- Nước mắm 40o đạm xuất hiện vẩn cặn, khách hàng không dám ăn vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe còn nhà sản xuất khẳng định lọc cặn đi vẫn dùng tốt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nước mắm xịn nổi cặn: Xếp tủ không dám ăn
Tết Nguyên Đán, gia đình anh N.A.T. (Hà Tĩnh) được biếu một số chai nước mắm 40o đạm hiệu Tứ Tuyệt loại chai 300ml của công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết. Gia đình anh đã dùng hết một số chai. Đến tháng 3/2010, khi mang chai cuối cùng ra ăn, anh thấy chai nước mắm còn nguyên niêm phong, còn hơn 1 năm hạn sử dụng nổi rất nhiều cặn.
Chai nước mắm Tứ Tuyệt của gia đình anh T. với rất nhiều cặn bên trong. |
Nhìn từ bên ngoài, phần nước mắm trong chai xuất hiện rất nhiều hạt nhỏ, không giống cặn muối thông thường. Khi để lắng một lúc lâu, những hạt nhỏ này đọng dưới đáy chai, và lơ lửng trong chai nếu lắc lên.
Lo lắng, anh T. đã gọi điện cho nhà sản xuất theo số điện thoại in trên chai, anh được trả lời chỉ cần lọc qua, vẫn dùng tiếp được và không ảnh hưởng tới sức khỏe. Anh nói: "Tôi không biết chính xác chai nước mắm này có phải do công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết sản xuất hay không mà sao có nhiều cặn thế. Tôi có nên tiếp tục sử dụng sản phẩm hay không và nếu dùng liệu có ảnh hưởng tới sức khỏe. Thật khó tin nhà sản xuất khi mà cặn như vảy gầu tóc cứ bơi khắp chai."
Vào năm 2008, một khách hàng mua chai nước mắm Phú Quốc siêu cốt- cá mực 52oN của ơ sở thuỷ sản Tâm Đức (Hà Nội) cũng gặp hiện tượng nổi cặn giống vảy gầu tóc. Theo lí giải của người đại diện cơ sở sản xuất này, nước mắm siêu đạm sản xuất theo phương pháp truyền thống không pha thêm hóa chất dễ nổi mảng đục bên trong nếu thời tiết quá lạnh, nhưng nếu sử dụng cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trước đó, có lần đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP TP Hà Nội phát hiện loại nước mắm 52oN siêu đục, còn hạn sử dụng nhưng cặn đã đóng thành mảng mà nguyên nhân được xác định là nước mắm bị pha lẫn tạp chất.
NSX: Chỉ cần lọc, nước mắm vẫn dùng tốt
Theo đại diện truyền thông của công ty cổ phần nước mắm Phan Thiết (Fisaco), công ty đã phát hiện ra hiện tượng lắng cặn này từ chai mẫu lưu của phòng kĩ thuật. Theo TCVN 5107-2003, về các chỉ tiêu hóa học thì sản phẩm đạt yêu cầu, chỉ chưa đạt yêu cầu về chỉ tiêu cảm quan là độ trong. Bởi vậy, Fisaco đã tiến hành thu hồi lô sản phẩm nói trên, nhưng trên thị trường vẫn còn sót lại một số sản phẩm và đến tay người tiêu dùng.
Phơi nắng - một công đoạn trong quá trình sản xuất nước mắm truyền thống. Ảnh: MT
Hiện tượng này xảy ra là bởi trong năm 2009, công ty Fisaco có tiến hành thử nghiệm rút ngắn thời gian lắng lọc của nước mắm cao đạm 40oN, đã thành công với mẫu nhỏ. Sau đó Fisaco tiến hành sản xuất với mẫu lớn khoảng vài ngàn lít thì xảy ra hiện tượng lắng cặn đạm.
Theo Fisaco, công ty đã không lường trước được hiện tượng lắng cặn này.
