Lời cô dạy
(Kết nối Blog) - Cái thời cắp sách đến trường đã qua, qua rất lâu, nhưng ký ức ngày nào vẫn
còn trong tâm trí tôi…
Ảnh minh họa: Tác giả bài viết (st)
Thuở đó, chúng tôi phải băng đồng để đi học, lội bộ khỏang chừng năm cây số để đến trường, cái thuở ngô nghê của đám học trò miền quê sao vẫn còn quá đỗi yêu thương. Khi đó, những đứa đi học như tôi là do… lười biếng ! Kẻ siêng năng thì lên rẫy, ra ruộng, một lao động nhỏ nhưng cũng góp phần đáng kể vào kinh tế gia đình. Không có ai đi động viên để đi học đâu, đi học hay nghỉ học là quyết định của cha mẹ. Dù sao trong đầu óc thơ ngây ngày đó thì đi học vẫn vui hơn và học bài cũng đỡ vất vả hơn làm rẫy!
Cũng rất may là mùa xuống giống hoa màu lại vào dịp hè nên những đứa trẻ con như tôi cũng có thể giúp ba mẹ cày tỉa, lúc vào mùa học thì đã vào vụ hai. Tôi nhớ trong cái xóm nhỏ của tôi chỉ có mình tôi đến lớp, còn xóm trên thì đông hơn, hai xóm cách nhau 3 chủ đất, nhưng chúng tôi cũng chơi khá thân, tôi con cả, còn 2 đứa em chưa đến tuổi đến trường, thằng Tì con út nên cũng chỉ mỗi mình nó đến trường! Còn con Gái và thằng Bé con của ông Năm Biển thì có 2 chị em. Tôi lúc nào cũng là đứa ra khỏi nhà trước tiên, đến xóm trên là hú cả bọn đi cùng. Chúng tôi học chênh nhau, hai đứa học lớp 2, đứa lớp 1, đứa lớn 3. Lúc nào cũng đi cả bọn, vừa đi vừa phá phách la hét om trời.
Trường cấp I của chúng tôi bé tí, mỗi khối chỉ có một lớp. Những tấm ván mỏng được dựng làm vách, lớp học bên này có thể nhìn thấu lớp bên kia qua mấy khe hở giáp mối các tấm ván đóng sơ sài. Vì vậy, đôi lúc cô giáo bên này giảng bài là lớp bên kia có thể nghe cùng. Hôm nào cô giáo bận hay có việc phải nghỉ là phải lo đuổi lớp đó về sớm. Nếu không thì cái lũ học trò chúng tôi nhao nhao ồn ào thì 2 lớp kế bên không tài nào học được.
Thời đó đi học về đứa nào đứa nấy liệng cặp cái đùng xuống phản rồi chạy thẳng vào bếp lục cơm nguội, thấy ba mẹ, là né tới né lui, chỉ có bà nội là chào hỏi. Lúc đi học cùng vậy, nếu ba mẹ không đi làm đồng thì thưa gởi sơ sài: Ba mẹ con đi học, chỉ có bà nội là trịnh trọng: Thưa bà nội con đi học! Vì nội hay cho tiền. Còn nhiều đứa bạn tôi thì có đứa chỉ biết xách cặp đi học đến giờ là lũi về. Cụm từ: “Thưa ba mẹ con đi học” không thường xuyên nằm trong não. Hôm nay cô giáo chủ nhiệm bận công việc. Dạy thay cô là một cô giáo, À không, phải gọi là bà giáo thì đúng hơn vì bà giáo này tuổi gần bằng bà nội tôi, nổi tiếng là khó tính và nghiêm khắc. Cô dạy là cả lớp im re, nghe cái uy của cô là đứa nào cũng sợ chết điếng rồi. Nhưng khác với suy nghĩ của chúng tôi về cô, cô nghiêm khắc nhưng rất tâm lý. Ở tuổi đó chúng tôi đã biết tâm lý là như thế nào rồi. Chúng tôi tròn xoe mắt nghe cô giảng cả buổi. Hôm nay hai lớp kế bên được yên thân vì lớp tôi hôm nay ngoan lạ.
Cuối giờ trước khi cho lớp về cô hỏi :
- Các trò khi đi học về có chào cha mẹ không?
- Dạ có! Cả lớp đồng thanh vang lên!
- Vậy khi đi chơi về các trò có chào cha mẹ không ?
- Dạ có! Chỉ vài tiếng lí nhí vang lên cho … có chuyện! Vì cái này hình như là một đề tài mới đối với những đứa học trò lớp 2 như tôi. Chúng tôi chỉ được khuyên là khi đi học nhớ chào cha mẹ, ông bà. Chứ chưa có cô giáo nào dạy chúng tôi khi đi chơi phải thưa cả!
Cô dành thêm vài phút để giải giải cho chúng tôi về phép chào hỏi, không phải chỉ thưa gởi khi đi học mà còn làm gì cũng phải thưa trình! Cô còn nói: Như cô đây đã hơn 50 tuổi rồi nhưng khi nào cô đi đâu hay làm gì cũng thưa chào mẹ của cô!
Chúng tôi bắt đầu phân vân và hòai nghi ! Cô già vậy rồi mà … cũng phải thưa mẹ cô đi làm sao ? Có khi nào tôi thấy ba mẹ tôi phải thưa gởi gì bà nội của tôi đâu, Thím 7 cũng có khi nào “thưa mẹ còn mới về” dù rằng thím ấy cũng là cô giáo. Không biết cô Hường có xạo không ta! Chứ tôi thấy trong xóm tôi chào đi học chỉ là độc quyền của cấp 1, còn khi đi chơi về thì hình như cụm từ đó quá xa xỉ! Không biết có phải cô Hường có uy hay không mà thắng Bé và con Gái học hai lớp kế bên cũng nghe chuyện cô Hường nói cô đi đâu cũng thưa trình mẹ cô. Bốn cái đầu nhỏ túm tụm bàn tán và đi đến kết luận: Phải đi kiểm tra cô thôi.
Con Gái lớn có nhiệm vụ do thám và dò la tin tức về nhà của cô Hường. Nó không khó khăn tìm ra nhà cô và bày một “âm mưu” để … rình mò. Chúng tôi hẹn nhau ở cổng trường và ù chạy thật nhay để nằm phục kích ở nhà cô. Chia làm 3 hướng để tiếp cận mục tiêu, 2 bên hông là tôi và thằng Tì và sau lưng nhà là con Gái với thằng Bé! Chỉ có ngõ trước nhà là tránh. Chúng tôi len qua hàng rào râm bụt, bò sát vào phía căn nhà nhỏ phên bằng vách dừa. Mỗi đứa ngồi xuổng co mình lại chờ đợi, mấy con muỗi đáng ghét cứ vo ve thật là khó chịu. Trong nhà bà cụ trên 70 tuổi đang nấu cơm dưới bếp. Chúng tôi cứ ngồi yên đợi nhưng cô Hường vẫn chưa về!
- Ê Gái có phải nhà này hông? Sao đợi lâu vậy? Tôi hỏi.
- Chắc cô đi chợ - Con Gái trả lời!
Rồi chúng tôi cũng không phải đợi lâu! Cô Hường đạp chiếc xe củ màu sơn đã xỉn lại, đến trước nhà cô dừng xe và dắt bộ vào nhà. Tim của chúng tôi đập thình thịch, căn nhà nhỏ nên tuy núp ở 3 hướng khác nhau chúng tôi vẫn có thể nghe được tiếng thở hồi hộp của nhau.
Cô lặng lẽ bước vào nhà rồi xuống bếp.
- Thưa mẹ con mới về!
Không xi nhan trước, không một hiệu lệnh! Cả đám chúng tôi ù té chạy, tiếng động làm cô ngạc nhiên và lắc đầu không biết bọn học trò làm gì!
Bốn đứa dừng lại thở hổn hển:
- Cô Hường không nói xạo. Cả đám kết luận. Cái kết luận ngô nghê của những đứa con nít cấp I! Rồi chúng tôi hả hê ra về như khám phá được một điều gì đó lớn lao lắm. Ngày hôm sau thì cả trường đều biết chuyện.
Bao năm trôi qua ! Cứ đến 20/11 là tôi nhớ cô, nhớ bài học ứng dụng của cô, tôi chưa có gia đình để dạy cho những đứa con của tôi. Anh em tôi lúc nào cũng đi thưa về trình. Hành động nhỏ đó của chúng tôi luôn nhận được nụ cười nồng ấm và hạnh phúc của ba mẹ.
- Gửi từ Blog Tuấn Kiệt: Vui vẻ, hòa đồng, thích đùa, đôi lúc đùa hơi quá làm người khác bực mình !
|