Xây dựng thương hiệu văn hoá người Mẹ
(VietNamNet) - Ngày của Mẹ (ngày chủ nhật thứ hai của tháng 5) ở các nước, người ta quảng bá, tôn vinh ngợi ca Mẹ. Một bộ phận giới trẻ Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến ngày này. Tuy nhiên, đó là số không nhiều.
Nhân ngày của Mẹ, nói chuyện xây dựng thương hiệu văn hoá người Mẹ - một vấn đề tuy không mới – nhưng còn nhiều trăn trở. Khi các nước có những cách nâng tầm văn hoá cuộc sống như thêm một ngày của mẹ trong năm, thì chúng ta vẫn loay hoay không có những hành động cụ thể để giới thiệu hình ảnh người Mẹ Việt Nam.
Hình ảnh Mẹ trong quá khứ
“Không có hoa hồng, không có tình yêu/ Không có Mẹ, không có anh hùng” , thi ca thế giới khắc hoạ hình ảnh Mẹ đẹp, ngọt ngào và cao quý như thế.
Dịch giả, nhà văn Phan Nhật Chiêu “phác thảo” hình ảnh người Mẹ Việt Nam: Từ thuỷ tổ, hình ảnh người Mẹ Việt Nam đã rất đẹp, lồng lộng. Quốc mẫu Âu Cơ “bình đẳng” dẫn 50 con lên núi. Một tay mẹ nuôi các con khôn lớn trong hoàn cảnh bấy giờ người phụ nữ chỉ được nhìn nhận với chức năng “sinh sản”, duy trì nòi giống.
Về sau, những hình ảnh “Bà mẹ Bàn Cờ”, “Mẹ Suốt”, “Bà má Hậu Giang”… trong thi ca, âm nhạc một thời vẫn lồng lộng và ấm áp hình dáng Mẹ. Mẹ không chỉ che chở cho con, Mẹ còn là sức mạnh chở che dân tộc. Trong chiến tranh, chúng ta đã rất đặc biệt khi xây dựng hình ảnh người Mẹ đậm nét không kém những người anh hùng, người lính giành tự do, đổi thay vận mệnh dân tộc.
Hình ảnh mẹ che chở cho con có thể thấy bất cứ nơi nào, dù ở bến sông, sau buổi chợ... (ảnh: Thu Hương)
Đi từ Nam vào Bắc, không chỉ ở Lạng Sơn, nhiều tỉnh thành có Nàng Tô Thị ôm con chờ chồng hoá đá. Không quá đáng để nói rằng, biểu tượng người Mẹ, người vợ, người phụ nữ Việt Nam biểu tượng thuỷ chung son sắt, bền gan chịu đựng gió mưa ấy là một vật báu hiếm dân tộc nào trên thế giới có được.
Ông Thái Vũ, nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử kể, mẹ ông vốn là con quan trong triều đình Huế, nhưng khi lấy chồng, làm mẹ, hình ảnh đến bây giờ ông vẫn nhớ về người là những lúc bà sàng gạo, nhặt lúa, giã chày… những hình ảnh rất thôn quê. Ngoài ngày Vu Lan báo hiếu, gia đình ông còn có một ngày nhân rằm trung thu, con cái quây quần bên mẹ, nghe mẹ kể chuyện thời trẻ tuổi của bà, chuyện ấu thơ của con cái, chuyện những lúc gia đình khó khăn gian truân, và đặc biệt những điển tích người xưa dạy con, tình cảm mẹ con, gia đình. Trong ngày này, khi hứng khởi bà hát hay đọc thơ cho con cái nghe… những điều ấy nhắc con trưởng thành không quên cái gốc đạo nghĩa.
Lúc đấy chưa có khái niệm Ngày của mẹ như bây giờ nhưng đó là những ngày ông gần gũi Mẹ nhất trong tâm thức. Dù trong nhà, cha là người dạy chữ, nhưng từ những bài hát ru, những câu thơ mẹ đọc, những câu truyện bà kể, không thể phủ nhận rằng bồi đắp rất nhiều trong tâm hồn và trí tuệ con cái.
Và từ “Mẹ”... vẫn gặp
Nhiều vẻ đẹp, nhiều hình ảnh để có thể ngợi ca Mẹ Việt Nam, nhưng thực tế...
"Tôi vào Google, gõ từ khóa "VietNammese woman", 7 kết quả đầu tiên tìm được liên quan môi giới cô dâu Việt Nam. Điều đó khiến tôi đau tới muốn khóc.”
Gõ tìm thông tin về Mẹ Việt Nam thì không có những thông tin cần thiết, mang tính khái quát. Đó là tâm sự của ông Tony Lê Đình Tuấn - Tổng giám đốc Celadon International trong một buổi nói chuyện đã chua xót chia sẻ như thế.
Tượng đài mẹ - con tại Công trường Bông hồng cài áo, Bảo Lộc, Lâm Đồng (Ảnh TTO)
Dẫu rằng, tiếng gọi thân thương nhất, ngọt ngào nhất, thường xuyên nhất của trẻ thơ là “Mẹ ơi”. Ngọt ngào như những gì Mẹ yêu thương trao tặng, như thể dòng sữa ngọt ngào, lời ru êm đềm, vòng tay ấm áp. Khi gặp những bất trắc, khổ đau, không có một thống kê cụ thể nhưng phần lớn chúng ta vẫn gọi “Mẹ ơi”, với một số người gọi “Chúa ơi”, “Trời ơi”. Mẹ là một người cụ thể, gần gũi nhất và duy nhất được gọi như thể gọi những bậc siêu nhiên.
Ariko, một sinh viên gốc Pháp, sang Việt Nam học Tiếng Việt, khi trò chuyện với các bạn Việt Nam, cô vô tư: “Sao người Việt Nam hay chửi mẹ thế?”. Những người bạn, trong đó có người viết bài này lúc đó chỉ cười trừ rồi cãi cố: “Đâu, chỉ là rất ít thôi”.
Nhưng thực tế, chúng ta thường xuyên nghe những từ đệm chửi thề bắt đầu hoặc kết thúc bằng từ “mẹ” – ông Tuấn thẳng thắn. Điều lạ là không chỉ những kẻ bụi bờ, đầu đường xó chợ, mà ở giảng đường đại học, ở những cơ quan nhà nước, cả những… trung tâm văn hoá đều không khó để bạn vô tình nghe ai đó chửi thề đệm tiếng mẹ ngay gần mình. Trong khi đó, từ “Mẹ” đáng được tôn vinh, đáng được viết hoa, được thương yêu, trân trọng, nếu không muốn nói là phải nhìn nhận như một bảo vật.
Tôn vinh, từ những thay đổi rất nhỏ
Không ít người không quen với khái niệm này, và có ý kiến cho rằng, bản thân từ Mẹ đã là đẹp nhất, không cần tôn vinh, không cần quảng bá cũng đẹp. Cũng như hình tượng Mẹ Việt Nam qua những thăng trầm lịch sử đã chứng minh được đá vàng. Những suy nghĩ như thế cho thấy rằng, cái chính nhất là chúng ta có hình tượng người Mẹ, nhưng không biết giới thiệu giá trị đó. “Trong thời hiện tại, quảng cáo quảng bá, làm thương hiệu là khái niệm quen thuộc, cần thiết. Nhưng chính một hình ảnh đẹp nhường kia, đáng lí phải giới thiệu đến cả thế giới, lại bị lãng quên. Điều này cho thấy rằng chúng ta thua, và bỏ phí giá trị”.
Dù chúng ta có hô hào rằng mình tiến bộ, mình chạy đua, phát triển… nhưng chính những việc rất nhỏ như rất nhiều người Việt có thói quen chửi thề bằng tiếng Mẹ, cho thấy văn hoá và đạo đức đáng báo động. Đặc biệt, cũng không nên nghĩ mình… vô can khi không chửi thề. Nếu bạn nghe người khác chửi “Mẹ…”, hay”…mẹ” mà không thấy bối rối, không bức xúc, không nhắc nhở được lấy một tiếng thì cũng cần xem lại bản thân. Thay đổi một chút, chính là bạn nâng giá trị văn hoá lên. Ông Lê Đình Tuấn chia sẻ.
Có thể thấy, khác với Việt Nam, các nước Châu Á khác rất chú trọng việc tôn vinh giá trị người phụ nữ. Họ nỗ lực xây dựng thương hiệu phụ nữ, như Nhật, Hàn khuyến khích hàng triệu "OG" (office girl) ra khắp thế giới để tích lũy vốn sống và chứng minh với cộng đồng quốc tế sự năng động của mình. Thái Lan cũng đang ra sức thay đổi cách nhìn đã định hình về phụ nữ Thái, vốn toàn "màu sắc" sex , bằng cách đích thân công chúa và hoa hậu Thái liên tục qua lại các hội chợ, luôn sẵn sàng trả lời phỏng vấn.
Ông Võ Văn Minh, một Việt kiều Đức, về nhiều vùng quê Việt Nam thấy khác với các nước không ít tượng đài người Mẹ được xây dựng ở những vị trí đẹp nhất, trang trọng nhất. Đây là nét đẹp đặc biệt. Nhưng tôi tự hỏi tại sao tới bây giờ vẫn tiếp tục dựng những tượng người mẹ mang tinh thần cổ động tuyên truyền quá: Mẹ cũng phải vung tay, vác súng.
Rất ít tượng mang tính nghệ thuật và có ý nghĩa giáo dục, nhân văn về người Mẹ như tượng Mẹ con của Lê Quốc Thắng (ngay trước nhà hát TP.HCM). Quan sát có thể dễ dàng nhận thấy nhiều khách nước ngoài đều thích thú khi chụp hình lưu niệm bên tượng người mẹ ôm con này. Những bức tượng như thế cần nhiều hơn nữa, góp phần phong phú hơn cách nhìn tượng đài những người mẹ Việt Nam.
- Mai Anh
Ý kiến của bạn?