Công ty Fisaco cũng đã đem mẫu nước mắm bị lắng cặn đạm đến trung tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng 3 kiểm tra vào ngày 02/02/2010. Theo kết quả kiểm tra, cặn trong chai nước mắm là đạm tổng (đạm nitơ toàn phần). Đây là dạng phân giải của Protein trong thịt cá, nên không ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người , không ảnh hưởng đến vệ sinh an tòan thực phẩm, chỉ ảnh hưởng về mặt cảm quan. Công ty Fisaco đã tiến hành khắc phục để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu cảm quan của nước mắm
Trước nay trên thị trường, thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng nước mắm lắng cặn muối còn hiện tượng lắng cặn đạm này hiếm khi xảy ra và chỉ xuất hiện ở loại nước mắm có độ đạm cao từ 40oN. Hiện tượng này xảy ra bởi trong quá trình sản xuất, thời gian lắng lọc ngắn nên trong khoảng thời gian nhất định, đạm toàn phần trong chai nước mắm kết hợp với muối lắng lại đáy chai. Khi lắc lên, cặn này sẽ lơ lửng. Lượng cặn đạm này khi xuất hiện vẫn giữ nguyên trong quá trình bảo quản. Còn chất lượng nước mắm vẫn không thay đổi, không bị hư thối, nước mắm vẫn trong cẩn , màu vàng đậm, mùi thơm.
Đối với những khách hàng mua phải sản phẩm xuất hiện lắng cặn, sau khi nghe giải thích từ phía công ty, một số người đã làm theo hướng dẫn lọc và tiếp tục sử dụng. Một số khác còn lo lắng về chất lượng sản phẩm, chưa yên tâm với lời giải thích thì công ty đến tận nơi đổi hàng lại khi ở gần, nếu ở xa thì liên hệ gởi đổi hàng bằng nhiều hình thức thuận lợi nhất Công ty Fisaco sẽ liên hệ với anh T. để đổi lại sản phẩm.
Tùy loại cặn mới nên dùng tiếp
Theo Bộ Thuỷ sản, sản phẩm nước mắm đạt tiêu chuẩn là nước mắm có độ đạm thành phần: NH3, axit amin và protit thô chưa phân giải, trong đó hàm lượng axit amin phải lớn hơn hoặc bằng 30% mới được coi là nước mắm đảm bảo chất lượng. Và khi dốc ngược chai nước mắm thì không có cặn bã dưới đáy chai. Nếu có cặn bã hoặc tạp chất thì nước mắm đó không đảm bảo chất lượng.
Trong TCVN 5107-2003 yêu cầu về mặt cảm quan của nước mắm Đặc biệt, Thượng hạng, Hạng 1, Hạng 2, Hạng 3 quy định rõ: không được có tạp chất nhìn thấy bằng mắt thường.
Một chuyên gia công nghệ thực phẩm công tác tại Đại Học Cần Thơ cho biết, trong quá trình sản xuất nước mắm bị lắng cặn do 4 nguyên nhân sau:
1. Quá trình thủy phân protein cá trong sản xuất nước mắm chưa hoàn toàn, tạo cặn lắng và nước mắm bị đục;
2. Nồng muối sử dụng trong chế biến nước mắm quá cao, protein đông tụ và muối kết tinh tạo cặn lắng ở đáy chai;
3. Quá trình kéo rút nước mắm không tốt, còn xác cá trong sản phẩm;
4. Nhà sản xuất sử dụng một số loại đường hóa học để điều vị, hóa chất bảo quản trong đó có thể có loại đường, hóa chất bảo quản không có khả năng hòa tan tốt hoặc kết tinh lại sau thời gian bảo quản.
Theo chuyên gia nói trên, đánh giá về mặt cảm quan, cặn lắng trong mẫu nước mắm (anh T. gửi đến VietNamNet) có thể thuộc nguyên nhân thứ 2 hoặc 4. Nếu cặn lắng đó là muối (nguyên nhân thứ 2) thì mẫu nước mắm đó vẫn có thể sử dụng được. Nhưng nếu cặn lắng đó không phải là muối thì có thể là cặn lắng thuộc nguyên nhân 4, người tiêu dùng không nên sử dụng.
-
Minh Trọng
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |