Mẹ và con dâu
Mẹ là người rất đẹp, nấu ăn ngon lại khéo léo, mềm mỏng và chỉn chu trong các mối quan hệ họ hàng và hàng xóm láng giềng. Mẹ quan niệm, phụ nữ dù giỏi giang đến đâu, chồng con vẫn phải là nhất. Ngoài các hoạt động của hội phụ nữ phường hay những giờ dạy học thêm, mẹ thường xuyên ở nhà lo chợ búa, cơm nước, làm những món ăn ngon cho cả nhà. Mẹ không thích va chạm, không thích phụ nữ to tiếng chốn đông người. Mẹ thích buổi tối cả nhà quây quần ăn hoa quả, trò chuyện hay cuối tuần cả nhà đi siêu thị, đi chơi đâu đó cùng nhau…Tóm lại, mẹ là người “đảm việc nước, giỏi việc nhà”, một người phụ nữ theo đúng quan niệm truyền thống…
Con dâu là một phụ nữ chẳng xinh, ăn nói cũng chẳng khéo léo, nấu ăn thì chỉ tàm tạm. Con dâu quan niệm, phụ nữ “không phải là nô lệ của cuộc sống gia đình”, vì thế ít dành sự quan tâm và hứng thú cho công việc nội trợ. Được chiều từ bé nên làm việc tùy hứng không có giờ giấc nhất định, suốt ngày chúi mũi vào sách, rời khỏi sách thì lại cắm cúi trước màn hình vi tính. Lại thêm áp lực từ công việc khá lớn nên buổi tối dọn dẹp xong xuôi con dâu chui vào phòng riêng bận rộn với những bài viết và bản dịch. Đi đâu thì cũng kè kè cái máy vi tính xách tay lại còn cái tật thích tranh luận với chồng. Tóm lại, nếu được lựa chọn nhất quyết mẹ sẽ không chọn con dâu như thế….
Chẳng cần tinh ý cũng thấy ngay rằng giữa mẹ và con dâu là khoảng cách vời vợi của sự khác biệt. Đôi khi sự khác biệt chỉ là: mẹ thích thích đọc báo và viết thư tay, con dâu lại thích báo điện tử và liên lạc bằng mail. Công thức nấu ăn mẹ chép bằng tay, công thức nấu ăn của con dâu được in ra từ trên mạng. Mẹ hoàn toàn xa lạ với máy vi tính, con dâu thì không thể thiếu máy vi tính một ngày... Nhưng trầm trọng hơn là sự va chạm về quan điểm sống và lối ứng xử. Trong sách vở của con dâu, người ta gọi sự khác biệt đó là khoảng cách thế hệ, một khoảng cách vô hình mà hồi đầu không ít lần khiến cả mẹ và con dâu đều phải khóc thầm.
Hình ảnh: Vietnamnet |
Nhưng khoảng cách ấy giữa mẹ và con dâu hình như được lấp đầy vào một buổi tối mùa hè khi Anh đi công tác vắng nhà. Chuyến đi Nhật hai tuần của Anh không quá lâu nhưng cũng khiến con dâu thấy hụt hẫng. Tối nào Anh cũng gọi điện thoại về. Bỗng nhiên một buổi tối Anh không liên lạc. Con dâu ngồi làm việc nhưng mắt thì lại nhìn chẳm chằm vào màn hình điện thoại di động. Đến 12h đêm mẹ gõ cửa phòng con dâu rồi bước vào. Câu đầu tiên mẹ hỏi: “Nó có gọi điện về không con?”. Câu thứ hai mẹ nhắc: “Sao con làm việc khuya thế. Ngủ đi con ạ”. Rồi bỗng nhiên mẹ ngồi xuống bên cạnh con dâu và nói bâng quơ: “Chắc là nó bận lắm nên mới không gọi điện về”….Lúc ấy con dâu chợt hiểu, nghĩa là mẹ cũng hụt hẫng, cũng lo lắng, nhớ mong Anh chẳng kém gì mình…Và buổi tối hôm ấy hai người phụ nữ cùng chung một nỗi nhớ thương đã thủ thỉ nói chuyện cùng nhau đến tận 3h sáng. Mẹ kể về những ngày đầu làm dâu của mẹ, về việc mẹ đã sinh ra Anh như thế nào, những nỗi vất vả nuôi các con một mình khi bố đi học ở Nga và những năm tháng khó khăn đằng đẵng khi bố về nước nhưng lại nhận công tác ở vùng xa….Có chuyện con dâu đã từng được nghe Anh kể, có chuyện lần đầu tiên mới biết….Những câu chuyện cứ thế tuôn chảy tự nhiên như thể mẹ muốn kể từ lâu lắm rồi ….Và từ đêm hôm ấy con dâu bắt đầu biết mở lòng với mẹ….
Khoảng cách ấy giữa mẹ và con dâu còn được lấp đầy ở chính nơi mà con dâu không ngờ tới đó là trong gian bếp của gia đình. Hồi đầu đứng trong bếp con dâu cảm thấy không tự tin, cứ lóng nga lóng ngóng, tay chân thừa thãi. Con dâu chưa từng phải nấu ăn cho cả một đại gia đình vì thế nấu món gì cũng phải hỏi một câu: “Món này nhà con ăn như thế này còn nhà mình thì như thế nào ạ?”. Thế là mẹ lại nhẹ nhàng nhắc: “Nấu món này mẹ thường cho thêm thứ này hoặc “nhà mình thích ăn theo kiểu này”….Mẹ tỉ mỉ trong nấu ăn, cắt thái rau, củ, quả cũng phải đẹp. Nấu món gì có trình tự của món ấy, mỗi món lại có một gia vị chủ đạo riêng….Con dâu lặng lẽ để ý rồi bắt chước theo dù rằng không phải sự bắt chước nào cũng thành công. Ưu điểm của con dâu là không ngại hỏi. Còn mẹ, mẹ không vì con dâu hay hỏi mà mắng mỏ chê bai… Khi con dâu tốt nghiệp “lớp nấu ăn của mẹ” thì khoảng cách của hai mẹ con hình như cũng được thu hẹp lại gần.
Rồi vợ chồng con dâu dọn ra ở riêng, mẹ buồn lòng mất một thời gian. Nhưng mẹ chấp nhận. Mẹ bận rộn chăm lo gia đình lớn của mẹ, con dâu mải vun vén gia đình nhỏ của con…Tưởng chừng như khoảng cách lại lớn dần lên. Hồi đầu con dâu cảm thấy không tự nhiên khi hỏi thăm sức khỏe của mẹ. Mỗi lần lo lắng con dâu giục Anh gọi điện về nhà hỏi thăm nhưng chính mình lại rất ngại ngùng. Nhưng rồi theo thời gian con dâu phát hiện ra nếu lâu lâu không ghé về nhà thì con dâu cũng thấy nhớ, rồi bỗng nhiên con dâu thi thoảng tự động cầm điện thoại lên gọi điện về nhà hỏi thăm mẹ. Con dâu cũng phát hiện ra rằng những buổi tối về nhà chơi với mẹ thường xuyên hơn và cũng lâu hơn, những câu chuyện cả nhà nói với nhau dường như không dứt ra được. Thi thoảng mẹ lại gọi điện cho con dâu bàn bạc về việc mua sắm này, mua sắm nọ. Con dâu tự nhiên thấy mình thành người quan trọng trong nhà. Và con dâu thấy hạnh phúc…
Gần hai năm, hình như là một quãng thời gian quá lâu để con hiểu thế nào là sự ấm áp của hai tiếng “nhà mình”. Gần hai năm, nhưng hình như lại là một quãng thời gian quá ngắn ngủi để mẹ và con chuẩn bị tâm lý cho những vai diễn mới: con dâu làm mẹ, và mẹ thành bà. Mẹ vẫn thế tỉ mỉ và chu toàn, con dâu vẫn thế vụng về và đại khái... Dẫu giữa mẹ và con dâu có một khoảng cách thế hệ dằng dặc không thể lấp đầy, dẫu giữa mẹ và con là sự khác biệt vời vợi không thể xích gần nhưng khi con dâu bắt đầu làm mẹ thì cũng là lúc bắt đầu có một cây cầu đã bắc qua khoảng cách giữa mẹ và con…
Hình ảnh đại diện của Blog Quachhiennb |
Con cảm nhận sâu sắc được điều ấy mỗi khi con ôm con trai mình vào lòng và nói: “Mẹ yêu con”…
(Theo Blog Quachhiennb)
Vài nét về tác giả Blog: Quachhiennb :“ Tôi không phải là người phụ nữ giỏi giang, có địa vị trong xã hội. Tôi bình thường như tất cả những người phụ nữ khác. Tôi muốn học hỏi và khám phá nhiều thứ, muốn hoàn thiện bản thân. Lí do đầu tiên là vì tôi muốn là một cô giáo hoàn hảo của con mình…”
Comment của độc giả Blog Việt:
Một độc giả: Điều quan trọng của việc cảm thông giữa mọi người, không chỉ Mẹ chồng - Nàng Dâu, là phải Khiêm Nhường,bỏ đi cái Tự Ái và thêm gia vị "YÊU THƯƠNG".
ngocanh26101984@yahoo.com: Tôi là một cô gái chưa lập gia đình. Tôi từng nghe rất nhiều câu chuyện về những xích mích mẹ chồng, nàng dâu. Tôi cũng từng tưởng tượng mọi chuyện sẽ rất khó khăn nếu tôi là dâu con. Nhưng khi nhìn thấy quan hệ giữa mẹ tôi và bà nội, trong tôi không còn cái cảm giác đó nữa. Thay vào đó là một cảm giác khác. Tôi nghĩ rằng, nếu sau này, tôi làm dâu, tôi sẽ cố gắng để được như mẹ tôi. Mẹ chồng cũng là mẹ mình mà. Đều là những người mẹ, và đều rất thương con. Chính tôi cũng sẽ làm mẹ mà, và chắc chắn, mẹ chồng tôi cũng sẽ hiểu đựơc tấm lòng của tôi. Tôi mong bạn trai tôi sẽ hiểu, và anh sẽ không fải lo lắng vì chuyện nhỏ này.
Truyện Online mời bạn tham gia ý kiến trong mẫu phản hồi sau hoặc gửi bài viết, đường link blog đến địa chỉ: blogviet@vasc.com.vn