Hơn một tháng qua, giá nhiều loại thuốc thông thường tăng mạnh, có loại tăng 60%-70%. Tuy nhiên, đại diện cục Quản lý dược (bộ Y tế) khẳng định không doanh nghiệp nào được phép tăng giá.
Thuốc lại tăng giá
Tại cửa hàng tân dược trên phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, khi được hỏi về giá thuốc nhân viên bán hàng kêu lên: “Thuốc lại tăng đó, thuốc nội còn tăng nhiều hơn thuốc ngoại, đặc biệt là nhóm hàng giảm đau, hạ sốt. Một số mặt hàng của doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cũng đang báo giá cao hơn mọi khi”.
Nhiều loại thuốc tăng từ 60-70%
Cụ thể như thuốc nhiệt miệng PV trước bán có 30.000đ/hộp nay tăng lên 36.000đ. Hay các loại thuốc của Pháp như Mucomyst; Clamoxyl tăng 5 – 10%,… nhân viên bán hàng cho biết.
Theo chị Hà chủ một hiệu thuốc ở đường Kim Ngưu (Q. Hai Bà Trưng), hơn 1 tháng nay, giá một số loại thuốc thông thường tăng mạnh, có loại tăng tới 60% - 70%.
Hay tại trung tâm dược Ngọc Khánh, Láng Hạ, Hà Nội nhiều cửa hàng cho biết thời gian gần đây giá một số loại thuốc lại nhúc nhích. Ví dụ như nước muối Natriclorid 0,9% được điều chỉnh giá bán từ 1.500đ/lọ lên 2.500đ/lọ; thuốc xịt mũi Sterimar từ 68.000 – 72.000đ/lọ; vitamin C tăng thêm 1.000đ/lọ 100 viên; Zinat chai 150mg từ 110.000đ lên 115.000đ…
Bắt tay tăng giá thuốc?
Tương tự, chị Thục, nhân viên một hiệu thuốc ở phố Trần Hưng Đạo, kêu trời vì nhiều loại dịch truyền cửa hàng chị nhập vào bỗng tăng vọt. Điển hình là dung dịch đạm truyền Alvesin 250 ml và 500 ml giá nhập tăng 8.000 đồng/chai, dịch truyền tĩnh mạch Morihepamine tăng 13.000 đồng/bịch, Nutrisol tăng 10.000 đồng/chai... so với giá nhập trước đây.
Chị Thục giải thích nguyên nhân khiến giá nhiều loại dịch truyền tăng là do nóng nắng nhiều người mệt mỏi, mất nước, sốt cao nên tự mua dịch về truyền để hạ nhiệt, vì thế dịch truyền bán rất chạy, thậm chí nhiều lúc không có hàng để bán. Còn nguyên nhân của đợt tăng giá thuốc này, theo chị Hà là do mùa hè, bụi bặm người dân phải sử dụng nhiều thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi làm tăng giá.
Nhưng nguyên nhân quan trọng, theo chị Hà dự đoán: Việc tăng giá thuốc gần đây là do một số công ty sản xuất và phân phối cố tình găm hàng để đẩy giá thuốc lên cao. “Hơn một tuần nay, một số thuốc thông thường đã rơi vào tình trạng khan hàng, theo thông báo của nhà phân phối thì tình trạng này có thể kéo dài 1- 2 tuần nữa và nhiều khả năng lại xuất hiện một đợt tăng giá mới” - chị Hà nói.
Ghi nhận từ nhiều nhà thuốc bán lẻ thời gian qua, mặc dù giá thuốc không tăng ồ ạt nhưng vẫn xuất hiện các đợt “sóng ngầm”. Thay vì tập trung lên giá nhiều mặt hàng cùng một lúc, các nhà sản xuất và phân phối tăng giá rải rác các mặt hàng trong một vài tuần.
Một chuyên gia dược phẩm nhận định: Thông thường, giá thuốc khi đưa về các nhà thuốc bán lẻ sẽ được đội lên từ 5%- 20% tùy loại thuốc và nhà thuốc. Tuy nhiên, nguyên nhân tăng giá ở đây không phải do các hãng điều chỉnh giá mà do các đại lý tự ý đẩy giá lên. Trong khi đó, theo chị Minh, chủ hiệu thuốc trên phố Trần Hưng Đạo, việc tăng giá hoàn toàn là do việc “bắt tay” của các công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, những cửa hàng bán lẻ phải cạnh tranh về giá nên nếu có tăng, cũng chỉ "chút ít" để giữ khách!
Không chấp nhận tăng giá thuốc của các doanh nghiệp
Trong khi đó TS Trương Quốc Cường, cục trưởng cục Quản lý dược khẳng định: cục Quản lý dược (bộ Y tế) không chấp nhận các doanh nghiệp tăng giá thuốc thời điểm này. Thời gian qua, qua phản ánh của báo chí có một số sản phẩm thuốc của một số công ty tăng, cục đã yêu cầu công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 báo cáo việc kê khai lại giá bán buôn các mặt hàng nhập khẩu của các công ty Abbott Laboratories, Solvay Pharmaceuticals, Laboratories Fornies S.A.
Riêng đối với các mặt hàng nhập khẩu của công ty Abbott Laboratories, yêu cầu công ty giải trình cụ thể lý do và tỷ lệ điều chỉnh giá. Trong thời gian báo cáo giải trình, yêu cầu công ty điều chỉnh giá các mặt hàng tăng giá trở về giá đã kê khai lại gần nhất với cục Quản lý dược. Việc chấn chỉnh này chúng tôi yêu cầu hoàn thành trước ngày 19/6. Cục sẽ có thông báo sớm nhất đến các cơ quan báo chí.
“Chúng tôi cũng đã kiểm tra các doanh nghiệp về việc tăng giá thuốc thì đều nhận thấy giá tăng do tỷ giá ngoại tệ”, TS Cường nói.
TPHCM: Gần 50 mặt hàng thuốc tăng giá Tại thị trường dược phẩm TPHCM trong những ngày gần đây có gần 50 mặt hàng thuốc đồng loạt tăng giá. Ngay từ đầu tháng 6-2009, nhiều mặt hàng thuốc ngoại, thuốc nội đã tiếp tục đua nhau tăng giá, khoảng từ 8% - 10%. Cụ thể là những mặt hàng Hidrasec Enfant 30 mg, Brexin 20 mg, Fatig 10 ml, Herbesser, Adona Disgren... của Công ty Solvay Pharma tăng giá từ 8% - 9%. Hơn 20 mặt hàng thuốc nhỏ mắt của Công ty Alcon đã được tăng giá 8%. Một số mặt hàng của Công ty Fournier Group Vietnam cũng tăng giá như Brexin, Fatig, Herbesser (8%), Disgren (9%)... Nhóm mặt hàng tăng giá 10% gồm có Klacid MR, Klacid 60 ml, Klacid 500 mg, Sevoran, Forane 250 ml, Forane 100 ml, Dermal E, Dermal Day... của Công ty Abbott Lab (Singapore) và Klacid MR 60 ml – 500 ml của Công ty Fournier Group Vietnam. Một số mặt hàng thuốc nội cũng đua nhau tăng giá vào dịp này như vitamin A, vitamin B6; Cloramphenicol 250 mg, Promethazin, Salbumol... của Công ty CP Dược phẩm 2-9 cũng tăng lên từ 10% - 25%. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, khảo sát giá nhập khẩu của tất cả các lô hàng thuốc từ tháng 4-2009 đến nay có khoảng 5% các mặt hàng có giá thay đổi, trong đó thuốc nhập khẩu tăng giá chiếm đến 60%. Vào đầu tháng 6-2009, Sở Y tế TPHCM đã nhận được 5 - 6 hồ sơ xin tăng giá với lý do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng do tỉ giá ngoại tệ tăng, tuy nhiên chỉ có 1 mặt hàng của BV Pharma được tăng 13% và 4 mặt hàng của Pharmedic tăng 20% - 26% . Theo Sở Y tế, nguyên liệu chỉ là một phần trong kết cấu giá thành sản phẩm nên đây không phải là lý do để xét tăng giá thuốc. PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết mặc dù tại TPHCM chiếm 70% thị phần dược phẩm của cả nước nhưng sở không quản lý giá của các doanh nghiệp dược nước ngoài và các tỉnh khác khi có thuốc lưu hành trên địa bàn TPHCM. Chính Cục Quản lý Dược là cấp quản lý giá thuốc của các đơn vị dược phẩm nước ngoài.
Theo SGTT&NLD
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi ! Đường dây nóng: Email: bvkh@vietnamnet.vn |