Dấu Chân Online 13: Men say mùa xuân cao nguyên đá
Cập nhật lúc 14:22, Thứ Tư, 16/06/2010 (GMT+7)
Dấu chân Online
Trở lại Cao nguyên đá trong những ngày cuối năm với đủ cung bậc cảm xúc. Đầu tiên là cảm giác vô cùng mệt mỏi và cả bực mình. Mệt vì chặng đường Hà Nội - Đồng Văn gần 500 cây số với một bên là núi cao, một bên là vực thẳm hun hút. Đầu tôi, người tôi lắc la lắc lư hết bên nọ đến bên kia suốt hơn 10 tiếng đồng hồ với bao khúc quanh mà dân xế chuyên nghiệp vẫn gọi là “cua tay áo”. Bực vì bị bạn “bỏ rơi” giữa miền rừng chỉ vì các bạn “phải quay về Hà Nội họp gấp”. Nhưng trong cái rủi có cái may, vì bị bỏ lại nên tôi có dịp sống với Đồng Văn, với Cao nguyên đá trọn vẹn một tuần. Được thoả sức đi, viết, chụp và … say. Say cảnh, say tình, say những điệu khèn của các chàng trai bản địa và say nữa, thứ rượu Ngô sóng sánh tràn đầy của những phiên chợ miền Sơn cước.
Dù đã có thời gian làm việc khá dài ở Hà Giang, dù đã “đi mòn chân” trên con đường Hạnh Phúc Mèo Vạc - Đồng Văn, “ăn mòn bát” ở Đồn Biên phòng Lũng Cú nhưng đó là những chuyến công tác dài ngày cùng lãnh đạo, những chuyến đi làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, những cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri với bộn bề văn bản, giấy tờ, công việc. Tôi chẳng có chút thời gian nào cho riêng mình, chẳng có chút thời gian nào “sống” với Đồng Văn yêu thương, nơi cực bắc thiêng liêng của tổ quốc một ngày, trọn vẹn.
Sau cuộc trò truyện với anh Nguyễn Đình Dích- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, được biêt Năm 2009, Đồng Văn chính thức đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Phố Cổ Đồng Văn, Cột Cờ Lũng Cú đồng thời Cao nguyên đá đang trong giai đoạn trình UNESCO công nhận là công viên địa chất quốc tế. Tôi quyết định ở lại khám phá Đồng Văn, theo cách của riêng mình.
Dù đã có thời gian làm việc khá dài ở Hà Giang, dù đã “đi mòn chân” trên con đường Hạnh Phúc Mèo Vạc - Đồng Văn, “ăn mòn bát” ở Đồn Biên phòng Lũng Cú nhưng đó là những chuyến công tác dài ngày cùng lãnh đạo, những chuyến đi làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, những cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri với bộn bề văn bản, giấy tờ, công việc. Tôi chẳng có chút thời gian nào cho riêng mình, chẳng có chút thời gian nào “sống” với Đồng Văn yêu thương, nơi cực bắc thiêng liêng của tổ quốc một ngày, trọn vẹn.
Sau cuộc trò truyện với anh Nguyễn Đình Dích- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, được biêt Năm 2009, Đồng Văn chính thức đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với Phố Cổ Đồng Văn, Cột Cờ Lũng Cú đồng thời Cao nguyên đá đang trong giai đoạn trình UNESCO công nhận là công viên địa chất quốc tế. Tôi quyết định ở lại khám phá Đồng Văn, theo cách của riêng mình.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 13: Men say mùa xuân cao nguyên đá - Ảnh: Hà Linh Ngọc |
Không ngồi trên “con ngựa” bốn bánh đắt tiền bóng loáng. Không cả những thứ đồ lỉnh kỉnh mang từ miền xuôi lên miền ngược phòng đói, rét. Tôi đến các bản làng xa tít tắp sau những dãy núi tai mèo trùng trùng lớp lớp bằng chiếc xe máy cũ mượn của anh Bí thư Đảng uỷ xã Sủng Trái và đôi giầy vải cùng chiếc khăn dân tộc mua ở chợ huyện. Một túi kẹo cho trẻ con gặp trên đường. Một vài chai nước- thứ khan hiếm nhất ở vùng cao. Tôi thả mình vào trời mây cùng đá núi. Chiếc máy ảnh không khi nào rời tay, cứ bấm bấm liên hồi. Có lẽ trời thương đồng bào vùng cao thiếu nắng, thiếu sáng (và cả thương tôi nữa- tôi thầm nhủ thế) nên đã cho mặt trời đến bản suốt cả tuần, dù nơi ngút ngàn đá núi này vào mùa Đông, chỉ có thể nhìn thấy mặt trời khi chính ngọ. Mùa Đông ở Đồng Văn thường đến sớm và kết thúc cũng muộn hơn. Đó cũng là những ngày đồng bào các dân tộc nơi đây vô cùng cực khổ. Cái đói, cái nghèo, cái khát cứ triền miên, hết tháng này qua tháng khác Không phải vì dân lười lao động hay ỷ lại nhà nước mà chỉ đơn giản vì khí hậu quá khắc nghiệt. Địa hình Núi non hiểm trở. Đồng Văn có đến 3/4 diện tích tự nhiên là đá, những dãy núi tai mèo chồng chồng lớp lớp. "Cao nguyên đá"- Khách du lịch vẫn truyền nhau thông tin về vùng đất này như một điểm đến đầy hấp dẫn. Nhưng sau đỉnh dốc chín khoanh, sau những hàng sa mộc cao vút trời sừng sững bên dinh thự họ Vương, sau những cung đường uốn lượn trong mây cùng muôn màu hoa khoe sắc mỗi mùa: Hoà Đào, Mận, Lê khi Đông qua Xuân đến, Hoa Bạc Hà, hoa Mua nở tím cả triền đồi mùa Hạ, hoa Tam giác mạch mùa Thu, Hoa Cải vàng rực cánh đồng mùa Đông cùng vô vàn loài hoa dại mà tôi vẫn gọi là hoa không tên có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu trên sườn dốc hay giữa lô nhô đá tai mèo, là cuộc sống vô cùng khó khăn của người dân nơi đây. Nơi mà có đến 5, 6 tháng trong một năm thiếu nước. Nguồn nước cạn kiệt. Rừng không sống nổi vì thiếu đất. Những núi đá tai mèo xám xịt, lạnh lẽo được phủ bởi sương mù, sương muối suốt cả mùa Đông. Nhiệt độ nhiều hôm xuống dưới 0. Trẻ con lớn lên theo kiểu phát triển tự nhiên. Vượt qua được thì sống, sống dai, sống khoẻ. Không vựơt qua được thì cứ thế ra đi, hết đứa này lại có đứa khác, cứ tự nhiên như vậy dù cán bộ có vận động sinh đẻ kế hoạch hay cái chữ đã về đến từng thôn bản từ rất lâu rồi.
Với người dân Đồng Văn, lương thực chủ yếu là Mèn Mén (Ngô xay) vì họ thiếu đất, không có đất để trồng Lúa hay hoa màu. Để có Ngô, đồng bào phải gùi từng gùi đất bỏ vào các hốc đá. Thiếu thốn, khó khăn, đói khổ, đủ đường...
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 13: Men say mùa xuân cao nguyên đá - Ảnh: Hà Linh Ngọc |
Một tuần, tôi không thể đi hết những bản làng xa tít vắt ngang lưng chừng núi của Đồng Văn, không kịp xem những điệu nhảy của các thiếu nữ Lô Lô bên trống đồng cổ, quanh đống lửa. Lỡ hẹn với buổi sinh hoạt văn hoá thôn Thèn Ván, lỡ cả chợ phiên Lũng Phìn, không đến trường học Vần Chải, Sủng Trái thăm lại thầy cô giáo cùng các em học sinh nội trú dân nuôi mà mấy tháng trước đó chúng tôi vừa thực hiện chương trình “Đêm hội trăng rằm” như đã hứa nhưng tôi đã đi, đã đến, đã có được, rất nhiều…
Cuộc gặp các đồng chí bộ đội biên phòng trong trạm tiền tiêu đồn biên phòng Lũng Cú cho tôi hiểu thêm về những khó khăn, vất vả của các chiến sỹ biên phòng trong việc “giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia”, về tình quân dân gắn bó keo sơn dù trong thời chiến hay thời bình. Về phòng khám quân dân y kết hợp mà mỗi khi ốm, người dân chỉ nhất nhất đến “Bác sỹ bộ đội” chứ không chịu đi bệnh viện. Về lá cờ tổ quốc 54m2 phần phật tung bay trên đỉnh núi Rồng mỗi ngày. Thấy thêm yêu quê hương đất nước bội phần.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 13: Men say mùa xuân cao nguyên đá - Ảnh: Hà Linh Ngọc |
Mỗi chiều, tôi lang thang khắp các bản làng, từ Phố Bảng, Sủng Là, Lũng Cẩm, Thài Phìn Tủng, Sà Phìn, Tả Phìn, Hố Quáng Phìn… Những cái tên mà trước đây tôi vẫn tếu táo đùa vui nói rằng “tên gì mà lạ, đọc đau hết cả mồm” ấy giờ quá đỗi thân quen. Ống kính của tôi lướt trên từng góc nhà rêu phong cổ kính, trên những bưc tường trình đất lâu năm với nhiều vết nứt, lướt qua ngói máng thâm nâu, qua bờ rào đá, qua lùm lùm những gốc ngô khô xếp trên nương đồi, xem lẫn giữa những dãy đá tai mèo nhọn hoắt, qua lô nhô hàng Sa mộc, qua những con bò khát nước kêu những tiếng ò ò kéo dài vọng vào vách núi, cả tiếng lục lạc của đàn Dê lẫn trong chiều khói sương bảng lảng. Những mẹ già đứng co ro trong giá rét hướng mắt về xa xăm, những người phụ nữ mang gùi nặng trên vai, tay luôn se sợi mà bước chân nhanh thoăn thoắt, những em bé “nuôi Bò trên lưng’ với gánh cỏ trĩu nặng. Trên đường đến các bản, tôi bắt gặp hình ảnh từ người già, người trẻ, bất kể gái, trai, các em học sinh cấp 2, cấp 3 đến cả những bé 5- 7 tuổi đi bộ hơn 10 cây số, vượt núi, vượt đèo gùi từng can nước về bản. Mũi tôi chợt cay cay khi biết các thầy cô giáo, học sinh cùng toàn thể đồng bào các dân tộc Sủng Trái nói riêng và Cao nguyên Đồng Văn nói chung đang ngày ngày khát nước. “Mùa này, một xe nước về đến Sủng Trái giá 2 triệu đồng, học sinh sắp phải nghỉ học vì thiếu nước”- Anh Chiểu- Bí thư Đảng uỷ xã Sủng Trái buồn bã thở dài – “Biết làm sao khi các nguồn nước cạn kiệt. Toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh mỗi người mỗi ngày có chưa đầy 2 lít nước. Mùa Đông có khi cả tháng mới tắm một lần”. Tôi thầm liên tưởng đến đầy rẫy, thừa mứa kia những cuộc chơi cùng biết bao bữa tiệc xa hoa hào nhoáng nơi phố thị…
Buổi tối, tôi thích đi bộ quanh phố cổ. Không phải ngày rằm, không có nhiều đèn lồng đỏ treo sáng rực trước mỗi hiên nhà, cũng chẳng có những đêm văn nghệ của các diễn viên không chuyên đến từ những bản làng xa tít tắp nhưng phố cổ Đồng Văn vẫn giữ được những nét riêng, rất riêng của góc phố hàng trăn năm tuổi. Những dãy nhà cổ kính chạy theo hình vòng cung dựa lưng vào vách núi sừng sững. Một quán café - điểm hẹn lý tưởng của du khách khi đến với Đồng Văn với ánh đèn dầu hiu hắt chỉ đủ soi rõ mặt người. Tôi chọn cho mình một chỗ gần cửa sổ, ngồi hàng giờ quan sát khách thập phương đến uống café trên cao nguyên đá. Những ngày thường, quán không có các chàng trai, cô gái người bản địa đến hát giao duyên nhưng tôi vẫn nghe lẩn quất đâu đây tiếng khèn gọi bạn, tiếng cô gái Mông cười rúc rích lẫn trong tiếng nhạc khe khẽ phát ra từ chiếc loa nơi góc quán.
Lên Đồng Văn không thể thiếu những buổi chợ phiên. Bởi chợ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế mà còn là nơi giao lưu sinh hoạt văn hoá tinh thần, là ngày hội của đồng bào các dân tộc quanh vùng, là nơi gặp gỡ của các chàng trai, cô gái, nơi bè bạn lâu ngày gặp lại, uống với nhau chén rượu, ăn cùng nhau bát Thắng cố và kể chuyện vui buồn, nơi giao lưu trao đổi hàng hoá, dù chỉ là một con gà, con lợn nhỏ cắp nách, một vài mớ rau cải cay, cũng có thể mang đến chợ. Nhờ đồng chí Lưu Sần Vạn, chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, một người hiểu và nhớ rõ những ngày chợ ở các xã: Ngày Dần, Thân: Chợ Lũng Phìn, ngày Thìn, Tuất: Chợ Phố Cáo, ngày Tý, Ngọ: Chợ Phó Bảng, ngày Tỵ, Hợi: Chợ Sà Phìn, Thứ sáu: chợ Lũng Cú, thứ bẩy: Ma Lé, chủ nhật: Chợ huyện Đồng Văn. Tôi đã có may mắn được đi những phiên chợ vùng cao, lại say, thứ men say mà tôi không thể gọi bằng lời: Say chợ. Say sắc hoa văn của những bộ váy áo, khăn sặc sỡ đủ mầu. Say những đôi má ửng hồng cùng ánh nhìn lúng liếng của các cô gái Mông, Dao, Tày, Giấy, say tiếng khèn mời gọi thiết tha của chàng trai người Mông đang đợi bạn. Say đến ngả nghiêng cái tình người của miền sơn cước. Say, không phải vì Rượu. Lần đầu tiên tôi say thế và cứ muốn say, say mãi thế.
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 13: Men say mùa xuân cao nguyên đá - Ảnh: Hà Linh Ngọc |
Đến chợ, tôi còn được tham gia các trò chơi dân gian của đồng bào: cắt Mía, đánh Sảng, đánh Yến…
Những ngày cuối năm, Cao nguyên đẹp đến lạ thường. Trên khắp các ngả đường: Từ Sủng Là, Phố Cáo, Phố Bảng, Tả Phìn, Sà Phìn, Ma Lé…hoa Mận, hoa Lê, hoa Đào đã bắt đầu khoe sắc. Có thể nói hiếm nơi nào Hoa Đào đẹp như Đồng Văn, những cây đào cổ thụ gốc xù xì, đầy rêu mốc cho những bông hoa to, mầu đậm và đẹp hơn Đào nơi khác rất nhiều. Tôi nhận thấy nơi đây các loài hoa đều rực rỡ hơn, về mầu sắc. Không biết có phải do thiên nhiên ưu đãi cho Đồng Văn khí hậu lạnh bốn mùa hay vì giữa ngút ngàn đá xám, những bông hoa kia như rực rỡ thêm để tô điểm cho bức tranh Cao nguyên thêm đẹp và mê đắm lòng người.
Một mùa Xuân mới đang về. Người dân Đồng Văn tất bật chuẩn bị đón tết. Tết vùng cao thường đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn miền xuôi. Bắt đầu từ tháng 12 âm lịch, nhà nhà con cháu tề tựu đông đủ. Người già lau dọn nhà, dán giấy đỏ lên ban thờ và trước cửa, dán giấy bản lên các đồ vật. Phụ nữ bận rộn chuẩn bị xay Ngô, làm bánh Ngô, Bánh trôi, bánh nếp nhân hạt rau Rền hay hạt Tam giác mạch. Nam giới giúp nhau mổ Lợn, mổ Dê. Trẻ nhỏ xúng xính khoe những bộ áo quần mới vừa được cha mẹ mua ngoài chợ. Một số gia đình vẫn giữ được nghề dệt lanh truyền thống, các bà, các mẹ đã truyền lại cho con cháu dệt nên những chiếc váy áo đủ mầu diện du xuân. Khắp các bản làng vang tiếng lợn kêu eng éc. Nhiều gia đình dành dụm cả năm nuôi duy nhất một con lợn mổ Tết. Lợn thường được mổ trước tết khoảng 1 tháng. Đầu Lợn làm lễ cúng Giàng. Lòng Lợn nấu Thắng cố đãi bà con làng xóm. Thịt được xả ra từng miếng nhỏ, dài, treo trên gác bếp. Thịt Lợn hun khói của Đồng Văn đã thành món khoái khẩu của biết bao người.
Ảnh: Hà Linh Ngọc |
Tôi đi trong gió rét Cao nguyên nhưng thấy lòng thật ấm, thật ấm. Không biết có phải vì: “Tiếng Khèn ai lúc bổng lúc trầm/ Da diết quá cho lòng bối rối” hay vì sức cuốn hút đến lạ kỳ của Đồng Văn- điểm hẹn nơi cực Bắc này mà bỗng dưng tôi ước được trở về thời nông nổi, được có một ngày rũ bỏ những hào nhoáng thị thành, gạt mọi âu lo, quên đi phiền muộn, tôi sẽ về sống với Đồng Văn, với Cao nguyên đá…
Hà Nội - Đồng Văn, những ngày cuối năm 2009
(Dấu Chân Online chuyển thể từ email Hà Linh Ngọc)
Mời bạn Click vào đây để nghe và tải file audio Dấu Chân Online 13: Men say mùa xuân cao nguyên đá - Ảnh: Hà Linh Ngọc |
- Thông tin về địa danh: Hà Giang
(Nguồn: Wikipedia)
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Về phía Bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối.
Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Khí hậu mang nhiều sắc thái ôn đới, chia làm 2 mùa, mùa mưa và mùa khô. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và thị xã Hà Giang.
Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) và ngọn Kiều Liêu Ti (2402m) là cao nhất. Về thực vật, Hà Giang có nhiều khu rừng nguyên sinh, nhiều gỗ quý, và có tới 1000 loại cây dược liệu. Động vật có hổ, công, trĩ, tê tê, và nhiều loại loại chim thú khác.
Dân số
Dân số tỉnh Hà Giang theo điều tra dân số ngày 1 tháng 4 năm 2009 là 724.353 người.
Tỉnh Hà Giang bao gồm 1 thị xã và 10 huyện:
* Thị xã Hà Giang
* Huyện Bắc Mê
* Huyện Bắc Quang
* Huyện Đồng Văn
* Huyện Hoàng Su Phì
* Huyện Mèo Vạc
* Huyện Quản Bạ
* Huyện Quang Bình
* Huyện Vị Xuyên
* Huyện Xín Mần
* Huyện Yên Minh
Lịch sử
Đất Hà Giang xưa thuộc bộ Tân Hưng, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Về sau, Hà Giang nằm trong phạm vi thế lực của ba Tộc tướng xứ Thái. Trong giai đoạn Minh thuộc đầu thế kỷ 15, được gọi là huyện Bình Nguyên, đổi thành châu Bình Nguyên từ năm 1473, sau lại đổi tên thành châu Vị Xuyên.
Vào cuối thế kỷ 17, tộc trưởng người Thái dâng đất cho Trung Hoa, đến năm 1728, Trung Hoa trả lại cho Đại Việt một phần đất từ vùng mỏ Tụ Long đến sông Lô. Năm 1895, ranh giới Hà Giang được ấn định lại như trên bản đồ ngày nay.
Trước năm 1975, Hà Giang có các huyện Đồng Văn, Vị Xuyên, Xín Mần, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Thanh Thủy và Quản Bạ.
Thắng cảnh và Di tích
* Hang Phương Thiện: cách thị xã Hà Giang 7 km (4,38 dặm) xuôi về phía nam. Đây là nơi có nhiều phong cảnh, nhiều hang động tự nhiên. Các loại quả đặc sản: mận, lê, cam, táo và các loại chè tuyết san cổ thụ mọc trên độ cao 900 m (2.700 ft).
* Hang Chui: cách thị xã Hà Giang 7 km (4,38 dặm) về phía nam. Hang ăn sâu vào lòng núi khoảng 100 m (300 ft). Cửa hang hẹp phải lách người mới qua được. Vào trong lòng hang mở rộng, vòm hang cao vút, nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt hang có nhiều dơi, có dòng suối dâng cao đổ xuống thành thác.
* Động Tiên và Suối Tiên: Động cách thị xã Hà Giang 2 km (1.25 dặm). Động có Suối Tiên rất đẹp. Tương truyền xưa, các tiên nữ vẫn thường xuống động này để tắm vào dịp Tết nên được đặt tên là Động Tiên. Nhân dân quanh vùng vẫn thường đến Động Tiên lấy nước và cầu may mắn vào lúc giao thừa.
* Động Én: Động cách thị xã Hà Giang 60 km (37,5 dặm) thuộc địa phận huyện Yên Minh. Từ thị xã Hà Giang qua cổng trời Quản Bạ, qua những cách rừng thông sẽ tới động Én. Hang động còn mang nhiều nét hoang sơ nhưng đẹp.
