- Một khách hàng bỏ cả tháng trời khiếu nại sau khi tình cờ phát hiện 2 miếng băng vệ sinh Diana có 1 khoảng bông ố đen. Nhà sản xuất giải thích bông ố do dầu máy khiến chị lo ngại khả năng mắc bệnh của nhiều phụ nữ đang sử dụng sản phẩm này.
1 tháng chờ lời giải thích
Tháng 4/2009, chị L. (Hà Nội) mua 1 lô băng vệ sinh phụ nữ (BVS) Diana tại siêu thị Metro Hà Nội. Bóc gói băng, chị tình cờ thấy một miếng có "vết đen ố to hơn đầu ngón tay". Tò mò bóc miếng băng ra xem, chị giật mình thấy lớp bông bên trong có 1 khoảng đen như màu nuớc cống. Tìm thấy một miếng bẩn tương tự, chị L. lập tức liên hệ với Công ty Diana theo số điện thoại in trên bao bì sản phẩm.
Miếng BVS Diana có vết ố đen mà chị D. Linh đã mua. Ảnh: H.Dũng |
Chị L. cho biết: "Cô nhân viên tiếp nhận ý kiến và hứa sẽ truyền đạt cho người có trách nhiệm. Sau 1 tuần, tôi lại phải chủ động liên hệ lại vì không nhận được bất cứ phản hồi nào". Sau lần liên hệ của chị, một nhân viên Công ty Diana đã đến xin lại sản phẩm và đề nghị đổi sản phẩm mới cùng loại, tuy nhiên chị L. không chấp nhận.
"Nếu chỉ để nhận lại 1 gói BVS như thế, tôi đã không tốn công liên lạc với Diana. Điều tôi cần là Diana có câu trả lời và xin lỗi thỏa đáng cho tôi cũng như nhiều phụ nữ đang dùng sản phẩm này. Đối với chúng tôi, đây không phải vấn đề kinh tế mà là mối lo về sức khỏe, vệ sinh", chị L. nói.
Sau đó Diana đã cho người liên lạc với chị L. nhiều lần nhưng cũng từng đó lần, nhân viên này "không thu xếp được thời gian" để gặp chị. Sau hơn 1 tháng trời, chị L. vẫn không nhận được câu trả lời từ Diana.
Vết ố trên BVS là vết dầu máy
Tại buổi gặp đại diện Công ty Diana tại Toà soạn Báo VietNamNet ngày 9/7/2009, chị L. trao 1 phần sản phẩm để Diana xác định nguyên nhân ố đen.
Ngày 15/7/2009, Công ty Diana đã có công văn xác định "chắc chắn nguyên nhân gây ra vết bẩn là do vết dầu dính ra trong quá trình chạy máy". Công ty Diana giải thích: "Về nguyên tắc sản xuất tại Diana, trước và sau 5 phút của mỗi thay đổi (thay dầu, lắp lại máy, đặt lại trục v.v...), người thợ trực máy phải có trách nhiệm gạt bỏ ra ngoài dây chuyền những sản phẩm không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, do sơ suất, không tuân thủ đúng quy trình kĩ thuật, công nhân trực máy ca đó đã để lẫn một, hai sản phẩm bị lỗi".
Công ty Diana đồng thời nhận lỗi với khách hàng về thái độ giải quyết khiếu nại của nhân viên Diana, hứa sẽ quan tâm hơn đến việc đào tạo nhân viên chăm sóc khách hàng và cam kết sẽ có giải thích trực tiếp và đền bù hợp lý với khách hàng L.
Tuy cho giải thích của Công ty Diana là hợp lý nhưng chị L. vẫn cho biết: "Tôi phải đi khám phụ khoa ngay và sẽ khuyến cáo người thân, bạn bè nhìn kỹ mọi miếng BVS trước khi dùng".
Điều 17, 18 Dự Thảo luật Bảo vệ người tiêu dùng |
Điều 17. Trách nhiệm sản phẩm 1. Thương nhân sản xuất sản phẩm, thương nhân gắn tên thương mại lên sản phẩm hoặc sử dụng nhãn hiệu hay dấu hiệu cho phép nhận diện đó là thương nhân sản xuất sản phẩm hoặc thương nhân nhập khẩu sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng ngay cả trong trường hợp thương nhân đó không có lỗi. 2. Thương nhân trực tiếp cung cấp sản phẩm có khuyết tật tới người tiêu dùng sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm đó nếu thương nhân đó không xác định được thương nhân chịu trách nhiệm sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều này theo yêu cầu của người tiêu dùng. 3. Thương nhân kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm có khuyết tật phải chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp khuyết tật của sản phẩm có nguyên nhân một phần hoặc toàn bộ từ khuyết tật của nguyên vật liệu, phụ kiện hoặc bộ phận cấu thành của sản phẩm do thương nhân đó cung cấp. Điều 18. Xác định sản phẩm có khuyết tật 1. Một sản phẩm có thể bị coi là có khuyết tật ngay cả trong trường hợp sản phẩm đó được sản xuất theo đúng quy cách, tiêu chuẩn hiện hành hoặc quy chuẩn đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành nhưng vẫn không đảm bảo mức độ an toàn hợp lý cho người tiêu dùng. 2. Một sản phẩm không bị coi là có khuyết tật chỉ vì lý do duy nhất là có một sản phẩm cùng loại khác an toàn hơn được đưa vào lưu thông sau đó. 3. Mức độ an toàn hợp lý của sản phẩm được xác định dựa trên các yếu tố bao gồm thiết kế kỹ thuật, công dụng, phương thức sử dụng, thời điểm thương nhân đưa sản phẩm vào lưu thông và các yếu tố khác có liên quan đến sản phẩm. |
-
Hoàng Dũng
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |