Sanh như câu chuyện tôi vừa tả hồi nãy.
Nguyễn Cẩm Thuý, Việt kiều, 34 tuổi, Paris: Chị Hằng là người đã nhiều lần tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vậy thực chất Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người như thế nào, theo cảm nhận riêng của chị?
Trung tá Trần Thanh Hằng: Tôi đã tiếp xúc rất nhiều những cựu chiến binh, những người lính, thì thấy họ có một tình cảm hết sức quý mến đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với tôi cũng đã được nhiều lần tiếp xúc với Đại tướng, tôi quý ông như một người ông. Đại tướng như một ông tiên sống rất đức độ, quan tâm đến mọi người, thương yêu những người lính.
Năm 1994 tôi có lên Điện Biên để giúp Bảo tàng Điện Biên trưng bày phần bảo tàng, thì có gặp Đại tướng lên đó để thăm lại Điện Biên. Khi đến đồi Độc Lập để thắp hương cho các liệt sĩ thì Đại tướng đã khóc, và tôi thấy tình cảm đó rất ấn tượng trong tôi. Riêng đối với Đại tướng thì từ năm 1982, khi đọc sách tìm hiểu về Đại tướng, tôi cũng có đề xuất với đồng chí Giám đốc bảo tàng lúc đó là Phạm Đức Đại xin được thu thập, tập hợp tất cả những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi đã tìm lại được những bức ảnh trong bảo tàng, rồi trong đơn vị gặp được những bức ảnh của Đại tướng, thậm chí còn xin đến nhà riêng củ Đại tướng xem có những bức ảnh nào mà bảo tàng chưa có. Tôi tập hợp được 550 bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 80 của Đại tướng, Bảo tàng Quân đội lúc đó đã mang 6 tập ảnh do tôi đánh máy và viết tay, dán (rất là thủ công) mang tặng cho Đại tướng, và tất cả các cuốn sách mà Đại tướng in từ sau năm 1990 là toàn lấy những bức ảnh do tôi sưu tập. Mới đây nhất, Đại tướng có đến bảo tàng. Nhân cuộc thi âm vang Điện Biên, tôi cũng làm một bài thơ về Đại tướng khi ông khóc trên nghĩa trang ở đồi Độc Lập.
Nén hương thơm nghi ngút khói bay
Đại tướng nghẹn ngào xúc động
Giọt nước mắt nuốt bao lần đắng mặn
Để một lần nhỏ trước hàng quân
Chiến sĩ Điện Biên hàng dưới hàng trên
Lấp lánh ngôi sao trên đầu mũ
Hơi âm chiều đông qua lần trấn thủ
Khí thế hào hùng buổi lễ xuất quân
Áo nâu non chiến sĩ dân công
Ướt đẫm mồ hôi ngươc xuôi tải gạo
Những chiến sĩ oằn lưng kéo pháo
Dốc núi cao vang vọng tiếng hò dô
Cô văn công duyên dáng múa xoè ô
Điệu chèo Bắc làm nao lòng ai đó
Bom nổ rung trời chiều lửa đỏ
Bát rau rừng ai nấu chửa kịp ăn
Phá thác mở đường chiến sĩ công binh
Bàn tay học trò chai sần phồng rộp
Những chiến sĩ xung kích chân trần đạp đất
Trận địa tiến công máu thấm chiến hào
Các anh ơi máu đã nhuộm cờ đào
Lớp đoàn quân xông lên đồn giặc
Cờ của Bác tung bay trên nóc hầm Đờ cát
Chiến thắng rồi mới kịp tìm nhau
Chuyện ngày xưa mà tưởng như đã đâu đây
Gần lắm đi thôi cách nhau gang tấc
Các anh ơi hãy nghỉ yên trong lòng đất
Chiến công này tạc tượng giữa trời xanh
Thế hệ cháu con bước tiếp các anh
Nhịp sống mới vang dư âm thủa trước
Bằng trí tuệ quyết tâm dựng xây đất nước
Bộ đội Cụ Hồ nguyện mãi mãi vì dân
Đó là cảm xúc mới nhất. Thứ 7 vừa rồi Đại tướng đến thăm Bảo tàng lịch sử Quân đội, xem phần trưng bầy Điện Biên Phủ, tôi đã tặng Đại tướng bài thơ đó.
Một bạn đọc ở TP. Biên Hoà hỏi: Trong tất cả tướng lĩnh, ngoài tướng Giáp chị từng tiếp xúc, ai để lại ấn tượng mạnh nhất cho chị?
Trung tá Trần Thanh Hằng: Tôi từng gặp rất nhiều vị tướng, có vị đã mất không gặp được, nhưng tôi rất ấn tượng về ông Lê Thiết Hùng sinh 1908-1986 quê Hưng Nguyên, Nghệ An trú tại số nhà 66 Trần Hưng Đạo. Nghiên cứu về thiếu tướng Lê Thiết Hùng, tôi thấy cấp bậc cao nhất của ông là Tổng thanh tra quân đội, tham gia cách mạng từ năm 1923 cùng đoàn với Lê Hồng Phong sang Thái Lan. Tới Thái Lan, đoàn đó chuyển sang Quảng Châu, Trung Quốc. Bác Hồ lúc đó lấy tên Lý Thuỵ đã đặt tên cho ông là Lê Quốc Vọng. Ông học ở trường Hoàng Phố, sau đó vào quân đội Tưởng Giới Thạch được phong quân hàm đại tá. Đấy là những ông tướng tôi rất trân trọng và quý mến, dù không được gặp nhưng công việc, cống hiến của vị tướng làm tôi xúc động. Còn rất nhiều vị tướng khác tôi từng tới nhà tiếp xúc, bất cứ việc gì từ gặp gỡ, hội thảo, các bác gọi cho tôi để chia sẻ và mời tham dự cùng.
Hoàng Giang - Nam 25 tuổi - Liên bang Nga: Thưa đại tá Lê Mã Lương và thạc sĩ Nguyễn Thanh Hằng, là một người thuộc thế hệ thanh niên hôm nay cháu rất khâm phục những chiến công của thế hệ... bác Lương. Là một người thích đọc các sách sử, cháu thấy các sách sử của ta, nhất là những sách trước đây viết quá tròn trịa, không cho thấy hết được những nghiệt ngã của chiến tranh. Ngoài ra, nhiều sự việc được ghi trong sách sử cho học sinh đến nay có nhiều tư liệu hé mở cho thấy không hoàn toàn như vậy. Cháu có câu hỏi là theo bác Lương và thạc sĩ Hằng các nhà viết sử (chính sử) của ta đã thực sự công tâm hay chưa khi ghi lại những biến cố lịch sử Việt Nam trong thế kỉ trước? Nếu chưa thì liệu đã đến lúc hiệu chỉnh để trả lại sự việc như nó vốn có chưa ạ?
Anh hùng Lê Mã Lương: Điều bạn đặt ra rất đúng, không những bạn tìm hiểu về điều này mà ngay cả thế hệ tôi cũng thế. Cũng có nhiều điều sai sót trong cuốn sử viết cho lứa tuổi học sinh cấp 2, 3 thậm chí cả đại học. Tuy nhiên, nếu đánh giá về các nhà làm sử khi soạn những điều này đã công tâm hay chưa, thì phải nói họ công tâm và có trách nhiệm.
Để tìm hiểu một sự kiện lịch sử nào đó thì quả là một vấn đề vất vả. Tôi nói một điểm như thế này, chúng ta biết rằng không có lá cờ bách chiến bách thắng của quân đội ta cắm trên hầm tướng Đờ cát, nhưng bây giờ đã trở thành một biểu tượng, mà chúng ta đều thấy rất tự hào. Nghĩa là khi đã trở thành biểu tượng rồi thì để sửa lại đòi hỏi phải có thời gian và chúng ta đều có trách nhiệm làm điều đó. Trong bộ phim của đạo diễn Karmen (Liên Xô), ông đã lấy một lá cờ thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho một đại đoạn để đưa vào phim ấy, và giao cho một chiến sĩ cầm lên phía trước, còn thực tế lịch sử là không có. Cái gì đúng là lịch sử chúng ta giả lại nó cho lịch sử. Còn nhiều cái khác nữa, nhưng tôi muốn nói một ví dụ đã trở thành điển hình để thấy rằng không chỉ trong sách giáo khoa, mà ngay cả những tác phẩm văn học, nhưng công trình về khoa học lịch sử cũng có những cái như thế.
Tôi muốn nói một vế thứ hai, là nghiên cứu của chúng ta những năm trước đây bị bó trong cách nhìn một phía, tức là chúng ta nhìn thông qua những tài liệu mà chúng ta thu thập được, nhưng những tài liệu ấy chúng ta lại chưa có điều kiện để thẩm định, và khó có thể thẩm định. Những năm gần đây vấn đề xã hội hoá mở cửa, những cuộc hội thảo quốc tế, chúng ta có điều kiện để khai thác những tài liệu của các nhà sử học phương Tây, và đã giúp cho chúng ta có một cái nhìn về mặt lịch sử toàn diện hơn, khách quan hơn. Chắc chắn chúng ta không chỉ sửa những sai sót lịch sử ở sách giáo khoa, mà còn sửa ở những công trình khác nữa. Lịch sử giao cho thế hệ của chúng tôi, cũng như những thế hệ sau năm 1975 có trách nhiệm đối với lịch sử. Tôi với tư cách là một người phụ trách một bảo tàng lịch sử Việt Nam, và liên quan đến lịch sử kháng chiến, lịch sử cách mạng, chúng tôi cũng đang từng bước trả lại những cái gì chưa chuẩn xác, chưa đúng vào cái lịch sử vốn có của nó.
Trung tá CN Trần Thanh Hằng: Chúng tôi không phải là những nhà viết Sử, nhưng chúng tôi là những người làm sử và sử của chúng tôi chính là những hiện vật để chứng minh cho các sự kiện đó. Tôi nghĩ rằng các sự kiện lịch sử dưới sự đóng góp của các cán bộ bảo tàng, sưu tầm, thu thập lại và minh chứng cho các sự kiện ấy bằng những hiện vật đã đựơc thẩm định thông tin và nghiên cứu rất kỹ càng, thì đó chính những câu trả lời đúng nhất cho những vấn đề có thể vẫn còn chưa thật chính xác.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa anh Lương, thạc sĩ Hằng, có điều hết sức lý thú là rất nhiều câu hỏi của bạn đọc từ mọi miền tổ quốc, người Việt ở nước ngoài gửi về đều so về lý tưởng thanh niên thời nay với trước kia. Tôi chỉ xin đọc câu hỏi của chị Sương 28 tuổi ở Hà Nội: Anh Lê Mã Lương thân mến, em đã đọc truyện viết về anh từ hồi cấp 2. Hình ảnh người lính quyết tâm ra trận và can đảm trên chiến trường để lại trong tuổi thơ của em và bây giờ còn sống mãi. Em rất ấn tượng về phần tả mẹo bắn súng máy của anh. Em rất vui thấy hình ảnh của anh không còn là trong chuyện như cổ tích, mà là người bằng xương bằng thịt trong cuộc sống hiện tại. Em băn khoăn cuộc sống ngày trước khi còn chiến tranh và hiện tại có tác động tới tư tưởng của anh không? Em đã hình tượng hóa nhân vật trong truyện và rất muốn sống như anh. Theo anh, làm thế nào họ được thắp lửa như vậy trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Chúc anh khoẻ. Theo anh làm thế nào lớp trẻ có tư tưởng, khí thế cách mạng như thế hệ anh?
Anh hùng Lê Mã Lương: Thế hệ chúng tôi cả nước lên đường, người người ra trận thực hiện mục tiêu lớn, nếu không muốn nói là duy nhất, là ''Không có gì quý hơn độc lập tự do''. Tức là dù có khó khăn, hy sinh thì đều gồng lên, vượt lên vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là ý chí của dân tộc.
Sau 1975, cả nước tập trung về một mối đi lên CNXH, mở ra triển vọng phát triển đất nước rộng lớn hơn, đòi hỏi phải sớm khẳng định mình để hội nhập khu vực. Và thế giới còn đầy thù địch, bất trắc, gặp không ít khó khăn. Nhưng thế giới cũng mở ra cho thế hệ năm 1975 (coi năm 1975 như một cái mốc) có thời cơ cơ hội rất tốt, nhưng cũng đứng trước thách thức. Ngay như cám dỗ đời thường, nếu không có ý chí nghị lực vươn lên, sẽ dẫn tới thất bại. Đó là vấn đề cũng đơn giản thôi. Hơn nữa, tôi muốn nói thêm, thế hệ thanh niên ngày nay nhiều người nói sống thực dụng hơn và bao điều lo toan. Ngay cả thế hệ tôi hiện nay cũng phải có đầu óc thực tế. Nếu không sẽ bị loại ra bên ngoài cuộc sống, và không có khả năng đóng góp được. Ngay thế hệ 50 tuổi trở lên vẫn phải tiếp tục khẳng định, vượt qua thử thách, cám dỗ, chứ không cứ gì thế hệ trẻ. Vì thế, tôi rất tin thế hệ trẻ, mặc dù chúng ta biết có mặt này mặt kia, bộ phận này bộ phận kia, nhưng dân tộc ta lạ lắm. Thời bình thì như vậy, có mặt phát triển rất mạnh, tiếp tục khẳng định. Khi xảy ra chiến tranh dân tộc quy tụ lại, tạo ra sức mạnh khủng khiếp để đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào, đó là truyền thống rồi. Tôi rất tin thế hệ trẻ, cũng như con tôi, những đứa trẻ sinh ra sau năm 1975. Trong đó có con gái đầu tiên tốt nghiệp khoa bảo tàng ĐH Văn hóa, giờ là viên chức quốc phòng. Cô thứ 2 tốt nghiệp 2 trường ĐH, và đang là một họa sĩ quân đội. Như vậy, sự nối tiếp thế hệ chúng tôi rất xứng đáng, và không phải chỉ gia đình tôi, mà hàng vạn, hàng triệu gia đình trong đất nước Việt Nam đều như vậy.
Ông Tô Văn An, là cán bộ thuộc Bộ tư lệnh quân khu 7, hiện nay đã nghỉ hưu: Vừa qua chúng tôi nghe đài, báo... đưa nhiều nguồn tin nói rằng hiện nay Bảo tàng Quân sự Việt Nam sẽ chuẩn bị chuyển đi nơi khác, tại sao lại như thế? Tôi cho rằng đây là nơi đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam, chúng tôi đã nhiều lần ra Hà Nội, và thấy nơi đó là nơi rất thuận tiện tiện. Ở trận tuyến, anh là người rất dũng cảm, và không bao giờ sợ hi sinh cả, tại sao bây giờ anh lại buông xuôi như thế, và bảo tàng Quân sự Việt Nam sẽ chuyển đi đâu? Và hướng tới sẽ như thế nào?
Anh hùng Lê Mã Lương: Thưa bác An, trước hết tôi khẳng định rằng tôi chưa bao giờ buông xuôi theo nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta sống trong một đất nước Việt Nam sau chiến tranh đang có những phát triển và khẳng định vị thế của chúng ta trên trường quốc tế. Gần đây, Nhà nước cũng rất quan tâm đến văn hoá văn vật, văn hoá bảo tàng, cũng đã có những đầu tư xây dựng nhiều bảo tàng, tuy nhiên chưa tạo được những sức hút đối với những đối tượng khách tham quan trong nước, nước ngoài. Nhưng dù sao do kinh tế phát triển, nhận thức của chúng ta có những thay đổi, và phát triển lên theo hướng rất tốt.
Đối với Bảo tàng quân sự Việt Nam, lẽ ra bảo tàng phải được ưu tiên đầu tư xây dựng từ lâu rồi, chứ không phải cho đến vài năm gần đây mới làm. Vì cùng với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, thì những bảo tàng khác đã được đầu tư nhiều, và đã được nâng cấp khang trang hơn. Bảo tàng Quân sự Việt Nam, đứng dưới chân cột cờ và đây là khu vực thành cổ. Nó đã đứng chân ở đó nửa thế kỷ nay, đã hoà vào đó lịch sử xưa và nay, nằm trên một trục, như các cụ ta nói, là trục hoàng đạo, thần đạo cùng với cột cờ, điện Kính Thiên... có các tổng hành dinh của quân đội ta, chỉ đạo xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau năm 1975, hết sức anh hùng. Đáp ứng nguyện vọng của cán bộ nhân dân, của các lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, chúng ta phải có bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mà không gian trưng bày từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay. Vì thế Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng bảo tàng khang trang, to đẹp hơn, và phải chứa đựng được một khối lượng hiện vật tương đối lớn, có thể nói là nhiều nhất trong các bảo tàng Việt Nam: chí ít là phải được 1 vạn hiện vật.
Với một không gian kiến trúc như vậy, mà lại đụng chạm đến vấn đề của di tích, chúng ta muốn giữ lại Hoàng thành xưa và tôn vinh nó lên. Gần đây, các nhà khoa học có ý kiến rất nhiều, nhưng hầu hết là ý kiến một phía, có nhiều ý kiến rất hay chúng tôi tiếp thu, cũng có những ý kiến cần phải bàn lại.
Vấn đề là có xây dựng bảo tàng ở vị trí như hiện nay hay không, với diện tích khoảng 30.000m2 hay là cần phải đi chỗ khác để có diện tích lớn hơn gấp nhiều lần, và để trưng bày cảnh quan lịch sử ngoài trời lớn, đây đang là một bài toán đặt ra, không phải chỉ riêng cho các nhà khoa học, mà cho cả các nhà quản lý, thậm chí đối với những cấp cao hơn.
Với riêng chúng tôi, người làm quản lý ở bảo tàng quân sự Việt Nam, có thể nói như thế này: Bảo tàng Quân sự Việt Nam đứng chân ở chỗ đó là rất hợp lý, vì nó đã đứng ở đây nửa thế kỷ rồi. Bảo tàng mà khi năm 1957, Quân uỷ Trung ương đã trình lên Bác Hồ 4 điểm là 33 Phạm Ngũ Lão, 1A Hoàng Diệu, trường cấp 3 Chu Văn An, và trại thông tin của Pháp - mà bây giờ bảo tàng đang ở đó. Bác đã quyết định xây dựng bảo tàng ngay dưới chân cột cờ với những điểm sau: thứ nhất tiện đường giao thông, thứ hai là nối liền lịch sử xưa và sự tiếp nối nay, thứ ba đây là nơi tập trung nhiều đối tượng đến xem.
Tuy nhiên tôi có một băn khoăn, thế mạnh của Bảo tàng Quân sự Việt Nam là trưng bày ở ngoài trời, để làm được điều đó phải có một không gian lớn, rồi trưng bày hiện vật lớn tiêu biểu ngoài trời. Nhưng những tiêu biểu ấy cũng khoảng vài trăm hiện vật, và nó cũng chiếm một diện tích khá lớn hàng chục nghìn mét vuông. Vì thế sau này nếu xây dựng bảo tàng quân sự tại đó thì cần phải có sự tăng lên về diện tích, và có sự điều chỉnh giữa các vấn đề mà các nhà khoa học đã nêu lên. Còn nếu chuyển bảo tàng đi chỗ khác thì cũng cần ít nhất vài chục ha.
Nhà báo Lê Thọ Bình: Chuyện của bảo tàng rất dài, chúng ta hy vọng có dịp quay lại chủ đề này. Thưa anh Lương, hiện chúng ta còn khoảng 70 câu hỏi nữa của các bạn đọc, nhưng thời gian hạn chế. Chúng ta xin dừng lại ở đây, mong có dịp khác quay trở lại để anh hùng Lê Mã Lương và chị Hằng giao lưu cùng với bạn đọc. Xin cám ơn các anh chị đã tham gia buổi giao lưu này.
-
VietNamNet