Mẹ của con!
Đi hết cuộc đời, lòng mẹ vẫn theo con...
29 tuổi mẹ cưới bố, một năm sau mẹ sinh con trai đầu lòng - đó là tôi, một hòn thịt đỏ hỏn ọ ẹ suýt chết ngạt khi chào đời! Nghe mẹ kể, tôi không khóc giống như những sinh linh bé bỏng khác, để cứu con trai bố đã phải chạy hơn 1km vác bình ô xi nặng 50 cân. Bây giờ thi thoảng về nhà, mẹ xoa đầu tôi mắng yêu : “Cha bố anh, ngày xưa đầu dài như quả đu đủ ấy!”.
Hình ảnh: Theo blog Mr.Valentino
Mẹ thường kể cho tôi nghe những năm tháng tuổi thơ, lớp bốn mẹ đã cấy lúa giỏi thế nào, mẹ đã nuôi hoài bão thoát khỏi đồng ruộng mãnh liệt ra sao, về lọ muối vừng bà ngoại gửi lên cho cô con gái học trên trường tỉnh... Nhiều , nhiều lắm. Rồi mẹ quay sang tôi : “Chứ đâu được như anh, từ bé đến lớn chỉ lo mỗi chuyện học, mà vẫn thi đi thi lại!”.
Những lo toan cuộc sống hằn trên màu tóc, có hôm tôi phải đi mua cho mẹ lọ thuốc nhuộm, mẹ nói : nhuộm đen để còn lên lớp cho học sinh đỡ gọi là bà giáo . Có lẽ chỉ màu tóc mới hiểu những lo lắng mẹ giành cho anh em tôi, còn trên khuôn mặt người ta ít nhận ra điều đó. Ngay cả lúc khó khăn mẹ vẫn luôn lạc quan, vẫn cười, vẫn nói thật nhiều! Mẹ không khó tính, cũng chẳng giận ai lâu. Ngay cả với anh em tôi, khi bực mình bà mắng sa sả, rồi có khi mười phút sau lại âu yếm như không có chuyện gì xảy ra...
Cuộc đời nhiều khi không như những gì chúng ta mong muốn. Mặc dù đã nỗ lực thoát ly nhưng cuối cùng đồng ruộng vẫn là một phần cuộc sống của mẹ. Cô bác hàng xóm có khi phải nể phục vì sức lao động của một giáo viên với công việc đồng áng. Mẹ nói đó là duyên số. Lấy bố cũng là duyên số. Cái câu người ta cưới nhau vì duyên số tôi đã nghe không dưới con số hàng chục. Tôi biết, tất cả những mục tiêu của tương lai bố mẹ dồn cả vào anh em tôi. Lo nghĩ cho chúng tôi, có lẽ bố mẹ không còn thời gian nghĩ cho chính mình nữa. Thật tệ làm sao 20 tuổi đầu tôi chỉ khiến tóc mẹ thêm sợi bạc.
Tôi đi trọ học từ khi vào lớp 10, ba năm cấp III xa nhà, rồi thêm mấy năm đại học nữa. Mẹ luôn lo tôi...quên nhà (?!). Vì điều ấy bà thường giục tôi về nhà. Hồi mới nhập học, mẹ bắt tôi phải 2 tuần về một lần, rồi sau đấu tranh tư tưởng mãi, bà mới để tôi thoải mái về mỗi tháng một lần! Tôi xuống ô tô ở đầu làng, chào cô bác quen biết từ đầu làng đến cuối làng. Gặp tôi họ đều nở nụ cười rồi trêu : sinh viên về cày cho bố đấy à? Giá mà tôi biết cày nhỉ?
Đi trồng ngô với mẹ, tôi kể cho mẹ nghe nhiều chuyện trường lớp, chuyện ngành nghề, chuyện thầy cô bạn bè nhưng tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến chuyện yêu đương. Mẹ bảo tôi khác anh trai (anh - con riêng của bố). Đến bây giờ mẹ vẫn nhớ tên những cô gái mà anh tôi đã kể và nhờ mẹ tư vấn rồi dẫn về nhà từ thời sinh viên, thậm chí có chị từ thời cấp 3 mẹ vẫn nhớ. Mẹ trêu tôi : “Thế năm thứ hai mà chưa dẫn cô nào về à? Dẫn về đi mẹ xem có được không nào!”. Rồi mẹ lại hắng giọng : “Nói thế thôi 30 tuổi mới được lấy vợ, ngày trước tuổi ấy mẹ mới cưới chồng, sau này mày cứ thế mà làm! Trời ạ, tôi cứ há hốc mồm, kêu váng trời đất : “Lâu như thế thì làm gì có cô nào chờ được ạ?”. Ôi, mẹ tôi cũng tính cả thời điểm nào là thích hợp nhất cho tôi lấy vợ! Mẹ lo xa quá, bây giờ con trai mẹ người yêu còn chẳng có nữa là...
...
Mẹ hay kể chuyện ngày sinh tôi, tôi ở lỳ trong bụng mẹ thoả sức đạp tung hoành hai ngày trời. Mẹ lên bệnh viện từ hôm trước, hai ngày sau tôi mới chịu chui ra. Khi chào đời thì bị ngạt, rồi phải tiêm... Rồi khi mẹ sinh em bé, tôi 3 tuổi lũn cũn theo bố lên thăm em, mẹ bảo tôi lên thăm em mà chén sạch bát cơm thịt! Bỗng mẹ dịu giọng xuống : “Càng lớn chúng mày càng xa mẹ hơn...”.
Hình ảnh đại diện của Mr.Valentino
Đọc Truyện Online – Theo blog Mr. Valentino
Vài nét về blogger: Mr. Valentino: Trịnh Trung Thu,sinh viên Đại học Xây dựng – “Là một con người lương thiện, cởi mở! Yêu Tổ Quốc, yêu Đảng, yêu Bác Hồ, quan tâm đến giao tiếp”.
Cảm nhận của bạn về bài viết?