Dấu Chân Online 11: Đi tìm Tây Tạng
Cập nhật lúc 09:14, Thứ Năm, 11/03/2010 (GMT+7)
Dấu chân Online
Các bạn thân mến, mỗi tuần một miền đất mới, DCOL tuần này sẽ đưa các bạn vượt ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với vùng đất sơn nguyên Tây Tạng.
Với nhiều người xưa nay Tây Tạng – nơi mái nhà của thế giới, nơi khởi nguồn của Phật Giáo vẫn là một mảnh đất huyền bí, thu hút bước chân của biết bao người đam mê khám phá. Từng là một đế quốc hùng mạnh, cho đến nay Tây Tạng dù đã thuộc Trung Quốc vẫn là vùng đất mà chưa có một thể chế thống trị nào có thể nắm giữ trọn vẹn.
Trong chương trình DCOL, mời quý thính giả tới thăm vùng đất Tây Tạng kỳ ẩn qua ký sự của tác giả Huy Đức.
Với nhiều người xưa nay Tây Tạng – nơi mái nhà của thế giới, nơi khởi nguồn của Phật Giáo vẫn là một mảnh đất huyền bí, thu hút bước chân của biết bao người đam mê khám phá. Từng là một đế quốc hùng mạnh, cho đến nay Tây Tạng dù đã thuộc Trung Quốc vẫn là vùng đất mà chưa có một thể chế thống trị nào có thể nắm giữ trọn vẹn.
Trong chương trình DCOL, mời quý thính giả tới thăm vùng đất Tây Tạng kỳ ẩn qua ký sự của tác giả Huy Đức.
- Đi tìm Tây Tạng
Không ai có thể ngồi yên trên ghế. Con tàu đã vượt trên sự hùng vĩ của biết bao đỉnh núi cao tuyết phủ, đã đi qua sự mênh mông của liên tiếp những thảo nguyên xa xăm và giờ đây đang hụ những hồi còi dài để vào ga Lhasa. Tây Tạng. Những chiếc loa ở trên tàu được vặn vô-lim hết cỡ cho tiếng hát nồng nàn của Hàn Hồng, một trong những nữ ca sỹ hàng đầu của Trung Quốc. Lâu lắm rồi mới nghe một khúc tráng ca hào hùng mà da diết đến vậy. Khúc tráng ca có tên Thiên Lộ, ý chỉ, con đường sắt lên Tây Tạng của Trung Quốc như là một con đường trời.
Mời các bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 11: Đi tìm Tây Tạng |
Lặng Lẽ Cao Nguyên
Ý tưởng làm đường sắt lên Lhasa được truyền tụng là của lãnh tụ Mao Trạch Đông. Đoạn đầu tiên dài 814 km, nối Tây Ninh với Golmud, khởi công năm 1974 và đưa vào sử dụng năm 1984. Đoạn thứ hai mới thực sự là đường lên Tây Tạng, khởi công ngày 29 tháng 6 năm 2001 và chỉ mới khánh thành ngày 1 tháng 7 vừa qua. Đoạn này dài 1142 km đi thẳng tới Lhasa trên một độ cao có khi hơn 5000 mét so với mực nước Biển. Đây là đoạn đường sắt cao nguyên dài nhất Thế Giới.
Có thể đi tàu lên Tây Tạng từ Thượng Hải, Bắc Kinh và thậm chí Quảng Châu, nhưng chúng tôi chọn Trùng Khánh để bay đến và chập tối thì lên tàu. Không có nhiều khách lắm ở những toa thường và có rất nhiều giường trống ở những toa hạng sang. Kể cả người Trung Quốc vẫn còn phải xin giấy phép để đi du lịch Tây Tạng, cho dù chẳng thấy hỏi han giấy tờ gì khi chúng tôi lên tàu.
Mời các bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 11: Đi tìm Tây Tạng |
Phải đến khi kết thúc chuyến đi, chúng tôi mới biết, những gì chứng kiến qua khung cửa sổ của đoàn tàu mới là phần đáng giá nhất. Thiên nhiên khẳng định sự khác biệt giữa hai đoạn của cuộc hành trình. Đoạn trước khi đến cao nguyên Thanh Hải, với những tán rừng Thu, úa vàng. Những cây phong trắng tăm tắp. Lặng lẽ nhìn từ trên tàu, mới thấy, phong có lẽ là một trong những loài cây cô đơn nhất.
Khi đã ở trên cao nguyên Thanh Hải rồi, chợt nhận ra, con tàu đã đi đến một nơi hoàn toàn khác. Tàu chạy cao tốc mà cứ như đang chậm rãi trườn vì sự bao la của những cánh đồng cỏ khô, nơi những chú bò lông và trâu yack yên lành gặm cỏ, thờ ơ với con tàu đang lầm lũi chuyên chở biết bao dự định văn minh đến vùng đất xa xôi này. Toàn bộ phía Nam của Tây Tạng nằm gọn trong dãy Hymalaya. Chúng tôi không rõ, liệu có thể ngồi trên tàu mà nhìn thấy Everest hay Namzha, những đỉnh cao nhất, nhì Thế Giới. Chỉ thấy ở đây, những dãy núi tuyết trắng, lúc trùng trùng, điệp điệp từ xa lắc; lúc sừng sững ngay ở sát cửa toa tàu. Nhiều doanh trại quân đội lớn nằm dọc theo những con lộ tiêu chuẩn. Thỉnh thoảng, bên sườn núi, một vài gia đình người Tạng, dựa vào nhau trong những ngôi nhà vách và mái làm bằng đất dày để chống gió và rét. Thỉnh thoảng, người Tạng dựng lều bên cạnh đường tàu để trông coi đàn gia súc của mình. Họ đứng như những ông tượng, lặng lẽ nhìn theo những cánh tay vẫy. Không thể nào biết được họ đang nghĩ gì.
Mời các bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 11: Đi tìm Tây Tạng |
Tìm dân Tạng ở Lhasa
Tiểu thư Dương và bạn của cô đón chúng tôi ở nhà ga. Cả hai cô đều xinh đẹp, cười rất tươi và choàng vào cổ chúng tôi những vạt khăn lụa trắng, dài. Cầm lấy bó hoa các cô trao mà lòng đầy những ấn tượng tốt đẹp. Tây Tạng đây ư? Xe chạy chừng 20 km thì vào tới Lhasa. Không còn những cảnh tượng mà chúng tôi tận hưởng khi còn ở trên tàu. Những dãy chung cư cao tầng san sát. Những hàng quán bán đủ thứ made in China. Chỉ thỉnh thoảng mới nhìn thấy một vài người Tạng lầm lũi dưới phố. Lhasa đã hoàn toàn được “xuôi hoá”, trông không khác chi hàng vạn thành phố khác của nước Trung Hoa to lớn. Tây Tạng đấy ư?
Các khu phố chính đều là những trung tâm của những người Hán di dân từ khắp các tỉnh của Trung Quốc đến. Dương và bạn cô cũng chuyển từ Trùng Khánh đến chỉ mấy năm nay. Chúng tôi đề nghị tiểu thư Dương đưa đến một xóm người Tạng. Xe của công ti du lịch, nơi Dương làm, phải vất vả lắm mới tìm thấy một xóm nhỏ như thế ở vùng ngoại vi của Lhasa. Theo số liệu thống kê chính thức, hiện có 2,2 triệu người Tạng còn sống rải rác khắp các vùng của Tây Tạng. Hơn 2 triệu khác hiện đang sống ở Nepal, Ấn Độ và một số vùng khác của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư thích đáng để biến một số làng người Tạng trở thành những điểm du lịch, nơi có thể bán vé lên đến 45 tệ, tương đương 90 nghìn đồng Việt Nam cho một khách tham quan. Chính phủ cũng đầu tư để bảo tồn một khu phố Tạng thực sự ở giữa lòng Lhasa. Nơi đó, tập nập khách du lịch và người Tạng hành hương. Những người Tạng cắm cúi bán những tấm thảm lông, những món đồ do chính họ làm. Ở những khu này, trên hệ thống loa công cộng, liên tục phát đi giọng hát của ca sỹ Hàn Hồng, vẫn bài Thiên Lộ: Một con đường như đường trời, do Chính phủ làm vì cuộc sống của người dân… Hải, người hướng dẫn cho chúng tôi, lược dịch lời bài hát.
Mời các bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 11: Đi tìm Tây Tạng |
Theo sách báo Trung Quốc thì ở thời điểm Cách Mạng văn Hoá, có khoảng 2700 ngôi đền ở đây đã bị đập. Nhưng may thay, điện Potala vẫn còn. Điện Potala nằm trên một ngọn đồi cao giữa Lhasa. Điện là nơi tu trì cũng như điều hành mọi việc quốc gia, tôn giáo. Có hai căn phòng thuộc điện Potala được xây dựng từ thế kỷ thứ 7, trong điện hiện vẫn còn nhà mồ của tám vị Đạt Lai Lat Ma.
Tây Tạng vốn là một quốc gia độc lập. Điện Potala được xây để đón công chúa Văn Thành, người được vua Đường Thái Tông gả cho vua của Tây Tạng, Tùng Tán Can Bố như một động thái thắt chặt mối bang giao. Thời đó, người Tạng đã từng nhiều lần tấn công biên giới Trung Quốc. Từ thế kỷ thứ 13, Tây Tạng nhiều lần bị “bảo hộ’ bởi người Mông Cổ, bởi nhà Thanh của Trung Quốc và của cả người Anh. Năm 1912, người Tây Tạng giành được độc lập từ tay người Trung Quốc nhưng cũng chỉ trên danh nghĩa. Từ đó xung đột âm ỉ cho đến năm 1951, sau một biến động mà sách báo nhà nước Trung Quốc gọi là “diễn biến hoà bình”, Trung Quốc bắt đầu tái hành xử các quyền quân sự và ngoại giao ở đây, trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ còn lo các vấn đề nội vụ. Năm 1959, sau cuộc “cải cách dân chủ’, Đạt Lai Lạt Ma và hơn một trăm nghìn người, đa số là các vị chức sắc tôn giáo, chuyển sang sống lưu vong ở Nepal và Ấn Độ. Điện Potala bây giờ đã khác trước nhưng từng đoàn người dân Tạng, trong những bộ đồ truyền thống, gần như không biết tiếng Hoa, hàng ngày vẫn hành hương về đây. Gương mặt của họ không giống lắm với các vị lạt ma ở trong Điện. Họ cũng không hề để ý đến các vị lạt ma mới ấy, cắm cúi lần theo từng bậc thang, hổn hển vuốt ve và hôn từng nắm cửa, từng cạnh bàn, nơi các vị Đạt Lai Lạt Ma của họ đã từng ở. Trong khi, những vị lạt ma mới thờ ơ đánh bài hoặc trò chuyến với những chiến sỹ giải phóng quân Trung Quốc đang ở trong Điện làm nhiệm canh phòng.
Bình Oxy Và “Cuộc Rút Chạy”
Mời các bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 11: Đi tìm Tây Tạng |
Ngay ở Trùng Khánh, nhân viên xe lửa yêu cầu hành khách ký vào một bản cam kết đã kiểm tra sức khoẻ và không có các thứ bệnh như hen suyễn, tim mạch. Chúng tôi ký vào một cách thản nhiên. Đêm đầu tiên của cuộc hành trình, lúc này tàu vẫn chưa lên đến cao nguyên Thanh Hải, nệm êm, gối ấm, ai cũng ngủ ngon. Những khuyến cáo về lượng oxy ở Tây Tạng chỉ bằng 60% mức oxy bình thường chỉ là “chuyện nhỏ”. Đêm thứ hai, sau khi đã đi sâu vào cao nguyên Thanh Hải, sau khi nhân viên trên tàu đã hướng dẫn sử dụng thiết bị cung cấp oxy, sau khi tận mắt thấy các nhân viên ở toa ăn ngồi hít ống thở, chúng tôi vẫn không nhận ra nhiều dấu hiệu khác. Mười một giờ đêm, nhà tàu tắt đèn, leo lên giường nằm. Tự nhiên thấy trằn trọc. Sáng hôm sau, mọi người đều thừa nhận là cả đêm qua chỉ ngủ được rất ít. Có người cho là vì uống trà. Không ai để ý tới một chút nhoi nhói ở sau vai.
Tới Lhasa, việc đầu tiên, tiểu thư Dương dặn dò: “Nếu anh chị chỉ ở dưới một tuần thì không nên tắm gội, tắm ở đây không tốt cho sức khoẻ”. Đêm ấy cả đoàn chỉ có một người ngủ được. Vài người nửa đêm phải chay xuống phòng bảo vệ gọi mua bình oxy. Đầu ai cũng đau như siết. Có một thay đổi rất khó chịu ở trong cơ thể mà không ai biết tại sao. Hôm sau, một người phải bỏ dở cuộc tham quan điện Potala. Dương nói, lúc mới lên ai cũng phải trải qua những cảm giác như vậy, chỉ những người ở lâu, cơ thể mới thích nghi dần.
Đêm thứ ba, không còn chỉ là mất ngủ nữa. Bình oxy cũng không cải thiện tình hình sức khoẻ được lâu. Từ hai bả vai, một cảm giác đau như có ai siết từ vai xuống lưng. Không có thứ thuốc giảm đau nào có tác dụng. Có lẽ vòng kim cô mà Tôn Ngộ Không chịu đựng cũng chỉ đau đến vậy. Cuộc tham quan ngày hôm sau diễn ra trong gượng gạo dù khung cảnh lạ và thức ăn rất ngon. Ai cũng mong nhanh chóng đến giờ ra sân bay. Rất may là chúng tôi đã chọn đường về bằng máy bay. Và, từ lúc ấy, điều mà tất cả mọi người đều lo lắng nhất là, vì một lý do nào đấy, chuyến bay đưa chúng tôi rời Lhasa bị huỷ bỏ. Thật kinh khủng nếu phải ở thêm đêm thứ tư ở nơi này.
(Chuyển thể từ ký sự của tác giả Huy Đức)
- Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet/index.rss
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet/index.rss
,