- Để xe máy, xe đạp có chỗ "nương thân", nhiều hộ dân phố cổ Hà Nội phải rã họng xin xỏ, hứa hẹn giờ gửi xe, chấp nhận giá vé gấp đôi, gấp ba bình thường mới không bị nhân viên trông xe đuổi.
Theo quyết định số 2053 của UBND T.p HN do Phó chủ tịch UBND Tp Nguyễn Văn Khôi ký ban hành, Cầu Gỗ là một trong những tuyến phố thuộc quận Hoàn Kiếm cấm để xe trên vỉa hè, thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Quyết định này có hiệu lực chính thức từ ngày
Xe áp sát vỉa hè để thành... hàng hai. Ảnh: Kiên Trung
Sau quyết định này được ban hành và chính thức có hiệu lực, quận Hoàn Kiếm đã kiến nghị với Sở GTCC và UBND Tp cho phép sử dụng một phần lòng đường khu phố cổ làm nơi trông giữ xe đạp, xe máy phục vụ dân sinh.
Theo đó, phố Cầu Gỗ có ba điểm trông giữ xe tại các điểm May Nhà Bè, địa điểm giữa tuyến phố Cầu Gỗ và đầu chợ Hàng Bè. Mỗi điểm trông giữ xe này, diện tích rất chật hẹp. Nếu xếp kín bãi, mỗi điểm chỉ chứa được tối đa chưa đầy 100 xe gắn máy.
Đơn vị thầu điểm trông xe tại tuyến phố Cầu Gỗ do công ty cổ phần Đồng Xuân đảm nhiệm.
Chọn mặt "đuổi" xe
Theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu phố này, thời gian qua, họ rất vất vả và khổ sở trong việc tìm chỗ gửi xe để lên nhà mình. Lý do: các điểm giữ xe không mấy mặn mà trông giữ xe máy cho những người dân sinh sống tại đây!
Anh Phạm Trung Kiên (số nhà 90 - Cầu Gỗ) bức xúc: để gửi được chiếc xe máy để vào nhà mình, là cả một vấn đề nan giải. Các điểm trông giữ xe tại Cầu Gỗ không mặn mà tiếp nhận trông giữ xe của người dân, vì những người dân thường gửi xe thời gian lâu, trong khi đó diện tích của bãi xe chật hẹp, do đó làm giảm đáng kể lượt trông giữ xe trong ngày của ba điểm trông giữ nói trên. Chính vì thế, những người dân thường trú tại phố Cầu Gỗ, phải “đau đầu” để gửi được xe để vào nhà mình.
Điểm trông giữ xe giữa phố Cầu Gỗ rất hẹp. Đây là một trong những lý do khiến nhân viên trông giữ từ chối nhận xe gửi lâu. Ảnh: Kiên Trung
Anh Kiên cho biết, thời gian đầu, khi các nhân viên trông giữ xe chưa quen mặt những người dân sống tại con phố này, họ còn đồng ý cho gửi. Nhưng sau một thời gian, khi đã quen mặt, quen biển số xe, việc tiếp nhận trông giữ không mấy mặn mà. Với lý do đã nêu trên, họ “thích” trông giữ xe của khách “vãng lai” hơn để được nhiều lượt xe trong ngày.
Rất nhiều người dân đã phải “mặc cả” với nhân viên để được có chỗ gửi xe. Khi mang xe đến gửi, nhân viên trông giữ thường hỏi “gửi xe đến mấy giờ?”, hay “gửi trong bao lâu?”. Nếu gửi cả ngày, họ phải chấp nhận trả hai lần vé, với lý do: gửi hai buổi (sáng - chiều) nên phải lấy hai lần vé.
Một xe tốn bạc triệu tiền gửi
Theo quy định của UBND Tp. Hà Nội về phí trông giữ xe là 2.000đ/lượt. Những người dân phố Cầu Gỗ đều phải “tự nguyện” trả 5.000đ thì mới được tiếp tục gửi.
“Vài ngàn đồng không đáng là bao, nhưng với những người một ngày phải đi lại cả chục lượt nên mỗi lần lấy xe/gửi xe rất bất tiện. Nếu cộng tổng số tiền cho một ngày gửi xe, phải lên đến mấy chục ngàn. Trong khi đó, phố Cầu Gỗ là con phố buôn bán. Các nhân viên làm việc tại các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên tuyến phố này, tần suất di chuyển trong một ngày là rất nhiều. Như thế, rõ ràng có quá nhiều bất cập trong vấn đề tưởng như là nhỏ nhặt này!” – anh Kiên cho biết.
Khoảnh khắc vắng lặng hiếm hoi trên phố Cầu Gỗ. Ước tính, mỗi ngày có tới hàng ngàn lượt xe có nhu cầu gửi tại phố Cầu Gỗ. Ảnh: Kiên Trung
Để “đối phó” với thực trạng này, đa số người dân đã phải dựng xe áp sát vỉa hè, ngay dưới lòng đường. Tuyến phố Cầu Gỗ dài chừng vài trăm mét, do đó có rất nhiều xe máy dựng lộn xộn ngay dưới lề đường. Việc này vô tình làm cảnh quan đô thị thêm phần lộn xộn, nhất là mỗi lần cảnh sát khu vực đi dẹp trật tự, cảnh nháo nhào diễn ra thường xuyên như “chuyện thường ngày ở huyện!”.
“Tôi đã xuống gặp nhân viên trông giữ xe, đề nghị đăng ký gửi vé tháng nhưng chưa nhận được sự đồng ý của họ. Lẽ ra, chủ trương cấm để xe trên vỉa hè và việc tổ chức các điểm trông giữ xe tại phố cổ, trước hết phải ưu tiên cho người dân thường trú tại khu vực. Nhưng rõ ràng, vấn đề bất cập này đã gây không ít phiền toái. Nhiều người phải gửi xe cách nhà vài trăm mét mới có chỗ để…” - anh Kiên cho biết.
Ước tính, một ngày có tới hàng chục ngàn lượt xe có nhu cầu dừng đỗ tại những tuyến phố cố của Hà Nội, thì việc đảm bảo và tạo điều kiện để người dân có chỗ gửi xe đúng quy định không phải là một vấn đề nhỏ. Những bất cập này, người dân phố Cầu Gỗ nói riêng và những người sinh sống tại 56 tuyến phố cấm để xe ở Hà Nội, vẫn trông chờ vào một liệu pháp khả thi!?.
VietNamNet sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này.
-
Kiên Trung
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |