221
10701
Bảo vệ người tiêu dùng
bvkh
/bvkh/
1267119
Đặc sản thịt thú rừng ở chùa Hương: Thực khách mắc lỡm
1
Article
null
Đặc sản thịt thú rừng ở chùa Hương: Thực khách mắc lỡm
,

Du khách thấy mắt con vật mở trừng trừng, lông lá còn nguyên vẹn nhưng sự thật thịt cầy vòi, don đều được chế từ thịt chó, thỏ, bê.

TIN LIÊN QUAN

Mô tả ảnh.

Lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo khách hàng

Thăm chợ “thịt thú rừng”

Trung tâm chợ “thịt thú rừng” chùa Hương nằm ở bến Trò, với hơn 20 hàng quán bày san sát những xâu, móc “thịt thú rừng” treo lủng lẳng. Gặng hỏi một số người lái đò ở chùa Hương, chúng tôi được biết, “thịt thú rừng” treo bán tại đây bắt đầu từ những ngày khai hội. Nhà hàng nào cũng cố gắng tìm đủ loại: cầy hương, cầy vòi, hươu, don... treo trước cửa hàng quảng cáo.

Khảo sát quanh khu vực chợ “thịt thú rừng” chùa Hương, chúng tôi giật mình trước giá thịt ở đây, một chủ hàng hét giá: cầy vòi 250.000 đồng/kg; nai 500.000 đồng/kg... Người chủ hàng này tay lăm lăm con dao chọc tiết lợn sẵn sàng cắt, xẻo từng tảng thịt trên “con nai” treo trước cửa hàng.

Được biết, “thịt thú rừng” bán ở chùa Hương được các cửa hàng “nhập” về từ nhiều nơi, chủ yếu ở Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình... Đây là một thực tế mà tất cả du khách đến chùa Hương đều chứng kiến, tuy nhiên, ở đâu ra mà chùa Hương nhiều thịt thú rừng như vậy?

“Công nghệ tạo hình”

Đi sâu tìm hiểu nguồn “thịt thú rừng” ở chùa Hương, chúng tôi được biết: Hầu hết “thịt thú rừng” ở chùa Hương đều được “tạo hình” từ thịt chó và thịt thỏ. Qua bàn tay nhào nặn của các “chuyên gia”, nó sẽ biến thành thịt cầy vòi, cầy vôi và don. Lộ cho chúng tôi cách “tạo hình” cầy hương từ thỏ, một nhân viên bán hàng cho biết: Thỏ sau khi được cạo lông, cắt tai sẽ thui qua lửa. Để thỏ giống cầy hương, các chủ quán sẽ moi lấy hàm thỏ, cắt lưỡi, kéo cổ thỏ cho dài và dùng đèn khò thui vàng. Từ đây, thỏ sẽ biến thành cầy hương chính hiệu, có thể thuyết phục và khiến nhiều du khách trẩy hội móc ví mua “thịt thú rừng”.

Song, tinh vi hơn cả là thủ thuật biến thịt chó thành thịt cầy vòi. Theo ông Nguyễn Tiến Phụng - Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng, Tiểu khu số 1 Yến Vĩ, thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng rừng Hương Sơn: tiểu xảo làm giả thịt cầy vòi xuất hiện ở chùa Hương khoảng 3 năm nay. Chó chọn để “tạo hình” thành cầy vòi thường là những con chó nặng từ 6-8kg. Sau khi giết thịt, cạo sạch lông, các nhà hàng sẽ lót giẻ lên đầu chó, dùng chầy đập dập xương đầu, khoét xương hàm, cắt lưỡi khiến đầu chó nhỏ hơn, thon dài. Tinh xảo hơn, các nhà hàng sẽ kéo đầu chó, xì đèn khò cho đầu dài và thon nhỏ lại. Nhìn bên ngoài, con chó sẽ không khác gì con cầy vòi - ông Phụng khẳng định.

Còn về thịt hươu, thịt nai thực chất là thịt bê đã lóc hết thân mình, còn lại để nguyên đầu và bộ chân móng guốc không cạo lông chào mời khách. Nhiều du khách không biết, thấy mắt con vật mở trừng trừng, lông lá còn nguyên vẹn, giống thú rừng hoang dã đã tin sái cổ. Để thêm tính thuyết phục, nhiều chủ cửa hàng còn sử dụng “mỹ phẩm” quét lên mình con vật, tạo màu sắc bắt mắt.

Theo ông Nguyễn Văn Mạc - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mỹ Đức: do hầu hết khách đến chùa Hương trẩy hội chưa từng nhìn thấy tận mắt các loại thú rừng nên họ dễ bị thuyết phục. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hành vi lừa dối khách hàng như trên xuất phát chính từ tâm lý kiêng kị ăn thịt chó đầu năm, thích ăn thịt thú rừng lấy may của du khách. Song, không may cho họ, nhiều người đã bị lừa ăn thịt chó ngay từ những ngày đầu năm tại nơi cửa Phật.

Mô tả ảnh.

Thịt chó được “hô biến” thành cầy vòi

Cần xử lý hành vi lừa gạt người tiêu dùng

Trước những thông tin nhiều chiều về việc xẻ thịt “thú rừng” tràn lan ở chùa Hương, sáng 10/3/2010, PV ANTĐ đã theo chân đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra chợ “thịt thú rừng” ở đây. Tham gia đoàn công tác có: Đội 2.1 Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội; Hạt kiểm lâm Mỹ Đức, Phòng TNMT huyện Mỹ Đức; QLTT huyện Mỹ Đức... Cùng lúc tiến hành kiểm tra đột xuất 3 nhà hàng có bán thịt thú rừng: Ngọc Đông; Thanh Hương; Quỳnh Phương tại bến Trò, lực lượng chức năng ghi nhận tại đây đang bày bán thịt động vật, song là thịt chó, thỏ, bê đều bị biến hoá thành thịt cầy vòi, don,... Các chủ cửa hàng đều khẳng định, cửa hàng họ không bày bán thịt thú rừng.

Đáng chú ý, tại cửa hàng ăn uống Ngọc Đông, do ông Trần Tuấn Ngọc làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện 1 con hươu, trọng lượng khoảng 55kg đã bị xẻ thịt, treo lủng lẳng trên dây sắt. Lý giải về nguồn gốc con hươu này, ông Ngọc cho biết: nhà ông đang nuôi nhốt 5 con hươu sao. Số hươu này đều đã làm thủ tục đăng ký với Hạt kiểm lâm Mỹ Đức theo quy định. Những ngày gần đây, một số cá thể hươu ốm chết nên ông đem ra thịt để bán cho khách. Khẳng định thông tin ông Ngọc nói là chính xác, một cán bộ Hạt kiểm lâm Mỹ Đức cho biết: lỗi của ông Ngọc là khi cá thể hươu bị chết, giết thịt đã không báo cáo cho cơ quan kiểm lâm.

Theo cán bộ Hạt Kiểm lâm này: Thẩm quyền của kiểm lâm là tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết với các hộ kinh doanh không buôn bán thịt thú rừng, nhắc nhở họ không được “treo đầu dê bán thịt chó”. Trường hợp nào treo biển giả thì buộc tháo dỡ, bởi thực tế họ có buôn bán thú rừng đâu - đại diện Hạt Kiểm lâm Mỹ Đức khẳng định. Trưa muộn ngày 10-3, trên đường về, chúng tôi ghé vào một quán cơm nằm sát chân chùa Thiên Trù. Chỉ tay vào con chó treo lủng lẳng, tôi hỏi: Thịt gì đây anh? Anh nhân viên trẻ của quán hàng nói nhanh: Cầy vòi anh ơi, ăn đi ngon lắm...!

Chùa Hương nhiều năm nay vẫn vậy, các cửa hàng bán thịt thú rừng giả cứ nhan nhản tồn tại. Các hành vi lừa gạt người tiêu dùng diễn ra ngang nhiên là vậy, song, điều đáng trách là lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã không có động thái tích cực nào để ngăn chặn những hành vi gian dối trên. Tiếc thay cho những du khách du xuân đầu năm tới cửa chùa mà mua phải thịt chó về làm quà, họ đã bị lừa trước sự thiếu kiên quyết của các lực lượng chức năng địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc bày bán, quảng cáo thịt thú rừng như trên là vi phạm điều 8, Nghị định NĐ 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản vì quảng cáo kinh doanh thực vật, động vật rừng trái quy định của pháp luật. Dư luận đang chờ những hành động quyết liệt hơn của các lực lượng chức năng.

(Theo An ninh Thủ Đô)

Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng
hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !

Đường dây nóng: (092)345-7799 hoặc (04)3772-2729.

Email: bvkh@vietnamnet.vn

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,