-Tự đo lưu lượng ADSL, khách thấy lệch hàng chục lần so với dung lượng tính cước trong hóa đơn của nhà mạng FPT. Sau 3 tháng âm thầm theo dõi và 8 tháng quyết liệt khiếu nại, khách vẫn cứng họng chịu đuối lý.
Tự đo dung lượng ADSL, chẳng cãi được doanh nghiệp
Sử dụng dịch vụ Internet của công ty cổ phần FPT miền Bắc, gói cước MegaMe theo dung lượng, anh Hoàng Trọng Hảo đã cẩn thận cài phần mềm virus có bản quyền cũng như quản lý sát sao việc sử dụng mạng của mình. Mức cước của anh thường chỉ dao động trong khoảng 150.000 - 200.000 đồng. Từ tháng 3/2009, thấy hóa đơn cước tăng vọt dù mức dùng không đổi, anh Hảo nghi bị tính sai lưu lượng.
|
Dùng phần mềm đo dung lượng của bên thứ 3, không thể chứng minh nhà mạng tính cước sai. Ảnh minh họa |
Để kiểm tra, anh download và cài đặt 03 phần mềm đo dung lượng (2 phần mềm dùng thử trong 30 ngày và phần mềm Net Worx miễn phí). Anh thấy một điều rất lạ lùng trong khi con số về dung lượng đo được của ba phần mềm trong tháng trùng nhau trong khi lại lệch so với con số tính cước của FPT.
Anh Hảo quyết định dùng phần mềm Net Worx theo dõi tiếp. Sau ba tháng (tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2009), anh thấy dung lượng đo được vẫn tiếp tục bị lệch, lệch nhiền lần so với số tính cước của FPT. Có tháng, dung lượng tính cước của FPT tăng gấp 6,5 lần so với dung lượng phần mềm cài trên máy anh đo được.
Bởi vậy tháng 8/2009, anh Hảo bắt đầu khiếu nại lên FPT về hai điểm: Đề nghị FPT giải thích việc tại sao lại có sự chênh lệch giữa số đo dung lượng của FPT với phần mềm Net Worx và đề nghị FPT cung cấp phần mềm hoặc giới thiệu phần mềm FPT tin tưởng để khách hàng tiện đối chiếu.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần khiếu nại, nhân viên FPT chỉ giải thích có thể do máy anh bị nhiễm virus, hẹn kiểm tra và đến kiểm tra nhưng từ tháng 8 đến tháng 12/2009, FPT không trả lời cụ thể về hai vấn đề anh nêu.
Trong thời gian đó, dung lượng anh đo được và dung lượng FPT tính cước vẫn tiếp tục chênh lệch.
Bảng so sánh dung lượng FPT đo và khách hàng đo bằng phần mềm Net Worx:
Tháng |
FPT (MB) |
NetWorx |
Tỉ lệ chênh lệch (%) |
6/2009 |
2346 |
355 |
~ 660% |
7/2009 |
1966 |
830 |
~236% |
8/2009 |
2046 |
314 |
~651% |
9/2009 |
815 |
141 |
~578% |
10/2009 |
823 |
438 |
~187% |
11/2009 |
1328 |
390 |
~340% |
12/2009 |
371 |
255 |
~145% |
1/2010 |
377 |
279 |
~134% |
Anh Hảo cho biết: "Đến tháng 12, khi tôi quyết liệt khiếu nại thì sự chênh lệch giữa dung lượng tính cước của FPT và dung lượng phần mềm đo được giảm đi rất nhiều, có tháng chỉ còn chênh 30% chứ không chênh lệch nhiều như trước nữa. Tôi không rõ lí do là gì."
Anh cũng cho biết thêm, trong suốt quá trình khiếu nại, anh gặp rất nhiều phiền phức và rắc rối mà anh đã tổng kết được thành 16 "tiệt chiêu" (từ anh Hảo dùng) mà nhân viên FPT sử dụng để né tránh trả lời trực tiếp vào câu hỏi của khách hàng.
Đến tháng 1/2010, FPT có cử nhân viên xuống nhà khách hàng để kiểm tra. Nhân viên FPT đã ngồi cùng khách hàng so sánh, đối chiếu giữa con số đo dung lượng của FPT và con số đo bằng phần mềm Net Worx. Kết quả cho thấy ngày giờ phát sinh dung lượng hoàn toàn trùng khớp, dung lượng down tương đối khớp chỉ khác biệt về dung lượng up lên.
Sau đó vào ngày 18/1, FPT đã có công văn trả lời khách hàng. Trong công văn, FPT khẳng định: "không có việc tính cước nhầm lẫn từ phía FPT Telecom cũng như không có truy cập trái phép từ bên ngoài vào thuê bao của quý khách". Đồng thời, phía doanh nghiệp này cũng khẳng định: "các phần mềm đo lường trên internet mà quý khách sử dụng chỉ có ý nghĩa tham khảo, khó đảm bảo tính chính xác".
Anh Hảo không thỏa mãn với nội dung trả lời trong công văn này.
Muốn so sánh, phải đo dung lượng trên modem
Ngày 3/4/2010, FPT Telecom đã có buổi làm việc trực tiếp tại địa điểm lắp đặt của khách hàng có sự tham gia của phóng viên báo VietNamNet. Đại diện FPT khẳng định: "Hàng quý, Cục Quản lý chất lượng CNTT & Truyền Thông - Bộ Thông tin và Truyền Thông vẫn định kỳ kiểm tra chất lượng và kết luận độ chính xác của Phần mềm tính cước của FPT Telecom đều đạt tiêu chuẩn TCN- 68- 227:2006." Đồng thời, đại diện này cũng đưa ra bản kết quả đo kiểm quý IV/2009 tại TP.HCM tỷ lệ tính sai lưu lượng gói cước MegaMe thấp hơn tiêu chuẩn (0,06% so với tiêu chuẩn 0,1%).
|
Công văn FPT trả lời anh Hảo ngày 18/1. |
Lí giải về việc trùng khớp khoảng thời gian phát sinh dung lượng, khá trùng khớp về dung lượng down, chỉ chênh dung lượng up, phía FPT cho rằng: "Trong cùng một thời điểm, nếu có một máy tính khác kết nối với đường dây thuê bao trong mạng nội bộ của khách hàng thì dung lượng đo bằng phần mềm cài đặt ở máy tính của khách hàng sẽ thấp hơn so với dung lượng được đo bằng phần mềm của FPT Telecom do phần mềm không đo được dung lượng download/upload của máy tính kia.
Phần mềm Net Worx khách hàng đang sử dụng có thể reset kết quả đo lường, có thể cấu hình cho việc tắt, bật với thời gian đo kiểm theo ý muốn. Ngoài ra, Net Worx chỉ bật khi máy tính cài đặt được bật, nếu có máy tính khác cắm vào đường dây thuê bao của khách hàng trong khi máy tính không bật thì phần mềm sẽ không đo được lưu lượng Internet phát sinh.
Khi các máy tính tại nhà khách hàng sử dụng các công cụ upload ảnh, gửi e-mail dung lượng lớn… hoặc bị virus, sử dụng các chương trình phần mềm có kết nối tới máy chủ để cập nhật thông tin… mà không qua phần mềm đo kiểm thì khách hàng không tổng hợp được dung lượng này."
Trong khi đó, phần mềm FPT Telecom đo toàn bộ dữ liệu được tải lên và tải xuống trên đường dây thuê bao khách hàng đang sử dụng 01 modem có số Mac: 00:02:cf:ae:ff:6c.
Tuy nhiên, đại diện FPT cũng không phủ nhận khả năng việc tăng lưu lượng bất thường của anh Hảo rơi vào tỉ lệ 0,06% dung lượng truy nhập bị tính cước sai. Nếu rơi vào trường hợp này, FPT sẽ có chính sách hỗ trợ khách hàng theo quy định của công ty.
Để tạo điều kiện cho quá trình theo dõi lưu lượng sử dụng trên đường dây thuê bao của khách hàng, FPT Telecom đã hướng dẫn cách thức kiểm tra lưu lượng trên đường dây thuê bao thông qua modem bằng phần mềm.
DN tính cước: Tiên đề không phải chứng minh
Trong toán học, có những tiên đề được mặc nhiên thừa nhận không phải chứng minh.Với luận điểm: phần mềm đo dung lượng và tính cước của doanh nghiệp là phần mềm có uy tín trên thế giới, được mua lại bản quyền, được đăng kí và cơ quan thẩm quyền đã thừa nhận và kiểm tra định kì, cách tính cước của nhà cung cấp nghiễm nhiên trở thành một tiên đề trong đời sống mà đã là tiên đề thì không phải chứng minh.Và nếu có nghi ngờ về cách tính cước này, xin mời khách hàng tự chứng minh.
Là một trong số ít khách hàng có cài đặt sử dụng, theo dõi và phát hiện ra sự chênh lệch trong suốt 8 tháng nhưng rốt cuộc, những con số chênh lệch chỉ đem lại cho anh Hảo sự bất tín với nhà mạng và những cục tức khó nuốt trôi. Và dù khẳng định đường dây mạng chỉ do mình anh sử dụng nhưng anh cũng đành bó tay khi những con số mà phần mềm đo được không giúp anh chứng minh hay cung cấp hình ảnh 24/24h (trong suốt 8 tháng) là không có ai khác cắm máy vào đường dây mạng nhà anh.
Chỉ có điều, tiên đề toán học thì không có sai số còn tiên đề tính cước của nhà mạng thì có sai số. Và anh Hảo có nằm trong số những khách hàng không may rơi vào tỉ lệ dung lượng truy nhập bị tính cước sai hay không, nói theo một câu cửa miệng là "chỉ có Chúa mới biết".
-
Huyền My
|
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng hãy gửi bức xúc của bạn cho chúng tôi !
Đường dây nóng: (092)345-7799 hoặc (04)3772-2729. |
Email: bvkh@vietnamnet.vn |