221
10701
Bảo vệ Người tiêu dùng bằng Thông tin
bvkh
/bvkh/
1176480
Ở Thủ đô, ăn nước máy màu... đen tím
1
Article
null
Ở Thủ đô, ăn nước máy màu... đen tím
,

Có nhà máy nước sạch rất lớn của Thủ đô đóng trên địa bàn, thế nhưng lâu nay người dân xã Kim Chung, huyện Đông Anh phải sử dụng nguồn nước có mùi tanh, nổi váng đen, đổi màu liên tục và chưa hề được kiểm định về mức độ độc hại.

Nước “đổi màu”…

 Trực tiếp thị sát tại một số hộ dân ở thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, PV Dân trí đã ghi nhận một số dấu hiệu “lạ” về nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Hữu Tỉnh (ở đội 8, thôn Hậu Dưỡng) kể: “Nhà tôi khoan giếng từ năm 1992, sử dụng nước giếng khoan này thấy chậu, thau đựng nước, giặt giũ quần áo đều có màu vàng. Thậm chí, xe đạp, xe máy rửa bằng nước giếng cũng nhuộm vàng. Nghe người ta bảo do nước chứa nhiều sắt nên tôi xây cái bể lọc, nước được lọc qua cát cũng thấy đỡ vàng hơn”.

Tuy nhiên, dù đã xử lý qua bể lọc nhưng khi dùng người dân phát hiện nước có những dấu hiệu “lạ” như:  mùi rất tanh, nước bị đổi màu (màu xanh và màu đen tím) và gây dị ứng da (ngứa).

Để chứng minh điều mình nói, ông Tỉnh và mấy người hàng  xóm làm “thí nghiệm” đơn giản. Ông Tỉnh bơm nước “mới tinh” từ dưới lòng đất lên đổ đầy 2 chậu. Một chậu ông Tỉnh đổ nước chè pha loãng và một chậu để nguyên. Kết quả, ngay sau khi nước chè được rót vào chậu nước trong vắt bỗng chốc “biến màu” đen kịt.

Gia đình bà Nhận ở đội 8 cũng phải sử dụng loại nước này nhiều năm nay. Nước có mùi rất tanh, dù đã nấu sôi sùng sục để uống hàng ngày nhưng nước vẫn có mùi tanh và lợ.

Bà Nhận cho hay: “Gia đình có phòng trọ cho gần 20 công nhân thuê, thời gian gần đây công nhân “sợ” nước sinh hoạt có độc gì chăng nên đã bỏ đi gần hết”.

Chậu nước đổi màu đen kịt khi được pha thêm nước chè loãng.
Ảnh: Dân trí

Hàng ngày, bà Nhận phải bơm nước lên bể lọc rồi mới dùng, nhưng quần áo và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày vẫn bị nhuộm vàng. Đặc biệt, khi hoà xà phòng vào để giặt giũ thì nước chuyển sang màu xanh.

Ông Hoàng Đức Khang (Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung) tâm sự: “Nước sạch thực sự là nỗi bức xúc của nhân dân trong xã, đặc biệt là thôn Hậu Dưỡng và thôn Bầu. Chúng tôi không biết nước bị nhiễm gì, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều, nhưng vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào về lấy mẫu xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.”

“Trước kia nước không có vấn đề gì, nhưng từ khi lượng công nhân ở KCN Bắc Thăng Long tăng lên, người tạm trú trên địa bàn rất đông (hơn 16.000 người - PV), khi Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì đi vào hoạt động cũng là lúc nguồn nước trở nên “lạ” như vậy. Dù Nhà máy nước sạch được xây dựng trên địa bàn, nhưng người dân trong xã chưa hề nhận được giọt nước sạch nào…”.

Chưa hết, người dân cho biết: từ khi nhà máy nước sạch hoạt động thì nguồn nước của người dân cũng bị… cạn kiệt.

Muốn có nước sạch thì… phải chờ

 Dân sở tại thì phải dùng nước “bẩn”, còn nước của nhà máy nước sạch dành để cung cấp, phục vụ cho dân cư khu vực nội thành và KCN Bắc Thăng Long.

Để phòng cho sức khoẻ lâu dài, những nhà có điều kiện đã mua bình ôzôn, bình lọc để xử lý nước hoặc mua nước tinh khiết, còn những nhà không có điều kiện thì vẫn phải dùng loại nước giếng khoan “bất bình thường” cho sinh hoạt hàng ngày.

Ông Tỉnh bức xúc: “Họ bảo dân xã Kim Chung chúng tôi muốn có nước sạch của nhà máy thì… phải chờ. Lo ngại sẽ sinh bệnh tật nên gia đình tôi chỉ sử dụng nước giếng khoan để tắm rửa, giặt rũ, còn nước uống và nước để nấu cơm thì phải mua nước tinh khiết trên thị trường, 1 tháng dùng hết gần 20 bình nước và mỗi bình có giá từ 15 - 20.000 đồng”.

Nước “bẩn” sinh bệnh tật, điều này dường như đã bộc lộ trong thực tế đời sống hàng ngày của người dân. Các bệnh như: bệnh ngoài da (bị ngứa), trẻ con bị tiêu chảy, bị ho là thường xuyên.

Ông Khang thừa nhận: “Chúng tôi chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các loại bệnh của người dân do sử dụng nguồn nước, nhưng bệnh liên quan đến đường hô hấp là nhiều nhất. Còn sử dụng nguồn nước này thì sự tiềm ẩn về các loại bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ là rất cao”.

… Và giải pháp “tình thế”

Hiện tại, xã Kim Chung chưa có hệ thống xả thải riêng biệt, nước thải sinh hoạt chưa được xử lý vẫn theo mương đổ ra đồng và kênh T9 nên gây ô nhiễm môi trường.

Sau nhiều năm kiến nghị các cấp, đầu tháng 2/2009, UBND TP Hà Nội đã có quyết định số 545/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án xây dựng hệ thống cấp nước khu vực xã Kim Chung, Võng La, Đại Mạch - huyện Đông Anh với tổng vốn đầu tư dự án tạm tính là trên 52 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2010.

Trước đó, “UBND xã chỉ đạo cho nhân dân vay vốn từ Quỹ Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, đã có 40 hộ dân được vay vốn để xây dựng nhà vệ sinh và hệ thống bể lọc nước” - ông Khang cho hay.

Mong muốn chính đáng của người dân xã Kim Chung là sớm được dùng nước sạch. Trước mắt, có thể xem những dự án cấp nước đã được phê duyệt là giải pháp cứu vãn tình thế đối với người dân địa phương này. Tuy nhiên, chừng nào giải pháp còn nằm trên giấy thì người dân sẽ còn đối mặt với nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn và cũng như phải gánh giá mua nước “cắt cổ”.

(Theo Dân trí)

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
 hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng:               (091)356-4657        hoặc (04)3772-2729
Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,