,
221
7121
Truyện Online
truyenonline
/blogviet/truyenonline/
987216
Bếp đỏ lửa mỗi chiều
1
Article
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Bếp đỏ lửa mỗi chiều

Cập nhật lúc 16:07, Thứ Năm, 27/09/2007 (GMT+7)
,

Ăn tối một mình - tôi là một trong số rất nhiều người đã và đang thấm thía cảnh này, và chưa thể “khắc phục” được. Nhưng với tôi, việc ăn tối một mình nó khác hoàn toàn với những người tôi từng đọc trên báo chí, đơn giản vì tôi không ăn ngoài quán.

Chẳng biết từ bao giờ, từ khi rời Thái Nguyên về Hà Nội học ĐH chăng, tôi đã luôn ý thức được sự quan trọng vô cùng của bếp đỏ lửa mỗi chiều. Ngày đó, tôi đã khóc ròng hết một năm đầu tiên, khi mỗi chiều nhìn khói bếp than tổ ong của các nhà xung quanh KTX. Tôi luôn thấy cô độc dù xung quanh là bao nhiêu bạn bè mới, trường lớp mới và cuộc sống mới… Tôi cứ nhớ da diết những ngày còn ở nhà, giờ này mình đang làm gì… nhớ nhất khi Mẹ đi làm về là lúc tôi đang nhóm bếp nấu cơm chiều, những bữa cơm đầm ấm, đạm bạc với cả nhà… 

Hình ảnh: blog Kim sưu tầm
Hình ảnh: blog Kim sưu tầm

Và tôi thấm thía cái sự cô độc mỗi khi ngồi ăn những suất cơm bụi 2.000đ thời SV (cách đây 12 năm) giữa xung quanh bạn bè. Những suất cơm không phải do mình nấu

Từ khi đón cô em gái về Hà Nội học ĐH, hai chị em ở trọ, tôi chấm dứt hẳn cơm bụi, kiểu gì cũng phải nấu cơm ăn. Đầu tiên là bếp dầu, nồi xoong bé tí xíu, vài cái bát, cái mâm nho nhỏ... Hai chị em ngồi ăn, dù đồ ăn đơn giản thôi, dù không có đông đủ Bố, Mẹ và anh trai như ở quê, nhưng vẫn thấy thật ấm cúng trong những tháng ngày học xa nhà.

Về sau, khi đã đi làm, tôi vẫn duy trì bằng được những bữa ăn tối ở nhà với em gái. Hôm nào tôi hoặc đứa em phải đi ăn tối nhân sinh nhật bạn bè hoặc tiệc gì đó chẳng hạn, thì dù phải ăn tối một mình, tôi hoặc đứa em vẫn cứ nấu nướng chứ nhất định không chịu đi ăn ngoài quán. Thế nên bếp vẫn đỏ lửa mỗi chiều...

Khi tôi làm ở vị trí cao hơn, thỉnh thoảng phải đi ăn uống đãi khách cùng sếp, trước khi đi vẫn nhắn cho cô em: “chị đi đãi khách của Công ty, sẽ về hơi muộn nhưng vẫn ăn tối ở nhà, phần chị nhé. Nếu chờ được thì chờ chị về cùng ăn…” Và thế là, dù có phải ăn muộn hơn mọi ngày đến hai tiếng đồng hồ, và dù biết tôi chỉ ăn thêm chút xíu thôi, thì em tôi vẫn chờ.

Hơn 10 năm hai chị em ở cùng nhau, những bữa cơm tối được duy trì đều đặn, không phải vì nấu ăn sẽ rẻ hơn (thậm chí đắt hơn ấy chứ), mà là vệ sinh và ấm cúng. Thậm chí đến cả những lúc hai chị em giận nhau, tôi vẫn cứ duy trì bữa cơm, ngồi ăn cùng nhau, có khi chẳng đứa nào chịu nói câu nào, nhưng không có chuyện vì tức nhau mà một trong hai đứa bỏ cơm. Tôi thấu hiểu, quá thấu hiểu cái việc tưởng chừng như vô cùng đơn giản là bếp đỏ lửa mỗi chiều nó quan trọng đến nhường nào với một gia đình. Nó không chỉ đơn thuần chỉ là một động tác vặn nút bếp ga. 

Đường về nhà...
Đường về nhà...

Lần nào đó, một trong hai chị em về quê, thế nào Mẹ cũng gọi điện nhắc nhở đứa ở lại phải nấu nướng ăn uống cho đầy đủ. Đến nỗi bạn bè tôi phải ngạc nhiên: “Có một mình thì đi ăn ngoài một vài bữa có sao đâu, nấu nướng ngại chết, mà sao Mẹ cậu nhắc nhở nhiều thế…” Có những người muốn được Mẹ nhắc nhở mà không được, hoặc không còn cơ hội đấy, bạn ạ! Mới hiểu tại sao Bố cũng hay phải đi dự tiệc đãi khách, nhưng thật hiếm có chiều nào không ăn cơm ở nhà. Chỉ vì Mẹ vẫn thường xuyên giữ ấm bếp đỏ lửa mỗi chiều.

Trước khi tôi rời Hà Nội vào Sài Gòn làm việc, khi đó em tôi chưa tìm được ai ở cùng, nhà thuê thì quá đắt nếu ở một mình… Tôi đã khóc ròng suốt mấy ngày trước khi lên máy bay, và cứ nặng lòng: Có nên đi hay không? Tự nhiên bỏ lại đứa em trơ trọi với những bữa cơm chiều đơn độc ư? Rồi ra vào một mình, không có ai trò chuyện ư? Rồi mình cũng thế… Và tôi sợ, rằng đứa em sẽ ít nấu cơm hơn…

Tin nhắn đầu tiên tôi gửi cho em gái khi đã vào SG, đó là: Chiều nay có nấu cơm không? Nhớ ăn uống cẩn thận đấy, chịu khó nấu nướng dù là ít, nhé… Em tôi thì lại lo cho tôi hơn, rằng: Ngố (tên thân mật đứa em vẫn gọi tôi) ăn có một bát cơm mỗi bữa, thì có khi còn lười nấu hơn em ấy chứ. Nhớ nấu ăn đấy nhé. Chẳng biết em tôi có khóc vì buồn và lo lắng như tôi không? 

Giữ lửa cho gia đình
Giữ lửa cho gia đình (hình ảnh: blog Kim st)

Giờ đây, khi một mình ở SG, khi đi tìm nhà thuê, điều đầu tiên tôi luôn hỏi là: Có được nấu ăn không? Và, dù vẫn ăn tối một mình đấy, nhưng chẳng chiều nào, bếp nhà tôi không đỏ lửa. Nhiều hôm, đi làm về, mệt mỏi quá, tôi cũng định bụng sẽ ăn quách cái gì ở ngoài cho xong, rồi về nghỉ. Nhưng cứ nhớ bếp lửa đỏ ở quê nhà gian khổ ngày xưa, và nhớ Bố Mẹ, tôi lại về, hì hụi nấu nướng, ăn một mình, chỉ để cảm nhận được một điều duy nhất: Dù có ăn tối một mình hay mấy mình đi chăng nữa thì việc duy trì bếp đỏ lửa mỗi chiều sẽ không chỉ là nấu một món ăn, nó bao hàm một điều vô hình nhưng rất lớn lao, mà không phải ai cũng cảm nhận được giữa ồn ào cuộc sống này…

Vẫn ăn tối một mình - những bữa cơm tự nấu… Em gái của tôi ơi, Ngố ở một mình nhưng BẾP VẪN ĐỎ LỬA MỖI CHIỀU, và em ở Hà Nội cũng thế, may mà có bạn ở cùng rồi… Hãy duy trì việc đó nhé, trước đây, bây giờ và mãi mãi về sau nữa, em nhé. Đó là điều quan trọng hơn bất cứ điều gì để làm nên một gia đình hạnh phúc đấy, em của tôi ạ! 

Hình ảnh đại diện của tác giả
Hình ảnh đại diện của tác giả

Đọc Truyện Online – theo blog Quỳnh Nga 

Vài nét về blogger: Quỳnh Nga – “Điều quan trọng nhất trong cuộc sống là MỘT MÁI ẤM TRÀN NGẬP YÊU THƯƠNG. Thật hạnh phúc khi mỗi ngày được nhìn thấy những ánh mắt lấp lánh niềm vui của những người thân yêu nhất và những người sống quanh mình...”

 Phản hồi của bạn đọc Blog Việt:

Ho ten: Huong Giang
Dia chi: Hai Phong
Email: giangcircus@yahoo.com.vn
Tieu de: Bữa cơm chiều của người Việt
Noi dung: Cảm ơn bạn nhiều, Quỳnh Nga ạ. Tôi đã lập gia đình, cũng đã có một thiên thần bé nhỏ để yêu thương, chăm sóc. Chắc hẳn tôi hơn bạn về tuổi tác nhưng không hơn bạn về sự cảm nhận. Tôi rất coi trọng bữa cơm chiều. Đối với đa số người Việt, bữa cơm chiều như một buổi sum họp gia đình. Ở đó, mọi người sau một ngày làm việc vất vả, mệt nhọc sẽ được gặp mặt, chuyện trò, trao đổi và thể hiện sự quan tâm, yêu thương săn sóc lẫn nhau. Ba tôi hồi còn đi làm, ông hầu như rất ít có một bữa cơm tối với mẹ và cậu em trai ương bướng của tôi. Cho dù ông rất quan tâm tới gia đình, trách nhiệm với công việc nhưng chỉ khi nào tôi và chị gái tôi ở Hà Nội cho chaú về chơi, ông mới cố gắng thu xếp công việc để ăn cơm ở nhà. Tôi biết, mẹ tôi buồn nhiều vì điều đó nhưng vì công việc của ba tôi mà mẹ không nói ra, đó cũng là một nguyên nhân cho dù nhỏ khiến em trai tôi không có bản lĩnh đứng dậy được sau khi vấp ngã. Giờ đây, tôi lấy chồng, chồng tôi cũng luôn xa nhà. Nhiều khi chỉ có 2 mẹ con, tôi rất ngại “nổi lửa” nhưng khi đọc bài viết của bạn, tôi cảm nhận được nhiều hơn cái điều người xưa vẫn dạy “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”. Tôi cầu chúc và mong rằng, tất cả các gia đình trên thế giới này đều sẽ luôn giữ ấm được bếp đỏ lửa mỗi chiều. Bạn sẽ là một người vợ, một người Mẹ hạnh phúc trong tương lại. Mến chào!

Ho ten: Trần duy thạch
Dia chi: Quế phong, Nghệ an
Email: duythachduythach@yahoo.com
Tieu de: Cảm nhận
Noi dung: Bài viết của bạn thật là cảm động, vừa lãng mạn và đậm tính nhân văn của người Việt. Bài viết đã giúp cho người đọc cảm nhận được một sự ấm áp của bếp lửa của bạn truyền cho.

Ho ten: Bach Nguyen
Email: anguyen1979@yahoo.com

Bài viết của Quỳnh Nga rất hay bởi nó nói đúng tâm trạng và hòan cảnh của mình bây giờ. Mặc dù mình là con trai sống một mình nhưng mình vẫn thích nấu ăn mỗi khi đi làm về cho dù mình nấu ăn chẳng ngon lành gì mấy.

 

Ho ten: Puppy
Dia chi: Dai hoc KT TPHCM
Noi dung: Mình thì không được như bạn , có lẽ vì mình là con trai và một phần cũng là do cả phòng năm thằng chỉ có mình biết nấu ăn nên ngại phải nấu cho cả tụi nó. Nhưng tự trong sâu thẳm mình vẫn nhớ về những bữa ăn do tự tay mình nấu hay là do mẹ nấu cho ăn. Trước đây mình cũng đã từng trải qua quãng thời gian học trọ rồi nhưng mà hồi đó chỉ có hai anh em , hai thắng con trai nhưng không bữa nào là không nấu. Bây giờ mình đã vào Sài Gòn rồi, đứa em vẫn ở một mình, bếp núc chắc lại lạnh lẽo. Mình thèm lắm một bữa cơm gia đình, bởi vì kèm theo nó là cả niềm yêu thương và cả nỗi lo lắng cho sức khoẻ của cả nhà.

 

Cùng chia sẻ cảm nhận của bạn về bài viết theo mẫu phản hồi sau hoặc gửi bài viết, đường link blog đến địa chỉ: blogviet@vasc.com.vn

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,