* Đồng Văn - "Cổng Trời": Là một huyện vùng cao biên giới của Hà Giang. Độ cao vùng khoảng 1.000 m (3.000 ft) so với mặt biển, địa hình hầu như chỉ thấy núi đá. Huyện lỵ cách thị xã Hà Giang 146 km (91,25 dặm) giao thông rất khó khăn. 9 trong 19 xã thuộc huyện có đường biên giới với Trung Quốc. Mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1°C, nhưng mùa hè nóng nhất chỉ khoảng 24°C. Bầu trời hầu như quanh năm mưa và mù nên ở đây người dân có câu: "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày" và "đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng". Đồng Văn có điểm cực bắc của Việt Nam tại xã Lũng Cú. Người ta nói rằng nếu chưa lên Lũng Cú thì coi như chưa đến Đồng Văn, bởi Lũng Cú là "nóc nhà của Việt Nam" nơi mà "cuối mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời". Đồng Văn nổi tiếng về trái ngon quả ngọt: đào, mận, lê, táo, hồng... về dược liệu: tam thất, thục địa, hồi, quế... Đồng Văn còn nổi riếng về phong cảnh như núi non, hang động, những rừng hoa đủ sắc màu...
* Thung lũng Quản Bạ
* Núi đá Mèo Vạc
* Thị xã Hà Giang: Thị xã Hà Giang là một thị xã đẹp nằm trong một thung lũng, bốn bên là núi, có dòng sông Lô chảy qua thị xã. Thị xã Hà Giang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh. Thị xã có khu di chỉ khảo cổ học Đồi Thông nằm ngay trong lòng thị xã, nơi đây đã tìm thấy hàng ngàn di vật từ thời tiền sử và được xác định là một trong những vùng văn hóa sớm nhất của Việt Nam.
* Dinh Họ Vương: Tại huyện Đồng Văn hiện có một điểm du lịch là dinh họ Vương (Vương Chí Sình) thuộc địa phận xã Sà Phìn. Quy mô của dinh không lớn nhưng đây là một công trình kiến trúc đẹp hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này. Đoạn đường dẫn vào dinh chỉ dốc thoai thoải, được lát bằng những phiến đá lớn vuông vức, phẳng lỳ. Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Vòng thành ngoài là một bức tường dày khoảng 40 cm, cao khoảng 2 m (6 ft). Vòng thành trong dày và kiên cố hơn vòng thành ngoài. Cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai. Giữa hai vòng thành là một dải đất rộng khoảng 50 m (150 ft), trồng toàn trúc. Dinh có ba ngôi nhà sàn. Ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba ngôi nhà được làm bằng gỗ, từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều làm bằng gỗ quý. Ngôi nhà chính là nơi ở của "vua" họ Vương, ở đó hiện vẫn còn bức hoàng phi với bốn chữ "Biên chinh khả phong" được vua Nguyễn ban cho. Hai ngôi nhà kia dành cho những người phục vụ và lính bảo vệ.
* Chợ tình Khâu Vai: Chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch tại xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc. Truyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái thuộc hai bộ lạc yêu nhau. Người con gái rất xinh đẹp, bộ lạc của cô không muốn cô lấy chồng sang bộ lạc khác; còn bộ lạc bên chàng trai lại muốn cô về làm dâu bộ lạc của mình. Chính vì vậy mà hiềm khích giữa hai bộ lạc xảy ra. Mối thù của hai bộ lạc càng nhân lên khi tình yêu của họ càng thắm thiết. Một ngày kia, khi người con trai đang ngồi với người yêu của mình trên núi thì nhìn thấy cảnh tượng hai bộ lạc đang đánh nhau rất quyết liệt ở phía dưới. Họ biết tình yêu của họ là nguyên nhân chính. Để tránh đổ máu giữa hai bộ lạc, hai người đau đớn quyết định chia tay và hẹn sẽ gặp nhau mỗi năm một lần đúng vào ngày ấy. Địa điểm gặp nhau tại nơi họ vẫn thường hò hẹn - Khâu Vai. Dần sau đó, Khâu Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho tất cả những người yêu nhau trong vùng. Chợ Khâu Vai ban đầu họp không có người mua, không có người bán. Khoảng mười năm trở lại đây, do nhu cầu cuộc sống nên ngày chợ họp ngoài việc hò hẹn, gặp gỡ, người ta mang cả hàng hóa đến bán ở chợ. Do vậy đến chợ Khâu Vai, người ta cũng có thể mua, bán, trao đổi những sản vật.
- Blog Việt - Nhacvietplus thực hiện
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet
,