,
221
7322
Kết nối bạn đọc
ketnoi
/blogviet/ketnoi/
1158733
Tiếng chó sủa trong đêm vắng
1
Article
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Tiếng chó sủa trong đêm vắng

Cập nhật lúc 10:24, Thứ Hai, 09/02/2009 (GMT+7)
,

Kết Nối Blog

Lời tác giả: “Xin cảm ơn người đã kể câu chuyện này cho tôi . Xin gửi tặng câu chuyện này tới những người thân yêu nhất đời tôi. Bố Mẹ và anh chị em tôi. Con Yêu mọi người tha thiết! - Rô Con

Bão...

Năm giờ chiều...

Như thường lệ T giúp mẹ chuẩn bị hàng ra đầu ngõ bán. Vì nhà trong ngõ nên phải ngồi nhờ mặt đường nhà hàng xóm. Hồi đó thông tin dự báo thời tiết còn chưa phát triển như bây giờ nên nắng mưa thế nào khó đoán trước được. Nhưng hôm nay, ngay từ chiều, mẹ T đã nhìn thấy những đám mây u ám trên bầu trời và ngửi thấy mùi nồng của bão.

Biết làm sao, tất cả vì miếng cơm manh áo, mẹ T vẫn phải dọn hàng bán, vì nếu không, tất cả đồ ăn đều hỏng hết, không để đến sáng mai được. Mẹ T bán bánh đa đêm cho công nhân quanh phố. T lúc đó 12 tuổi, bố T đi vắng, nhà chỉ còn lại 4 mẹ con. Tất cả đều trông chờ vào quán bánh đa của Mẹ. Hai em T nhỏ, T là chị cả nên phải đảm đang mọi việc, giúp mẹ và trông em.

Tối nay trời trở lạnh, lạnh đầu mùa của miền Bắc ẩm ướt mùi đất và gió. Hai mẹ con ngồi thui lui góc quán, bao bọc bởi mảnh bạt đơn sơ, cũ rách, chỉ đủ che hai mặt. Ngày đó điện hiếm lắm, dùng đèn dầu là chủ yếu. Quán của mẹ T chỉ hiu hắt sáng với hai ánh đèn dầu.

Gió bắt đầu thổi. Ngọn đèn dầu nhỏ rung chuyển, nhảy múa.

- Mẹ, mình dọn hàng vào không, trời lạnh, gió quá, chắc không ai đi ăn lúc này đâu ạ!

- Con chờ chút, trời lạnh, sẽ chóng đói, mọi người chờ qua cơn gió sẽ đi ăn thôi, giờ mà dọn hàng, thức ăn hỏng hết lấy gì đóng tiền học và nuôi con với hai em

- Thế bao giờ bố về hả mẹ?

- Sắp thôi, con và các em ngoan bố sẽ về.

- Mẹ nói câu này bao nhiêu lần rồi, hai năm có thấy bố về đâu ạ!

Mẹ T lặng im không nói, đưa tay xoa đầu con còn nhỏ dại mà lòng xót xa. Nhớ chồng, thương con, mẹ chỉ biết làm lụng kiếm tiền nuôi chúng ăn học. Sáng đi làm xí nghiệp, chiều tối về lại tranh thủ bán bánh đa. T phụ mẹ vất vả không kém, mẹ thương T lắm.

Gió thổi càng lúc càng mạnh hơn ...

Bụp! Chiếc đèn dầu đổ lăn xuống bàn, dầu đổ tràn hết vào thức ăn, những chiếc móng giò, vịt và mấy con gà đang nằm chỏng chơ đợi khách!

- Mẹ ơi, gió to quá, con sợ lắm, mình dọn hàng đi về đi, hai em ở nhà chắc cũng sợ lắm! - T sợ quá khóc thét

- Con về trông hai em, kẻo chúng khóc, mẹ dọn dẹp rồi về sau - Lòng người Mẹ càng rối bời

T chạy vội vàng ra khỏi quán theo phản xạ nỗi sợ quán bị gió thổi tung. T chạy rất nhanh băng qua đường bỗng bước chân như muốn dừng lại. T chạy chậm dần...chậm dần: “Mẹ có một mình ở đó với con gió to và lạnh. Mẹ chỉ có một mình thôi...chỉ một mình Mẹ thôi”.

T cứ đứng lặng thật lâu nhìn dáng Mẹ gầy xương xương đang loay hoay lau từng vệt dầu trên từng chiếc móng giò, những con gà. Gió vẫn thổi và dường như gió không hiểu sự cố gắng của Mẹ, gió thổi càng mạnh hơn .

T chợt òa khóc...

Mẹ!

Ảnh minh họa: epsdesign

10 năm sau ...

Em T đã lớn, Bố mẹ T muốn cho em lên thủ đô học đại học. Trước đây vì thương con, không muốn xa con và không muốn con phải học xa nhà, vất vả nên T và em trai không theo đại học. Nhưng H khác, em nghịch ngợm hiếu động từ nhỏ, thông minh, ham học hỏi và hiếu chiến. Bố T đặt nhiều hy vọng nơi em lắm. Nhà không đủ kinh phí nuôi em học xa, tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền học phí, đủ thứ tiền, Bố Mẹ T biết xoay sở thế nào? T và em trai không đồng ý cho H lên đại học, sợ bố mẹ thêm vất vả. Nhưng bố mẹ quyết tâm ủng hộ em, bố mẹ tìm mọi cách lo cho em đàng hoàng. Mẹ muốn bán phở để kiếm thêm chút tiền. Quán phở được mở ngay cạnh nhà.

Lâu rồi, nhà T sống đầy đủ yên ổn, hàng xóm nhìn thấy phong cách sống của gia đình T đều nghĩ gia đình giàu có. Bố mẹ đàng hoàng, đĩnh đạc và không để con cái thiếu thốn gì bao giờ. Mẹ T từ lâu không phải vất vả, chủ một quán, một cửa hàng khá đông khách nhưng thời gian gần đây, khách quen chuyển nhà nên quán cũng có phần vắng vẻ hơn. Bây giờ, Mẹ lại phải ra ngoài bán thêm phở. T hiểu tâm trạng bố mẹ lắm. Bố mẹ bao giờ cũng đặt tự trọng và phong cách sống lên hàng đầu, giờ vì giúp em bố mẹ phải lăn lộn cuộc sống như bao người khác, phải phục vụ người khác ...Càng nghĩ T càng xót xa.
 
Tối nay đông khách. T cùng em muốn ra giúp mẹ mặc dù biết mẹ sẽ đuổi hai chị em vào. Mẹ vẫn luôn thế dù khó khăn, vất vả đến mấy cũng nhận hết về bản thân mình, không bao giờ muốn con cái phải khổ vì bất cứ điều gì. Mẹ không muốn hai chị em ra phụ mẹ...Mẹ muốn giữ thể diện cho các con! Còn thể diện của mẹ thì sao, mẹ ơi! Nhưng T biết, bố mẹ sẽ vui hơn khi các con nghe lời họ, và khi bố mẹ vui vẻ thì dù có khó khăn, nhọc nhằn đến mấy, bố mẹ cũng thấy nhẹ tênh.

T dẫn em vào nhà. Văng vẳng bên ngoài dội vào những tiếng nói cười của khách đến ăn, tiếng Bố hỏi mời khách, tiếng mẹ rao bán hàng. T ôm lấy em, hai chị em không bảo nhau mà nước mắt cùng rơi.

Đã muộn rồi, 12 giờ đêm...Không còn tiếng khách nữa. Hai chị em vội chạy xuống nhà muốn cùng bố mẹ dọn hàng vào. Mẹ đuổi hai chị em đi ngủ, ở đây có bố giúp mẹ rồi. Năm nay Mẹ ngoài 50 còn bố xấp xỉ tuổi 60. Nhưng không hiểu động lực nào giúp bố mẹ khỏe đến thế để sáng sớm mai bố mẹ lại cùng nhau thức chuẩn bị hàng, nấu nước dùng, luộc gà. Đêm tối, cùng nhau lách cách dọn bạt, bê bàn...

Đêm tĩnh lặng lắm. Hai chị em chưa ngủ. Nghe tiếng bố mẹ loay hoay bên ngoài dọn dẹp. Phải nhẹ nhàng lắm, vì đêm rồi, hàng xóm cần đi ngủ. Bỗng nghe tiếng rầm như tiếng chiếc bạt rơi nhanh xuống đất. Tiếng chó sủa ầm ĩ, con chó đáng ghét sủa mãi. T và em không dám dậy vì sợ bố mẹ mắng nhưng hai chị em cảm nhận rõ ràng sự lúng túng của bố mẹ khi vội vàng nhặt tấm bạt lên, nhẹ nhàng cuộn lại...

Chủ nhà con chó tỉnh giấc, quát ầm ĩ cho con chó ngừng sủa, bắt đầu giọng mỉa mai:

- Đêm tối thế này còn lọ mọ, già rồi còn ham kiếm tiền.

Tim T đau nhói, nước mắt tuôn dài. T thầm hận bản thân mình không làm gì giúp bố mẹ được, phải để bố mẹ tuổi này còn vất vả và nhịn nhục thế. T hận mình bất lực.
 
Ảnh minh họa: Afihara
 
Từ đêm đó T thù ghét tiếng chó sủa vì nó chạm đến nỗi đau vô bờ bến của T. T hận tiếng chó sủa, T hận mình. Nhưng không hiểu sao tiếng chó sủa trong đêm ấy đồng thời mang đến cho T một cảm giác êm đềm, hạnh phúc. Lồng trong tiếng chó sủa là những tiếng cười nói vui vẻ và lời quan tâm của Bố dành cho Mẹ. T có cảm giác Bố mẹ dường như không hề mệt, tiếng cười nói của họ nồng ấm và hạnh phúc. Tiếng chó sủa gợi lên hình ảnh hai ông bà cùng nhau nấu nồi nước dùng, cùng nhau luộc gà, cùng nhau bê bàn, dựng bạt, cùng nhau lo lắng mỗi khi vắng khách, cùng nhau vui vẻ mỗi khi bán được hàng, rút kinh nghiệm cho nồi nước dùng ngày hôm sau!

Từ nhỏ đến lớn, T luôn cảm nhận được tình yêu Bố dành cho Mẹ. Bố yêu Mẹ nhiều lắm, yêu nhiều hơn cả con cái. Bố mẹ luôn bên nhau trong mọi hoàn cảnh, cùng nhau vượt qua những ngày khó khăn thời bao cấp, chiến tranh. Cùng nhau cố gắng làm việc nuôi hai bên nội ngoại, cùng nhau dạy dỗ con cái. Dù trời có sập xuống, Bố mẹ cũng đưa cao tay đỡ, che chở cho những đứa con của mình, dù phải vất vả, dù phải nhịn nhục và bị mất sĩ diện, bố mẹ luôn đặt những đứa con của mình lên hàng đầu.
 

Khi bố mẹ phải ra bán phở là cú sốc không chỉ đối với chị em T mà còn là cú sốc đối với Bố mẹ. Nhưng Bố mẹ vẫn gạt bỏ tất cả vì con, vì chị em T. Dù lúc đói nhất, bố mẹ già cả cũng nhịn và nhường miếng ngon cho con. Dù phải khổ nhất, vất vả nhất, bố mẹ không để chị em T phải đụng tay bất cứ việc gì, càng không phải ra đời bon chen kiếm sống như bao gia đình khác, mặc dù nhà T không thật sự giàu có gì.


Bố mẹ luôn muốn xây dựng cho các con một tuổi thơ bình yên và no ấm. Phần đắng cay bố mẹ nhận về...Tiếng chó sủa trong đêm vắng gợi lên nỗi xót xa sâu thẳm trong tim T nhưng đồng thời cũng gợi lên niềm tin vào sức mạnh tình yêu của Bố mẹ T - một niềm tin mãnh liệt vào sự đồng tâm, đồng lòng của hai tâm hồn yêu thương nhau thật sự! Và T lớn lên trong tình yêu thương mãnh liệt ấy. Một tình thương yêu hòa trộn trong dòng máu T theo ngày tháng, ngấm vào xương, vương vào tủy đến suốt đời.

Gửi từ Blogger Dog Con
 
  • Vài nét về Blogger Dog Con: “Một chú Chó lao về phía bạn, khó mà biết được nó sẽ vui mừng liếm mặt bạn hay lại cắn cho bạn một nhát đau điếng”

Cảm nhận về bài viết mời bạn gửi theo mẫu sau hoặc gửi bài viết, đường link blog muốn chia sẻ về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn (vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu để phản hồi của bạn sớm được đăng

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,