Thúc giục yêu thương
Kết nối Blog - Tôi đang học sống mỗi ngày. Tôi được dạy dỗ để yêu thương, kính trọng cha mẹ suốt cuộc đời. Để rồi tôi lại tiếp tục học để yêu thương những đứa trẻ của mình, người đàn ông của mình và những con người gần gũi khác mà tôi có được từ các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng…
Cuộc sống không đẹp như cổ tích. Nhưng những điều tưởng như không có thật vẫn diễn ra hàng ngày. Đơn giản chỉ là con người có tạo ra hoặc để ý đến nó không thôi. Cuộc sống mang đến cho con người khả năng yêu thương vô điều kiện, yêu thương cả những người không phải máu mủ, ruột già của mình. Ba mẹ của tôi trước khi yêu mến nhau, cùng vượt qua biết bao gian khổ trong đời cũng từng là người xa lạ đấy thôi. Sao mãi tận bây giờ tôi mới nhận ra điều đó?
Ảnh minh họa: Rippah2 |
Bài học thứ nhất: Yêu thương là tự thân và không mong đợi đền đáp
Anh chọn một tỉnh miền núi để sống và làm việc sau khi tốt nghiệp Đại học ở Hà Nội. Công việc của anh là nghiên cứu văn hóa các tộc người. Tham gia các dự án bảo tồn, anh đi xuống các làng bản heo hút để cùng ăn, cùng ở, cùng sống cuộc sống của người dân và làm khoa học. Chẳng học sư phạm ngày nào nhưng anh vẫn đứng lớp dạy chữ và dạy những kỹ năng đơn giản cần thiết khác cho cuộc sống của họ. Cùng họ gò lưng làm đường, chẻ tre rào dậu hoa màu… Anh sống một cuộc sống thiếu thốn và lấy yêu thương để bù đắp lại cho mình.
Tôi quen anh tình cờ và cũng chỉ trao đổi, liên lạc với nhau qua email, điện thoại. Một ngày tình cờ, anh nhờ tôi dịch nội dung email anh viết và gửi cho Sabine, một cô gái 28 tuổi người Israel để hoàn thiện thông tin cho bài báo đang viết dở của mình. Một ngày sau, tôi nhận được nội dung thư của cô gái kia do anh chuyển lại nhờ tôi dịch tiếp. Và đây là câu chuyện của cô gái mang tên Sabine.
Sabine đến Sapa Việt Nam thực tập chuyên ngành mà cô đang học: du lịch lữ hành. Sabine được nhận thực tập 6 tháng tại khách sạn Châu Long ở Sapa. Cô tranh thủ khám phá vẻ đẹp của Sapa khi có thời gian rỗi. Trong những lần lọ mọ một mình quanh quẩn trên núi Hàm Rồng, Sabine gặp bé Pan. Bố mẹ Pan nghiện nặng và có thể chết lúc nào không biết trước. 9 tuổi, Pan không đi học mà lang thang bán hàng rong quanh thị trấn Sapa.
Sabine đã đưa Pan về nơi mình ở, chăm sóc Pan, đưa Pan đi làm các xét nghiệm sức khỏe và liên hệ với chính quyền giúp đỡ Pan. Sabine tìm mọi cách và nỗ lực hết sức mình để đưa Pan đến trường vì Pan không có gì dù chỉ là tờ giấy khai sinh. Pan đón nhận tất cả những gì Sabine mang đến tự nhiên vượt qua cả những rào cản về ngôn ngữ. Những đổi thay của Pan do Sabine mang đến có lẽ là một bước ngoặt của cuộc đời cô bé người dân tộc có phần may mắn này.
Đến ngày phải về nước Sabine tìm đến một người bạn là phóng viên chuyên đề của Đài Truyền hình Việt Nam và nhờ tiếp tục chăm sóc và theo dõi cuộc sống của Pan. Vì cô lo sợ, khi không còn cô ở đây nữa, cuộc sống của Pan sẽ trở lại như cũ.
Trong email gửi cho anh bạn tôi cô viết: “Tôi thực sự đã khóc khi nhận được email của anh. Tôi hạnh phúc lắm vì có nhiều người quan tâm đến câu chuyện về cuộc sống đầy bất hạnh của những đứa trẻ ở Sapa. Bây giờ tôi không có đủ tiền để đến Việt Nam nhưng câu chuyện của Pan làm tôi suy nghĩ hằng đêm… Tôi thực sự lo lắng khi gần đây không nhận được email của bạn tôi cập nhật tình hình của Pan cho tôi biết. Vì khi Pan ốm hoặc lên cơn, Pan sẽ không thể đến trường. Tôi mong muốn một ngày tôi có thể chăm sóc cho Pan tốt hơn. Nhưng thực tế là lúc này đây, cuộc sống của tôi cũng có rất nhiều khó khăn. Tôi cũng sinh ra trong một gia đình nghèo khó và thật tiếc tôi không có đủ những gì tôi mong muốn dành cho Pan. Tôi hy vọng có thể trở lại Việt Nam vào mùa hè năm nay để tiếp tục chăm sóc cho Pan”.
Chẳng ai có thể bắt người khác yêu thương mình. Bởi yêu thương là tự thân và yêu thương thúc giục người ta làm những việc cần phải làm không chờ đợi đáp lại, không toan tính thiệt hơn.
Ảnh minh họa: Quốc Minh
Bài học thứ hai: Làm một điều tốt cho người khác là mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Tôi nhận được một lá thư của hội du học sinh Việt Nam tại Sydney kêu gọi tham gia cuộc đi bộ quanh khu vực trung tâm thành phố nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. Cuộc tuần hành, gây quỹ này do cô gái Petta Patterson 22 tuổi khởi xướng. Mấy ngày sau, tôi tình cờ đọc được bức thư riêng của Petta Patterson gửi cho thầy giáo hồi đại học của tôi trên blog của thầy. Lúc đó, tôi mới biết Petta cũng là một nạn nhân của chất độc da cam. Tất cả các chị, em gái của Petta cũng đang phải chịu đựng nhiều di chứng khác của thứ chất độc chiến tranh này.
Bố của Petta là một cựu binh người Úc và theo những thỏa ước của chính phủ Úc – Mỹ, ông bắt buộc phải tham gia cuộc chiến tại Việt Nam những năm 1970. Tôi cứ tưởng những nối đau của chiến tranh dần qua đi nhưng thực tế khi đọc thư của Petta, tôi mới nhận ra nỗi đau đớn vẫn cứ diễn ra âm thầm, dai dẳng và ám ảnh cả những con người, những thế hệ không hề trải qua chiến tranh dù chỉ một giây một phút.
Petta vẫn sống nỗ lực từng ngày với công việc của mình tại tiệm đồ ăn nhanh của Mc Donald, đi học ngôn ngữ cử chỉ ở trường TAPE (Petta bị khuyết tật phát âm và không thể nói như người bình thường). Cô bé cho rằng mình là một nạn nhân may mắn vì vẫn còn có thể làm một vài điều mình thích, có điều kiện để sống tốt hơn so với rất nhiều nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam mà cô biết qua những thước phim của bạn bè và trên internet.
Petta sợ một ngày, những số phận như cô và bất hạnh hơn cô bị lãng quên, bị nhìn vào một cách vô cảm. Petta muốn làm một điều gì đó cho chính mình và để giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ ở Việt Nam xa xôi. Cô thừa nhận sáng kiến về hành trình cam mang lại cho cô cảm giác hạnh phúc, niềm tin yêu cuộc sống. Petta mong sẽ đến Việt Nam vào năm tới và những nguồn quỹ do cô gây dựng được có thể giúp đỡ một số người đồng cảnh ngộ có cơ hội được sống đúng nghĩa.
Lúc tôi 22 tuổi, tôi không nghĩ, không làm được thế dù tôi là một người bình thường. Cô gái ấy cho tôi nhận ra rằng làm một điều tốt cho người khác là mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Ảnh minh họa: JelloCloned_raee |
Bài học thứ ba: Yêu thương cũng có những lý lẽ về sự công bình
Đào Anh Huấn – Michael Đào là chồng bạn gái thân của tôi. Anh là bác sỹ đa khoa. Tôi chưa thấy chàng trai nào yêu thương, quan tâm chăm sóc bạn tôi như anh. Khi bạn gái tôi ốm, anh đang làm việc ở một thành phố cách xa nơi bạn gái tôi ở hàng trăm kilomet ấy vậy mà giữa đêm tối, anh cũng cố gắng bắt tàu để có thể biết cụ thể tình hình sức khỏe cô ấy thế nào trong thời gian sớm nhất.
Thế nhưng anh rất thẳng thắn nói với tôi, có mặt cả cô bạn tôi và một vài người khác nữa:
“Anh rất yêu vợ anh. Dù vậy, giả sử có một ngày, vợ anh bị mệt hoặc ốm. Anh đang đi trên đường đưa vợ tới bệnh viện để anh kiểm tra sức khỏe và kê thuốc, nếu anh gặp một người khác trên đường đi mà bệnh tình người đó nguy kịch hơn hoặc thậm chí ngang bằng anh sẽ cứu người ấy trước. Nếu điều giả dụ này có xảy ra trong đời, anh sẽ làm như thế. Vợ ơi, em đừng nghĩ rằng anh không yêu vợ, anh thương người lạ hơn nhé! Đó chỉ là lẽ phải anh nên làm mà thôi”.
“Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Mình vẫn tâm niệm thế và đương nhiên sống thế vì không thể yêu thương người khác nếu không biết yêu thương bản thân mình, gia đình mình… Nhưng tình yêu thương chỉ hẹp hòi, ích kỷ với những mối quan hệ xung quanh thôi thì chẳng bao giờ lớn lên được. Bởi bản thân sự thương yêu luôn chứa đựng sự bao dung, không giới hạn và luôn có những lý lẽ thuộc về sự công bình.
- Gửi từ email Khánh Thương – khanhthuong13
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn
Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: