Khi người ta ích kỷ…
Ích kỷ, độc ác, hay ích kỷ dẫn tới độc ác có lẽ hai điều ấy trong mỗi người đều có một chút.
Không phải tự bào chữa, tôi đang thú tội. Ích kỷ, độc ác, hay ích kỷ dẫn tới độc ác có lẽ hai điều ấy trong mỗi người đều có một chút. Khác nhau ở chỗ một trong hai, hoặc cả hai chúng nó bộc phát vào lúc nào mà thôi. Ai không đồng ý, có lẽ tôi sẽ gọi người ấy là thiên thần, ít nhất là cho đến khi họ đã làm xong một việc mà chính họ cũng cảm thấy đó là độc ác và ích kỷ.
Trong tuyển tập truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, tôi đã đọc qua một bài tự thuật của chính nhà văn này. Chuyện kể về việc ngày ấy ông ngồi xe kéo, người phu xe là dân ngoại thành vào thành Hà Nội kéo xe chui. Anh ta là một người "quê mùa một cục", đối đáp những câu không làm vừa lòng ông khách, cò kè bớt một thêm hai nhiều khiến ông khách bực mình, để rồi đúng lúc lính Pháp đi tuần tra và biết anh ta đang hành nghề trốn thuế. Lúc đó, người kéo xe đã tha thiết van nài ông khách để không bị bắt về đồn, không phải bị đánh đập, nộp tiền phạt và để giữ lại chiếc xe kéo là kế sinh nhai duy nhất của anh. Thế nhưng, ông khách đã không mở lời nói giúp người kéo xe. Người kéo xe bị bắt về đồn, bị đánh đập. Ông khách về nhà chợt nhận ra mình đã ích kỷ quá, cho đến khi biết người kéo xe bị đòn nặng, mất xe, nhà còn con nhỏ đang ốm nặng, vợ và mẹ già sống trong cảnh nheo nhóc, rách nát thì đã cảm thấy mình thật sự độc ác. Tuy ông biết vậy nhưng có lẽ cũng đã quá muộn. Chuyện là như thế.
Có lẽ tôi cũng đã trằn trọc với bản thân vì bản tính ích kỷ của mình. Tuy không gây nên lỗi lầm lớn như người khách thuê xe trong truyện, ít nhiều tôi cũng cảm thấy tủi hổ và ray dứt.
Ngày tôi chưa vào lớp một, nhà bà tôi có cả một đàn gà con. Những con gà giống hệt như những cuộn len vàng óng chạy loanh quanh trong sân, tôi ngồi xem thích thú. Tôi tìm cách bắt cho được một chú gà để chơi một lúc, bắt mãi không được, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi vẫn không từ bỏ ý định, chạy lùa được một chú vào trong góc, nhưng vấp phải cái gốc cây xoan và ngã. Cú ngã làm tôi cay cú, tôi vùng dậy và tóm được một chú. Lúc ấy, có lẽ phần con trong tôi nhiều hơn phần người, tôi thả chú gà vào trong xô nước. Nó vùng vẫy kêu lên chiếp chiếp, rồi chìm dần, chìm dần. Tôi đứng nhìn, thấy cả bong bóng từ trong hai lỗ mũi nhỏ xíu nơi mỏ con gà trôi ra, mắt nó lờ đờ, rồi nhắm nghiền. Chính lúc ấy, như ông khách trong truyện, tôi sực tỉnh, vớt vội con gà ra. May sao, nó chưa chết, được hơn một phút lại chạy nhảy với lũ gà còn lại khắp sân. Tôi thở phào, đứng nhìn. Chỉ mỗi chuyện này mà đã ám ảnh tôi suốt bao năm nay, khi tôi nghĩ mình đã làm một điều ác nào hơn nữa chưa.
Những ngày được nghỉ sau kỳ thi này, tôi có thói quen ngủ nướng. Chính vì vậy những cú điện thoại gọi đến nhà vào lúc trước 11 giờ sáng làm tôi rất bực mình. Sáng hôm qua, tôi đã bị đánh thức vào lúc 9 giờ sáng bằng 4 hồi chuông điện thoại dai dẳng. Cực chẳng đã, tôi phải dậy nghe điện thoại. Đầu dây phía bên kia có giọng nam giới nói rằng là họ hàng bên ngoại, đang ở Hà Nội và bị lạc đường, muốn tới thăm nhà và bảo tôi ra đón. Tôi nói mẹ không có ở nhà, và đang rất bận không thể đón được nó trong lúc khó chịu. Trưa, mẹ về, nó lại gọi điện và cuối cùng cũng đến nhà chơi. Phải nói thật rằng tôi không có quan hệ nhiều với họ hàng, khi nghe chuyện có thằng em họ học tại Hà Nội lúc nghỉ hè tới nhà tôi chơi không báo trước một tiếng, đến nhà rồi cứ ở đó không nói không rằng (thời gian ấy tôi không ở Việt Nam) tôi đã rất không hài lòng.
Trở lại chuyện thằng bé gọi điện vào buổi sáng, chính vì những ý nghĩ thiếu thiện cảm như vậy nên tôi chỉ ậm ừ lúc nó chào hỏi. Ăn trưa xong tôi chạy xe ra đường uống cà fê, tối về cũng chẳng chuyện trò với nó một lời. Mẹ tôi kể rằng thằng bé từ nhỏ đã theo bố vào nam ra bắc, cuộc sống cũng chẳng lấy gì làm sung sướng, kể ra hoàn cảnh nó cũng khá éo le, bố một nơi mẹ một nơi. Đáng lẽ nó ra Hà Nội chơi, tôi phải đưa nó đi chơi, nhưng tôi nhìn mặt nó đã không thấy ưa, sao có thể cùng nó đi chơi, nói chuyện được. Tôi không thích, càng không cho phép mình làm vậy. Cả tối hôm ấy nó ngồi một mình xem ti vi. Tôi về nhà, nhìn thấy nó và lờ đi. Chiều hôm sau tôi dậy muộn, nó đã về từ lúc trưa. Thấy bảo sáng nó ra ngoài lang thang một mình, sau thì gần 1 giờ chiều đã đi rồi. Lúc này, thêm một lần nữa cảm giác tội lỗi lại xuất hiện trong tâm trí tôi. Dù xa hay gần, thằng bé cũng là họ hàng. Liệu nó có đáng bị cư xử vậy không? Có lẽ là không, và tôi cũng đã thành công trong việc tạo cho nó cái ý nghĩ có một thằng anh, một kẻ họ hàng lạnh lùng vô tâm như vậy.
Chắc chẳng bao giờ nó đọc được những dòng này tôi viết, và cũng vì sự ích kỷ, tôi viết những dòng này không mong nó đọc được, có lẽ chính vì tôi biết nó không đọc được nên tôi mới viết. Dẫu sao thì khi dãi bày được ra rồi, tôi cũng cảm thấy lương tâm được thanh thản hơn…
( Theo blog Jude®)
Comment từ blog:
Piru: ai cũng có lúc ích kỷ và độc ác mà không biết, những người biết và hiểu dù đã muộn vẫn còn hơn…
Little Cat: con người ai cũng có một bản chất khác trong người thế nên những việc như vậy cũng không hản là quá độc ác và ích kỷ!
Tea: Ai cũng có những lúc như thế để rồi sau đó tự ngồi dằn vặt bản thân mình…
Kathy: Bài viết trên blog của bạn rất thú vị! Ai cũng có lúc tự nhìn lại bản thân để sống tốt hơn trong tương lai của mình!
Cong Chua: Có lẽ hầu hết trong cuộc sống, ai cũng có đôi lần ích kỷ như vậy và tự tìm ra những lý do để "biện minh" cho sự ích kỷ của mình... Đôi lúc ngẫm lại, thấy mình cũng hối hận về nhiều chuyện đã làm...
Okyo: Mình nhiều khi cũng có những “ tội lỗi” như vậy. Chỉ vì từ bé đến lớn sống ở thành phố nên cái tính ích kỷ ngấm vào và hình thành trong tính cách mình từ lâu rồi. Có người nhận thức được và cũng có người không. Cá nhân mình cũng có lúc nhận thức được nhưng không bao giờ viết được thành lời như vậy! Mình tìm thấy hình ảnh của mình trong bài viết này…
Chuotchiz: điều quan trọng hơn là lần sau rơi vào trường hợp đó, mình có tiếp tục ích kỷ và độc ác không?
Phản hồi của độc giả Blog Việt
Về tác giả blog:
Hình ảnh đại diện của Jude |
Jude®: “ Hạnh phúc là muôn màu, giống như những ly cocktail vậy. Hãy tận hưởng chúng, đến giọt cuối cùng. Đôi khi hạnh phúc đang hiện hữu quanh ta mà ta vô tình không biết đấy thôi”