,
221
6881
Bay len VietNam
baylenvietnam
/baylenvietnam/
881998
Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh được!
1
Article
null
,

Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh được!

Cập nhật lúc 07:18, Thứ Hai, 01/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việt Weekly - một tờ báo của người Việt hải ngoại, trong số báo từ 7-13/12/2006, đã đăng tải bài trả lời phỏng vấn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với ba nhà báo Lê Vũ, Etcetera Nguyễn, và Vũ Hoàng Lân. Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong chuyến đi Việt Nam đưa tin về Hội nghị APEC 14 của họ.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

VietNamNet xin đăng tải nguyên văn nội dung cuộc phỏng vấn được Việt Weekly đăng tải. Để tiện cho bạn đọc theo dõi, chúng tôi đã ghi rõ câu hỏi và trả lời. Tiêu đề chính và phụ trong bài do VietNamNet đặt.

Trong chuyến đi Việt Nam đưa tin về Hội nghị APEC 14, ba nhà báo Việt Weekly là Lê Vũ, Etcetera Nguyễn, và Vũ Hoàng Lân đã được nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tiếp kiến và trao đổi thẳng thắn về một số vấn đề thời sự mà người dân trong nước và người Việt ở hải ngoại quan tâm. Cùng dự buổi tiếp còn có một số nhà báo trong nước.

Đánh giá về tình hình Việt Nam hiện nay, ông Võ Văn Kiệt nói rằng, sự việc Việt Nam gia nhập WTO và Hội nghị APEC vừa diễn ra ở Việt Nam là hai sự kiện lớn, “thể hiện sự đồng thuận cả trong và ngoài nước” đối với tiến trình đổi mới ở Việt Nam, là “cột mốc quan trọng đối với vị thế của Việt Nam”. Ông cho rằng, nếu không có đổi mới thì không có hai sự kiện đó và hai sự kiện đó cũng chứng tỏ đổi mới “chỉ có tiến không có lùi”.

"Việt Nam cũng sòng phẳng lắm"

>>Mời bạn tải ca khúc "Bay lên Việt Nam"

Việt Weekly: Nhiều người cho rằng Việt Nam đi theo con đường đổi mới của Trung Quốc, điều này có đúng không? Hay là có những yếu tố đặc thù nào của Việt Nam?”

Ông Võ Văn Kiệt: Khi bắt đầu đổi mới Việt Nam không chỉ học kinh nghiệm của Trung Quốc mà còn học kinh nghiệm của nhiều nước khác. “Kinh nghiệm của các nước khác cũng thú vị, đặc biệt như Thái Lan, Malaysia, rồi Hàn Quốc… Hàn Quốc cũng chiến tranh kịch liệt như thế, cũng nghèo, tài nguyên cũng không có gì. Chúng tôi cũng tìm hiểu Đài Loan, họ cũng có cách đi lên... Khi mà mình vững vàng đi trên hai chân của mình sẽ được tôn trọng, tức là phải độc lập tự chủ suy nghĩ làm sao cho phù hợp. Nếu cứ đồ theo người ta thì có nhiều điều sẽ thất bại...

Soạn: HA 997831 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Việt Weekly: Ông có đề cập rằng, về đối ngoại, Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới, và có lẽ hiện giờ Việt Nam có tư thế rất thuận lợi để làm điều đó. Nhưng trên thế giới có những quốc gia yếu và có những cường quốc, vì thế có những quan hệ mang tầm vóc đặc biệt hơn, trong đó có quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Có thể đây là một bài toán tương đối khó khăn đối với Việt Nam, vì dường như Trung Quốc và Mỹ đang đi đến một cuộc đối đầu với nhau, cạnh tranh với nhau trong thế kỷ 21. Vai trò của Việt Nam vô cùng đặc biệt ở ngã ba này. Suy nghĩ của giới lãnh đạo, xu hướng đối ngoại trong tam giác này như thế nào?

Ông Võ Văn Kiệt: Việt Nam rất là nhẹ nhàng, không theo ông lớn ông nhỏ nào, không dựa vào ai, tức là ai cũng có thể được đối xử sòng phẳng. Việt Nam và Trung Quốc cũng quan hệ với nhau, một bên cải cách, một bên đổi mới. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc vẫn là đồng chí với nhau nhưng không hẳn là đồng minh mà là quan hệ láng giềng hợp tác, cùng nhau phát triển. Trung Quốc cũng là xã hội chủ nghĩa. Còn xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tôi hiểu, dân tộc là trên hết. Trung Quốc cũng đặt lợi ích của dân tộc họ lên trước. Giúp đỡ nhưng mà không phải giúp đỡ với mức mà lợi ích dân tộc thấp hơn. Cho nên, Việt Nam đi theo con đường hòa nhập vào thế giới. Tức là Việt Nam chủ trương không dựa bất cứ vào một anh lớn nào cả, và cũng không có anh nhỏ nào cả. Như bây giờ trong bốn nước có tầm cỡ trong quan hệ với Việt Nam như Nhật, Nga, Mỹ, Trung Quốc, mỗi nước có một vị trí nhất định. Việt Nam cố gắng làm sao giữ vững được đường lối đó không dựa vào ai, nhưng đồng thời tranh thủ những quan hệ vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho đối tác.

"Cách chọn lựa của Việt Nam là tránh đối đầu, không chủ động gây sự"

Việt Weekly: Hướng đi đó có khó khăn không? Tại vì bình thường cường quốc nào cũng cấu kết phe cánh, đòi hỏi các nước yếu hơn phải theo phe mình, chịu một số điều kiện nào đó?”

Ông Võ Văn Kiệt: Tôi có nhận xét là hai nước Mỹ và Hàn Quốc, họ coi nhau như là bạn, thân thiện lắm nhưng mà tôi thấy tính độc lập tự chủ, ý chí dân tộc, lòng tự tôn dân tộc của họ cũng cao lắm. Là bạn thân đó, nhưng không phải vì lợi ích của phe, để cho dân tộc không phải là trên hết. Chính vì thế Việt Nam coi dân tộc là trên hết. Không phải chơi với Mỹ để chống Trung Quốc, mà cũng không phải quan hệ với Trung Quốc để chống Mỹ. Tức là mình tạo cho mình lợi thế cân bằng được. Nhiều nước cũng đi theo con đường này, ví dụ như, Malaysia chơi với Trung Quốc cũng sòng phẳng, chơi với Mỹ cũng sòng phẳng. Tôi thấy đường lối của Việt Nam đi như thế nhẹ nhàng, không làm hạ thấp vị trí của Việt Nam. Cứ xem các nước Bắc Âu, cũng là những nước không lớn nhưng tiếng nói của họ cũng rất nặng ký.

Việt Weekly: Dĩ nhiên các nước như Đại Hàn, Nhật Bản họ có chủ nghĩa dân tộc và họ không hy sinh dân tộc vì quyền lợi của nước khác, nhưng họ đã chọn thế đứng về phe của Mỹ. Điều đó giúp quốc gia họ được đầu tư phát triển và thừa hưởng những lợi ích trong cuộc tranh đua giữa hai khối tư bản và cộng sản trong cuộc chiến tranh lạnh vừa qua. Họ là những nước được sản xuất vũ khí để đánh trong trận đánh Việt Nam. Vậy thì, Việt Nam trong thời bình có thể chưa có sức ép để phải theo phe này, phe kia, nhưng nếu có khủng hoảng xảy ra trên thế giới giữa hai phe Mỹ và Trung Quốc, vai trò trung lập đôi khi trở nên nguy hiểm, ví dụ như Cambodia trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, ông Sihanouk ở thế trung lập nhưng vì quá yếu, cho nên đã bị hai phe lớn lung lạc, lũng đoạn. Chỉ khi nào Việt Nam là cường quốc, mới có thể bảo vệ được sự độc lập về chủ trương, và chính sách đối ngoại. Còn nếu vẫn còn yếu, một khi khủng hoảng xảy ra, sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng như vậy, tức là tình thế sẽ bắt buộc Việt Nam phải chọn lựa. Hay là ông nghĩ rằng chủ trương độc lập đó vẫn có thể đứng vững được?

Ông Võ Văn Kiệt: Việt Nam có cả một quá trình giữ nước. Cách chọn lựa của Việt Nam là giữ được ổn định, làm sao tránh được đối đầu, chính điều này là điều phải xác định từ bây giờ, xây dựng đất nước của mình tránh sự đối đầu trong bất cứ tình huống nào. Nếu bất đắc dĩ chúng ta bị xâm lược vì một lẽ gì đó chúng ta không có chọn lựa nào khác hơn là bảo vệ đất nước mình, nhưng chúng ta không chủ động gây sự.

Nguy cơ lớn nhất? Tụt hậu, nghèo nàn!

Việt Weekly: Bây giờ nguy cơ lớn nhất của Việt Nam là gì?

Ông Võ Văn Kiệt: Nguy cơ lớn nhất của Việt Nam là tụt hậu, nghèo nàn. Chúng ta phải làm sao bắt kịp thế giới. Nhiều anh em đặt ra nhiều nguy cơ nhưng tôi xác định một nguy cơ. Nếu nguy cơ đó mình vượt ra được, chúng ta giải quyết được tất cả những nguy cơ khác. Chúng ta phải thoát khỏi cái nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa mình với các nước, để có được dân giàu nước mạnh.

Cuộc chơi toàn cầu đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm!

Việt Weekly: Để thoát khỏi nguy cơ đó, thử thách lớn nhất là gì, cơ chế, con người, tư duy hay là tài nguyên?

Ông Võ Văn Kiệt: Bây giờ vấn đề càng ngày càng sáng tỏ. Phải tiếp tục đổi mới, phải thay đổi cơ chế quan liêu, tức là phải tạo môi trường sòng phẳng, cơ chế thông thoáng cùng với nền kinh tế thị trường. Trở lại với việc vào WTO, trước đây chưa vào, chưa ra trận, chưa xuống sân chơi này, thì hiểu thế này thế khác, nhưng cuối cùng, chúng tôi khẳng định nó có lợi. Nhiều nước đi theo chứ không phải một mình mình. Đây là một cuộc chơi chung chứ không phải chuyện như trước đây “cá lớn nuốt cá bé,” diệt nhau để người tồn tại, người bị mất đi. Cuộc chơi này lý thú vì nó thúc đẩy sự phát triển. Không ai đến cho không mình một cái gì, mà cũng không ai đến lấy không của mình một cái gì. Nó đòi hỏi bản lĩnh của người lãnh đạo. Nhưng chúng tôi cũng thấy rằng đây là cuộc chơi trí tuệ, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm, mà không chỉ ở tầm lãnh đạo mà còn là tầm trí tuệ của dân tộc. Tôi nói như thế rốt cục là nói về con người. Còn nếu nói về tài nguyên, mình không đến nỗi kém hơn so với nhiều nước. Singapore cũng là đảo nhỏ, cũng không có nhiều tài nguyên nhưng họ có trí tuệ…

Biểu tượng Bay lên Việt Nam (bản quyền VietNamNet)

Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh được!

Việt Weekly: Trong vấn đề con người đó, hiện nay quan hệ Việt Nam với cộng đồng ở hải ngoại vẫn còn khoảng cách để lại từ chiến tranh, theo sự đánh giá của ông, quan hệ đó hiện đang như thế nào?

Ông Võ Văn Kiệt: Chúng ta phải hết sức quan tâm đến sự hòa hợp, chúng ta phải đặt dân tộc là tối thượng. Cho dù chính kiến, tôn giáo, quan điểm có khác nhau, nhưng lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết. Mọi người Việt Nam phải cùng với nhau góp sức, không phân biệt chính kiến, tôn giáo. Không có lý do gì chúng ta gây ra trở ngại đó. Chúng tôi nhắc đến hội nghị APEC, chuyến thăm lần thứ hai của người đứng đầu của Mỹ. Trước có ông Bill Clinton và mới đây là ông Bush. Nếu đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, dẫu trước đây là kẻ thù của nhau vẫn có thể khép lại quá khứ để hoà bình hữu nghị, để cùng phát triển. Bởi vậy không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Đây là vận hội, cơ hội cho sự hòa thuận. Đối với người ngoài còn bỏ qua được không lẽ người Việt Nam với nhau không bỏ qua được hay sao! Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh lên được!

Việt Weekly: Tôi không muốn nói là tất cả người Việt ở hải ngoại đều cố chấp. Ở hải ngoại có rất nhiều khuynh hướng. Trong đó có bộ phận đồng ý với ông dân tộc là tối thượng nhưng họ cho rằng họ mới là những người coi dân tộc là tối thượng, còn những người cộng sản đặt chủ nghĩa đại đồng quốc tế lên trên quyền lợi dân tộc. Vì thế họ hoài nghi, mặc dù bây giờ họ thấy nước Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ông có thể nói gì với họ?

