,
221
7322
Kết nối bạn đọc
ketnoi
/blogviet/ketnoi/
1147460
Cho tôi về quê nội ăn Tết thuở xưa…
1
Article
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Cho tôi về quê nội ăn Tết thuở xưa…

Cập nhật lúc 09:52, Thứ Sáu, 23/01/2009 (GMT+7)
,

Kết Nối Blog - Ở thành phố phương Nam này, không khí Tết dường như đến sớm hơn. Noel với những cây thông lấp lánh trên tuyết trắng dọn đi là hoa mai đã thấp thoáng vàng trên từng con phố. Người xe tấp nập hối hả như chạy đua với thời gian. Sáng nghe tin gió mùa đông bắc, đi làm thấy ngọn gió se sắt, lá me mỏng rụng tơi bời. Trời xám bạc như sà xuống thấp hơn trên nóc những cao ốc. Tết sắp về rồi. Ở cơ quan, ai quê ngoài đó năm nay về ăn Tết đã đặt mua vé từ lâu. Bao nhiêu năm ở trong này, Tết chỉ thấy nao nao, cồn cào nỗi nhớ. Nhớ Tết ngày xưa, khi còn là một con bé con, niềm vui Tết trọn vẹn bởi không phải gợn chút lo toan. Ai về miền Bắc cho theo với…Cho tôi về quê nội ăn Tết thuở xưa…

 

Ảnh minh họa: Tuấn Anh

 Quê nội tôi là một làng nhỏ và nghèo ở đồng bằng miền Bắc. Cuộc sống phiêu bạt của ông bà nội từ những năm đầu thế kỷ 20 nên bố tôi không sinh ra ở quê và cuộc đời cũng không gắn bó với nơi ấy. Rất nhiều nơi, nhiều thăng trầm gia đình đã trải qua làm nỗi nhớ thương quê hương da diết từ bao năm phiêu bạt sâu nặng lắm đối với gia đình tôi. Hồi nhỏ anh em tôi thích về quê lắm, nhất là được về quê ăn Tết. Năm nào bố me hứa sẽ cho về, bọn tôi háo hức từ trước đó rất lâu. Sắp đến Tết, em tôi còn làm lịch ngược, đếm từng ngày…

Ảnh minh họa: elena 162 - Sắp đến Tết, em tôi còn làm lịch ngược, đếm từng ngày…

Hồi ấy về quê tôi phải đi tàu hỏa hoặc đi xe đạp. Nếu có ý định về quê là phải viết thư hoặc đánh điện báo trước giờ tàu cho các chú để thu xếp người và xe đi đón. Xuống tàu ở ga Ninh Bình hoặc ga Ghềnh, từ đấy về đến làng phải 17 km nữa. Có lần thư điện bị nhầm sao đó, chờ mãi ở ga không thấy ai đón, háo hức được về quê, chúng tôi đòi đi bộ về làng. Đường vời xa với những đôi chân nhỏ mà anh em tôi cứ nhảy chân sáo. Niềm vui rộn rã trên con đường hàng huyện vi vút phi lao, không gian mờ sương khói, cánh đồng vui mắt với rau màu vụ đông các loại đủ màu sắc. Người đi chợ Tết về có bó hoa giấy hay khối vàng mã trang kim lóng lánh. Đi hoài đi mãi, đói bụng mỏi chân ghé vào quán nước bên đường ăn tạm cái bánh chưng, uống bát nước chè xanh ấm ran cả bụng. Ấm cả nụ cười bà lão bán hàng móm mém răng đen khi bọn tôi hý hửng khoe đang về quê ăn Tết. Rồi lại nhẩn nha đi, về đến gần làng mới thấy đoàn xe đạp đi đón.

Nơi chúng tôi về là nhà người chú họ được bố tôi ủy quyền việc chăm lo thờ cúng tổ tiên, lo việc họ tộc. Chú thím reo mừng, ái ngại bằng giọng ngân nga chân chất đặc trưng của quê tôi: “Vầy mà để các cháu phải đi xa thế!”. Trước sân nhà chú có bể nước mưa cuốn vòm, hai bên có hai cây cau, nước mưa theo tàu cau chảy vào bể. Sau bể là cây bưởi đầy hoa trắng thơm ngát. Sân nhà nào cũng vẽ cung tên bằng vôi trắng, có nhà cũng dựng cây nêu. Tết ngày xưa bao giờ cũng rét. Bọn tôi sung sướng nhảy tưng tưng, vật nhau trong ổ rơm dày nóng sực ở góc nhà, quyết không chịu lên giường mà chú thím đã chuẩn bị chăn chiếu chu đáo. Ai hồi nhỏ chưa ngủ ổ rơm không thể hiểu nổi cái thích thú vô chừng ấy của bọn trẻ con thành thị chúng tôi. Ổ rơm chú bện dày dặn, trải chiếu mới lên. Lăn vào nghe lún nhẹ, rơm nếp mới xạc xào, hương thơm ngát. Giấc ngủ ấm êm thơm hương lúa, tưởng như rơm thầm thì kể chuyện cánh đồng từ thuở lúa con gái xanh ngát đến khi như thảm vàng mênh mông nắng gió với sao trời. Giấc mơ sao mà đẹp lung linh…

Ảnh minh họa: SiberianSkies- Giấc ngủ ấm êm thơm hương lúa, tưởng như rơm thầm thì kể chuyện cánh đồng từ thuở lúa con gái xanh ngát đến khi như thảm vàng mênh mông nắng gió với sao trời. Giấc mơ sao mà đẹp lung linh…

Tối 30, nằm cuộn tròn trong ổ rơm, thò cổ ra ngóng chuyện bố và chú tiếp họ mạc đến thăm rồi ngủ thiếp đi. Giao thừa chú đánh thức dậy. Bố và chú mặc áo dài khăn đóng thành kính cúng tổ tiên. Cúng xong bọn tôi được ăn bánh chùng, giống như bánh trôi, ngọt ngào nóng và thơm sực mùi gừng mùi mật, thơm ngậy vừng rang.

Sáng mùng Một dậy sớm rửa mặt nước mùi già thơm nóng. Chú thím chuẩn bị cỗ cúng. Quê tôi có một tục đặc biệt mà tôi chưa thấy ở nơi khác: Sáng mùng Một, khắp đường làng ngõ xóm làng, tấp nập rộn ràng những người đội cỗ đến cúng tổ tiên ở nhà thờ họ. Mâm cỗ được chuẩn bị từ mỗi nhà, tùy gia cảnh, thường thì vợ hoặc con đội mâm cỗ đi trước, người đàn ông chủ gia đình trịnh trọng nâng nậm rượu đi bên cạnh. Mâm cỗ được đặt lên bàn thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng. Tộc trưởng và chủ cỗ thành kính rót rượu, thắp hương khấn. Nhang và hương rượu nếp bây giờ vẫn quyện như một nỗi ám ảnh với người đi xa… Họ hàng rôm rả chúc tụng, hồ hởi vì năm nay có tộc trưởng - ông bác sỹ ở tỉnh thành - về ăn Tết với họ. Bố tôi rạng rỡ thung dung. Cỗ nhà quê với những món cổ truyền, món nấu món canh đựng trong bát chiết yêu. Nhưng miếng giò nạc sao mà ngọt ngon vì lợn nhà giã ngay thịt nóng. Từ thịt lợn, ở quê tôi có đủ thứ giò: Giò lụa là ngon nhất này. Giò nạc có thúc thêm bì gọi là giò pha đanh, chen trong màu hồng nhạt của giò nạc là những hạt bì trong veo giòn sựt. Cả khổ thịt ba chỉ ướp rồi cuộn chặt bằng lá chuối tươi luộc lên gọi là giò cuốn. Giò mỡ hay giò xào có mộc nhĩ ép lại treo lủng lẳng. Đặc biệt có cả giò lòng: màu trắng của ruột, dạ dày…, màu nâu của dồi điểm màu vàng tươi của trứng luộc xếp khéo. Bọn tôi cứ thầm thì: chắc chỉ còn thiếu giò… xương!

Miếng bánh chưng được cái gạo ngon, còn tùy gia cảnh mà nhiều hay ít thịt, đỗ. Có nhà bánh chay, nhân ngọt, bọn tôi thấy lạ, thích thú, nhưng thật ra đó lại là nhà nghèo nhất, không có thịt, thay bằng mật. Và còn rất nhiều loại bánh khác: Bánh mật vuông vắn xinh xẻo gói bằng lá dừa. Bánh nếp dẻo, nhân đậu. Bánh tẻ chắc nịch, khi ăn chấm mật. Còn chè lam, nổ nén thơm mùi mật mùi gừng…

Ảnh minh họa: gocbep.com

Bố tôi dẫn các con đi chúc Tết trong họ. Ông hãnh diện với họ hàng, các con ngượng vì mọi người trầm trồ. Ngượng cả vì sao áo bông em gái lại màu hoa đỏ mới quá, quần anh trai màu cánh trả lại tươi quá. Ngượng cả vì cái đài bố đeo sao lại nói to thế (!). Về quê phải nhớ: không được gọi là “bà” mà thay bằng “mụ”, không gọi “quế” mà “vỏ cay”, “hành” thay bằng “hiềng”…vì đó là những từ húy trong làng… Gặp bất kỳ ai lớn tuổi trong đường làng ngõ xóm đều phải lễ phép chào thưa…

Những đồng hào đỏ mừng tuổi được mang ra đầu làng mua pháo tép, xin chú que nhang đốt đì đẹt, mua xâu táo chua được xiên vào que tre. Qua ngày Tết, chú mua cá tươi về nấu giấm, ăn ghém với rau diếp thái nhỏ tỉa ở vườn nhà. Ngoài trời mưa phùn lất phất và giá rét, cả nhà xì xụp bên nồi cơm mới thơm dẻo đậm đà, nồi canh cá nóng nghi ngút, thịt cá thật ngọt ngon, và đến rau diếp cũng thật mềm thơm! Cả đời tôi chưa được ăn lại bữa canh cá nào ngon thế.

Hết Tết, nhà tôi rời quê với bao bánh đủ loại. Không từ chối được dù đã quá nặng vì có người chạy theo tận đầu làng để biếu, sẽ tủi lắm nếu bố tôi từ chối. Lại một lượt tàu xe vất vả trở về. Lại mong Tết năm sau cũng được về quê…

Tôi lấy chồng, bận rộn rồi phiêu bạt tận phương Nam nên bao nhiêu năm không về quê nội. Nỗi nhớ Tết xưa cứ rưng rưng chiều 30 khi làm xong mâm cỗ cúng tất niên. Không phải vì khói nhang làm mà khóe mắt cứ cay…

Sau 20 năm, tôi về Bắc ăn Tết mới có dịp chở bố về quê. Đường tốt hơn nhiều, cảnh vật nhiều đổi thay. Họ hàng cũng người còn người mất. Quê vẫn nghèo, các cô các chú đi làm ăn xa, Tết cũng mới về. Tôi không ở quê qua đêm nên không còn được nằm ổ rơm thơm, nghe chó cắn biết có họ hàng đến chơi. Quê nội xa vời, ngày xưa cũng xa vời…

  • Gửi từ email Thu Chi - trangthu

Cảm nhận về bài viết mời bạn gửi theo mẫu sau hoặc gửi bài viết, đường link blog muốn chia sẻ về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn (vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu để phản hồi của bạn sớm được đăng)

Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: /rss/vnn_blogviet.rss

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,