Loanh quanh đường làng, tôi nhận ra điều gì đó...
(Blog Việt) - Nếu ngôi nhà là nơi trở về sau mỗi ngày thì làng quê là nơi trở về sau những chuyến đi dài của cuộc đời... Lắng nghe bạn nhé, tôi đang kể câu chuyện làng mình qua ảnh...
Bài và ảnh: Nguyễn Trần Đức Anh – Hà Thành
- Phần 1: Đi qua thời gian
1 - Tuổi thơ
Tuổi thơ - Ảnh: Nguyễn Trần Đức Anh |
Tôi không có cái "may mắn" được lớn lên ở làng; không bao giờ có những giây phút và khoảnh khắc êm đềm, đẹp đẽ như thế. Nhưng mỗi khi trở về làng, tôi cảm thấy thật bình yên, thanh thản và hạnh phúc. Nếu như ngôi nhà là nơi trở về sau mỗi ngày, thì làng quê là nơi trở về sau những chuyến đi dài của cuộc đời... Tôi đã nhìn, cảm và ghi lại những hình ảnh của làng quê tôi như một nỗi ám ảnh - day dứt; với tình yêu mà tôi mãi mang theo...
2 - Rước dâu
Rước dâu - Ảnh: Nguyễn Trần Đức Anh
Lâu lắm rồi tôi mới dự một đám cưới ở quê như thế này. Tất cả đã đổi thay nhiều. Điều đó là lẽ đương nhiên. Nhưng cũng có những thứ vẫn rất "quê" vì chưa thay đổi được, không thay đổi được hay không nên thay đổi? Có những thứ lại "thành phố" hơn cả thành phố. Có thể góc độ nào đó nó hao hao giống truyện của Nguyễn Công Hoan hay Vũ Trọng Phụng ở thập niên 30, 40 của thế kỷ XX. Với tôi, hình ảnh xe hoa đi qua cổng làng là một hình ảnh ấn tượng và để lại nhiều cảm xúc.Dẫu không quá bảo thủ nhưng tôi vẫn thích lúc đi bộ hơn, như thế này. Thật đẹp và bình dị biết bao...
Chú rể là em họ tôi và cô dâu sẽ là em dâu, tất nhiên rồi. Ừ thì chúc cho chúng nó hạnh phúc và chợt thấy mình đã già đi nhiều. Dù muốn hay không mình đã đi sang sườn dốc bên kia của tuổi trẻ rồi. Thời gian ơi!... Chợt nhớ câu thơ của Olga Bergolx:
"…Lũ trẻ lớn lên lại bước theo ta
Lại nhắp lại những ngọt ngào thủa trước..."
3 - Bạn già
Bạn già - Ảnh: Nguyễn Trần Đức Anh |
"Về quê" - mỗi lần nói tới cụm từ đó tôi lại nao lòng. Cuộc sống ồn ào đô thị cứ cuốn đi, và tôi lại thấy bình yên khi trở về; để rồi lại buồn khi rời ngôi làng nhỏ bé. Những người bạn già kia, có lẽ họ cũng đã từng có một tuổi thơ êm đềm ngoài cánh đồng, trên đường làng, bên mái đình...
Và liệu có ai là người may mắn được là nhân vật chính trong một đám rước dâu hơn nửa thế kỷ về trước? Nhưng chắc chắn là họ đã từng vất vả, lam lũ và hy sinh rất nhiều - vì chồng, vì con và những điều lớn hơn thế nữa. Bây giờ họ lại dìu nhau đi những bước đi cuối của cuộc đời. Họ bên nhau và chia sẻ, tự nhiên như cuộc sống làng quê bình lặng trôi đi; khi những người đàn ông nằm xuống trước (thường là như vậy). Tôi nhìn, và tôi thấy bóng dáng của Bà tôi…
Thời gian - tự thân nó đã mang giá trị; nhưng cũng lạnh lùng và tàn nhẫn... Những hình ảnh ấy dẫu có dần dần mất đi, thì vẫn sẽ còn mãi trong ký ức của tôi.
- Phần 2: Giấc mơ ngày mai
1 - Kiếp nghèo
Kiếp nghèo - Ảnh: Nguyễn Trần Đức Anh |
... Lâu lâu rồi, lãng tử họ Vũ post một cái ảnh ăn mày ở chợ phiên lên site lên với cái description: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", cũng là tự an ủi vậy!
2 - Chuyện ở cầu ao...
Chuyện ở cầu ao - Ảnh: Nguyễn Trần Đức Anh |
Ngày xưa, cầu ao, bờ giếng là nơi người ta hay gặp nhau, là nơi "buôn chuyện" của các bà, các cô; cũng như là cái nơi hẹn hò nam nữ. Bây giờ hồ ao lấp đi nhiều, giếng cạn nhiều để cho nhà mọc lên. Làng tôi nghèo, dẫu có những thay đổi, dẫu có nhiều nhà mới thì cũng vẫn là nghèo. Đường làng đã bê tông hoá, còn sót lại vài nơi gạch thổ nguyên bản thế này. Và cũng lâu lắm rồi tôi mới thấy cảnh người ta ra cầu ao giặt giũ; có thể là nghèo, cũng có thể như một thói quen khó bỏ.
Các khái niệm cuộc sống chỉ là tương đối, mình cứ nghĩ là nghèo, mà người ta chưa hẳn đã cho là thế. Như cái anh chàng đánh giậm bắt cá kia (ảnh trước), tôi thấy anh ta yêu đời lắm. Cứ cho là thế đi, cứ nghĩ thế đi thì mọi việc trên đời sẽ đơn giản hơn biết bao. Loanh quanh đuờng làng, tôi mơ hồ nhận ra điều gì đó...
3 - Chuyện cái cổng làng...
Chuyện cái cổng làng - Ảnh: Nguyễn Trần Đức Anh |
Cái cổng làng - đó là một khái niệm về vị trí và không gian rất đỗi quen thuộc. Người ta đi vào, đi ra qua cái cổng. Cổng là một ranh giới ước lệ, đơn giản vì cổng làng chẳng che chắn bảo vệ được cái gì. Làng có cổng cũng như khẳng định vị thế với thiên hạ. Có những làng tự hào vì có cái cổng hàng trăm năm tuổi.
Làng tôi nghèo, mãi 2 năm sau Cách mạng Tháng tám mới xây đuợc cổng; so với cổng làng nhiều nơi khác thì 60 năm tuổi cổng làng tôi chưa khẳng định được điều gì. Nhưng dĩ nhiên người làng vẫn tự hào về cái cổng và ngày ngày vẫn đi về qua nó. Bởi lẽ, nhiều nơi khác không còn cổng làng. Một người anh họ tôi, cũng là một "ông thầy" nói: "Mất cổng là mất lộc, mất chùa là mất phúc, mất đình là mất đinh". Nghe vừa sợ vừa ngẫm thấy đúng theo logic của triết học Phương Đông.
Làng tôi nghèo, nhưng có và còn đủ cả cổng, cả đình, cả chùa. Ừ thì dẫu nghèo nhưng chắc chắn phúc lộc vẫn còn. Tôi tin thế, như thể ngày mai trời lại sáng vậy...
Hình ảnh đại diện của Đức Anh
Blog Việt theo Blog DAArchitect - Cám ơn tác giả đã gửi bài viết kèm các hình ảnh này tới Blog Việt
Về tác giả blog DAArchitect - Nguyễn Trần Đức Anh: Architect, amateur song-writer & photographer...
Blog Việt mời bạn đọc gửi các bài viết, hình ảnh, đường link blog tâm đắc tới Blog Việt theo mẫu sau hoặc gửi về địa chỉ blogviet@vasc.com.vn