228 - H.0
Blog Việt
228 - H.0 – là địa chỉ ngôi nhà cũ của gia đình tôi. Hơn 20 năm đã qua, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên được ngôi nhà đó. Bao kỷ niệm một thời lại ùa về mỗi khi ai đó trong gia đình tôi nói “Hai hai tám hát không”…
Nhà ông bà nội tôi ở một ngõ trên phố Hàng Bông, chật chội quá nên từ khi mẹ sinh em bé, 3 mẹ con tôi phải về “ở nhờ” nhà ông bà ngoại trên phố Hàng Bút, bố tôi ngày đi làm, tối sang ăn cơm cùng 3 mẹ con, và đêm thì về Hàng Bông.
Dạo tôi đang học kỳ II lớp 4, một hôm mẹ tôi phấn khởi khoe “Gia đình mình sắp có nhà riêng rồi nhé! Không phải đi ở nhờ nữa, bố mẹ và các con sẽ không phải xa nhau nữa”.
Tôi háo hức lắm. Dẫu ngôi nhà không như trong tưởng tượng của tôi nhưng quan trọng là tối tối, hai chị em tôi sẽ có cả bố, cả mẹ. Đó là một ngôi nhà cấp 4 ở khu tập thể TM. Dạo đó, một ngôi nhà cấp 4 thường có diện tích 24m2, bố tôi được cơ quan phân cho một nửa đằng trước là 12m2, cộng với một ít sân ở đằng trước. Nhà trước và nhà sau được ngăn bằng một bức tường thấp, nên mọi lời nói, hoạt động của hai nhà đều có thể biết được. Nhà tôi chật lắm, chỉ kê được một cái giường đôi, một tủ quần áo và một tủ sách bé tý tẹo, phía trên đặt chiếc tivi đen trắng. Cạnh đó là chiếc bàn nhôm có 6 ghế nhôm do cơ quan bố tôi phát. Khi nào không ngồi, lại nhét cả 6 chiếc vào gầm bàn. Chưa có nhà bếp, nhà tắm, còn nhà vệ sinh thì phải đi cách đó một cây số. Bố tôi là người khéo tay và cũng là người có óc sáng tạo. Ông mua cót ép, giấy dầu về để làm nhà bếp. Nhà bếp cũng nhỏ nhỏ xinh xinh. Ông làm một cái xích tông. Phía trên để hai cái bếp dầu, phía dưới là gầm đặt can dầu hoả. Ông đóng một cái chạn nhỏ, để bát đũa, thức ăn. Cạnh đó là chỗ đặt vài cái xô, chậu. Cạnh nhà bếp, ông dựng một nhà tắm cũng bằng cót ép nhưng không mái. Chẳng thế mà hôm nào trời mưa, cả nhà cũng nhịn tắm luôn.
Chiếc chậu do bố tôi tự chế tạo đã theo tôi từ ngày còn học cấp 1- Ảnh: Tác giả bài viết cung cấp |
Lại nói về góc học tập của tôi. Bố tôi đóng cho một chiếc bàn… treo. Mặt bàn là một mảnh gỗ to gấp đôi cái bàn phím vi tính bây giờ. Bàn không có chân mà được treo sát tường. Khi nào học, tôi sẽ lật nó ra và có một cái giá đỡ cũng được bố tôi đóng sát vào tường. Bố tôi đóng mấy cái giá sách treo trên tường, để xung quanh nhà, chỗ nào có thể để được là ông lại treo giá sách ở đó. Chả thế mà hàng xóm sang chơi, bảo nhà tôi “giàu” nhất khu, toàn thấy chữ là chữ. Các anh chị trong khu, hoặc các bạn cùng lớp tôi thỉnh thoảng lại đến nhà tôi mượn sách. Tôi cẩn thận lắm, làm một danh sách ghi tên người mượn. Tôi nhớ một câu danh ngôn, đại khái là “Ai cho người khác mượn sách là ngu, nhưng người trả lại sách còn ngu hơn”, nên tôi cứ phải yêu cầu người mượn ký tên và ghi rõ ngày mượn ngày trả.
Nói thêm về đồ dùng trong gia đình tôi. Vì bố tôi là người khéo tay, nên hầu như tất cả mọi thứ đều do bố tôi “ chế tạo”. Để tôi thử “điểm danh” xem nào: Cái tủ quần áo là bố tôi đóng, cái bàn học của tôi, giá sách,… bàn ghế gỗ, chạn bếp, rồi xô, chậu, quang gánh, móc gánh, mắc áo. À, ngày đó, mắc áo chưa bày bán nhiều như bây giờ, tôi thấy nhà nào phơi quần áo cũng chỉ toàn vắt lên dây và cặp lại. Nhưng như thế sẽ rất tốn diện tích. Bố tôi chế tạo được khoảng 2 chục chiếc mắc áo, dây phơi bố tôi cũng chăng nhiều và mấy tầng. Tầng cao để phơi quần áo (sẽ dùng một cái que hoặc sào để lấy và treo mắc áo lên dây), tầng thấp để phơi chăn, chiếu… Tôi còn nhớ hai chiếc bếp dầu do bố tôi chế tạo thì đảm bảo chỉ có “duy nhất trên thế gian này”. Tả nó thế nào nhỉ, to gấp đôi, gấp rưỡi cái bếp dầu to đang bày bán ở chợ bây giờ. Nó tròn ung ủng và trông ngộ lắm. Chỉ tiếc là ngày đó tôi lại không nhờ ai chụp ảnh để bây giờ có thể khoe với mọi người. Khi đó, ai đến chơi cũng ngó hai cái bếp dầu. Trầm trồ, chỉ chỏ, mà dùng thì thích lắm, dùng mãi không phải đổ dầu, lại còn lửa to và xanh, nên nhà ai mà cần làm cỗ bàn gì, cũng hay qua nhà tôi mượn bếp. Có năm, nhà tôi gói bánh chưng, dùng hai bếp dầu đó mà bánh vẫn dền và xanh lắm.
Ở khu tập thể tôi ngày đó, nền nhà của gia đình nào cũng được lát gạch men, nhưng riêng dãy H.O là dãy riêng, mới thành lập nên nhà nào lo lát của nhà đấy. Thế là nhà thì lát gạch men, nhà thì láng xi măng, nhà tôi thì chỉ có “nguyên bản” là gạch thường (gạch mà người ta vẫn dùng để xây tường). Hai chị em tôi lúc nào cũng mơ ước có nền gạch men để có thể “kềnh kếnh cang” mỗi khi trời nóng bức. Nhưng ước thì ước thế thôi, hai chị em tôi cũng chỉ chia sẻ với nhau, chứ không vòi bố mẹ. Cả nhà được sống cùng nhau thế này là hạnh phúc lắm rồi!
Ảnh minh hoạ: archi.vn |
Gia đình tôi sống ở đó được hơn 3 năm thì bố tôi được cơ quan phân cho một ngôi nhà rộng 24m2 thuộc dãy khác nhưng cũng ở khu tập thể đó. Chuyển sang nhà mới, tôi không phải đi gánh nước nữa, không phải lo “nhịn tắm” mỗi khi trời mưa, không phải đi vệ sinh cách nhà một cây số, được tha hồ lau nhà và lăn kềnh cang khắp nơi, cũng không phải nằm chung cả nhà trên một chiếc giường 1,6m x 2m. Nhưng dù ở đâu, tôi cũng luôn có những kỷ niệm về ngôi nhà của mình, về những khó khăn mà gia đình tôi đã từng phải trải qua, và tôi cũng luôn nhớ những người hàng xóm luôn “tối lửa tắt đèn có nhau” như gia đình bác Chiến, bác Nga – Giang mà sau này nhận tôi là con nuôi. Vâng, mùa hè sẽ bớt nóng, mùa đông sẽ bớt lạnh, khi có những người hàng xóm chân thành ở bên cạnh.
Bạn ơi, chúng ta hãy luôn là người bạn tốt, người đồng nghiệp tốt, người hàng xóm tốt… Cuộc sống không quá dài để ta có thể nhận ra điều này, điều nọ, để ta có thể sửa việc này, thay suy nghĩ kia.
Hãy chân thành bạn nhé
Cho cuộc đời vui vẻ
Cho tâm hồn trẻ khoẻ
Giữa cuộc đời bề bộn sự lo toan…
- Gửi từ Blogger August Pink: “Hãy yêu những gì mình có!”
Tôi viết về Thần Tượng - tham gia ngay để nhận giải thưởng và cơ hội gặp gỡ thần tượng âm nhạc của bạn! |
Dù bạn đang dùng dịch vụ Blog nào, Blog Việt vẫn là người bạn đồng hành cùng cộng đồng Blogger Việt. Hãy chia sẻ những bài viết và đường link blog hay bạn muốn chia sẻ tới chúng tôi như thường lệ bằng cách gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: feed://vietnamnet.vn/blogviet/index.rss
Ghé thăm FaceBook của Blog Việt