- Mua bảo hiểm xe cơ giới đã trở thành quy định bắt buộc của pháp luật, tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng mặn mà với việc sử dụng dịch vụ bảo hiểm bởi "quá phức tạp, lằng nhằng và mất thời gian"...
Bảo hiểm ô tô: "Mua dễ - thanh toán... còn phải xét"
Một chiếc xe Mercedes gặp "trục trặc" về giấy tờ nên sau hơn 7 tháng mới được chi trả tiền bảo hiểm (Ảnh C.Thanh)
Chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới, nhiều khách hàng đã phải lên tiếng than phiền về chất lượng dịch vụ bảo hiểm. Chủ yếu những phản ánh của khách hàng xoay quanh sự lằng nhằng, phức tạp của quy trình thanh toán bảo hiểm và thái độ phục vụ của nhân viên bảo hiểm.
Chị Trần Thị Thái ở Mỹ Đình, Hà Nội kể: "Cuối tháng 10/2008, chiếc xe Mercedes E280 của công ty chúng tôi bị thuỷ kích, toàn bộ phần máy bị hư hỏng nặng nên phải kéo vào xưởng để sửa chữa. Ngay khi xe bị hỏng, chúng tôi đã gọi điện tới hãng bảo hiểm để yêu cầu được thanh toán bảo hiểm.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của chúng tôi, đội ngũ nhân viên của hãng bảo hiểm tỏ ra rất thờ ơ trong việc lập hồ sơ, làm thủ tục chi trả bảo hiểm.
Phải nhiều ngày "đeo bám", "năn nỉ" thì công ty chúng tôi mới được với cán bộ có trách nhiệm của hãng bảo hiểm hướng dẫn làm thủ tục giám định, sửa chữa xe. Trong quá trình chờ đợi giám định, sửa chữa xe, chúng tôi thêm một lần thất vọng khi một cán bộ của hãng bảo hiểm đã tới để... yêu cầu công ty chúng tôi phải chia sẻ, chịu trách nhiệm cho việc khấu hao tất cả các bộ phận và chi phí thay thế, sửa chữa khác trong quá trình sửa chữa xe Mercedes cho dù xe đã được mua bảo hiểm đầy đủ".
Tương tự như trường hợp của chị Thái, anh Vũ Đức Bằng ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng... phát sợ khi phải chạy theo những thủ tục chi trả bảo hiểm mà hãng bảo hiểm yêu cầu anh Bằng. Anh Bằng chán nản kể lại: "Sau khi chiếc xe Toyota của tôi bị tai nạn ở Hoà Bình, tôi đã nhanh chóng liên lạc với hãng bảo hiểm để họ trợ giúp. Tuy nhiên, đợi cả nửa ngày trời vẫn chẳng hề thấy xe cứu hộ mà họ hứa đâu cả. Gọi điện giục thì chỉ được vài lần, sau đó thì điện thoại của nhân viên bảo hiểm... tò te tí không liên lạc được nên tôi đành phải tự bỏ tiền túi ra gọi xe cứu hộ kéo về Hà Nội.
Về tới gara, tôi gọi cho nhân viên bảo hiểm thì họ xin lỗi vì "Điện thoại hết pin" và hứa sẽ hỗ trợ làm thủ tục thanh toán mọi chi phí liên quan thật nhanh chóng. Nhưng rồi hết lần này đến lần khác, mỗi khi tôi thắc mắc chuyện "Xe đã sửa xong mà bảo hiểm vẫn chưa thanh toán" thì họ lại bảo "Anh còn thiếu giấy tờ cần thiết". Cứ như vậy, phải đến gần 2 tháng sau khi xe tôi bị tai nạn thì hãng bảo hiểm mới chịu chi trả tiền sửa chữa".
Bảo hiểm xe máy: Mua để đối phó công an
Ô tô đã vậy, với xe máy thì việc để sử dụng được "tấm thẻ" bảo hiểm cũng chẳng phải chuyện dễ dàng bởi... hầu hết người dân đều không biết làm thế nào để sử dụng được dịch vụ mà mình đã bỏ tiền ra mua. Anh Khương Văn Thắng ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân cho biết: "Không chỉ riêng tôi mà hàng trăm, hàng triệu chủ xe máy ở Việt Nam hiện chẳng biết làm sao để có thể sử dụng được "Giấy chứng nhận Bảo hiểm bắt buộc Trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô - xe máy" mà mình đã mua".
Giải thích về lí do "không biết cách sử dụng", anh Thắng lí giải: "Mặc dù trên những "tấm giấy" chứng nhận đều có ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để liên hệ khi cần thiết nhưng khi gặp tai nạn, thói quen của người dân đa phần là "dĩ hoà vi quý", nhẹ thì xin lỗi nhau một câu, nặng thì bỏ tiền túi ra đền vì... ngại gọi điện thoại. Mặt khác, nhiều khi gọi điện tới các số điện thoại mà hãng bảo hiểm đã in lên Giấy chứng nhận bảo hiểm đó nhưng lại chẳng có ai nghe máy".
Nhiều người dân vẫn chưa biết cách để sử dụng tấm Giấy chứng nhận Bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe mô tô - xe máy (Ảnh minh hoạ C.Thanh) |
Chị Nguyễn Thị Bảo Khanh ở Trấn Vũ, Ba Đình, Hà Nội thì bảo: "Lần đầu tiên bị tai nạn, tôi cũng có gọi điện theo số điện thoại in trên Giấy chứng nhận bảo hiểm nhưng chỉ nghe người ta hướng dẫn chờ nọ chờ kia. Chân tay mình mẩy thì đau mà chờ mãi chẳng thấy ai đến làm thủ tục cả nên tôi với cả anh thanh niên va vào nhau đành tự vào bệnh viện băng bó và bỏ tiền túi ra thanh toán chi phí".
Anh Vũ Hùng - Tài xế "xe ôm" ở Đống Đa, Hà Nội thẳng thắn: "Khi điều khiển mô tô, xe máy ra đường thì chủ xe phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc Trách nhiệm dân sự theo người, nếu không sẽ bị phạt tiền nên hầu hết cánh "xe ôm" chúng tôi ai cũng mua để...tránh bị phạt. Khi gặp tai nạn hoặc va chạm trên đường, theo tôi cách tốt nhất là tự mình giải quyết chứ chờ đến mấy bác bảo hiểm thì chẳng biết đến bao giờ!".
Người tiêu dùng - Hãng bảo hiểm: "Tại cả đôi bên"!
Đó là nhận xét của nhiều chuyên gia làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung và bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng khi trả lời câu hỏi của phóng viên VietNamNet về thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đạt mức 2.992 tỷ đồng, trong khi lượng xe ô tô bị hư hỏng vì ngập nước tăng lên đáng kể trong một vài năm gần đây. Đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi khi có đợt mưa lớn, triều cường, số lượng xe ô tô phải "nằm" gara để sửa chữa những hư hỏng liên quan tới "thuỷ kích" tăng lên chóng mặt.
Nghị định 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Người điều khiển phương tiện hoặc chủ xe cơ giới không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt 100.000 đồng (đối với người điều khiển moto, xe máy và 500.000 đồng đối với người điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe cơ giới tương tự".
Đại diện các hãng xe lớn tại Việt Nam đều khẳng định, khi xe bị ngập nước, chi phí để sửa chữa nhẹ cũng gần chục triệu đồng, sửa chữa nặng có khi lên tới cả tỷ đồng, đó là chưa kể tới các chi phí phát sinh khi xe phải thay tổng thành máy. Gánh nặng chi phí này không phải chủ xe nào cũng gánh nổi khi không mua bảo hiểm và không được hãng bảo hiểm... gánh hộ. Tuy nhiên, do cách làm việc lằng nhằng và phức tạp của nhân viên một số hãng bảo hiểm nên nhiều chủ xe đã chấp nhận sự may rủi khi không mua bảo hiểm để... đỡ đau đầu vì thủ tục bảo hiểm.
"Tại cả đôi bên" - Người tiêu dùng thì thờ ơ với bảo hiểm còn hãng bảo hiểm thì... thờ ơ và chậm chạp trong việc làm thủ tục chi trả bảo hiểm nên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam - một thị trường được đánh giá là rất tiềm năng vẫn đang phát triển khá chậm.
-
C.Thanh
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |