Hương cuối mùa
Thỉnh thoảng, ở Sài Gòn tôi cũng gặp quả thị. Mớ thị quả vàng quả xanh nằm cạnh vài quả bình bát chín, vài trái nhàu xanh, bên cạnh rổ rau đắng, nắm rau má xanh non, mớ bông súng tím hồng, điển điển vàng ươm, so đũa trắng muốt – sản phẩm miệt vườn của bà má vấn khăn rằn từ miền Tây mang lên bày bán ở chợ hẻm sau cơ quan. Mừng đến sững sờ như gặp lại người quen, tôi ngồi thụp xuống nâng niu từng trái... Ký ức như tràn về cùng sắc vàng và hương thơm...
Hình ảnh: blog Katire sưu tầm
Quả thị - thứ quả gắn với tuổi thơ của những bé gái miền Bắc. Ai chẳng có lần nâng niu trái thị tròn xinh, bỏ túi áo nhảy chân sáo đi chơi. Vui biết bao khi mẹ về gọi cho đôi trái thị. Tôi chẳng phải tranh chơi thị với ai, chỉ đắn đo : trái này bỏ túi, trái này để trên bàn học, trái này bỏ giỏ xách đi chơi… Trái thị đẹp phải tròn đều, màu vàng còn pha xanh, cầm chắc tay, không rám, không bị vết, nếu còn cành lá xanh tươi thì thật tuyệt! Trái này tròn, to bằng bát ăn cơm, để trong giỏ trầu của bà, khi chín bà ăn. Trái này nhỏ bằng trôn bát, hơi dẹt, vẫn gọi là thị sáp, bỏ túi áo thật gọn. Có khi đi ngủ quên không lấy ra, đêm nằm đè lên, nhoe nhoét và thế là hỏng một cái áo vì nhựa thị đen không thể nào giặt nổi. Trái để trên bàn học to vừa phải, tròn cân đối, có khi đang học tay vẫn mân mê, thỉnh thoảng lại phải đưa lên mũi hít vài cái. Khi đi ngủ đem để đầu giường, cũng có khi nửa đêm thấy mát mát, lạnh lạnh… Bà tôi đã dạy đan giỏ thị từ khi tôi còn bé, sau này tôi còn cải tiến đi nhiều chi tiết. Giỏ một quai, hai quai; giỏ bằng len màu, bằng dây dù; quai tết lại hay luồn trong ống nhựa; giỏ mắt dày để đựng thị sáp, mắt to hơn đựng trái lớn… Giỏ đựng thị cũng được treo đầu giường, lúc đi chơi hãnh diện xách theo…
Nhà có thị không giấu được, thơm từ hè vào khắp nhà. Mẹ quên chưa đưa cũng phát hiện được ngay. Chơi 2, 3 ngày thì màu vàng sẫm dần, quả thị mềm đi, vài chấm nâu xuất hiện, mùi cũng đã nẫu nà. Thị chín cũng mềm ngọt như hồng, nhưng tôi không ăn, phần vì nhựa nó sít, đen răng, phần vì muốn để phần bà, thị mềm bà ăn được. Vừa thong thả ăn bà vừa kể về những quả thị, cây thị ở quê Ninh Bình hồi bà còn là bé gái. Và dĩ nhiên là chuyện Tấm Cám rồi. Bà bảo lấy dao sắc, khía vỏ thị thành 6 múi đều nhau, ăn hết ruột rồi lấy vỏ dán lên tường bếp để trừ ma (!). Vỏ quả thị như một bông hoa vàng nở trên tường. Rồi tôi cứ phân vân: dấu hoa thị đầu dòng (*), là bông hoa để lớn thành trái thị hay là bông hoa bằng vỏ quả thị? Hạt thị rắn lắm, mài hết lớp nâu bên ngoài đến lớp trắng trong, cắm cây tăm vào giả làm kem mút, chơi đồ hàng...
Cây thị là một trong những cây thiêng của làng quê miền Bắc. Phần lớn các cây thị đều là cây cổ thụ, hay trồng ở đền chùa. Góc vườn nhà cô bạn thân ở bên Lam Hạ có một cây. Nơi sơ tán hồi xưa có làng Ngái còn rất nhiều cây thị. Mùa thị chín, trên đường ra Vĩnh Trụ - Lý Nhân, đoạn qua làng Ngái thơm ngát. Ngay vệ đường, nhiều nhà bày những mẹt, những rổ thị chín bán cho khách qua. Còn trên những tán cây xanh um, lúc lỉu những vầng trăng xanh tròn trịa, khẽ đu đưa trong gió nhẹ và nắng. Nắng làm thị vàng hay nhờ thị mà nắng vàng ươm? Sau này, những năm đầu đi dạy học, mùa thị chín tôi cũng cố đi con đường ấy, tuy vòng xa hơn… Có quả thị, mới là Trung thu, mới là mùa thu… Thị cuối mùa thu, như thu hết sắc vàng và hương đất trời tinh khiết, như là cổ tích… Có lẽ vì vậy mà người xưa mới cho cô Tấm hóa thân vào trong quả thị…
... Quả thị trong miền
Gửi cảm nhận của bạn theo mẫu phản hồi sau: