Nắm bắt vận hội? Căn bản nhất vẫn là con người!
"Điều kiện để chúng ta nắm bắt vận hội, đưa đất nước, dân tộc chúng ta tiến vào một giai đoạn lịch sử mới, đi đến phồn vinh là cơ chế tốt nhất để lựa chọn cán bộ quản lý đủ năng lực ...". Đó là thông điệp lớn nhất từ ba vị khách mời của bàn tròn trực tuyến ngày hôm qua.
Thời điểm ngày 2/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta còn tay không, Việt Nam khi ấy mới chỉ là một nước nhỏ, gần 2 triệu dân vừa chết đói. Đến ngày hôm nay, chúng ta có một giang sơn gấm vóc, một vị thế không nhỏ trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói Việt Nam đang bừng bừng khí thế đi lên để bắt kịp chuyến tàu phát triển của nhân loại ngày hôm nay.
Trong nhiều tháng qua, chúng ta đã nói về những vận hội mới, thời cơ mới. Chúng ta cũng đã nói về bài học từ cuộc Cách mạng tháng 8 (CMT8). Đó là: tận dụng một cách tuyệt vời thời cơ hiếm hoi. Nếu không nắm bắt và tận dụng được những thời cơ ấy, Việt Nam chưa chắc có được ngày hôm nay. Đó là bài học vô cùng quý giá, soi rọi đến tận hiện tại. Trong bối cảnh đất nước đang đột phá đi lên, chúng ta phải nhìn lại, ngẫm nghĩ lại bài học đó.
Tôi xin trân trọng giới thiệu các vị khách mời của chúng ta ngày hôm nay: Tiến sĩ Mai Liêm Trực - Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông (BC - VT); Ông Vũ Ngọc Hoàng - Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam; Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TPHCM. Hiện nay, ông Nguyễn Thiện Nhân đang ở đầu cầu phía Nam của VietNamNet. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia buổi nói chuyện ngày hôm nay.
Vận hội mới đang đến - Những cơ hội và lợi thế của người đi sau
Cho tới lúc này, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ phía bạn đọc. Điều này chứng tỏ chủ đề "Nắm bắt vận hội" của bàn tròn hôm nay rất được quan tâm. Trước hết xin hỏi các vị khách mời: Chúng ta đã nói nhiều về thời cơ mới, vận hội mới. Vậy ta có thực sự có vận hội đó hay không? Và vận hội đó là gì?
Ông Mai Liêm Trực:
Năm 1940, chính phủ Pê-tanh ở Pháp đầu hàng phát xít, Bác Hồ khi ấy còn ở Trung Quốc đã biết rằng cơ hội của chúng ta chuẩn bị đến. Cuối năm 1940, đầu năm 1941 Bác đã lên đường về nước để chuẩn bị cho Cách mạng. Từ lúc phát xít Đức đang thắng ở Pháp, Chính phủ Pê-tanh thua, Bác đã nhận ra thời cơ của đất nước ta. Bác biết rằng, trong cuộc chiến này Đồng minh rồi sẽ thắng, và ta phải nhân cơ hội đó để làm cuộc cách mạng. Như vậy, Bác đã nhìn thấy thời cơ ấy trước nhiều năm.Trong nhiều giai đoạn lịch sử vừa qua, chúng ta đã nắm được nhiều cơ hội, vận hội. Nhưng như nhiều nhà lãnh đạo, nhiều nhà báo và nhà xã hội học đã phân tích, chúng ta cũng có những lúc bỏ lỡ thời cơ. Hiện nay khi các nước đang ở giai đoạn toàn cầu hoá rất mạnh mẽ thì Việt Nam vẫn đang là một nước chậm phát triển, một nước nghèo, một nước đi sau. Quá trình toàn cầu hoá ấy đến nhanh, dữ dội và đến một cách may mắn. Nó đến từng ruộng lúa, đến từng gốc cà phê, đến từng vuông tôm của người nuôi tôm, đến từng máy dệt của người công nhân dệt. Sau khi mở cửa, Việt Nam đã trở thành một nhà xuất khẩu đứng thứ nhì về gạo, thứ nhất về tiêu, có lúc làm đảo lộn cả thị trường cà phê thế giới. Ngay cả cá basa chỉ trong một thời gian ngắn đã chiếm 20% thị phần cá da trơn ở Mỹ. Đó là cơ hội của thời kỳ toàn cầu hoá, của thời kỳ phân công lao động quốc tế. Và nếu DN nào, địa phương nào nắm được thời cơ ấy một cách đúng đắn, phù hợp thì có thể đi rất nhanh, vượt lên được.
Trước xu hướng toàn cầu hoá như vậy, chúng ta hoàn toàn có những lợi thế của người đi sau để tận dụng cơ hội. Trong ngành viễn thông, 15-20 năm trước, trong khi 95% mạng viễn thông toàn cầu áp dụng kỹ thuật cũ, thấy một số nước đi vào công nghệ số, Tổng cục trưởng khi ấy đã cùng với chúng tôi bàn và đi đến thống nhất không tiếp tục nhập các kỹ thuật cũ nữa mà đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tức là công nghệ số. Người ta đi trước, phải đầu tư lớn, phải khấu hao, lại có cả hàng chục triệu số chưa thể nhảy sang công nghệ số ngay còn cả nước ta vỏn vẹn chỉ có trên 100.000 thuê bao vào thời điểm năm 1989-1990 có thể thay trong 1 đêm cả mạng viễn thông ở Hà Nội và TPHCM . Đó là lợi thế của người đi sau.
Trong xu hướng toàn cầu hóa, chúng ta vừa có cơ hội mới, vừa có thách thức mới. Song tôi cho rằng cơ hội vẫn nhiều hơn. Chúng ta cần phải nắm bắt thời cơ, không thể để "lỡ tàu" được nữa.
Ông Vũ Ngọc Hoàng:
Tôi cũng thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển. Thứ nhất, tình hình chính trị trong nước rất ổn định so với nơi này nơi kia trên thế giới, nơi khủng bố và ly khai đang diễn ra.Thứ hai, Việt Nam đã có kinh nghiệm của 20 năm đổi mới, có thể phân biệt nên làm thế nào để phát triển. Và một điều rất quan trọng nữa là mối quan hệ giữa Việt Nam và thế giới, với một số nước, một số đối tác và thị trường lớn. Những mối quan hệ quốc tế đó ngày càng mở rộng.
Tại Quảng Nam - một nơi nghèo, chậm phát triển, từ mấy năm gần đây, chúng tôi đã nhận thức rằng địa phương mình đang đứng trước một cơ hội lớn. Một mặt là tình hình phát triển chung của đất nước. Mặc khác, Bộ Chính trị và Chính phủ mấy năm nay bắt đầu quan tâm nhiều đến miền Trung, chú trọng tới chiến lược phát triển miền Trung. Bộ Chính trị đã chủ trương và Chính phủ đã đồng ý cho phép Quảng Nam thành lập Khu Kinh tế mở Chu Lai được 2 năm. Qua giai đoạn khởi động của 2 năm, thành công cũng tương đối đáng kể. Đã có khoảng trên 100 dự án đầu tư đăng ký với số vốn lên tới 1,4 tỉ USD vào Chu Lai. Cho đến nay, chúng tôi đã cấp giấy phép cho 1/2 số dự án và quan sát động thái của các nhà đầu tư thì nhận thấy họ vào đây để làm thật, không phải để giữ chỗ.
Qua thực tế đó, chúng tôi cũng đã biết làm thế nào để phát triển, và đã chuẩn bị về tư duy tương đối kỹ để có thể tranh thủ cơ hội phát triển và nhận biết những thách thức cần vượt qua. Cách đây không lâu, chúng tôi đã đánh giá sơ kết 2 năm khởi động khu Kinh tế mở Chu Lai và bây giờ sang đến giai đoạn tăng tốc liên tục trong 4 năm tới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân:
Tôi thấy vận hội đối với chúng ta xuất phát từ 2 phía: xác định thế giới đang làm gì, muốn gì và chúng ta có gì để tham gia vào quá trình này.Thật ra thế giới vẫn đang tiếp tục quá trình cạnh tranh, chuyển từ cạnh tranh trong khuôn khổ 1 quốc gia sang cạnh tranh quốc tế. Thế giới tiến theo xu hướng mở cửa thị trường cho nhau và chưa bao giờ hàng hoá Việt Nam có điều kiện tiếp cận với thị trường thế giới như bây giờ, ít bị cản trở về thuế như bây giờ. Đó là một thời cơ hết sức to lớn.
Vấn đề thứ hai là trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh, các công ty lớn dù muốn hay không sẽ tìm những nơi nào có chi phí đầu tư sản xuất thấp mà hiệu quả lại cao để đầu tư, không nhất thiết phải trên đất nước của họ. Trong quá trình này, người ta có thể mua thiết bị máy móc hay nguyên liệu, vật tư trên thị trường quốc tế với giá rẻ như nhau. Điều khác biệt, căn bản nhất mà nhà đầu tư quan tâm nhất xem địa phương đó có đem lại lợi ích cho mình hay không là đội ngũ lao động. Về lĩnh vực này Việt Nam rất có lợi thế. Một số nghiên cứu của Nhật Bản, châu Âu đã đánh giá lao động Việt Nam thuộc loại tốt nhất Đông Nam Á vì người Việt Nam rất cần cù, được đào tạo cơ bản tốt, năng động và sáng tạo, đặc biệt chi phí lao động lại thấp. Chi phí lao động thấp là lợi thế riêng biệt của nước nghèo và các nước giàu rất khó có thể cạnh tranh được. Đó cũng là lợi thế của nước đi sau, với điều kiện phải kèm theo đào tạo tốt, có hệ thống thông tin tốt và có môi trường kinh doanh tương thích với các nước phát triển. Theo tôi đó là những thời cơ bên ngoài tạo ra lợi thế rất lớn cho chúng ta.
Lợi thế bên trong là VN có truyền thống hiếu học và chưa bao giờ cơ hội học tập với người Việt Nam lại lớn như bây giờ, chẳng những ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Có thể học ở trên mạng, học ở trường nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ ba là chưa bao giờ uy thế Việt Nam trên thế giới lại lớn như bây giờ, thể hiện qua việc chúng ta ký hiệp định song phương với nhiều nước và chuẩn bị tham gia WTO.
Tóm lại, các điều kiện trong và ngoài đó đã tạo cơ hội cho chúng ta tham gia, phát huy thế mạnh.
Cơ hội không chờ đợi ai, nếu chậm sẽ lỡ tàu
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Xin cảm ơn các vị khách mời, chúng ta đều khẳng định là Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới rất chi tiết, cụ thể. Tôi muốn hỏi thêm rằng: Liệu chúng ta có thể biến vận hội đó từ chất thành lượng được hay không? Trong lịch sử 60 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bây giờ là CHXHCN Việt Nam, chúng ta mất 35 năm lo chiến tranh. Còn giai đoạn sau là củng cố phát triển đất nước, nhưng cũng phải lo đối phó với những mối đe dọa từ bên ngoài, chứ không phải hoàn toàn yên tâm xây dựng đất nước.Nhưng qua những chuyến đi trong thời gian qua, đặc biệt là chuyến sang Mỹ - một quốc gia mà chỉ cách đây 20 năm ta còn lo ngại: liệu có những thế lực chống đối hòng thay đổi chế độ chính trị của VN không? - ta đã nhận được một thông điệp rất rõ ràng từ cấp lãnh đạo cao nhất của Mỹ rằng: Hoa Kỳ mong muốn quan hệ song phương phát triển tốt đẹp và ủng hộ chế độ chính trị của chúng ta. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không còn mối đe doạ từ thế lực đó, ít nhất là về mặt chính thức.
Thứ hai là vị thế của chúng ta đã được cải thiện qua những chuyến đi như vậy. Chúng ta còn có những mối quan hệ tốt với các nước như Trung Quốc hay một số nước châu Âu. Vậy từ vị thế chính trị này, chúng ta có thể tạo ra một vận hội nào để phát triển đất nước mạnh hơn hay không?
Ông Mai Liêm Trực:
Đúng là khi điều kiện trong nước và quốc tế biến đổi, nhận thức cũng phải theo kịp sự biến đổi ấy. Nếu nhận thức theo không kịp thì ta sẽ bỏ lỡ những cơ hội. Tôi cho rằng, chuyển đổi trong nhận thức là một quá trình khó khăn. Đất nước chúng ta, như anh Tuấn đã nêu, đã trải qua những cuộc chiến tranh với hậu quả rất nặng nề, những năm bắt đầu xây dựng hòa bình cũng rất khó khăn, cộng với những mối đe doạ từ bên ngoài, thậm chí cộng với nỗi lo quá lớn trong nội bộ, bởi lẽ để có được độc lập tự do, chúng ta đã phải hy sinh quá lớn. Nỗi lo bảo vệ độc lập tự do là nỗi lo của bao nhiêu thế hệ và là nỗi lo chính đáng.Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải phân tích được những điều kiện lịch sử của thế giới. Chúng ta phải nhận thấy rằng, các nước lớn bao giờ cũng muốn gây ảnh hưởng. Và đương nhiên, các nước nhỏ cũng có cách để sống với thế giới, sống với các nước lớn trong khi giữ được chủ quyền, độc lập của mình.
Trở lại vấn đề, tôi cho rằng ý kiến của anh Nhân và anh Hoàng vừa nêu về thời cơ bên trong, bên ngoài là rất đúng. Khi đã có đầy đủ thế mạnh bên trong và bên ngoài, trong bàn cờ thế giới phức tạp như vậy, nước lớn, nước nhỏ đều muốn giành được một vị thế riêng. Hàng dệt may hay thủy sản của ta có thể chiếm được một thị trường, chưa nói dầu khí là một thế mạnh có truyền thống của ta. Cho nên trong tất cả các điều kiện, ta vẫn có thể tìm thấy một vị thế nhất định.
Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, các nước cũng muốn làm bạn với VN, đó là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam phát triển. Đó chính là vận hội mà chúng ta có thể nắm lấy.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Chúng ta đều nhận thức được cơ hội, và bây giờ hoàn toàn có khả năng chuyển từ cơ hội thành những thành công, kết quả. Theo suy nghĩ của tôi, cơ hội cũng chính là vốn và lực lượng - một sức mạnh rất ghê gớm nếu biết tranh thủ. Nhưng đáng lưu ý, cơ hội là một lực lượng vật chất không đứng mãi một chỗ đợi mình mà sẽ đi qua, sẽ biến mất nếu ta không nắm bắt. Để chớp lấy cơ hội này, ta phải vận dụng nỗ lực chủ quan của mình. Tất nhiên phải có hướng đi đúng. Hồi năm 1945, khi xác định cơ hội đến rồi, Bác Hồ đã nói là: Dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn, cũng phải cố dành được độc lập. Cho nên, khi đã xác định cơ hội, vận hội đã đến thì phải chớp lấy một cách kiên quyết, dứt khoát.
Ông Nguyễn Thiện Nhân:
Đã xuất hiện những cơ hội trong một lĩnh vực còn khá mới là CNTT mà bước đầu chúng ta khai thác được.Lấy ví dụ TPHCM năm 2000 mới chỉ có khoảng 100 DN CNTT thì đến nay thì đến nay sau 4 năm rưỡi đã có 1000 DN làm CNTT và viễn thông. Trong đó lớn nhất là FPT HCM có đến 700 nhân lực làm về phần mềm. Thứ hai là TMA, một DN VN có Việt Kiều góp vốn với 550 lao động, công ty PSV của Đức do người VN điều hành có 500 lao động. Toàn thành phố có 9000 nhân lực, với khoảng trên 10 công ty có trên 200 lao động. Như vậy có chuyển biến lớn về tiềm năng này.
Cách đây 5 năm, chúng ta rất lo liệu sản phẩm phần mềm sản xuất ra có ai mua không? Đến bây giờ các công ty lớn ở TP.HCM đã nhận được rất nhiều hợp đồng của nước ngoài nhưng không đủ sức đáp ứng vì thiếu lao động có kỹ thuật.
Cách đây 1 năm, chúng tôi gặp đại diện ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) muốn lập một trung tâm dịch vụ ngân hàng cho khu vực, họ cần 2.000 người nói được tiếng Anh và có bằng kinh tế. Ông ta hỏi tôi: "Các anh có 2.000 người như vậy không?". Tôi trả lời: "Chúng tôi chưa có được, phải 3 năm nữa". Cách đây 1 tuần, ông ta gửi cho tôi một email trong đó nói rằng ông ta có làm một thí nghiệm với 30 thanh niên Việt Nam được đào tạo 6 tuần tiếng Anh và thấy kết quả rất khả quan. Nếu tiếp tục đào tạo thì người Việt Nam có thể nói được tiếng Anh đủ để phục vụ các khách hàng như Anh, Mỹ. Ông ta bảo: "Tôi không sợ lao động VN không nói tiếng Anh được mà bây giờ sợ chi phí viễn thông cao. Có thể giảm chi phí được không?". Tôi đã báo cáo Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Đỗ Trung Tá thì chỉ trong vòng 1 ngày chúng tôi có thể trả lời với phía bạn rằng: "Chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ viễn thông với chi phí không khác gì các nước trong khu vực". Rõ ràng có thể thấy chúng ta đang khai thác thời cơ này.
Một vấn đề nữa cần thấy là: xưa nay, làm thị trường phải có thông tin, nếu cứ phải đi máy bay đến tận nơi để quan sát thì lâu lắm. Bây giờ có Internet phát triển. Chưa bao giờ các DN VN có cơ hội tiếp cận thị trường thế giới thông qua hệ thống Internet lại dễ dàng như bây giờ. Các doanh nghiệp nhỏ có thể tự quảng bá mình trên mạng rất thuận lợi.
Nhưng chúng ta chưa tạo được ưu thế về thông tin trong quá trình cạnh tranh. Đây là thách thức lớn. Chúng ta chưa biết cách tổ chức để doanh nghiệp VN nắm bắt thông tin như các DN nước ngoài. Chúng ta thua kém về tiền vốn, không thua kém về lao động và không thể để thua kém về lợi thế thông tin. Đây là cơ hội với mình và cả với nước ngoài. Nói cách khác, cơ hội đi liền với nguy cơ cạnh tranh từ bên ngoài. Đặt thước đo để mình vươn lên chứ không đặt thước đo so mình với quá khứ. Muốn khai thác cơ hội thì phải tự khai thác vững mạnh và chấp nhận họ khai thác cơ hội của chúng ta. Ở đây phải lưu ý vấn đề phân công lao động. Các thị trường với người tiêu dùng và sản phẩm đa dạng đã có, chúng ta phải biết chen chân vào đấy. Đó là một nỗ lực rất lớn, phải chuyển từ việc chỉ gia công cho nước ngoài sang tham gia cả các khâu quan trọng như khâu thiết kế và dịch vụ.
Vượt qua lực cản từ chính mình?
TBT Nguyễn Anh Tuấn:
Vâng, chúng ta đều khẳng định rằng VN đang có những cơ hội cụ thể. Nhân đây cũng xin bàn lại một chút về nghĩa của hai chữ cơ hội. Trong câu chuyện thường ngày, nhiều lúc từ cơ hội mang ý nghĩa xấu, như khi ai đó nói: "Anh chàng đó cơ hội lắm". Nhưng đối với một quốc gia, một dân tộc, từ cơ hội lại mang ý tốt. Có lẽ chúng ta phải suy nghĩ lại, đừng nên dùng từ "cơ hội" với nghĩa xấu nữa. Nhất là với DN, có được cơ hội là điều cực kỳ quý giá.Ngành BC-VT mới đây tổ chức kỷ niệm 60 năm thành lập. Trong cả chặng đường ấy, chúng ta đã có những bài học nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức rất rõ ràng như Thứ trưởng Mai Liêm Trực vừa trình bày. Còn đối với Quảng Nam, một tỉnh miền Trung có nhiều khó khăn, tôi xin hỏi Quảng Nam đã nắm bắt cơ hội như thế nào để có được một diện mạo như hôm nay?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Quảng Nam được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, đến nay đã 8 năm. Mấy năm đầu, chúng tôi loay hoay giải quyết chỗ ở, chỗ làm việc. Rồi sau đó, chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu xem làm sao để mình có thể phát triển, tìm câu trả lời cho câu hỏi: tại sao tỉnh mình nghèo? Nhân dân chúng tôi cần cù lao động, chịu khó học hành và có nhiều người học giỏi, rất anh hùng, nhưng vẫn nghèo.
Sau khi nghiên cứu, chúng tôi nhận ra: đó là tại cơ cấu kinh tế không hợp lý. Chẳng lẽ lại đổ lỗi cho lịch sử sao? Không phải, cơ cấu kinh tế ấy có hoàn cảnh lịch sử của nó. Nó đã tồn tại mấy trăm năm và có vai trò giúp cho Quảng Nam đứng vững, giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Nhưng nếu kéo dài cơ cấu đó sẽ là một sai lầm. Do đó chúng tôi quyết định phải khẩn trương, tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế. Vậy thay đổi bằng cách nào? Tự mình thì vốn liếng không có, kỹ thuật cũng thiếu. Cuối cùng chúng tôi quyết định đột phá bằng cơ chế mở. Thực tế 5 năm qua là chúng tôi làm việc này, trong đó có việc xin Chính phủ cho phép thành lập khu Kinh tế mở Chu Lai. Chúng tôi được đồng ý về chủ trương.
Như tôi nói lúc đầu, khu Kinh tế mở Chu Lai có quyết định thành lập 2 năm rồi. Đây là một khu kinh tế tổng hợp. Chữ "mở" ở đây là cơ chế thoáng mở có tính đột phá, chứ không phải ngành kinh tế mở. Bộ Chính trị cho tư tưởng: được sử dụng khung tối đa của pháp luật hiện hành về khuyến khích đầu tư, về tự do kinh doanh, đồng thời được áp dụng cơ chế vượt cổng: cho nơi này được làm trước, thí điểm rồi rút kinh nghiệm. Tiếc là hai năm vừa rồi, chúng tôi thực hiện chưa thật tốt tư tưởng này...
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tức là vẫn còn có lúc các anh bỏ lỡ cơ hội?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Vâng, có chứ. Nhưng chúng tôi đã đạt được kết quả trông thấy. Tôi cứ tiếc rằng, nếu làm thật tốt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, tức là cho mở mạnh thì 2 năm vừa rồi không chỉ đạt được như vậy, mà còn nhiều hơn nữa.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng trở ngại gì đã khiến Quảng Nam không thể mở mạnh trong hai năm qua?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đó là vấn đề cần bàn, cần tìm cách giải quyết. Đây là cơ chế MỞ và nếu tự Quảng Nam mở cho mình thì có giới hạn, tự Chu Lai mở cho mình cũng có giới hạn. Bởi vì quyền của chúng tôi là có giới hạn. Nếu chúng tôi mở quá mạnh, tức là chúng tôi phá rào, là phạm quy. Cho nên ở trên phải MỞ cho chúng tôi.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy thời gian vừa qua Trung ương chưa mở hết cho Quảng Nam?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Không, tư tưởng của Bộ chính trị là mở mạnh, nhưng các cơ quan quản lý hành chính lại chưa mở mạnh cho chúng tôi. Chúng tôi trình lên Chính phủ thì cũng không giải quyết được vì chưa qua ý kiến các Bộ. Các Bộ tham mưu cho Chính phủ, trong khi các Bộ vẫn chưa thực sự vào cuộc, vẫn nghĩ đó là việc chính của Quảng Nam. Còn chúng tôi có khuyết điểm là chưa kiên trì thuyết phục vận động các Bộ.
Vừa rồi chúng tôi tổ chức một hội thảo, mời lãnh đạo các Bộ vào dự bàn. Các đồng chí lãnh đạo đã hứa sẽ giúp Quảng Nam nhiều hơn. Sắp tới chúng tôi sẽ trình lên Thường vụ Quốc hội, lên Chính phủ những văn bản tiếp tục với tinh thần Mở. Tôi nghĩ làm tốt việc đó sẽ phát triển nhanh hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có thể thấy, chủ trương của lãnh đạo Đảng rất mong muốn, rất ủng hộ cơ chế Mở. Nhưng khi đi vào cụ thể thì vẫn còn những vướng mắc ở khâu thực hiện. Đó vẫn là vấn đề muôn thủa của chúng ta bao nhiêu năm nay.
Ông Mai Liêm Trực: Sự quan liêu, bao cấp ở nhiều ngành đã hạn chế sự phát triển, hạn chế việc nắm bắt cơ hội.
Ở thời điểm Đại hội VI, chúng ta đã bị dồn vào chân tường, xuống đến đáy của sự khủng hoảng vì hậu quả nặng nề của chiến tranh, của nền kinh tế quan liêu bao cấp. Nhưng hoàn cảnh gian nan đó cũng là thời cơ để chúng ta vượt lên. Phải chăng, khi đạt được thành công rồi thì tâm trạng người Việt Nam dễ thoả mãn.
Quan liêu bao cấp và tư tưởng thoả mãn là cái hạn chế, cản trở lớn nhất. Chúng ta lâu nay thường hay so sánh thành tựu hiện thời với 15 - 20 năm trước. Sao không so sánh với Trung Quốc, với Nga? Chỉ riêng trong lĩnh vực CNTT, chúng ta vẫn còn thua rất xa. So với trước kia, bà con nông dân của chúng ta đã có một đời sống khấm khá, thóc lúa đầy bồ, rồi có xe máy, TV. Đúng là rất sung sướng, rất đáng mừng.
Nhưng các bạn trẻ nói với tôi thế này: "Chú thoả mãn với 1 bồ thóc ở nơi chú sơ tán ngày xưa, trong khi Hàn Quốc đã phát triển nhanh hơn hẳn chúng ta, so với 30 năm trước đây". Các bạn ấy nói đúng. Chưa thể nói chúng ta đã nắm đúng được thời cơ, để không thua bạn bè xung quanh. Tôi nhất trí với anh Nhân lúc nãy. Khi đi học mình không thua ai, thi quốc tế không thua ai. Nhưng rõ ràng tư duy quan liêu, bảo thủ, trì trệ đã làm hạn chế rất nhiều, hạn chế các doanh nghiệp, hạn chế các địa phương trong đó có Quảng Nam. Tôi cho rằng đó chính là nguy cơ để ta mất cơ hội "sánh vai cường quốc năm châu" (như lời Bác Hồ nói)
Chủ đề bàn tròn hôm nay là làm sao đến năm 2010 thoát khỏi tình trạng chậm phát triển? Để khỏi chậm phát triển thì phải đi thật nhanh. Làm việc với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực viễn thông, nhiều khi họ kêu với chúng tôi: "Sao các anh làm việc gì cũng bảo từ từ, để xin ý kiến chỗ này, xin ý kiến chỗ nọ"... Như vậy dễ mất thời cơ. Nên như anh Hoàng đã nói, cần phải đột phá, có thứ tự ưu tiên rõ ràng, từ đó sẽ kéo theo những thứ khác. Trong lĩnh vực viễn thông, tôi tự hào nói rằng công nghệ của ta không thua bất cứ nước nào: về mạng thông tin, về phát triển các dịch vụ. Nhưng ta vẫn thua họ, mật độ thông tin của mạng di động vẫn thấp, đang đứng thứ 12 trong số 14 nước trong khu vực.
Trong lĩnh vực viễn thông, 20 năm qua chúng tôi cũng đã có những bước đột phá lớn và chúng tôi hiểu rằng để phát triển, để không bỏ lỡ cơ hội, chúng ta cần những bước đột phá lớn
... Vì thế, chúng tôi cam kết sẽ ủng hộ anh Hoàng tối đa cho kế hoạch đột phá của Quảng Nam.Vấn đề viễn thông ở Quảng Nam có đề xuất gì, chúng tôi sẽ giải quyết ngay. Chẳng hạn như ở Dung Quất, chúng tôi đã đặt ngay một trạm TW.
Đột phá?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Khánh Điệp hỏi ông Nguyễn Thiện Nhân: Quảng Nam đã cố gắng bật lên để tạo vận hội cho mình, ngành BC-VT cũng có đột phá. Còn TP.HCM có những vận hội đặc biệt mà các địa phương khác không thể có được, nhưng trong 10 năm qua TP.HCM lại chưa hề đột phá. Vậy trong thời gian tới TPHCM có dự định nào không?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM có nhiều lợi thế, nhưng cũng còn nhiều điều bất lợi. Dân số 6 triệu người trên diện tích 2000 km2. Đất đai rất đắt. Nhà đầu tư nào muốn tìm đất rẻ và lao động rẻ thì sẽ không đến TPHCM mà đến... Quảng Nam. (Cười). Chúng tôi đang giải quyết những vấn đề:
Thứ nhất: Làm thế nào tạo được lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu DN. Với cơ chế hiện nay, chúng tôi đang loay hoay. Nếu giải được bài toán nhân lực, đáp ứng nhanh yêu cầu trong cơ chế thị trường thì sẽ là một động lực của thành phố.
Lao động ở TPHCM có năng suất cao, gấp 2.5 lần bình quân cả nước, nên làm một việc như ở địa phương khác thì phải trả cao hơn người ta mới chịu làm. Nhà đầu tư nào muốn tìm kiếm thị trường lao động rẻ thì cũng không đến TPHCM. Để thu hút đầu tư nước ngoài, trong 5 năm qua và thời gian sắp tới, chúng tôi phải tập trung vào ưu thế về chất lượng lao động.
Vừa qua thành phố đã triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực gồm 6 chương trình con, trong đó có chương trình nâng cao trình độ giáo dục phổ thông. Sau đó là đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Kế hoạch của ngành giáo dục là trong vòng 10 năm sẽ đào tạo được 5 ngàn thạc sỹ, tiến sỹ. Chúng tôi còn có chương trình đào tạo 300 thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài bằng ngân sách thành phố. Như vậy đột phá của chúng tôi chủ yếu là đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng thách thức là hiện giờ khi nhà đầu tư vào đây, chúng tôi chưa thể có thể trả lời họ được rằng: cần bao nhiêu lao động, cần lao động trình độ gì chúng tôi cũng sẽ có. Chúng tôi đang phấn đấu để trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới, giải đáp được câu hỏi này.
Vấn đề thứ hai, việc tạo lợi thế về thông tin trong thời kỳ hội nhập kinh tế trí thức và CNTT cũng chưa có mô hình cho DN, cho người lãnh đạo và người dân.
Thứ ba: chúng tôi phải làm tốt hơn nữa việc cải cách hành chính. TPHCM chưa phải là nơi đột phá về mặt này. Đây là bài toán chúng tôi đang ''nợ'' người dân thành phố, cũng như các đồng chí lớp trước đã đặt cho chúng tôi đi sau phải giải quyết.
Bên cạnh những thách thức mà Quảng Nam đã nêu, chúng tôi xin đề cập thêm 2 vấn đề nhỏ.
- Sau 5 năm, kinh tế có tăng nhưng hiệu quả kinh tế lại giảm. Đó là một thách thức rất lớn. Trong khi GDP bình quân đầu người của ta tăng từ 300 đô la đến 500 đô la thì các nước phát triển khác họ tăng từ 20.000 đến 25.000 trên một đầu người. Khoảng cách giữa chúng ta với các nước phát triển ngày càng xa hơn về hiệu quả kinh doanh và tiềm lực kinh tế. Bây giờ chúng ta phải giải bài toán này, giảm chênh lệch trong mối cạnh tranh toàn cầu
- Chúng ta chưa thông thạo luật quốc tế. Đầu tiên thì bị kiện vì cá basa, bây giờ bị kiện về tôm, rồi giày, rồi xe đạp. Nếu không hiểu luật quốc tế, khó có thể biến thời cơ thành vận hội mới được. Các địa phương cần nhanh chóng cải cách hành chính để chúng ta nắm bắt vận hội tốt hơn. Đặc biệt với lớp trẻ, một mặt các bạn,yêu cầu địa phương đổi mới, nhưng mặt khác chính các bạn cũng phải tự mình vươn lên, đổi mới năng động hơn, năng động thì sẽ hội nhập tốt hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có bạn đọc từ Mỹ hỏi: TPHCM trong những năm đầu đổi mới là đầu tàu của cả nước, tạo ra những mô hình mới, cách làm mới, nhưng gần đây không còn giữ được vị trí nữa. Chúng ta đã phát triển chậm hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan. Và TPHCM phải có trách nhiệm của mình. Vậy trong thời gian tới, TPHCM đã có kế hoạch gì chưa để Việt Nam theo kịp các nước khác, ít nhất là Thái Lan?
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Thực ra, nhận định về trên có đến hơn nửa là không đúng. Năm 2000, kinh tế TPHCM chiếm 16% trong toàn bộ nền kinh tế cả nước. Đến 2004, chiếm 19% đến 20%. Như vậy, vị trí kinh tế của TPHCM trong cả nước chỉ có tăng chứ không giảm.
Vấn đề thứ 2, TPHCM vẫn đi đầu trong cả nước khi thêm một số ngành mũi nhọn, chẳng hạn CNTT. Công viên phần mềm Quang Trung là công viên phần mềm lớn nhất nước. Sau 4 năm hoạt động, chúng tôi đã có 68 DN, trong đó 35 DN nước ngoài, với 3800 lao động đang làm việc ở đây. Sau 5 năm, số lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT đã tăng lên gấp đôi, số DN tăng gấp 10. Bài học về phát triển CNTT ở TPHCM được các địa phương khác thừa nhận.
Trong việc phát huy thị trường khoa học công nghệ, TPHCM luôn dẫn đầu. Từ năm 2000, thành phố đã mở chợ thiết bị công nghệ, giới thiệu những sản phẩm do người Việt Nam chúng ta làm ra. Sau 5 năm, chúng tôi tổ chức được hơn 20 chợ công nghệ tại TPHCM và các tỉnh khác. Năm 2003, mô hình đó đã được nhân rộng ra cả nước, thành chợ công nghệ toàn quốc. Sau đó, chúng tôi đã làm được chợ trên mạng, hiện nay đang chào 2000 mặt hàng, giúp các địa phương trong cả nước luôn biết được tình hình mặt hàng.
Vấn đề thứ 3 là vốn. TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hành trái phiếu địa phương và năm 2004 đã huy động được 2000 tỷ đồng. Đây cũng là nơi đầu tiên trong cả nước có thị trường chứng khoán.
Trong giáo dục, TPHCM cũng là địa phương đi đầu về xã hội hoá. 5 năm trước không có bệnh viện tư nhân, nay đã có trên 10 bệnh viện tư, rồi các trường dân lập. Tuy nhiên, thành phố chúng tôi sẽ học tập để cùng các địa phương khác phát triển tốt hơn.
Ông Mai Liêm Trực: Tôi chia sẻ với ý kiến của anh Nguyễn Thiện Nhân, đúng là về công nghệ và viễn thông, cũng như trong nhiều lĩnh vực, TPHCM là đầu tàu của cả nước.
Nhưng tôi cũng chia sẻ với bạn đọc. 20 năm trước đây, TPHCM là đầu tàu, là động lực để thúc đẩy các địa phương đổi mới. Đó là sự đột phá, thúc đẩy về tư tưởng. Chính vì vậy, bây giờ người ta vẫn mong TPHCM không chỉ đi đầu trong lĩnh vực phần mềm, trong phát triển GDP, mà phải là tỉnh có nền kinh tế phát triển nhất, tiếp xúc quốc tế nhiều nhất. Nhiều người hy vọng TPHCM phát triển mạnh hơn, rõ nét hơn.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: ...Và tiếp tục tạo ra một mô hình phát triển mới, đổi mới lần nữa với chất lượng cao hơn?
Ông Mai Liêm Trực: Đúng vậy, điều đó rất khó, nhưng cũng là niềm hy vọng của nhiều địa phương. Thực ra trong viễn thông, khi bắt đầu đột phá thì doanh thu quốc tế đã chiếm 40% tổng doanh thu toàn ngành bưu điện. Nhưng bây giờ doanh thu quốc tế chỉ còn 15% toàn ngành. Nhưng đứng về vị thế, sự đột phá vẫn còn. Chúng tôi cho rằng, thời kỳ đổi mới, tìm hướng đột phá về công nghệ số, về vốn đã kết thúc vào năm 2000. Chúng tôi chia phát triển làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là số hóa, phát triển mạng lưới và công nghệ, tạo vốn và phát triển vốn.
Bây giờ mục tiêu đổi mới của chúng tôi không còn như 15 năm trước nữa. Từ 2000, chúng tôi đã chuyển từ hiện đại hóa tăng tốc sang hội nhập và phát triển bền vững. Trước đấy mấy năm, chúng tôi đã tham dự hội nghị đàm phán Việt - Mỹ, và viễn thông là lĩnh vực hội nhập đầu tiên, khá nhạy cảm. Năm 2001 đã ký hiệp định.
Sự đột phá của chúng tôi bây giờ là mở rộng thị trường, chuyển sang mở cửa cạnh tranh trong nước trước khi mở cửa thị trường quốc tế. Vấn đề bây giờ không phải là vốn và công nghệ mà là năng lực cạnh tranh.
Nói rộng ra, sự đi đầu về y tế, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin của TPHCM là hoàn toàn đúng. Nhưng làm sao phải bớt quan liêu trong hệ thống của chúng ta, để không mất thời cơ, mất vận hội. Đừng để con tàu đến ga chúng ta lại chậm chân, phải chờ đi chuyến tàu sau.
Đã có cơ chế tốt nhất để chọn cán bộ quản lý giỏi biết nắm bắt vận hội?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Một bạn đọc ở TPHCM có ý kiến rằng, việc nắm bắt vận hội phụ thuộc vào người lãnh đạo ở các cấp. Cấp nào có lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn tốt, đủ bản lĩnh, dũng cảm thì cấp đó nắm bắt được vận hội của địa phương mình, ngành mình, cơ quan mình, DN mình. Vậy chúng ta đã có cơ chế tốt nhất để chọn những người đứng đầu có đủ năng lực, bản lĩnh và đủ dũng cảm chưa?
Ông Mai Liêm Trực: Tôi nghĩ là chưa! Đây không chỉ là ý kiến cá nhân tôi. Có đồng chí lãnh đạo cấp cao, làm công tác tổ chức của Đảng cũng nói: cơ chế của chúng ta chưa đủ, chưa tạo thuận lợi để chọn được những người lãnh đạo tâm huyết, xả thân vì công việc chung.
Ông Nguyễn Thiện Nhân: Tôi đồng ý với anh Trực, nhưng xin phép trở lại vấn đề vừa rồi một chút. Hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt với 4 vấn đề chưa tìm ra giải đáp có tính mô hình mà trong đó vấn đề thứ tư là phải có giải pháp đột phá sử dụng nhân tài từ cấp cơ sở đến các DN. Cái này cũng đòi hỏi mô hình mới. Chúng tôi sẵn sàng học tập các địa phương khác, cũng như tham khảo kinh nghiệm của các nước
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Các vị khách mời đều khẳng định chưa có cơ chế tốt để chọn người lãnh đạo đảm đương gánh vác, nắm bắt vận hội cho các cơ quan, ban ngành cũng như DN. Vậy một cơ chế như thế nào thì sẽ chọn lọc, phát huy được?
Ông Mai Liêm Trực: Trước hết phải cho mọi người dân Việt Nam, người dở cũng như người giỏi, có cơ hội trong chính sách chung. Tất nhiên, cơ hội không phải để anh dở, anh lười ở ''chỗ'' ngon, không phải con quan chức cao cấp được sắp xếp chỗ tốt! Cơ hội đúng với năng lực, phẩm chất, đóng góp của anh, hay nói cách khác là anh sống bằng đúng giá trị lao động của anh. Đấy mới là cơ hội một cách bình đẳng.
Để được như vậy, điều quan trọng nhất là phải công khai, dân chủ, minh bạch. Tất cả mọi vị trí, mọi tuyển chọn lao động phải công khai rõ ràng, bớt nói thầm nói thì hay đến nhà nhau, tránh hình thức. Ngay chuyện thảo luận về đấu thầu, Quốc hội còn nói đó là hình thức. Trong xã hội còn tiêu cực như vậy thì mình cũng phải chuyển đổi. Nên tránh áp đặt, phải đánh giá cán bộ qua thực tiễn chứ đánh giá qua cảm tình cá nhân, qua nhận xét, giới thiệu nọ kia thì không thể có cán bộ giỏi được.
Thật ra, tồn tại chỉ ở một số cơ quan nhà nước, DN nhà nước. Còn DN tư nhân khi tuyển người sẽ cần người giỏi, vì họ sẽ "sập tiệm" nếu không có người giỏi. Đấy là một thực tế. Tôi theo dõi chùm bài về "Những người làm thuê số 1 Việt Nam" của báo Tuổi Trẻ. Những người giỏi thường làm cho DN nước ngoài. Điều đó cũng hợp lý. Tất nhiên mình cũng hơi tiếc, nhiều khi nghĩ tại sao họ không làm cho mình mà đi làm cho Tây...
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Có một người làm thuê rất giỏi được giới thiệu trong chùm bài đó là người trong ngành bưu điện, tại Công ty VASC. Cô Trần Thị Hương Lúa là người làm việc rất hiệu quả, chính môi trường Công ty VASC tạo cơ hội cho cô ấy phát huy. Quan trọng là môi trường...
Ông Mai Liêm Trực: Đúng vậy. Môi trường phải công khai, minh bạch, dân chủ chứ đừng có tù mù. Như thế mới có người giỏi được. Còn chúng ta vẫn làm theo kiểu hình thức thì rất khó có người tài. Nếu đưa một vài người, ví dụ con ông này ông kia, vào làm việc, rõ ràng mọi người thấy kém mà cứ thuận lợi hơn thì tự nhiên những người giỏi không còn hứng thú nữa.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ, có 2 loại cán bộ. Một loại cán bộ lãnh đạo thông qua bầu cử để lựa chọn thì như anh Trực nói, tức là phải rất dân chủ để lựa chọn. Phải công khai, có đủ thông tin, và có nhiều phương án cho người ta lựa chọn.
Trong chỉ thị gần đây nhất của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp, tôi thấy bắt đầu mở, yêu cầu khi bầu phải có số dư ít nhất bao nhiêu phần trăm chứ không được bầu tròn. Tôi thấy theo hướng đó sẽ có nhiều phương án để lựa chọn.
Một dạng cán bộ nữa sẽ giao cho người đứng đầu sau khi được bầu toàn quyền quyết định chọn những người làm với mình. Tất cả những người kia làm không tốt thì ông tư lệnh phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ, sẽ không có ông tư lệnh nào lựa người dở để làm lung lay ghế của mình.
Nên tạo sức ép để có thể định lượng cán bộ
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Nhưng muốn vậy thì ông tư lệnh phải chịu sức ép, trách nhiệm rõ ràng. Chẳng hạn sau một năm anh không hoàn thành được khối lượng công việc thì anh phải phải rời khỏi vị trí. Còn nếu không phải chịu trách nhiệm, không chịu sức ép nào thì...
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Phải có thời gian nhất định, ông không làm được thì sẽ cho ông nghỉ.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề đặt ra là chúng ta cần có một cơ chế để tạo sức ép đối với các cơ quan quản lý, hệ thống các DN nhà nước. Còn DN tư nhân, cổ phần thì họ chịu trách nhiễm rất rõ ràng. Theo các anh, chúng ta phải có định chế, môi trường, sức ép như thế nào đối với cán bộ lãnh đạo, để có thể định lượng hoá được?
Chẳng hạn anh Hoàng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, thì phải đặt cho anh chỉ tiêu: sau 3 năm anh làm Bí thư thì tỉnh phải phát triển đạt mức nào đó? Khi đó, anh sẽ kiến tạo Phó bí thư, Chủ tịch tỉnh như thế nào để tỉnh bật lên được? Nếu sau 3 năm anh không không đáp ứng thì anh nên từ chức. Chúng ta đã có văn hoá đó chưa?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ nên xây dựng văn hoá đó.
Ông Mai Liêm Trực: Tôi cũng ủng hộ văn hoá đó. Hai nhiệm kỳ tối đa là được. Nếu nhiệm kỳ 5 năm thì đã chục năm, còn nhiệm kỳ 4 năm cũng tám năm rồi. Bao nhiêu trí tuệ đã tập trung vào đấy. Nếu lâu quá, hết năm này sang năm khác thì sẽ để từ từ, bao giờ mới lên được. Nên cơ chế phải rõ ràng.
Thế hệ chúng ta quen được phân công. Trong chiến tranh, sự phân công là hoàn toàn đúng, sống chết mình còn xông trận. Nhưng thế hệ trẻ bây giờ thì không phải phân công nữa, họ có cơ hội để lựa chọn. Người giỏi thì nhiều nơi "xin", tha hồ lựa chọn và tìm cơ hội.
Nếu có cơ chế theo nhiệm kỳ, tối đa cũng chỉ hai nhiệm kỳ, thì ai cũng vội, cũng muốn có dấu ấn trong thời kỳ của mình. Chứ cứ yên bề, cứ vô thời hạn thì hết năm này qua năm kia. Trước khi vào vị trí, anh cũng phải nói rõ sẽ làm được gì?
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Tức là có cương lĩnh...?
Ông Mai Liêm Trực: Đúng, và sau đó phải cho người ta giám sát. Chứ không có cương lĩnh rõ ràng, cứ ''vì được giao nhiệm vụ nên tôi làm" thì không thể phát huy được. Mỗi vị trí được chọn ra đâu phải vì cá nhân, mà là trách nhiệm đối với xã hội, nếu anh không đủ sức hay đến tuổi thì xin thôi. Tôi nghĩ phải có nhiệm kỳ, cơ chế của mình phải đổi mới.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa anh Hoàng, anh đang là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Nhưng giả sử khi ứng cử vào vị trí ấy, anh được yêu cầu phải có cương lĩnh Bí thư, có chương trình hành động, và anh phải thuyết phục người ta chấp nhận thì mới đưa anh vào hoặc bầu cho anh, anh có đồng ý không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tất nhiên tôi chấp nhận phương án như vậy. Khi mà số dư nhiều, nhiều phương án để chỉ chọn một thì chuyện trúng cử và không trúng cử cũng là bình thường. Tôi đã thấy có trường hợp nào trúng cử thì bị coi như có một "sự cố" gì đấy, sau đó đề bạt cũng khó, sắp xếp công việc cũng khó.
Bây giờ đưa ra nhiều phương án để lựa chọn một, thì sẽ có nhiều người rớt, và không phải người không trúng cử là quá dở đâu. Phải có văn hoá để xử lý việc đó.
Nắm bắt vận hội? Quan trọng vẫn là con người!
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trở lại vấn đề: chúng ta có nắm bắt được thời cơ, cơ hội đến ở từng bộ phận, suy rộng ra là trên cả đất nước hay không? Thì cuối cùng vẫn là ở con người. Cơ chế phải tạo môi trường để chọn lựa những con người đủ khả năng, đủ phẩm chất. Đồng thời cơ chế phải phát huy được khả năng từ mọi nguồn lực, tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người. Tôi cho rằng đó là thông điệp chính, ''chốt'' lại bàn tròn của chúng ta, không biết ý các anh thế nào?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi đồng ý với anh, vì con người làm ra sự phát triển. Tôi có nhận được câu hỏi về thu hút người tài để phát triển Quảng Nam. Tôi có lần trao đổi với một người bạn ở TP.HCM, nói đùa: ''Bây giờ cơ chế chính sách thế này, thu hút người tài giống như ngồi bàn chuyện bắt sư tử như thế nào''. Không thể nhử và bắt sư tử, mà nơi nào có rừng thì sư tử đến hoạt động. Nghĩa là, nơi nào có môi trường tốt cho người tài hoạt động tung hoành, tự do phát triển thì họ đến. Tôi không nghĩ có thể giải quyết công ăn việc làm cho người tài được. Vấn đề là tạo môi trường...
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Vậy Quảng Nam có bài học, kinh nghiệm gì trong việc tạo môi trường cho người tài nói riêng, và để phát huy khả năng của mọi người nói chung?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Khi môi trường đầu tư tốt, có những dự án lớn vào thì có những cán bộ kỹ thuật cao cùng vào với dự án. Cũng có cán bộ trình độ cao về chỗ chúng tôi một thời gian thì họ không ở được, vì điều kiện làm việc để cho người ta cống hiến chưa thật tốt. Chúng tôi biết việc đó, và sẽ dần thay đổi chứ không thể tạo môi trường hoàn hảo ngay. Tôi nghĩ, cứ có môi trường đầu tư kinh doanh tốt rồi sẽ có người tài.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Còn hệ thống quản lý của Ủy ban, của hệ thống hành chính nhà nước thì sao? Quảng Nam có gì đột phá, có những mô hình gì mới riêng biệt? Thậm chí như kiểu Khu kinh tế mở Chu Lai?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Mấy năm nay, Quảng Nam cải cách hành chính tích cực lắm. Ngoài khu kinh tế mở Chu Lai, cả tỉnh cũng tích cực. Tất nhiên, thủ tục hành chính đến giờ này cũng chưa phải đã hoàn toàn tốt. Còn nhiều việc tiếp tục làm nữa.
Có điều, quản lý không phải để quản lý, quản lý không có mục đích tự thân mà quản lý mà là để phát triển, nhằm mục đích phát triển. Theo phương pháp luận như vậy để tính thủ tục hành chính nên cải cách như thế nào.
Ông Mai Liêm Trực: Tôi xin nói thêm, phải tư duy: phát triển để ổn định chứ không phải ổn định để phát triển. Chúng ta nhiều khi cứ nói tăng cường quản lý nhưng thực ra công việc là ở cơ sở người ta làm, dưới làm tốt thì cứ để họ làm. Đứng về tư duy chung, chúng ta phát triển để ổn định đất nước, mà muốn ổn định phải phát triển. Tư tưởng của chúng ta bây giờ là chủ động tấn công chứ không co cụm, không cố thủ. Tôi rất thích tư duy của Quảng Nam, kể cả quy hoạch của anh. Anh tạo xong rừng thì hổ sẽ đến, anh tạo môi trường đầu tư thì những người tài sẽ về với Quảng Nam.
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Nói hướng chính như vậy nhưng có thể chưa đầy đủ. Một mặt, phải tiếp tục chọn những cán bộ trong bộ máy tốt hơn, có năng lực hơn. Đồng thời có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng liên tục để người ta tiếp cận và có tư duy mới. Chứ không thì sẽ là kìm hãm người ta mà không biết. Sợ nhất là khi không đủ kiến thức, không đủ tư duy mà tích cực làm việc. Hay sau một thời gian rút kinh nghiệm thì nghĩ lại: ''Hồi ấy đừng làm vậy thì tốt hơn''.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Trở lại vấn đề chuẩn bị đội ngũ con người và tầm nhìn. Thời kháng chiến, Đảng ta đã chuẩn bị rất kỹ để khi giải phóng miền Nam có đội ngũ tiếp nhận ngay. Các anh là học sinh miền Nam, các anh có thể bình luận gì thêm không?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Đúng tôi là học sinh miền Nam. Tôi nghĩ ngày đó Bác Hồ, Đảng và Chính phủ có tầm nhìn rất xa về chuẩn bị cán bộ. Việc đào tạo học sinh miền Nam đã thành công, nhưng không phải chỉ thành công ở mặt chuẩn bị kiến thức. Kiến thức của chúng tôi ngày đó cũng nhiều, cũng khá nhưng chưa đủ để làm việc cống hiến, thúc đẩy và đưa đất nước tiến lên. Nhưng cách đào tạo lúc bấy giờ là chuẩn bị những con người rất tâm huyết với sự nghiệp, không chịu đầu hàng trước khó khăn và có bản lĩnh đương đầu. Tôi nghĩ thành công nhất là ở đó, là dạy người để sau này người ta tiếp tục học, tiếp tục tư duy, tiếp tục suy nghĩ rất tâm huyết.
TBT Nguyễn Anh Tuấn: Thưa các bạn, thời gian đã dài, nhiều câu hỏi của các bạn phần nào đã được giải đáp qua trao đổi với ba vị khách mời của chúng tôi hôm nay.
Sắp đến Đại lễ kỷ niệm 60 năm Quốc khánh 2/9, chúng ta tự hào vì Đảng chúng ta đã làm nên lịch sử cho dân tộc. Chúng ta đứng trước vận hội mới để đổi mới, đi sâu hơn về chất, để đột phá phát triển và chủ động nắm bắt vận hội. Nhưng chúng ta cần phải có cơ chế tốt nhất để chọn cán bộ, chọn người lãnh đạo đủ năng lực ở các cấp, các ngành, các cơ quan của Nhà nước, của Đảng. Chúng ta phải có môi trường nơi mọi người đều có cơ hội bình đẳng như nhau để tùy sức của mình có thể đóng góp tốt nhất. Đó có lẽ là điều kiện để chúng ta nắm bắt vận hội, đưa đất nước, dân tộc chúng ta tiến vào một giai đoạn lịch sử mới, đi đến phồn vinh đúng như Bác kính yêu của chúng ta đã mong đợi.
Xin cảm ơn các vị khách mời, cám ơn bạn đọc VietNamNet đã tham gia bàn tròn cùng chúng tôi hôm nay.
-
VietNamNet