- Mạng phập phù lúc nhanh lúc chậm, lúc có lúc không, không thể kiểm soát thông tin và khiếu nại, người dùng loại hình kết nối Internet hiện đại - dịch vụ ADSL - lại đang hưởng kiểu kinh doanh "có sao dùng vậy" như thời bao cấp.
Chia sẻ bức xúc với Hộp thư BVKH VietNamNet, anh Nguyễn Duy Hưng (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết từ khi lắp đặt đường truyền MegaVNN gói cước Mega PRO của VDC, anh chỉ "hài lòng" với chất lượng được khoảng hơn 2 tuần.
Dùng đường truyền này để chơi game, độ trễ kết nối trong thời gian đầu tiên nằm trong mức 25-30ms. Sau đó đường truyền của anh liên tục "co giật" độ trễ (Ping Time) thì lên tới 500-600ms trong khi các đường truyền gói cước Mega PRO (4Mbps) mà anh tham khảo thì độ trễ chỉ khoảng 30-40ms.
Gọi hỗ trợ kỹ thuật VDC số 800126 lần đầu tiên, anh Hưng được bộ phận kỹ thuật của VDC trả lời sẽ tái lập (reset) lại đường truyền. Kết nối trở lại trơn tru được khoảng... 30 phút rồi "đâu lại vào đó", đường truyền lại "rùa bò" như cũ. Sau đó anh Hưng nhiều lần gọi điện thoại hỗ trợ kỹ thuật của VDC, nhưng chỉ nhận được trả lời "sẽ cho người xuống kiển tra", còn người thì suốt 1 tháng ròng cũng không thấy đâu.
Đo kiểm trên đường truyền ADSL gói cước Mega You của FPT Telecom: Modem ADSL của nhà cung cấp vẫn là kết nối download 5120Kbps và upload là 640Kbps. Nhưng tốc độ kết nối thực tế ra nước ngoài chỉ khoảng 950Kbps/240Kbps. Ảnh chụp màn hình. |
Cũng liên quan đến tốc độ nhưng trường hợp của bạn Linh Vũ (Hà Nội) lại không giống anh Hưng. Một nhóm sinh viên cùng xóm trọ góp tiền lắp đặt một gói cước Mega Me của FPT Telecom với tốc độ 3Mbps để sử dụng. Sau đó, các bạn lại góp tiền để nâng cấp lên gói Mega You với tốc độ 5Mbps với mong muốn có đường truyền "dư dả" hơn cho mọi người. Sau khi ký hợp đồng và các thủ tục cần thiết, mọi người cứ tiếp tục sử dụng mà không kiểm tra.
Sau hơn 1 tuần mà thấy tốc độ chẳng cải thiện bao nhiêu, cả nhóm tiến hành kiểm tra thì mới "té ngửa" bởi tốc độ vẫn ở mức 3Mbps như trước. Gọi điện lên tổng đài khiếu nại về việc "tiền đã trao mà cháo không múc", nhân viên kỹ thuật FPT cho biết sẽ "điều chỉnh" lại tốc độ đúng như hợp đồng ngay lập tức. Và đường truyền trở lại 5Mbps như trong hợp đồng được đúng... 2 ngày. Sau đó, nhóm sinh viên này vẫn phải trả tiền cho đường truyền 5Mbps để được hưởng tốc độ 3Mbps.
Trên đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp người dùng bức xúc về chất lượng đường truyền ADSL trong thời gian gần đây. Theo phản ánh, chất lượng kết nối chỉ đạt được tốc độ gần với cam kết trong hợp đồng trong thời gian mới lắp đặt. Sau đó tốc độ và mức ổn định dần giảm xuống tới mức: đường truyền gia đình gần như không bao giờ đạt được kết nối đúng như hợp đồng, đặc biệt là kết nối với những server ở nước ngoài vào ban ngày. Nếu muốn có cơ may để dùng đúng tốc độ cam kết trong hợp đồng, khách hàng phải thức đến sau 10 giờ đêm, thậm chí 3 giờ sáng tùy khu vực.
Dân trí càng cao, đường truyền càng tệ?
Một trong những yếu tố tác động mạnh tới tốc độ đường truyền ADSL là... trình độ dân trí nơi lắp đặt. Nghe có vẻ kỳ cục, nhưng khảo sát thực tế cho thấy: tại những khu vực dân cư chủ yếu là lao động phổ thông, ít người đăng ký dùng Internet thì mạng chạy rất "ngon" - dù bất cứ nhà cung cấp dịch vụ (ISP) nào. Nhưng tại những nơi đông dân cư, khu nhà công chức,... thì kết nối lại chậm chạp. Nếu khu vực đó lại có thêm nhiều văn phòng doanh nghiệp thì lại càng "rùa" nữa bởi các ISP thường giảm băng thông của nhóm khách hàng gia đình (Home) để ưu tiên cho nhóm văn phòng (Office) vào ban ngày.
Anh Hồ Quang Hải (Ngọc Khánh, Hà Nội) cho biết tại nơi anh ở, chỉ đầu phố đến cuối phố tốc độ kết nối đã khác nhau rồi. Anh Hải lắp đặt đường mạng Mega Style (hiện nay đổi tên thành Mega You) của FPT ở nhà riêng trong ngõ 28, phố Ngọc Khánh (Hà Nội) hồi năm 2005. Khi đó, anh là một trong những nhà đầu tiên trong khu này lắp Internet. Đường truyền dùng rất tốt cho đến tận ngày nay bởi đây là khu lao động, chỉ khoảng 3-4 nhà có lắp Internet tại nhà.
Khi chuyển sang nhà mới hồi đầu năm 2009, anh Hải tiếp tục đăng ký lắp thêm một đường truyền Mega You trong ngõ 112 phố Ngọc Khánh để dùng vì ấn tượng với chất lượng đường truyền cũ. Mặc dù nhà cũ và nhà mới cách nhau khoảng 1km nhưng chất lượng khác nhau "một trời một vực". Khi vào cùng một game online, độ trễ đường truyền thường xuyên gấp 3 lần so với đường truyền cũ, lên tới trên dưới 100ms so với khoảng 25-31ms trước đây. Kiểm tra tốc độ download cũng giảm đi rõ rệt.
"Kiểm tra vẫn trên 1 cái laptop đó, mạng, router, bộ phát wifi như cũ nên khác biệt tốc độ chỉ có thể do đường truyền chứ không thể là do máy tính được", anh Hải nói.
Hầu hết các trường hợp khiếu nại về tốc độ đường truyền đều được nhân viên "giải quyết ngay" bằng cách nâng dung lượng của khách hàng để thỏa mãn bức xúc. Nhưng việc này chỉ được giải quyết khi gọi điện khiếu nại, thời gian cũng chỉ trong vòng vài giờ đến 1-2 ngày trước khi tình trạng lại tệ hại như cũ.
Theo tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ truy nhập Internet ADSL của Bộ BC-VT (nay là Bộ TT-TT), tốc độ tải dữ liệu trung bình, cả hướng lên và hướng xuống, của một thuê bao ADSL tối thiểu phải đạt 80% tốc độ tải tối đa đối với website nội mạng (website của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ) và 60% tốc độ tải tối đa đối với các website ngoại mạng (các website trong nước và quốc tế không phải của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ).
Tuy nhiên, những con số về độ lớn băng thông trên hợp đồng khách hàng lại không theo chuẩn này. Theo đó, những gói cước 5Mbps, 3Mbps,... là tốc độ kết nối tối đa được cam kết từ máy khách hàng đến... máy chủ ISP. Còn từ đường truyền máy chủ tới website nội mạng và ra quốc tế lớn bé thế nào là do các nhà cung cấp dịch vụ... tùy thích. Thông thường, việc truy cập các website tại Việt Nam đều rất dễ dàng bởi nội dung thông tin ít, chủ yếu là website văn bản, ảnh số và nghe nhạc. Những nội dung multimedia có dung lượng lớn như download phần mềm, video phim ảnh, chơi game, v.v... lại thường được đặt host ở nước ngoài nên thường bị hạn chế để tiết kiệm băng thông trong giờ cao điểm làm việc.
Việc cắt giảm lên xuống dung lượng đường truyền của khách hàng hoàn toàn do nhà cung cấp điều chỉnh và đáng tiếc khách hàng hoàn toàn không biết. Một số người dùng khi kiểm tra bất thường hoặc cảm thấy "chậm kinh khủng" so với bình thường mới kiểm tra đột xuất phát hiện ra và khiếu nại thì được "giải quyết ngay" theo phương án trên.
-
Hải Phương
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |