- Sau một vài tháng tạm lắng, tin nhắn rác lại tiếp tục "tấn công" người dùng di động. Người tiêu dùng mách nhau lưu tin lại làm bằng chứng tố cáo với nhà mạng nhưng xem ra vấn nạn này vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
Người dùng tiếp tục là nạn nhân
Chị Nguyễn Hằng (090279xxxx) cho biết, gần đây, liên tục chị nhận được tin nhắn quảng cáo mời dùng một số thuê bao trả sau của MobiFone. Tin nhắn này được gửi từ rất nhiều thuê bao trả trước khác nhau nhưng tên người và số điện thoại liên hệ ở cuối tin thì chỉ là một.
Người dùng liên lục bị làm phiền bởi những tin rác kiểu này. Ảnh: PV
Chị đã liên hệ với số điện thoại ở cuối tin để yêu cầu đừng làm phiền thì người đó chối bay chối biến là không gửi tin nhắn và còn nói những lời khó nghe.
“Tôi đã thử cho các số điện thoại gửi spam này vào danh sách chặn cuộc gọi và ngày hôm sau tôi lại nhận được tin nhắn y chang như vậy nhưng lại từ số khác. Tôi thực sự bực bội và cảm thấy rất phiền toái. Nhà mạng nên kiểm soát những sim khuyến mại đừng để người khác lợi dụng nó gây phiền toái đến mọi người.”
Anh Nguyễn Văn Luận (090909xxxx) khẳng định: “Không hiểu sao đến bây giờ tôi vẫn nhận được những tin nhắn rác. Tôi cũng đã gọi điện thoại đến MobiFone để phản ánh và được hướng dẫn là đem theo CMND và lưu lại các nội dung tin nhắn đến văn phòng của MobiFone sẽ xem xét giải quyết. Chẳng lẽ lại mất thời gian như vậy mới xử lý được sao?”
Anh Huỳnh Ngọc Xuân (09091368xxxx) thắc mắc: “Tôi nhận được tin nhắn từ +6771 với nội dung về dịch vụ sổ xố lô tô. Những tin nhắn không mong muốn làm phiền tôi theo kiểu như thế này thì tôi phải làm gì và nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm như thế nào đối với khách hàng?”
Anh Tiến (098871xxxx) cho biết: “Tôi nhận được tin nhắn từ một số trả trước quảng cáo về dịch vụ tải nhạc, tải ảnh, kết quả sổ xố... trên link website và tổng đài 1900571290 của công ty cổ phần công nghệ Tinh Vân. Không hiểu sao đến bây giờ vẫn còn những tin rác kiểu này. Tôi tưởng sau 30/6, đăng kí thông tin cá nhân hết rồi thì nhà mạng dễ kiểm soát và giúp được khách hàng khỏi bị làm phiền chứ.”
Nhà mạng vẫn gặp khó
Chỉ cần khách hàng gọi điện tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các nhà mạng (MobiFone: 18001090, Viettel: 19008198, VinaPhone: 18001091) là khiếu nại về tin rác được tiếp nhận. Song việc xử lý thì không phải lúc nào cũng triệt để.
Nếu tin rác được gửi từ chính tổng đài của nhà cung cấp dịch vụ thì rất dễ xử lý. Chẳng hạn như trường hợp của anh Xuân, VinaPhone ngay lập tức đã yêu cầu dịch vụ sổ xố lô tô ngừng gửi tin nhắn.
Mạng lưới thông báo - xử lý tin rác: người dùng đóng vai trò quan trọng trong việc tố giác để bảo vệ chính mình và người khác.
Song cái khó của nhà mạng là phần lớn những tin rác lại được phát tán từ thuê bao trả trước. Để xử lý, nhà mạng cần khách hàng phối hợp cung cấp bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, khi khách hàng đề nghị cung cấp bằng chứng cho nhà mạng thì được yêu cầu: lưu tin nhắn, mang chứng minh nhân dân đến địa điểm giao dịch gần nhất của nhà mạng để được xem xét giải quyết.
Hiện tại, chỉ duy nhất nhà mạng MobiFone duy trì đầu số 9241 tiếp nhận tin nhắn rác chuyển tiếp từ người dùng. Khi nhận được tin nhắn rác, thuê bao chỉ việc chọn tính năng chuyển tiếp và gửi tới 9241 - tổng đài này được cài đặt để nhận được số thuê bao đã gửi đến số máy người phản ánh. Tuy nhiên, khi phóng viên chuyển tiếp một tin nhắn rác tới 9241 thì không hề thấy phản hồi gì từ tổng đài và như vậy, người dùng cũng khó có thể biết được bằng chứng mình cung cấp có được tiếp nhận hay không.
Khi một tin rác được gửi từ thuê bao trả trước, hình thức xử lý cao nhất mà nhà mạng có thể làm là cắt liên lạc thuê bao đó. Nhưng nếu đây là một số sim rác, hình thức này cũng trở nên vô nghĩa. Việc làm rõ trách nhiệm của cá nhân hay của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ 8xxx được nhắc tới trong tin rác rất khó vì cá nhân hay doanh nghiệp dễ dàng chối bay chối biến bằng cách phủ nhận và cho rằng có ai đó đang chơi xấu, chơi bẩn mình.
Dù sim rác đó đã được đăng kí thông tin thuê bao trả trước thì việc chứng minh người sở hữu có liên quan tới dịch vụ đầu số cũng khá vô vọng khi tình trạng đăng kí hộ, đăng kí trước bằng thông tin của người khác vẫn tràn lan.
VnCert: Cần có sự phối hợp để xử lý
Theo đại diện của VnCert, ba biện pháp tiếp theo sẽ được tiến hành đồng thời nhằm đảm bảo việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ SMS không còn phát tán tin nhắn rác và không tái phạm việc phát tán tin nhắn rác là:
1. Tăng cường nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp (bao gồm cả việc xử lý điển hình để làm gương);
2. Tăng cường hoạt động cấp mã số quản lý và tháo gỡ các vướng mắc để các doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ quảng cáo hợp pháp;
3. Triển khai mạng lưới thông báo - xử lý thư rác phối hợp giữa người dùng cuối, các doanh nghiệp và VNCERT.
Người dùng hiến kế chống tin rác
Anh Phan Nguyễn Minh Tùng - TP. Hồ Chí Minh:
“Theo tôi, để ngăn chặn nạn SMS rác (SMSR) thì chúng ta nên kết hợp nhiều biện pháp khác nhau như: Tuyên truyền Nghị định 90, Thông tư 12 về chống thư rác đến tất cả các doanh nghiệp và người dân để họ nâng cao nhận thức về thư rác, để họ hiểu thế nào là thư rác.
VNCERT, Bộ Thông tin & Truyền thông cần phải mạnh tay với CP và nhà mạng di dộng. Nhanh chóng ban hành luật mới để các CP không còn cách lách luật nữa. Nhà mạng di động phải trang bị cho mình một hệ thống chặn SMSR từ nhiều phía khác nhau như từ: CP, thuê bao di động, từ Internet.
Hãy trang bị hệ thống chặn, cung cấp công cụ quản lý cho người dùng là hiệu quả nhất. Phía người dùng cần phải đề cao cảnh giác về những tin nhắn lừa đảo, dụ dỗ... để không bị mắc lừa.”
Anh Vũ Thành Long - TP. Hồ Chí Minh:
"Hiện nay, nghị định 90/2008/NĐ-CP và thông tư 12 quản lý các Telco và CP tương đối chặt. Vì vậy, các thuê bao nên tích cực phản ánh, để cơ quan nhà nước có cơ sở thụ lý, giải quyết. Không nên xóa tin nhắn đó đi, mà giữ lại để làm bằng chứng, cần thiết chụp lại gửi cho các telco, CP đề nghị làm rõ. Mỗi chúng ta cần nghiêm túc trong việc này tức là bạn đang tự bảo vệ mình và người khác khỏi tin nhắn rác."
- Huyền My