221
7181
Giao thông
giaothong
/baylenvietnam/giaothong/
1231695
Kỳ vọng thu phí để giảm ùn tắc ngay là sai lầm
0
Article
6881
Bay len VietNam
baylenvietnam
/baylenvietnam/
Kỳ vọng thu phí để giảm ùn tắc ngay là sai lầm
,

- Quan điểm của nhiều nhà tổ chức, nghiên cứu giao thông: việc thu phí phương tiện cá nhân là điều cần thiết. Nhưng nếu kỳ vọng điều này có thể giảm ùn tắc ngay sẽ là một sai lầm! 

Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao nghiên cứu đề xuất của Hà Nội và TP.HCM về thu phí phương tiện cá nhân trong nội đô đối với hai thành phố này với mục đích hạn chế tình hình ùn tắc tại hai thành phố này.

VietNamNet ghi nhận ý kiến nhiều chiều của những người quản lý, tổ chức giao thông, những nhà nghiên cứu giao thông… 

Thu phí = hạn chế phương tiện đi lại = hết tắc? 

 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) nhìn nhận: thực tế người Việt Nam còn có nhiều lãng phí trong đi lại, trong sử dụng phương tiện. Đại khái như trước nay có những việc 2 người có thể đi 1 xe nhưng cứ ai đi xe nấy. Có nhiều chặng đi bộ được nhưng họ lười đi bộ…

 

Cho nên, theo ông Thanh, “thu phí sẽ phần nào hạn chế vì bắt họ phải tính toán, đi lại có khoa học hơn, phải đi giờ nào, có thật sự cần thiết? Nó như việc mình bỏ tiền ra mua món hàng thì mình có thực sự cần không đã”.


Tuy nhiên, ông Thanh cũng thận trọng: Tất nhiên, phải có thời gian, dần dần họ mới đi vào nếp chứ đừng kỳ vọng giảm ùn tắc ngay được.

 

Mô tả ảnh.
Dù có phải trả thêm ít phí lưu thông thì xe máy vẫn phải ra đường Ảnh:VNN

Có phần trái ngược với sự kỳ vọng của ông Thanh, TS Nguyễn Quang Báu, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, nay là Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và phát triển giao thông bền vững cho rằng, mật độ giao thông như một đồ thị hình sin, tỷ lệ thuận với nhu cầu đi lại của người dân.

“Nhu cầu là rất bức thiết, là khách quan. Cái xe máy của người dân vừa đi làm, đi chơi, đi chợ… lại cơ động, đến tận ngóc ngách mà chưa một phương tiện nào thay thế được. Nên họ vẫn đi dù có phải đóng thêm phí này. Hơn nữa, anh không thể đánh phí này quá cao được”, ông Báu phân tích.

 

Tiến sỹ Phạm Xuân Mai, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng việc thu phí xe cá nhân là cần thiết, nhưng ông Mai lưu ý: Thứ nhất, phải làm cho người dân hiểu việc thu phí xe cá nhân giúp họ ý thức được xe gắn máy gây tắc nghẽn giao thông và nên giảm dần xe cá nhân. Còn nếu người dân hiểu đơn giản bắt họ đóng phí xong rồi muốn mua bao nhiêu xe, tiếp tục chạy xe gây tắc nghẽn… coi như giải pháp của thành phố thất bại khi thực hiện mà thôi.

 

Hiện nay, hai thành phố đang chờ được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc rồi mới tính đến nghiên cứu kỹ thực hiện ra sao.

 

Dẫu vậy, PGS. TS Nguyễn Quang Toản, (nguyên Chủ nhiệm  Khoa Đường  bộ  - ĐH GTVT Hà Nôị) cho rằng, một khi thực hiện thì cũng khó mà giảm ùn tắc, thậm chí, không khéo chỉ "bê" ùn tắc từ nơi này sang nơi khác.

 

“Bây giờ thì cả hai thành phố chẳng có tuyến nào có thể áp dụng được thu phí. Tuyến dừng xe lại được để thu phí thì lại là tuyến không ùn tắc, tuyến mà áp dụng thu phí thì tuyến đang tắc”, ông Toản bày tỏ. 

 

Bản chất thu phí là tạo nguồn về sau 

 

Ông Bùi Xuân Dũng, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, tác giả của đề án thu phí mà Sở GTVT bị Thành phố Hà Nội bác bỏ gần 10 năm trước nhớ lại: Ngày đó, khi bảo vệ trước thành phố đề án này, chúng tôi nhấn mạnh, đây không phải là một biện pháp trực tiếp chống ùn tắc. Biện pháp chống ùn tắc là tổ chức lại giao thông, là phát triển phương tiện công cộng…

“Bản chất đề án thu phí là tạo nguồn kinh phí về sau để cùng với nguồn của ngân sách, tái đầu tư cho giao thông như cải tạo đường, phát triển xe buýt, xe điện”, ông Dũng nói.

Mô tả ảnh.
Thu phí để tạo nguồn, chia sẻ cùng ngân sách trong việc nâng cấp hạ tầng giao thông, phát triển giao thông công cộng về sau.  Ảnh:VNN

Ông Dũng dẫn ví dụ: hiện nay thành phố đã vất vả để trợ giá cho xe buýt. Nhiều người đã rất hồ hởi nghĩ về xe điện. Nhưng xe điện đắt gấp 10 lần xe buýt trong khi vé xe điện không thể đắt hơn xe buýt nhiều, vì đắt sẽ chẳng ai đi. Đó là chưa kể nguồn kinh phí khổng lồ cho bảo dưỡng… Vậy tiền lấy đâu ra?!

Phó Cục Trưởng Cục Đường bộ Nguyễn Văn Thanh thừa nhận thực tế, nhiều con đường đến định kỳ bảo trì, bảo dưỡng, dân kêu nhiều lắm nhưng đơn vị quản lý phải... vứt ra đó, vì không có tiền.

Bà Trịnh Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) lý giải: Ngân sách cho quỹ bảo trì đường bộ hiện chỉ đáp ứng được 40-50% thì thực tế đó là điều khách quan.

“Cho nên trong Luật GTĐB 2008 có quy định về Quỹ Bảo trì đường bộ. Quỹ này có nguồn từ ngân sách và nguồn thu từ việc sử dụng đường bộ. Bộ GTVT cũng đang chủ trì xây  dựng Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ. Trong đó, thu từ sử dụng đường bộ đương nhiên thu từ phương tiện cá nhân, cả ô tô và xe máy. Những gì thu được từ đường thì quay lại cho đường, không đưa cho giáo dục hay y tế.” - bà Hiền cho biết.

Cũng theo bà Hiền, việc thu tiền người sử dụng đường quay lại cho đường là việc mà 55 quốc gia khác đã làm.

Trong báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình triển khai Nghị quyết số 16/2008 từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, việc kiến nghị thu phí xe cá nhân, tăng mức phí trước bạ và lệ phí đăng ký phương tiện giao thông cá nhân lại tiếp tục được thành phố đề xuất. Lý do TP.HCM được đưa ra nhằm lập quỹ phát triển giao thông, hỗ trợ vận tải hành khách công cộng, cải thiện môi trường… 

Kẹt xe ở TP.HCM. Ảnh: T.Trực
Kẹt xe ở TP.HCM. Ảnh: T.Trực
Trước đó, tháng 10/2008, UBND TP.HCM từng gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính về chính sách tài chính góp phần hạn chế ùn tắc giao thông. Trong đó, TP.HCM cho rằng việc áp dụng các chính sách tài chính, đánh vào túi tiền của người dân sẽ góp phần hạn chế số lượng phương tiện giao thông đường bộ đăng k
ý mới.  

Cụ thể, thành phố kiến nghị Bộ Tài chính ban hành lệ phí lưu hành xe hằng năm (đối với khu vực TP.HCM) là 500.000 đồng/xe ô tô, gắn máy và 10 triệu đồng/xe ô tô 7 chỗ ngồi trở xuống không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Nếu người tham gia giao thông không nộp khoản phí này sẽ bị xử phạt với mức 250.000 đồng/lần đối với mô tô, xe máy và 5 triệu đồng/lần xe ô tô.  

Thế nhưng, khi đề xuất thu phí xe cá nhân vừa được đưa ra đã gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân. Hơn 1 tháng sau, Bộ Tài chính đã bác kiến nghị này vì cho rằng chưa phù hợp và cần có nhiều giải pháp khác khả thi hơn.

Đây không phải là lần đầu biện pháp thu phí lưu thông xe cá nhân được đưa ra. Tháng 11/2007, Cục Đường bộ từng dự kiến trình lên Bộ GTVT đề án thu phí lưu thông cá nhân nội đô, áp dụng cho Hà Nội và TP.HCM.

Khi đó, Cục Đường bộ từng đề xuất: đối với các phương tiện lưu hành vào giờ cao điểm tại các thành phố có mật độ giao thông lớn trong nội đô sẽ phải nộp một khoản phí theo ngày hoặc tháng với giá trị 20.000 đồng/ngày hoặc 500.000 đồng/tháng đối với xe ôtô, 10.000 đồng/ngày hoặc 200.000 đồng/tháng đối với xe máy.

Trước đó nữa, cách nay 10 năm, đề án này từng được Sở GTVT Hà Nội báo cáo với UBND TP. Cụ thể, đề xuất phụ thu phương tiện cá nhân đã được Hà Nội nghiên cứu trong quy hoạch vận tải hành khách công cộng giai đoạn 1998-2000, thường gọi là quy hoạch số 14. Khi ấy, Sở GTVT đề xuất mức thu xe máy 100.000 đ/năm, ô tô 2 triệu/năm.

Nhưng sau đó, khi duyệt quy hoạch giao thông số 14, thành phố đã bỏ mục đề xuất này.


  • Hà Lê - Thái Phương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,