- Cùng dáng vẻ, giống mùi thơm, giá lại rẻ nên gần Tết, các loại bưởi "nhái thương hiệu" đổ về các chợ Hà Nội. Để bưởi không bị xuống mã, người bán thường ngâm, rửa bưởi bằng nước rửa chén bát.
Khệ nệ bê 2 cái bao tải đựng 30 quả bưởi Diễn nặng chịch từ ngoài sân vào nhà, chị Hằng hí hứng mở dây buộc, lấy ngay một quả để gọt cho con ăn. Gọt xong vỏ, vừa tách tạm một múi bỏ vào miệng cô con gái nhỏ đang ngồi cạnh, chị Hằng lập tức giật mình khi thấy con gái nhăn nhó rất khó chịu. Nếm thử một miếng, chị Hằng cũng phải nhăn mặt khi miếng bưởi trong miệng có vị chua gắt rất khó chịu. Gọt liên tiếp 4 - 5 quả khác để kiểm tra, chị thất vọng não nề: không quả nào ngọt; quả thì chua, quả thì nhạt hoét, quả lại có vị he đắng.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, rất khó để phân biệt đâu là bưởi ngon, đâu là bưởi "nhái" chất lượng kém |
Đồng cảnh với chị Hằng, cho dù đã nhờ người quen đặt mua bưởi Da xanh ở một hàng quen nhưng khi mang hơn 20 quả bưởi về nhà, bổ ra ăn thử thì chị Quỳnh ở phố Bạch Mai mới tá hoả khi "Bưởi Da xanh gì mà nhạt như nước lã?". Chị Quỳnh kể: "Thấy bưởi nhạt, chẳng ra mùi vị gì tôi mới bấm điện thoại gọi, định bụng trách cô bạn đã mua hộ bưởi "rởm" thì đầu dây bên kia đã hỏi ngay "Bưởi nhà cậu có nhạt không? Nhà tớ gọt ra ăn không nổi!", vậy là chán chẳng muốn kêu ca gì nữa".
Không riêng gì người mua mà ngay cả những người bán hàng cũng có thể trở thành bị những kẻ "đổ buôn" bưởi nhái qua mặt bởi "Công nghệ làm bưởi nhái quá xuất sắc" - Chị Thắm, người bán hoa quả ở chợ Thành Công thừa nhận. Chị Thắm cho biết: "Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài hoặc mùi thơm thì chẳng mấy ai phân biệt được đâu là bưởi thật, đâu là bưởi "nhái" bởi chúng giống hệt nhau. Phải đến khi mua về, bổ ra ăn thì mới có thế biết được".
Kinh nghiệm hơn, chị Hoàn bán hoa quả ở chợ Long Biên cho biết: "Trước đây, do ít người có nhu cầu tiêu thụ một số loại bưởi ngon như bưởi Diễn, bưởi Năm roi, bưởi Da xanh... nên không thấy có hiện tượng "bưởi nhái". Thế nhưng trong 2 năm gần đây, vì nhu cầu của người dân ngày càng cao nên không ít người đã nghĩ ra trò "làm giả" các loại bưởi ngon để kiếm lời. Thậm chí họ còn in giả cả tem - mác để dán lên trên quả bưởi nhằm đánh lừa người mua nên ngay người bán hàng cũng... mua nhầm như thường".
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, TS.Nguyễn Văn Khải - người đã nhiều năm nghiêm cứu về chất bảo quản hoa quả, giống cây trồng cho biết: "Theo tôi, các loại bưởi "nhái" thương hiệu của những giống bưởi có tiếng có thể bắt nguồn từ việc người trồng bưởi nhân giống các loại bưởi ngon và mang đi nơi khác trồng. Tuy nhiên, do khác chất đất nên cây bưởi được nhân giống đã cho ra các quả bưởi giống về hình thức nhưng chất lượng thấp.
Chỉ đến khi bổ ra ăn, người dùng mới biết quả bưởi "nhái ăn rất dở
Ngoài ra, một nguyên nhân dẫn đến việc bưởi không ngon là do thời tiết thất thường, người trồng bưởi đã thu hoạch quả sớm, bảo quản không tốt nên quả bưởi cũng dễ bị ủng, hỏng. Rồi khi phát hiện ra nhu cầu của người tiêu dùng, người trồng bưởi hoặc thương lái đã cố tình trộn lẫn những quả bưởi chất lượng thấp, đã bị hư hỏng với bưởi ngon để lừa người mua.
Tuy nhiên, hành động trên vẫn chưa đáng lên án bằng việc sau khi thu hoạch bưởi sớm, để giữ cho quả bưởi không bị xuống mã, hư hỏng, người trồng bưởi và thương lái thường sử dụng nước rửa bát để ngâm, rửa bưởi trước khi bán. Trong quá trình ngâm - rửa, các hoá chất trong nước rửa bát nhanh chóng ngấm vào trong quả và có thể gây hại lâu dài cho sức khoẻ cho người ăn bưởi".
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải khuyến cáo: "Khi có như cầu ăn các loại bưởi ngon, tốt nhất là người tiêu dùng nên tới mua tại các siêu thị lớn hoặc mua tại những hàng bán hoa quả quen. Và cầu kỳ hơn thì tới tận vườn để đặt mua chứ không nên mua của những người bán rong".
-
Gia Linh
|