Ông Võ Văn Kiệt: Cả quá trình đấu tranh của người cộng sản là vì đất nước, vì dân tộc là trên hết. Vì thế họ mới chịu hy sinh. Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng Cộng sản, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng. Thật ra, hồi chúng tôi mới giác ngộ đi theo cách mạng, lý tưởng thế giới đại đồng mạnh mẽ lắm. Nhưng từ khi làm cách mạng đến bây giờ, tôi tự hào là đã chiến đấu vì lợi ích dân tộc, vì lợi ích của đất nước, rồi kế đó mới là vì bạn bè. Nói ví dụ trực tiếp nhất là đối với Lào và Campuchia, bằng xương bằng máu đó, người Việt Nam đã hy sinh giúp cho Lào và Campuchia chống xâm lược, nhưng việc đó trước hết cũng là để bảo vệ đất nước mình. Đối với phe xã hội chủ nghĩa, Việt Nam góp sức không bao nhiêu, nhưng ngược lại, tranh thủ sự giúp đỡ của họ nhiều. Chúng tôi mang ơn họ nhiều lắm. Có một điều rất tiếc là vừa rồi thậm chí có một số người Việt căm thù cộng sản đến mức trông đợi làm sao cho APEC thất bại, trông đợi tổng thống Mỹ sang Việt Nam phải bắt buộc Việt Nam chấp nhận điều kiện thế này thế khác, thậm chí họ mong rằng Việt Nam tiếp tục nghèo đói, chỉ vì họ ghét những người cộng sản. Họ cứ cho là họ yêu nước mà thật ra họ làm hại cho đất nước nhất.

Việt Weekly: Hải ngoại có rất nhiều khuynh hướng, bênh cũng như chống, nhưng có điều ba triệu đảng viên Việt Nam là những người đang có ưu thế và đang nắm quyền lãnh đạo. Thật ra, những người bên kia chỉ nói chứ không làm gì được vì họ không có quyền hành gì hết. Họ nêu ra một điều là, nếu người cộng sản thật tâm muốn làm việc với họ, tại sao không chấp nhận một cơ cấu đa đảng hoặc cho phép họ tham gia bằng chính khả năng của họ mà được toàn dân đánh giá chứ không phải họ đòi vào được ban phát, để có ghế có chỗ gì cả. Ý kiến của ông thế nào?

Ông Võ Văn Kiệt: Có một số người chống đối quyết liệt sinh tử với cộng sản, số đó chắc không nhiều. Đó là những người cực đoan. Tôi nghĩ một dân tộc nào, một tôn giáo, ngay cả trong Đảng, lúc nào cũng có một số cực đoan vì nhiều lý do. Nếu chúng ta sòng phẳng ngồi nói chuyện với nhau vì đất nước, hoàn toàn có thể gặp nhau được. Cần đấu tranh xây dựng, đấu tranh vì lẽ phải, vì lợi ích dân tộc. Ví dụ đối với những sai trái có hại cho đất nước như tham nhũng, lãng phí, những hành vi làm tổn thương lợi ích dân tộc chúng ta có quyền phê phán để xây dựng ngôi nhà chung của mình. Bây giờ có cơ hội để anh em bên ngoài có thể có tiếng nói xây dựng. Tôi cảm thấy vui mừng vì ngày càng có nhiều người Việt Nam ở hải ngoại tham gia vào lĩnh vực này lĩnh vực khác về kinh tế, văn hóa rồi kỹ thuật, đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Tôi đánh giá cao việc đó. Mỗi người cần có trách nhiệm của mình, dân tộc là của chung không phải của riêng người cầm quyền hiện giờ.

Tôi thấy anh em lãnh đạo đã rất nỗ lực

Việt Weekly: Mấu chốt của vấn đề mà ông đưa ra là kêu gọi lương tri của người Việt đóng góp vào công việc chung của dân tộc, việc đó chắc rằng người trong và người ngoài đều đồng ý, nhưng người hải ngoại đặt vấn đề cao hơn là họ muốn thấy một cơ cấu cơ chế bảo đảm ổn định và phát triển lâu dài của dân tộc Việt Nam thay vì dựa vào một vài lãnh đạo cá nhân tốt sáng suốt của từng thời kỳ, biết lắng nghe, biết kêu gọi sự đóng góp, biết sử dụng người tài. Tại sao không xây dựng một cơ chế bảo đảm được nguồn lực nhân tài của đất nước được tham gia, có sự phân quyền để giám sát lẫn nhau để tránh việc lạm dụng, dẫn đến quyết định có thể sai lầm như đã từng xảy ra trong quá khứ. Theo ông thì như thế nào?

Ông Võ Văn Kiệt: Tôi thấy chương trình hành động của nhiệm kỳ Đại hội 10 này có nhiều sự nỗ lực của các nhà lãnh đạo. Từ trong Đảng đến Quốc hội, Hội đồng Nhân dân và các cơ quan Nhà nước đang tiếp tục đổi mới để phát huy cho được dân chủ và minh bạch. Tôi biết là họ rất nỗ lực trong chuyện này. Trong khối tư pháp cũng phải đổi mới. Luật pháp của quốc gia, hệ thống chính trị nói chung cũng phải đổi mới để phù hợp kinh tế thị trường, với hội nhập quốc tế và sự phát triển. Tôi thấy anh em rất nỗ lực.

Việt Weekly: Trong điều 4 của Hiến pháp quy định chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Như ông đã nói, quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy quy định như vậy có nghịch lý không?

Ông Võ Văn Kiệt: Mong muốn lớn nhất của toàn xã hội là làm sao đất nước tiếp tục ổn định để tiếp tục đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác. Điều này cũng đòi hỏi tập hợp được sức mạnh của dân tộc, phải đại đoàn kết dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước. Đảng vì dân tộc, vì đoàn kết của dân tộc, tất cả thể chế đều dựa vào dân và phục vụ nhân dân. Nếu như Đảng Cộng sản làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam, tôi nghĩ rằng đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam là tin cậy được. Nhưng nếu như họ không thực hiện được mục tiêu mà họ đề ra, dân tộc Việt Nam sẽ không chấp nhận. Nhưng mà nếu như họ làm đầy đủ những chuyện đó, để ổn định để phát triển, để thoát nghèo, không nhất thiết là phải đa đảng mới xây dựng đất nước của mình. Một đảng mà làm đầy đủ hết mấy điều này, tôi nghĩ là được.

"... Sẽ chấp nhận được chuyện thủ tướng có thể không phải là đảng viên"?

Việt Weekly: Nhưng điều đó cũng có nghĩa là đã bỏ qua một bộ phận người ở hải ngoại không phải là đảng viên. Họ sẽ không có cơ hội để tham gia. Dĩ nhiên như ông nói, họ có thể tham gia xây dựng đất nước bằng cách này hay cách khác, nhưng họ vẫn không thể tham gia ở mực độ cốt lõi trong hệ thống cầm quyền để giúp đỡ đất nước. Đó có phải là một sự mất mát cho Việt Nam hay không?

Ông Võ Văn Kiệt: Điều này tôi nghĩ không mất mát, vì theo nghị quyết Đại hội 10, trong hệ thống quản lý nhà nước, trong cơ cấu tổ chức bây giờ không nhất thiết là ủy viên trung ương là đứng đầu. Trong quá trình thúc đẩy cho sự đổi mới phải thêm nữa, tức là người đứng đầu không nhất thiết là đảng viên. Bây giờ không nhất thiết là ủy viên trung ương, và sẽ không nhất thiết là đảng viên. Trở lại như thời Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây, trong cơ quan của lãnh đạo nhà nước, cấp cao nhất của nhà nước nhiều người cũng không phải là đảng viên.

Việt Weekly: Vậy có nghĩa là, trên mặt lý thuyết, một thủ tướng có thể là một người ngoài đảng?

Ông Võ Văn Kiệt: Theo tôi một đảng cầm quyền có thể chấp nhận điều đó. Bây giờ lẽ ra không nhất thiết là đảng viên cũng có thể đứng đầu bộ máy nhà nước. Trước đây, trong lúc đảng còn yếu, trước Cách mạng tháng 8 và sau Cách mạng tháng 8, kể cả trong kháng chiến chống Pháp, nhiều bộ trưởng không phải là đảng viên, họ là nhân sĩ trí thức yêu nước thôi. Điều đó Việt Nam cũng đã kinh qua rồi. Bây giờ trong xây dựng đất nước tôi cũng rất tiếc là mình chưa làm được điều này, nhưng cũng phải trở lại hướng này. Những người thật sự yêu nước, có đức có tài, không nhất định là người trong Đảng Cộng sản, đều có thể làm bất cứ cương vị gì trong bộ máy nhà nước.

Việt Weekly: Ông nói là vì nhu cầu ổn định quốc gia để tiếp tục đổi mới, và vì chiến tích kinh nghiệm cũng như khả năng của Đảng Cộng sản đã chứng tỏ qua một thời kỳ rất dài trong lãnh đạo quốc gia, cho nên vẫn có thể lý giải được việc Đảng Cộng sản tiếp tục giữ quyền lãnh đạo quốc gia, nhưng ông có nghĩ là trong tương lai ngắn hoặc dài có thể là 20 năm, 50 năm, 100 năm, hay kể cả dài hơn nữa, có khi nào điều 4 của Hiến pháp sẽ được tái khẳng định để cho phép nhiều đảng phái hơn tham gia và công việc của quốc gia hay không?

Ông Võ Văn Kiệt: Đảng phải tự đổi mới mình để thích hợp với thực tế, với bước đi của dân tộc. Trách nhiệm lãnh đạo đất nước của Đảng không phải là quyết giữ những điều trong Hiến pháp, mà đòi hỏi Đảng phải làm được trong thực tế vai trò của mình đối với dân tộc để giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, giữ được sự ủng hộ của nhân dân đối với đảng. Nếu không giữ được, không làm được đầy đủ chuyện này, dân tộc sẽ quyết định.

Quan hệ Việt - Mỹ được cải thiện là do nỗ lực của cả hai phía

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng thống Mỹ Bush.

Việt Weekly: Trong quan hệ của Việt Nam với Mỹ, ông có nhận xét gì?

Ông Võ Văn Kiệt: Tôi cho rằng quan hệ với Mỹ được mức như bây giờ là do có những cố gắng rất lớn, cố gắng của Việt Nam và của cả Mỹ. Tôi thấy ông Bush trước khi đến Việt Nam cũng lo, nhưng đến Việt Nam ông thấy sự thân thiện của người Việt Nam đối với những người đứng đầu của Mỹ, cho thấy dân tộc Việt Nam thể hiện đúng theo đường lối bỏ qua quá khứ, thân thiện nghĩ đến tương lai. Trong chiến tranh cả hai là thù địch nhưng sau chiến tranh cả hai dân tộc hiểu biết nhau hơn, dù cho quá khứ không hay, nhưng đã hiểu biết nhau.

"... Tôi sẽ nói với những người Việt chống đối rằng, đất nước là của chung"

 Việt Weekly: Ông có nhận xét gì về dân tộc Việt Nam?

Ông Võ Văn Kiệt: Tôi thấy dân tộc mình lạ lùng lắm, rất thân thiện. Đối với Pháp trước đây cũng vậy mà Mỹ sau này cũng vậy. Dân tộc Việt Nam là dân tộc nhân ái, một dân tộc hiếu hòa. Kể cả lịch sử đối với Trung Quốc cũng kinh lắm chứ, nhưng sau là bạn. Sau này khi nối lại quan hệ bình thường, hai bên thân thiện trở lại. Về vấn đề tôn giáo, người Việt Nam có thể theo bất cứ tôn giáo nào, họ sống rất hòa hợp với nhau.

Việt Weekly: Đối với những người Việt chống đối, nếu ông được gặp họ, ông sẽ nói điều gì?

Ông Võ Văn Kiệt: Nếu gặp họ, tôi sẽ nói với họ rằng, dân tộc và đất nước là của chung, không riêng gì của ai cả. Vấn đề tôn giáo, ai muốn tham gia đạo nào cũng được, cứ hòa hợp với nhau đi. Ở chung một xóm, người Phật giáo với người Công giáo, không thấy ai đố kỵ ai. Anh muốn vô đạo nào, Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Tin Lành… không có vấn đề gì cả.

Cuộc gặp gỡ giữa nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt với ba nhà báo Việt Weekly diễn ra rất cởi mở, ông Võ Văn Kiệt đã trả lời tất cả những vấn đề do Việt Weekly đặt ra.

  • Ô Quan Hạ (Việt Weekly)

                  Ý kiến bạn đọc:

,
,